Sống một mình thực sự là một loại năng lực đặc biệt. Người biết sống một mình, biết tận hưởng và tạo ra những giá trị từ cuộc sống này vẫn cảm nhận được hạnh phúc chẳng khác gì cuộc sống “nhiều mình”.
Nhưng ít người hiểu được điều đó. Hình ảnh cuộc sống lứa đôi, gia đình sum họp, bạn bè nâng ly chúc tụng với nụ cười nở trên môi… dường như đã trở thành hình ảnh đại diện cho khái niệm hạnh phúc. Chúng ta nhìn vào đó và nghĩ: À, thì ra hạnh phúc là vậy, hạnh phúc là phải vậy! Ta quên rằng, hạnh phúc thật ra gần gũi hơn nhiều, hạnh phúc có thể không cần bất cứ thứ gì và người nào tạo ra chất xúc tác, mà nó ở trong ta, trọn vẹn, tinh khôi – thứ hạnh phúc an yên từ thân tâm của chính mình!
Tôi có một cô bạn gái rất xuất sắc trong việc quản trị cuộc sống. Vì nhiều lý do, cô chọn cuộc sống độc thân. Một mình giữa thành phố lớn, ở tuổi 37, dường như cô có trong tay tất cả mọi thứ theo chuẩn mực của xã hội: (nhiều) nhà, xe, tài khoản tích lũy, những chuyến du lịch trong và ngoài nước…, duy chỉ thiếu một ông chồng và vài đứa con. Thế thì sao gọi là sống hả con? – mẹ cô thường gọi điện than thở. Trong mắt mẹ, việc cô sống một mình trong căn hộ chung cư cao cấp, đi ăn một mình trong nhà hàng sang trọng, lái xe một mình giữa trời mưa nắng… là hoạt động lầm lũi của một con người cô đơn, cô độc đến tội nghiệp. Mẹ cô nhiều lần than thở rằng, bà sẵn lòng mong con gái bà bớt giỏi, bớt giàu, bớt xinh đẹp… để kiếm lấy một ông chồng bình thường, để có một cuộc sống bình thường, còn hơn là việc cứ xuất sắc đủ điều thế kia mà cũng chỉ lủi thủi một mình!
Bà không biết rằng, với con gái bà, độc thân là một sự lựa chọn, và con gái bà hoàn toàn thoải mái, nhẹ nhõm, hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống ấy.
Những người có năng lực sống một mình – như cô bạn tôi – là những nhân cách độc lập đáng ngưỡng mộ. Họ không ký gửi niềm vui nỗi buồn vào người khác. Họ không sợ hãi buồn tẻ khi ở một mình. Họ tận hưởng không gian và thời gian một mình như một cảnh giới trí tuệ đầy khôn ngoan. Họ có sự hài hòa tự thân, hiểu bản thân và chiến thắng những giới hạn của chính mình. Thực ra, phần lớn chúng ta mất cả đời để học cách xã giao với thế giới bên ngoài, nhưng cốt lõi quan trọng nhất, một thế giới vi diệu đa tầng sâu thẳm bên trong mà ta thường quên lãng, đó là thế giới nội tâm. Những người có năng lực sống một mình làm rất tốt điều này: hiểu và yêu bản thân. Ai đọc Osho cũng từng biết đến câu nói này: Chỉ những người có khả năng ở một mình mới có khả năng để yêu thương, để chia sẻ, để đi vào cốt lõi sâu thẳm nhất của người khác, mà không sở hữu người khác, không trở nên lệ thuộc vào người khác, không thu nhỏ người khác thành một đồ vật và không trở nên nghiện người khác. Họ cho phép người khác tự do tuyệt đối, bởi họ biết, nếu người khác ra đi, họ vẫn sẽ hạnh phúc như bây giờ. Hạnh phúc của họ không thể bị người khác lấy đi, bởi vì nó không do người khác trao cho họ.
Dĩ nhiên, sống một mình không có nghĩa là hoàn toàn không giao du, kết nối với bất cứ ai, mà ngược lại, những người chọn lối sống một mình như tôi biết đều có sinh hoạt rất phong phú, mạng lưới giao tiếp rộng rãi, bạn bè tứ hải giai huynh đệ. Song, bản ngã của họ đủ vững vàng để không dựa dẫm, không lệ thuộc, không ký thác vui, buồn, hy vọng, thất vọng… vào người khác. Họ chủ động hoàn toàn trong cuộc sống của mình. Họ là thuyền trưởng trên con tàu cuộc đời mình.
Bạn thì sao, bạn có năng lực sống một mình không? Bạn có thể tạo cho mình niềm vui mà không cần người khác mang đến không?