Giáo dục môi sinh

Bầy trẻ con chơi trong công viên buổi chiều. Một đứa cầm diều, vài ba đứa chạy đuổi theo sau. Chúng chạy lòng vòng trên khoảng sân lát gạch, rồi giẫm bình bịch lên thảm cỏ xanh mịn. Một lát sau, gió thổi diều mắc vào cành cây cao. Mấy đứa rủ nhau bẻ cành thấp để làm gậy hất diều xuống. Răng rắc, răng rắc… Cành cây non cứ thế lìa thân. Bầy trẻ hò reo vì được việc.

Đã ai nói với chúng rằng, một cái cây lớn lên từ một hạt mầm. Một hạt mầm phải trải qua rất nhiều năm tháng, vượt rất nhiều gió bão mới trở thành một cái cây vững chãi. Khi ai đó ngắt đi một chiếc lá, bẻ đi một cành non, có nghĩa là đã tước đoạt đi nhiều năm sự sống của cây rồi. Mà sự sống của cây, ở nghĩa nào đó, cũng chính là sự sống của chúng ta – loài người.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng, một người biết yêu thương từng chiếc lá, nhành hoa, từng cái cây, ngọn cỏ thì khó có thể sống ác. Dạy trẻ yêu cây cối, yêu thiên nhiên là khởi nguồn của tình yêu thương ông bà, cha mẹ, gia đình, nhân loại. Tình yêu thiên nhiên chắp cánh cho bác ái. Nhưng lâu nay, loài người bận mải dành tình yêu cho nhiều điều mà lãng quên thiên nhiên. Loài người hoang tưởng rằng, thiên nhiên là vô tận. Chúng ta chặt hạ cây rừng, xâm hại nguồn nước ngầm, phát triển công nghiệp như vũ bão, gia tăng khí thải CO2… khiến biến đổi khí hậu đang trở thành nỗi lo toàn cầu. Trong hai thập kỷ qua, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh nhất thế giới – khoảng 5% mỗi năm. Diện tích hệ sinh thái rừng tự nhiên trên khắp cả nước bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Độ che phủ rừng chỉ còn chưa đầy 40%. Diện tích mặt hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn khoảng 10%.

Tình yêu thiên nhiên là mệnh đề nhỏ của khái niệm rộng lớn về môi sinh. Môi sinh, tức môi trường sống là tương quan và tương tác giữa một vật thể hoặc sinh vật trên Trái Đất và các điều kiện tự nhiên như không khí, nguồn nước, lương thực. Nhìn ra một số nước trên thế giới, việc giáo dục môi sinh rất được quan tâm chú trọng. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, giáo dục môi sinh đã được đưa vào hệ thống giáo dục của nhiều nước: Liên Xô, Bỉ, Phần Lan, Đức, Nhật, Mêxicô, Mỹ… Cho tới nay, ở nhiều nước, giáo dục môi sinh, môi trường nằm trong chương trình giảng dạy như một môn học chính khóa, cũng nhiều nơi đưa vào như một môn học tự chọn. Ở Việt Nam, nội dung giáo dục môi trường được đưa vào chương trình theo kiểu tích hợp và lồng ghép trong các môn học về tự nhiên, xã hội. Nhiều kiến thức về thiên nhiên và môi trường được đề cập tới, nhưng như vậy đã đủ chưa? Kiến thức cũng chỉ là lý thuyết, thiếu vắng hoàn toàn những chương trình thực hành để trẻ ứng dụng vào thực tiễn. Không nhiều trẻ biết cách trồng một cái cây, chăm một nụ hoa; mấy trẻ biết phân loại rác thải, biết nguy hại từ khí thải của ống bô xe máy khi dừng đèn đỏ? Thiết nghĩ, từ bậc tiểu học cho đến đại học, dù là chương trình chính khóa hay chỉ là một phần lồng ghép trong toàn bộ môn học, giáo dục môi sinh phải được thiết kế sao cho kiến thức chỉ là phương tiện, phải dùng phương tiện đó để biến thành hành động vì một hệ sinh thái lành mạnh. Đó là mục đích tối hậu của giáo dục môi sinh. Giáo dục môi sinh phải làm sao để trẻ hiểu đó không phải là một nghĩa vụ mà là vấn đề sống còn, là tương lai của nhân loại. Chúng ta sẽ sống và phát triển cùng nhau và cùng với Đất Mẹ, hoặc tất cả đều không thể sống còn.