Những ngày này, lòng dạ thật rối bời, khi mỗi sáng thức dậy, mở lên một trang báo bất kỳ, những dòng tin rồi số lượng ca nhiễm và tử vong liên quan đến Covid-19 không ngừng tăng lên. Mặc dù đã ở nhà, theo tinh thần: “Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn hãy ở nhà vì chúng tôi” từ đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam cũng như trên thế giới, dù đã cố gắng trấn tĩnh nhưng cảm giác bất an vẫn không sao dịu xuống. Không một ai biết tình trạng này sẽ còn diễn ra trong bao lâu? Và liệu những người mà mình đã và đang tiếp xúc, dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào, có mang mầm bệnh trong người?
Mấy hôm trước, tôi tranh thủ lên bưu điện thành phố gửi một ít đồ về nhà. Bưu điện những ngày này thật vắng, lèo tèo đôi ba người ra vào gửi hay nhận đồ, không còn những du khách thảnh thơi thăm thú, chụp ảnh. Khoảng sân trước bưu điện tuyệt nhiên không một bóng người, cả ta lẫn Tây. Gửi đồ xong, tôi ra lấy xe rồi chạy loanh quanh qua một vài con phố quen. Tôi đi qua Đường sách, qua hồ Con Rùa, là những nơi mà thường ngày lúc nào cũng huyên náo, ồn ã. Ấy vậy mà hôm đó cũng vắng ngắt vắng ngơ. Bỗng nhiên thấy thương thành phố những ngày này quá đỗi! Thương cả đồng loại của mình khi không phải đương đầu với một cuộc chiến tưởng vô hình mà lại hữu hình.
Nhưng có điều, trong cuộc chiến này, dường như thiên nhiên đứng ngoài cuộc với chúng ta. Rõ là chim vẫn hót, mây trời vẫn bay, lá và hoa vẫn không ngừng xôn xao và tỏa hương. Và thử nhìn sang Venice mà xem. Theo báo chí, giữa những ngày phong tỏa, khi ai ở yên nhà nấy, hoạt động du lịch phải dừng lại thì bỗng nhiên Venice có sự thay đổi đến ngỡ ngàng: dòng nước đang trong xanh trở lại, có cá bơi tung tăng. “Thiên nhiên đã trở lại… đẹp làm sao”, một ai đó đã bình luận. Một người khác thì cho rằng, lần đầu tiên sau 60 năm, sau thời gian dài ô nhiễm do khai thác du lịch quá nhiều, Venice mới trong xanh trở lại, kéo theo rất nhiều thứ cùng trở lại như cá, vịt…
Trên đường từ trung tâm thành phố trở về nhà, là vùng ngoại ô nhưng cũng đang phát triển từng ngày, tôi bắt gặp đàn trâu đang thung thăng gặm cỏ trên bãi đất trống, như vô can với tai ương mà loài người đang ngày ngày phải hứng chịu. Đàn trâu ấy sẽ là một hình ảnh khiến những người ưa hoài niệm nhớ đến một khung cảnh yên bình nơi thôn quê. Ngặt nỗi, bên cạnh bãi đất trống ấy không phải những thửa ruộng trù phú, không phải những ngôi nhà cấp bốn mái ngói đỏ tươi mà là công trình xây dở, ngổn ngang đá, cát. Rồi không lâu nữa, những tòa nhà kiên cố mọc lên, bãi đất trống biến mất, đàn trâu ấy, nếu còn ở phố sẽ ăn gì? Liệu chúng còn cảm thấy được thảnh thơi, tự do nữa không?
Sự phát triển như vũ bão của các đô thị, đi cùng với đó là chủ nghĩa tiêu dùng thực dụng của loài người ngày nay, đã và đang xâm phạm, tàn phá thiên nhiên, gây ra biết bao hệ lụy: nguồn nước cạn kiệt, không khí ô nhiễm, thiên tai tàn khốc, biến đổi khí hậu… Cần nói về mưu cầu, về chủ nghĩa thực dụng của loài người, chỉ cần nhìn vào ngành thời trang, sẽ có ngay một minh chứng không thể chân thực hơn. Ngành công nghiệp thời trang hiện đang là ngành tàn phá môi trường vào bậc nhất, từ khâu sản xuất ban đầu đến lúc bị vứt bỏ ngoài bãi rác. Không khó khăn để có thể tìm thấy trên internet số liệu về hủy hoại môi trường do ngành này gây ra. Như một tiến trình chưa có hồi kết, từ “mặc ấm”, con người tiến lên “mặc đẹp”, rồi sang trọng, hiệu này hiệu kia; tiếp đến là thừa mứa – như một bài hát đã chỉ ra: “Người yêu tôi không có gì để mặc, dẫu một bao tải quần áo trong kho”.
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen cho rằng, thiên nhiên gửi cho chúng ta một thông điệp qua đại dịch virus corona và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Theo Andersen, loài người đã đặt quá nhiều áp lực lên thế giới tự nhiên với những hậu quả tai hại, và cảnh báo rằng không chăm chút hành tinh này đồng nghĩa với việc không chăm chút chính bản thân chúng ta. Người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc bày tỏ: “Có quá nhiều áp lực cùng một lúc lên các hệ thống tự nhiên và phải mất đi một cái gì đó. Chúng ta có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên, dù muốn hay không. Nếu chúng ta không chăm chút cho thiên nhiên, chúng ta cũng không thể nào chăm chút bản thân. Và dân số hành tinh này sắp đạt mốc 10 tỷ người, chúng ta cần hướng tới tương lai với tâm niệm rằng thiên nhiên là đồng minh mạnh nhất”.
Tính đến ngày 10/4, toàn thế giới có hơn 1,6 triệu người nhiễm, hơn 95 nghìn người tử vong. Đây thực sự là những con số gây đau lòng, nhưng mặt khác cũng khiến chúng ta phải thức tỉnh. Sẽ ra sao nếu chúng ta tiếp tục có những hành vi gây tổn hại đến thiên nhiên? Dẫu rằng ngày mai chưa đến, cũng không rõ khi ngày mai đến sẽ mang theo nụ cười hay nước mắt, bất hạnh hay vui sướng. Nhưng ngay ngày hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được hành vi của mình, hạn chế những việc làm có thể hủy hoại đến môi trường. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc mua sắm ít lại một chút, sống với nhu cầu cơ bản; thay vì phải có “một bao tải quần áo trong kho”, chỉ cần vài ba bộ đủ cho sinh hoạt lẫn công việc. Bấy nhiêu thôi, chúng ta đã góp phần giúp Trái đất nhiều lắm rồi. Mà thực ra, cũng chính là đang giúp chúng ta!