Sáng nay gặp một người quen đã lâu không gặp. Cô ngoài 70, tay mang túi cói nhỏ xinh. Cả mấy đứa 8X trầm trồ khen túi cô độc lạ. Cô cười cười, tự hào khoe, đó là cái túi mẹ cô tự tay đan, để lại, cô mang theo 20 năm nay rồi. Khi nói điều ấy, tôi thấy ánh mắt người đàn bà tuổi ngoài 70 hấp háy niềm vui và sự xúc động.
Tôi cũng có một cái túi xách tay nhỏ mẹ để lại. Bằng da giả, trầy tróc tứ phía. Trước khi mẹ mất vài tuần, bỗng một hôm tranh thủ khi tỉnh táo giữa những cơn đau vật vã vì bệnh nan y, mẹ gọi hai đứa con gái lại “chia của” những thứ gắn bó thân thuộc với mình.
Mấy thứ còn dùng được thì đừng mang đốt đi, ô nhiễm môi trường, lãng phí – Mẹ dặn. Điện thoại cục gạch – là món quà tháng lương đầu tiên sau khi ra trường, em gái tặng mẹ, mẹ cho lại đứa em… Đến cuối cùng, sực nhớ ra cái túi tróc tứ phía, mất móc đeo, quai túi phải may thít vào, mẹ hỏi: – Thu Hương cần không? Đeo túi ni ra đường yên tâm không bị dòm ngó, chụp giựt. Sẽ rất an toàn khi chở Đốm, Bống đi học này.
Khi ấy tôi phải cố lắm để nước mắt không trào ra.
Tôi làm chủ cái túi ấy 7 năm nay rồi. Thực ra trước đó, đi chăm mẹ trong Bệnh viện 103, Bệnh viện Chợ Rẫy, mẹ luôn ép tôi cầm theo cái túi ấy mỗi khi đi đó đây để đỡ lo bị cướp giật. Túi đựng cả tiền chẵn, tiền lẻ của mẹ dành dụm, mẹ không muốn con cái phải vất vả quá với mình. Tôi phải âm thầm giấu mẹ nhét thêm tiền vào để người yên tâm, không quá lo lắng về chi phí chữa bệnh.
Từ khi mẹ mất đến nay tôi không cầm túi ấy ra đường, cũng không giặt lại vì tiếc mùi mồ hôi có lẽ vẫn còn vương lại xíu xiu trong chiếc túi, trên tay cầm, trong những tờ tiền lẻ còn sót… mà cất kỹ trong ô tủ cá nhân – nơi lưu giữ những kỷ vật vô giá đối với mình.
Cũng như tôi, bạn tôi giữ mãi chiếc áo bông chần của mẹ mình gần 10 năm nay. Dĩ nhiên là không hề giặt kể từ ngày mẹ mất đi. Bạn gói trong tấm ni lông, lâu lâu nhớ mẹ quá mang ra mặc hoặc úp mặt vào đó, thấy chút lưu hương mang theo hơi ấm của mẹ trong tâm tưởng vẫn còn lẩn quanh đâu đó nơi từng sợi vải.
Anh bạn khác của tôi, giữ mãi kỷ vật của mẹ là một nhánh tóc mẹ mình. Nhánh tóc trên mái tóc mẹ mà anh đã yêu thương từ thời rất bé cho đến mãi mãi về sau. Người mẹ ấy hẳn đã rất hiểu, rất yêu con trai mình khi âm thầm gửi lại một nhánh tóc trước khi người rời đi.
* * * * *
Có lần, một người bạn làm mắt tôi cay xè khi chị kể về bức thư để lại của mẹ. Bức thư ấy mẹ viết trong những ngày cuối cùng. Một nửa bức thư là nét chữ chân phương, tròn trịa của mẹ. Nửa còn lại, vẫn là nét chữ mẹ nhưng méo mó, run rẩy. Có lẽ đó là lúc mẹ vừa thở dốc giữa những cơn đau, vừa ráng viết gửi lại cho các con.
Bức thư dặn đám con cái ở lại đừng buồn mà hãy luôn vui vẻ, yêu quý nhau vì mẹ chỉ mong muốn thế. Niềm vui của mẹ là các con sống tiếp phần đời của mình hạnh phúc chứ không phải buồn đau khi mẹ ra đi. Mẹ dặn con cái – đúng chất một bà mẹ quê tần tảo – rằng nhà cửa kiểu gì cũng nên có cái vườn, vài cái cây ăn rau, hái quả.
Bạn tôi nhà ở thành phố vẫn có một giàn bầu trước khoảng sân rất nhỏ. Những bài học trồng cây, thụ phấn cho cây, kể cả khi ong bướm không bay về vẫn được bạn làm thành thạo. Bàn tay bạn có lẽ mang theo bóng dáng bàn tay yêu cây trái, vườn tược của mẹ mình. Bạn nói, nghĩ khi mẹ đau đớn, hiểu mình sắp rời xa mọi người, mẹ vẫn tìm cách làm vui lòng các con. Nghĩ khi mẹ đau lắm vẫn cố viết trọn vẹn một bức thư để lại và dặn dò những lời viết ra từ tim… Điều ấy khiến bạn càng thương mẹ, thương hơn những người ruột thịt trong gia đình.
* * * * *
Ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm là Ngày của mẹ. Một ngày mà cách đây không lâu vốn dĩ có nguồn gốc từ nước ngoài. Nhưng bây giờ, những bà mẹ nước Việt cũng được nhận hoa, được quan tâm, vinh danh. Có lẽ vì, tình mẹ dành cho con dù ở xứ nào, thế hệ nào cũng vô tận như nhau. Và ở đâu, sự quan tâm dành cho người mẹ vẫn luôn xứng đáng khi trái tim người mẹ luôn dành cho con những điều ngọt ngào nhất, dù cả những điều nhỏ nhất, cả khi mẹ mất đi rồi…
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con… (Chế Lan Viên)
Ảnh minh họa: Tư liệu