Những ngày này ở ngoại ô thành phố, nơi những cánh đồng vụ hè thu mới gặt xong, những ngọn khói đốt đồng đang bay lên. Có những khi trời lặng gió, trong nội thành cũng thoang thoảng nhận thấy mùi thơm quen thuộc của khói rơm. Cái mùi thơm ấy nó gợi lên cho người ta một khoảng trời kí ức sâu thẳm, tha thiết kì lạ.
Vài thập niên trước, nhiều nơi, ruộng đồng còn xen lẫn với những con đường toả ra từ nội thành. Gần lắm. Mùa cốm thấy mùi cốm thơm, mùa gặt thấy mùi lúa chín, mùa đốt đồng khói len vào tận từng con ngõ. Rồi những ngày cuối đông rét mướt thì dường như nghe thấy cả tiếng những bước chân người, chân trâu bì bõm cày bừa, nghe thấy cả những khoảnh ruộng mạ đang tí tách nảy mầm, đợi ăn tết xong, buông bát buông đũa là kéo nhau ra đồng cho đẹp ngày…
Đất nước chín mươi triệu dân của chúng ta phần lớn từ nông thôn mà ra, tổ tiên là nông dân, lớn lên trên ruộng đồng. Cho dù có dắt díu nhau ra thành phố lập nghiệp thì rồi sớm muộn cũng sẽ nhận ra mình muốn có một nơi để quay về. Thiết tha biết mấy hai chữ “quay về”.
Bố mẹ tôi từ nông thôn, nửa thế kỉ trước lên miền núi khai hoang. Cái thời ấy, đất chật người đông, cả làng được “bốc” gọn ghẽ lên những chiếc xe tải, rong ruổi lên rừng. Càng đi sâu vào trong rừng càng nghe nhiều hơn tiếng chim Bắt cô trói cột khắc khoải “Rừng thiêng nước độc/ Bắt cô trói cột”. Rồi những chuyến xe đầy người, đầy đồ đạc ấy được “đổ” xuống một cái thung lũng dài vài cây số. Đất mênh mông, rừng thăm thẳm. Chặt cây cối, san nền dựng nhà, đắp bờ thành ruộng vườn, đào hố trồng cây… Nửa thế kỉ sau, thế hệ thứ tư đã kịp ra đời. Ấy thế mà cưới xin tang ma giỗ chạp… tất tật cái gì cũng đủ lệ bộ, thủ tục y như cái thời cụ kị ở quê nhà xa tít tắp kia vẫn làm.
Mẹ tôi thường nhớ quê. Càng già càng hay nhớ. Mà trí nhớ con người rất kì lạ. Chuyện của năm mươi năm trước mẹ nhớ như in, nhưng chuyện vừa nói cách đấy nửa tiếng đã quên sạch. Ở vùng đất mới – vùng đất nửa thế kỉ – nhà nào cũng chỉ có rất ít ruộng, vì thiếu nước và vì địa hình không phù hợp để trồng lúa. Nên mỗi mùa thu hoạch cũng chỉ lác đác có vài đụn khói nhỏ bay lên. Có thế thôi mà chao ôi, mấy người già ngồi bậu cửa cũng rưng rưng nhớ bố nhớ mẹ, nhớ ông bà. Cái thời nảo thời nào cấy cày gặt hái đều dùng sức người, thậm chí nhà nghèo không có trâu còn phải chồng kéo vợ đi sau cầm cày…
Sao người ta lại cứ nhớ những lúc nghèo nhỉ? Có lẽ chăng vì nghèo khó như một đoạn đường khó khăn phải bước qua một cách chật vật, mất quá nhiều sức lực, hao mòn quá nhiều tâm trí, và gánh quá nhiều hi vọng trong khi thu về chẳng được bao nhiêu, nên cái đoạn ấy nó in hằn như vết lõm trên đôi vai mấy chục năm gánh gồng? Nhớ nhung và thương mến xiết bao. Nhắc đến là rưng rưng, là chỉ ước ao được quay về. Cái sự quay về, tôi hiểu, là không phải chỉ quay về một vùng đất cụ thể, mà là quay về cái bối cảnh xã hội ấy, khung cảnh làng xã, gia đình, họ tộc ấy. Nó bao trùm lên kí ức, tình cảm, tâm trạng con người ta khi chợt nhận ra mình đã rong ruổi long đong cả đời, và đau đáu ước có khi chỉ vì nhìn thấy, cảm thấy, ngửi thấy một làn khói mà trong đó có mùi của rơm khô, của những hạt thóc lép còn sót lại, của đất đồng với hàng triệu bước chân đã qua.
Làng ở đấy, hồn vía ở đấy, có khi chỉ trong một ngọn khói mảnh như không có thật.