Thuở thiếu thời tôi chết mê chết mệt bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, đắm đuối nhất vẫn là câu “ta nghe trong gió bao nhiêu là chuyện lạ”. Thực tuyệt cú! “Chuyện lạ” chỉ nên “nghe trong gió” thôi. Mà không việc gì phải dè sẻn, “bao nhiêu là chuyện lạ” cũng được tất.
Nguyễn Văn Tý đã kể một câu chuyện thần thoại bằng âm nhạc trong veo, chạm vào những nhược điểm đáng yêu nhất của con người mà không chút vụng về. Người xưa nói “một lạ bằng xã quen”. Hết cãi, ngon hay không ngon tính sau, cứ lạ là “mần”. “Một lạ” mà háo hức “cả xã” rồi, đằng này lại “bao nhiêu là chuyện lạ”. Không tò mò không làm người được. Chết mất!
Tuy nhiên đó là bài hát tuyên truyền cho công trình đại thủy nông mấy mươi năm về trước. Cái thời chúng ta vừa nô nức vừa ngơ ngác hỏi nhau “người đi đâu mà như trẩy hội?”. Cái thời cuộc sống hồn nhiên, thô sơ mộc mạc đến mức “chim hái được quả chín hồng tươi, ta cũng tìm kiếm chi vài dăm quả”. Thuở ấy chuyện lạ đơn thuần và đúng nghĩa lắm. Còn ngày nay, khi sự bóng bẩy thế hệ 4.0 thì mọi thứ khác xưa nhiều lắm. Có những chuyện lạ không tài nào hiểu được dẫu nó sờ sờ ra chứ ta không cần phải “ta nghe trong gió” nữa.
Con người có khi cũng giống như không phải con người vậy, cái gì lạ là y như rằng cái đó kéo giác quan tập kích ngay lập tức. Một quán bún bò nườm nượp khách vì chủ quán có thâm niên chửi khách. Một chị nông dân rầm rộ lên báo vì trồng được dưa hấu hình vuông. Một chủ tịch xã nổi tiếng vì viết thư xin lỗi dân bằng thể lục bát. Một con lợn gây sốt mạng vì có khuôn mặt giống mặt người. Một con chó “triệu lai” vì có khả năng sủa theo giai điệu tân nhạc. Cao hơn tý nữa, một đàn dê hộ nghèo bỗng nhiên đi lạc vào nhà bí thư đảng ủy xã, lạ. Một cựu lính ngụy quyền bỗng nhiên được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, lạ. Một người bị đứt tay do ăn trộm tà vẹt được công nhận là thương binh, lạ. Vâng ấy là những chuyện lạ, cái lạ nguyên sơ, cái lạ đúng nghĩa gốc của từ điển. Chưa ai kịp xuyên tạc hay mỉa mai nó.
Chỉ có điều, cái lạ bây giờ… lạ lắm. Những thứ vốn bình thường thậm chí hiển nhiên cũng có thể trở thành lạ. Một công bộc không nhận tiền mãi lộ cũng trở thành chuyện lạ! Sếp nói sai phè phè, không ai lên tiếng, lạ, nhưng có ai đó mở khẩu nhả ngôn cãi lại thì còn lạ gấp trăm lần. Lạ vì trong cơ quan có người tốt đến mức dám cãi sếp. Một “hót gơn” với tấm bằng tại chức ngồi chưa ấm ghế văn thư bỗng nhiên lủi vào danh sách quy hoạch phó giám đốc sở, không lạ, chỉ đến khi kẻ “nâng đỡ không trong sáng” nằm ngoài mọi dự đoán mới làm cho thiên hạ té ngửa. Lạ quá, tưởng là bác ấy, nhưng không phải bác ấy mà là… bác ấy! Thiên hạ tráng miệng kháo “nhầm hàng” mà khổ chủ không hề lên tiếng! Lạ đến thế là cùng. Mỗi ngày trôi qua chúng ta gặp vô vàn chuyện lạ, nào là văn bản lạ, quy trình lạ, thái độ lạ, thậm chí có cả tử tế đến lạ! Và rồi có cả những cái lạ sẽ biến thành quen nếu lặp đi lặp lại…
Nhân đây xin bàn thêm về một câu chuyện đang làm nóng cộng đồng liên quan đến chữ lạ. Chả là mấy ngày vừa qua người ta xôn xao bàn tán về một cách đánh vần lạ xuất hiện trong các trường tiểu học. Nó lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, kéo theo những cuộc tranh cãi bất tận. Câu chuyện bắt đầu từ đoạn clip do phụ huynh có con vào lớp 1 chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem. Trong clip, cô giáo hướng dẫn cách đánh vần từng âm tiết rất lạ, “ki” đọc là: cờ – i – ki. “uôn” đọc là: ua – nờ – uôn; “qua” đọc là: cờ – ua – qua.
Té ra đây là cách đánh vần theo sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại, được thí điểm trên cả nước từ nhiều năm nay.
Ơ nhưng sao triển khai đã nhiều năm nay mà bây giờ phụ huynh mới có cơ hội được hoảng hốt nhỉ? Lạ, cứ mỗi lần giáo dục nước nhà cất lên bài ca đổi mới nào đó là họ lại “tận hưởng” vô vàn chỉ trích. Nếu gọi cách đánh vần “lạ” đang xôn xao kia là “công nghệ” mới thế thì hầu hết chúng ta đều là sản phẩm của đánh vần “công nghệ lạc hậu” à? Không hiểu người ta tráo cách đánh vần để làm gì, đánh vần suy cho cùng cũng chỉ để biết đọc, mà vấn đề biết đọc đâu có là quốc nạn? Chả nhẽ chỉ vì một vài trường hợp học lên cấp 2 chưa đọc viết thành thạo nên các bác phát hoảng? Không đâu, công nghệ nào thì cũng có cá biệt hết. Học cách nào thì vẫn có những cô cậu học trò tiếp thu theo “công nghệ đổ nước lá khoai” mà thôi. Vấn đề mà các bác chơi chữ gọi là “nhầm lớp” không phải là do công nghệ đánh vần lạc hậu mà là do bệnh thành tích đấy! Học sinh không biết đọc, kệ, giáo viên vẫn cấy điểm ủn lên lớp cho xong. Đây mới là vấn nạn đáng bàn của giáo dục là lương tâm là trách nhiệm, là đạo đức, cái này thì đua nhau “đánh vần” mấy nhiệm kỳ rồi thưa các giáo sư.
Không ai phản bác áp dụng công nghệ, nhưng cách chúng ta áp cái mới mà làm cho phụ huynh giật thột như vừa rồi thì quá bất ổn đi. Ngôn ngữ trong đó có chữ viết là không phải là thứ tài sản được “cấp bìa đỏ” riêng cho bộ nào. Việc đọc các chữ “k”, “q” thành chữ “cờ” nếu thực sự hữu ích và chắc chắn không để lại hệ lụy thì cũng cần xin ý kiến rộng rãi trước khi cơ quan thẩm quyền xem xét và phê duyệt. Chữ viết không phải bí mật quốc gia vậy nên không việc gì phải “làm trộm” cả. Nó tốt thì không sao chứ ngược lại ai sẽ chịu trách nhiệm? Nếu cái “giáo dục công nghệ” (ngay từ lớp 1 đã dạy cho học sinh phân biệt khái niệm âm (vị), các khái niệm ngôn ngữ học như âm tiết, tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối, âm đệm) để lại hậu quả thì còn cơ hội mà “rút kinh nghiệm sâu sắc” nữa không? Được biết hiện có 44 trên 63 tỉnh, thành đã áp dụng cách đánh vần theo “công nghệ” mới. 44/63 sao còn gọi là thí điểm? Mà đã là đại trà sao không kỷ luật gần hai mươi đơn vị “chống lệnh” còn lại? Hay chúng ta “bắt cá hai tay”? Việc trên một quốc gia tồn tại song song hai cách đánh vần thì rõ là không ổn rồi các bác ơi.
Tôi trân trọng Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ông ấy cũng không đơn độc, ngoài bộ ra thì ít nhất một người làm khoa học lên tiếng ủng hộ giáo dục “công nghệ” đó là PGS-TS Bùi Hiền, người từng đưa ra đề xuất cải tiến từ “Tiếng Việt” viết thành “Tiếq Việt”. Ông rất hoan nghênh cách triển khai đánh vần “công nghệ” bởi “Theo nguyên tắc ngữ âm học của chữ viết, thì viết thế nào đọc như thế, âm sao phải đọc như vậy chứ không được khác đi. Trong tiếng Việt chỉ có một âm “cờ”, viết kiểu gì thì viết cũng chỉ có một âm “cờ” mà thôi. Các chữ cái “c”, “k”, “q” đều đọc thành “cờ” là đúng và khoa học”. PGS Bùi Hiền cũng cho rằng ý tưởng mà GS Hồ Ngọc Đại đưa ra trong sách “Công nghệ giáo dục” hoàn toàn trùng với ý tưởng, nghiên cứu mà ông đã công bố trước đó.
Hiểu. Rõ rồi, với tôi thì việc bác Bùi Hiền ủng hộ bác Hồ Ngọc Đại chả có gì là lạ cả! Đành rằng vẫn có người đặt câu hỏi rằng tại sao cái mới, cái tiến bộ không khởi sinh từ trí tuệ người trẻ mà vẫn phải chờ đợi những bậc tiền bối U80, thậm chí U90? Giáo dục nước nhà thiếu sức trẻ và giàu kinh nghiệm đến mức ấy? Khâm phục các cụ bao nhiêu lại bận lòng về thế hệ trẻ bấy nhiêu. Âu đó cũng là cái lạ mà đến nay chúng ta thấy quá quen rồi.
Cuối tuần bàn về chữ “lạ”, tự nhiên lại tò mò muốn biết chữ “lạ” theo công nghệ mới sẽ được đánh vần như thế nào?!