Điếc

Mãi đến năm tôi lên 10 thì ngoại tôi vẫn còn một hàng cau trĩu quả trước nhà. Mỗi mùa thu hoạch ngoại tôi không bán mà chỉ nói cậu tôi hạ xuống lần lượt từng buồng, phần thì biếu bà con làng xóm, phần thì chẻ ra phơi khô làm “của để dành”.

Ngoại phân cau kỹ lắm, cũng loại một, loại hai, loại ba và có cả loại bốn. Qua quan sát tôi nhận thấy loại bốn là những quả cau “già rồi mà như con nít” nó bé xíu, còi cọt và hình như không có ruột, ngoại tôi gọi đó là những quả cau “điếc”. Bọn trẻ chúng tôi lấy những quả cau điếc chơi đồ hàng bởi ngoại thường bỏ đi không dùng. Tôi hỏi ngoại tại sao lại gọi nó là điếc? Ngoại cười hiền lành giảng giải, điếc là vì nó không hoàn thành nhiệm vụ! Tôi bái phục cách dùng chữ dí dỏm của ngoại nhưng ngần ấy là không đủ cho trí tò mò của một cậu bé đang ở cái tuổi lấy khám phá giết thời gian.

Tôi hành hạ mình trong thư viện của xã cả tháng trời để tìm cách thỏa mãn cho câu hỏi “điếc là gì”? Ơn giời, ít nhiều thì sự ngờ nghệch cũng được cải thiện. Té ra chữ điếc cũng nhiều nghĩa chứ không dùng để chỉ mỗi quả cau “không hoàn thành nhiệm vụ”. Trước hết điếc là một loại bệnh thuộc về thính giác. Người bị mất khả năng nghe thì gọi là điếc (khác với lãng tai tức vẫn còn nghe được một phần). Người điếc nhọc nhằn chở theo muôn trùng nỗi khổ. Trăm cái thiệt, ngàn cái mất, nhưng bù lại những giác quan khác của họ phát triển hơn hẳn. Tôi còn phát hiện ra tất cả những người điếc bẩm sinh đều mắc thêm bệnh câm, đó là sự bất công đáng trách nhất của tạo hóa. Người câm điếc giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc chữ viết. Dù xã hội đã có những nỗ lực để người điếc có cơ hội hòa nhập, thậm chí có cả những “MC” ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình, nhưng những gì người điếc phải chịu thì không thể điều gì và không thể có ai bù đắp được. Có lẽ thiệt thòi lớn nhất của người điếc là không được nghe hàng triệu âm thanh tuyệt vời của cuộc sống. Họ không nghe được tiếng chim hót mỗi buổi ban mai, tiếng tí tách của sương rơi trên lá, tiếng trẻ thơ í ới gọi nhau, đành rằng nhờ vậy mà họ cũng không phải nghe những tiếng thở dài. Người điếc cảm nhận cuộc sống bằng những giác quan còn lại, nghiệt ngã nhưng cũng diệu kỳ.

Trong cuộc lùng sục để giải mã chữ “điếc” tôi tình cờ đọc được một cuốn truyện tranh có nội dung khá thú vị: Đã quá lâu, không còn nhớ nguyên văn nhưng đại ý như sau: Ngày xửa ngày xưa có 3 con ếch ngoan ngoãn tinh nghịch nhưng thân thiết nhau lắm, thân như là đồng chí với nhau ấy. Trong một lần khám phá trò chơi mạo hiểm, cả 3 không may rơi tõm xuống một cái giếng sâu hoắm, sâu như là phát biểu của khách VIP ấy. Những con ếch khác đàn chơi gần kề bất lực nhìn thấy 3 bạn ếch rơi xuống giếng mà chả biết làm sao. Nhưng con ếch đa cảm không thể “thò tay” xuống cứu bạn đành kéo nhau lại động viên an ủi. An ủi như là thủ trưởng an ủi ấy: “Thôi, đừng tìm cách thoát thân nữa. Khó lắm, không được đâu. Các bạn nhìn kìa, thành giếng quá cao mà các bạn lại vô cùng nhỏ bé, các bạn đừng cố gắng vô ích, đường nào cũng chết, hãy sống những giây phút cuối đời thật ý nghĩa”.

Những con ếch xấu số dưới đáy giếng nước mắt lưng tròng, nghe lời khuyên bỏ mặc sinh mệnh của mình cho số phận. Bất ngờ thay, trong 3 con ếch rơi xuống giếng thì có một chú bị điếc bẩm sinh. Nó tất nhiên không nghe được những lời khuyên thổn thức trên bờ. Trong cơn hoảng loạn, chỉ mình nó nhảy loạn xạ về phía thành giếng. Và thật kỳ lạ, trong một cú nhảy xuất thần con ếch điếc bẩm sinh kia đã thoát khỏi miệng giếng. Vậy là nó trở thành con ếch duy nhất sống sót. Nó sống vì không phải nghe những lời bàn tán, khuyên răn, nó sống vì nhờ dị tật điếc bẩm sinh. Thế mới biết ở đời có khi chết vì nghe lời của đồng loại.

Đã hàng triệu năm đi qua, kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu nhưng bệnh điếc thì vẫn là một thách thức đối với y học hiện đại. Người ta có thể đeo trợ thính, người ta có thể cấy ốc tai điện tử nhưng những công cụ đó không chữa được bệnh điếc của con người. Nó không thể hồi phục những tổn thương nguyên sinh bệnh lý từ “cơ quan nghe nhìn”. Người điếc có quyền hy vọng nhưng người điếc cũng không thể chối bỏ.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa
Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Ngày nay chữ điếc cũng được người ta sử dụng linh hoạt và cũng văn học hơn nhiều. Ví dụ như “điếc” tiếng Anh, hoặc “điếc” mệnh lệnh kiểu như “trên bảo dưới không nghe” chẳng hạn. Tuy nhiên buồn cười nhất có lẽ là bệnh điếc tập thể, điếc từ trên xuống dưới, điếc có… nghị quyết! Trong sinh hoạt đôi khi người điếc lại bỗng nhiên mắc luôn cả bệnh câm, dấu hiệu biểu hiện cụ thể là: khi tự phê bình thì câm như hến, còn khi bị người khác phê bình thì lại điếc như cua. Có những cái tai rất to, treo hai bên những cái mặt cũng rất lớn ấy vậy mà thính giác vô cùng thất thường. Khi nghe lời nịnh hót thì tỏ mồn một, ấy mà khi nghe lời trung thì “điếc câm điếc cảy” ra, thế mới lạ.

Tai của họ nghe được cả tiếng thì thầm của tiền nhưng lại “đơ” khi nghe tiếng thét của lương tri. Thủ trưởng giao nhiệm vụ thì tiếp thu câu được, câu mất, kêu gọi ủng hộ đồng bào bão lụt hay chất độc da cam thì khiếm thính toàn phần, nhưng khi phổ biến phương án ăn chia tiền thưởng thì chữ nào lọt tai chữ ấy. Họ điếc nhưng lại thường trổ tài nhét vào tai người khác những lời rất… khó nghe. Bên cạnh nhà tôi có gia đình nọ, sát nách với loa truyền thanh của khối nhưng chưa bao giờ ông bà, con cái nghe được lịch lao động vệ sinh Chủ nhật, nhưng khi khối vừa “a lô” nhận tiền trợ cấp thì có mặt đầu tiên. Kinh!

Ngạn ngữ có câu “điếc tai cày sáng tai họ”. Nghĩa đen là nói về con trâu, khi cày ruộng, giục đi mấy thì trâu cũng cứ ù à ù ì, ấy vậy mà chỉ cần nói nhỏ “họ” (dừng lại) thì lập tức phanh đứng ngắt. Nghĩa đen dễ hiểu là vậy, còn nghĩa bóng thì chắc tác giả không cần phải nói ra kẻo lại chạnh lòng gia đình ông hàng xóm và đám người điếc có thời vụ vừa nêu trên. Tóm lại với những người này thì chỉ có quyền lợi mới có thể cải thiện thính giác của họ. Họ mắc bệnh điếc lương tâm!

Đấy là nghĩa thứ nhất và cũng là nghĩa thông dụng nhất của chữ điếc.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa
Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Tuy nhiên quả cau điếc của ngoại tôi lại là một chuyện khác. Nó không liên quan gì đến khiếm thính. Điếc ở trường hợp này là một trạng thái phát triển không hoàn toàn, thường là do quá trình thụ phấn bị trục trặc. Quả không phát triển, hoặc phát triển đến một độ nào đó thì dừng lại. Không chỉ có cau điếc mà còn có cả na điếc, dừa điếc, mít điếc… thậm chí đôi khi những người phụ nữ bị mất khả năng sinh sản cũng bị những cái miệng điêu toa gán cho là “điếc”. Rồi thì chữ điếc theo hướng nghĩa này cũng đa dạng và linh hoạt hơn. Đạn bắn không nổ gọi là đạn điếc, pin không có điện cũng gọi là pin điếc, thậm chí có cả quy hoạch điếc… Ừ thì pin điếc hay đạn điếc cũng chả sao chứ quy hoạch điếc thì quả là vừa đau lại vừa khổ. Thương cho những bạn trẻ, tuổi sung mãn cũng quy hoạch ngang dọc hoành tráng lắm, “dưới có tên, trên có chỗ” nhưng rồi mùa này qua mùa khác, nhiệm kỳ nọ qua nhiệm kỳ kia chả thấy “ghế trống” đâu. Cũng nhân tài nhân tiếc, cũng thu hút thu hiếc, cũng thăm dò thăm diếc… Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cái ngưỡng “tối thiểu hai nhiệm kỳ” nó ngáng lại, thế là “điếc” toàn tập. Họ chấp nhận trở thành những “ngôi sao chuyên viên” trọn đời. Trong tổ hợp điếc thì có lẽ điếc quy hoạch là thứ điếc nhiều ưu tư nhất. Càng điếc càng nghe được nhiều điều!

Những quả “cau điếc” vì lý do “không hoàn thành nhiệm vụ”, vì “già rồi mà vẫn như con nít”. Thế đấy, chỉ nghe thôi. Chớ có dại mà lên tiếng. Vì sao à? Cha ông dặn rồi, chỉ có “điếc mới không sợ súng”!

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Nguyễn khắc thuần

    Viết rất hay , liên tưởng xâu chuỗi rất logich nhịp nhàng nhưng dài quá.