Tôi thường được mời làm diễn giả tại các buổi talk show quy mô vừa và nhỏ dành cho các em học sinh cấp ba và các bạn sinh viên. Tức là những đối tượng đang loay hoay trong việc định hướng nghề nghiệp cho mình. Đôi khi tôi nghĩ chắc người ta mời tôi vì tôi nói chuyện tức cười chứ chẳng phải vì tôi nắm giữ bí quyết thành công hay cái gì ghê gớm cả.
Kiểu như, có lần một bạn sinh viên hỏi tôi: Khó khăn lớn nhất chị gặp phải khi làm trong ngành Sáng tạo nội dung – Quảng cáo là gì? Cả hội trường sau đó đã phá lên cười khi tôi trả lời rằng khó khăn lớn nhất với tôi là ngăn mình không đánh khách hàng. Bạn nghĩ tôi nói đùa? Không, nghiêm túc đấy.
Một lần, tôi viết ý tưởng quảng cáo cho một sản phẩm snack ăn vặt và nhận được phản hồi của khách hàng như sau: “Chị thấy ý tưởng nhìn chung khá ok nhưng các em cần chỉnh sửa lại một số chỗ để phù hợp với đối tượng khách hàng của bên chị. Cụ thể, chị muốn các em xây dựng nhân vật chính phải là một học sinh chăm chỉ, có nỗ lực thực sự thể hiện qua việc bạn này ra sức ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi sáng hôm sau. Tuy nhiên, các em phải đưa thêm việc chơi game vào vì đối tượng khách hàng chính của bên chị là các bạn game thủ…”. Ô hay, thế thì khác gì yêu cầu Quỳnh Búp Bê đi khởi nghiệp ở Trần Duy Hưng nhưng vẫn phải giữ mình trinh trắng? Đọc xong yêu cầu của khách hàng, tôi cáu quá buột miệng nói với trưởng phòng: “Anh bảo khách ăn c*t chứ đừng ăn snack nữa!”. Nói xong mới hối hận, cứ đinh ninh bị đuổi việc nhưng may sao trưởng phòng bỏ qua cho vì… cũng cùng quan điểm với tôi, hì hì.
Nói vui vậy chứ thực sự, làm trong ngành này khiến tôi nhận ra hai điều. Thứ nhất, khách hàng luôn đúng. Thứ hai, nếu khách hàng sai, xem lại điều thứ nhất.
Thực vậy, tranh cãi với khách hàng về vấn đề đúng sai sẽ không đem lại lợi ích gì cho bạn. Bạn thắng họ không đồng nghĩa với việc ký được hợp đồng, thậm chí là ngược lại. Có lần tôi chứng kiến một bạn account của công ty cãi nhau với khách về kiến thức truyền thông. Kết quả là tạch luôn hợp đồng dù khách đang rất thích ý tưởng của bọn tôi và tệ hơn nữa là sau đó công ty bị mang tiếng “nói chuyện hỗn với khách”. Vậy nên, hãy nhớ rằng, nếu khách hàng không đúng thì tiền của họ đúng. Hơi thô nhưng thật.
Sau khi gặp phải đủ loại khách dở hơi trời ơi đất hỡi, một ngày nọ, tôi bất chợt nhận ra mình đã học được cách im lặng vì lợi ích thay vì phản bác để bảo vệ quan điểm của mình. Tôi cũng không chắc điều ấy là tốt hay không tốt. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta có thể nói chuyện với bố mẹ một cách ngoan ngoãn và khiêm nhường như nói chuyện với khách thì tốt biết mấy. Bởi tranh cãi với bố mẹ cũng chẳng đem lại cho chúng ta lợi ích gì. Nếu thua, ta bị đánh đòn. Nếu thắng, ta khiến bố mẹ đau lòng. Buồn cười ở chỗ, chúng ta chỉ nhận thua trước người ngoài mà thôi.