Bạn tôi thi thoảng hay “kể xấu” mẹ mình trên mạng. Chuyện của mẹ con bạn đáng yêu vô cùng. Mẹ ngoài 80, bạn con út, ngoài 40. Đứa con út hồi nhỏ vẫn bị mẹ cầm roi đuổi vòng quanh khu tập thể, đi đâu cũng kể tội mẹ hung dữ nhất xứ, lại là đứa nhiều tình cảm với mẹ nhất. Bạn vẫn thường dành thời gian về ngồi cùng mẹ, dẫn mẹ đi ăn vặt, ngắm phố sá. Mẹ, một mặt càm ràm kêu có chi ngoài đường mà cứ lòng vòng mỏi chân, một mặt cười cười, mắt hấp háy niềm vui. Người già cũng như trẻ con, hồn nhiên lắm, không giấu nổi niềm vui của mình.
Mẹ bạn tôi bị lẫn rồi. Bạn hay đùa dai, thi thoảng hỏi: “Bà cụ, bà cụ nhớ con là ai không nè?”. “Bà cụ” bảo, à… ờ… chú gì đó… quên mất tiêu tên rồi nè. Mà thằng Rơm con chú á, giờ nó sao rồi?. Tên con thì có lúc nhớ lúc quên (quên nhiều hơn nhớ) nhưng vẫn nhớ thằng cháu nội, hỏi thăm suốt khi không gặp. Còn chưa “đau đớn” bằng, ngồi ăn bún xong, trước khi đứng dậy ra về, mẹ còn khều cái thằng con út bị quên tên ấy nói: “Mày lấy cái bao gói xương về cho con chó Lu. Đi vắng hết vầy không ai nấu cho nó ăn, tội nghiệp”.
Sẽ có lúc mẹ có thể nhớ cả tên cháu, nhớ luôn tên con chó con mèo ngay bên cạnh bà nhưng với tình yêu của bạn tôi, bạn vẫn vui lòng. Vui quá đi chứ, vì ở tuổi ngoài bát thập bà vẫn luôn giữ được bên mình những niềm vui, sự quan tâm bé nhỏ. Niềm vui của bạn khiến chúng tôi cảm thấy lây lan. Chẳng ai thấy một bà cụ lẩm cẩm trong những câu chuyện bạn kể, chỉ thấy một người già ấm áp vô cùng. Sự ấm áp ấy chính bởi từ sự quan tâm vui tính bạn tôi dành cho mẹ.
Còn mẹ một chị bạn, ngồi xe lăn. Mỗi độ nhà có dịp tụ tập bà thường thích ngồi nghe con cháu hát. Bà chẳng còn sức mà hát đâu, vẫn cầm tờ giấy và tài tình phát hiện ngay ra đứa nào con nào hát sai nhịp, đàn sai giai điệu. Đám cháu con cháu quây quanh bà, đứa chơi piano, mandoline, guitar… Có những clip của họ tôi xem đi xem lại không chán dù giọng hát chị nhận là “cho vui” nghiệp dư, quả thật có lúc lên cao chưa chuẩn, nhưng cái tình trong đó khiến người ta nghe đắm say. Nghe cái cách con cái âu yếm trêu bà hát cho hay vào, hát không hay là không được ngưng, còn bà móm mém cười hiền hiền thấy yêu sao những khoảnh khắc ấy. Chị bạn tôi kể, hồi nhỏ đứa nào đứa nấy sợ mẹ một phép. Tới giờ, con cái to đùng, mẹ thì bé lại nhưng vẫn đầy quyền uy. Đi đâu về, mọi bực bội, mệt mỏi đều như thể tan hết khi nghe bà cất tiếng hỏi: “Đứa mô đó bay?”.
* * * * *
Ngày tôi còn ở nhà với mẹ, chương trình mẹ tôi vẫn thường hay xem trên ti vi là “Vui, khỏe, có ích”; “Cây cao bóng cả”. Không phải là những chương trình tấu hài, mà chính là chương trình ấy khiến mẹ tôi luôn cười to thoải mái. Bà bảo, diễn viên có diễn cảm động tới đâu thì cũng là diễn, không thấy vui bằng các cụ. Vì là các cụ vui thật, buồn thật, cái bực bội tiếc nuối khi lỡ không trả lời đúng câu hỏi, sự nhiệt tình hát, đọc thơ… dù giọng có khản có lạc cũng rất thành thật, đáng yêu. Có lần trêu mẹ, mai mốt mẹ già, con sẽ đăng kí đưa mẹ đi tham gia chương trình ấy.
Mẹ tôi đối xử với những cụ bà cụ ông trong xóm rất trân trọng. Ngày Rằm, mùng Một, ngày Tết mẹ luôn có cau trầu vôi đầy đủ, kỹ lưỡng chọn những trái cau lá trầu ngon nhất. Những trái cau mẹ cất dành biếu bà Cảnh Nguyên cách nhà tôi mấy nhà sau khi thắp hương. Có lần, buổi tối, mẹ giục tôi mang trầu cau qua biếu bà, tôi chần chừ vì đang làm bài dở, tính lờ đi để sáng mai đi. Sáng mai thấy trầu cau không còn vì mẹ đã mang qua rồi. Trong suy nghĩ của tôi, trầu cau chưa ăn thì để qua hôm sau cũng chẳng sao, trong suy nghĩ của mẹ, món quà dành tặng người khác, phải là lúc thật đẹp, thật ngon. Nhất là với người già, dù chỉ là món quà nhỏ cũng phải rất trân trọng, vì đó là tấm lòng.
Mỗi độ về quê ở Đô Lương mẹ thường đi chợ thật sớm, chọn mua những miếng cá thu ngon nhất chợ Vinh. Dù rằng khi ấy, hoàn cảnh nhà tôi khá khó khăn, thường chỉ mua cá thu ù, cá ngừ để ăn. Những miếng cá thu mẹ dành biếu ông bà, các cố thơm phức, trắng tươi. Mẹ nghĩ rất chất phác: trẻ còn nhiều cơ hội để ăn, các ông các bà đã tuổi gần đất xa trời, ở quê lại không phải vùng biển nên chẳng mấy khi có miếng cá thu ngon nên càng cần bù thiệt thòi cho các cụ. Mẹ nhắc tới từng quả ổi, quả táo, bắp ngô, miếng khoai các cụ hàng xóm cho trong một buổi sáng đi học nào đó khi mẹ còn nhỏ. Ân tình của mẹ cho chúng tôi được lớn lên trong những ngọt ngào.
Người già ấy mà, là cây cao bóng cả đấy nhưng chớp mắt thôi có khi đã thành mây trắng. Mỗi lần gặp các cụ đều có thể là lần gặp cuối cùng. Vì thế, với họ, bất cứ việc gì mình làm đều phải trọn vẹn yêu thương. Chẳng có nhiều cơ hội để còn có thể nâng niu. Mẹ tôi từng nói như thế. 5 năm về trước mẹ tôi theo mây trắng về trời, khi mới ngoài 60. Sau đó một thời gian dài, đôi lúc tôi nhiều khi như trôi như bất định trên phố khi gặp những dáng hao gầy giống mẹ mà tự hỏi bằng tuổi ấy mẹ tôi có còn thẳng lưng thế không, có thong thả không hay vẫn quen tất bật? Hỏi chỉ để mà hỏi, để có cớ nghĩ đến mẹ vậy thôi. Mẹ tôi đã kịp già đâu thì đã mãi xa xôi rồi…
Tranh, ảnh minh họa: Internet