Nói ra thì có vẻ hơi thiếu khiêm tốn nhưng thời học phổ thông tôi cũng là một hình mẫu “con nhà người ta” trong mắt các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Nếu quy đổi sổ điểm của tôi ra thành sim điện thoại chắc cũng phải vào hàng siêu sim tiền tỷ chứ chẳng chơi.
Nhưng con đường của một học sinh giỏi toàn diện, giỏi đều các môn (trừ môn thể dục) lại không thẳng thớm như mọi người vẫn nghĩ.
Tốt nghiệp phổ thông, theo lời “dụ dỗ” của ba ông thầy toán, lý, hoá, tôi đăng ký nguyện vọng đại học của mình là một trường kỹ sư với tầm nhìn khá “vĩ mô”: trở thành một kỹ sư trong ngành năng lượng. Thời ấy, năng lượng hạt nhân là lĩnh vực hot ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Nhưng với bố mẹ tôi ở Việt Nam thì tin ấy chẳng khác gì “sét đánh ngang tai”. Mẹ tôi cứ ca đi ca lại bài ca “Con gái học kỹ sư làm gì cho khổ”, “Học năng lượng hạt nhân thì về Việt Nam sao tìm được việc”, “Con có thích khối A đâu mà đi chọn ngành đấy”… Quả nhiên sau 2 năm học đại cương, tôi bỏ ngang con đường kỹ sư và thay đổi 180 độ sang ngành truyền thông. Hoá ra tôi không thích khối A thật. Sao tôi không nhận ra điều ấy ngay từ đầu nhỉ?
Khi bạn thích một điều gì đó, bạn thường làm tốt nó nhưng khi bạn làm tốt một điều gì đó, chưa chắc đó đã là điều bạn thích. Sau cú rẽ ngang đầy ngang trái nói trên, lần đầu tiên tôi tự hỏi bản thân một cách nghiêm túc: Tôi thích làm gì? Câu trả lời là: Tôi không biết. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy hoang mang vì cái sự “học giỏi toàn diện” của mình. Nó giống như kiểu khi bạn có quá nhiều sự lựa chọn, bạn sẽ càng gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định. Tôi nghĩ đến một thằng bạn cùng lớp – luôn bị thầy cô phàn nàn và bố mẹ chửi mắng vì học dốt nhất lớp. Môn duy nhất nó giỏi là môn chả ai quan tâm: Thể dục. Nhưng kết quả là bây giờ khi tôi vẫn đang là nhân viên bình thường lương tháng ba cọc ba đồng ở một công ty tư nhân cỡ nhỏ thì cái thằng học dốt nhất lớp ấy đã là vận động viên thể thao tầm cỡ quốc gia. Và tôi chợt nhận ra rằng, hiểu được năng lực và mong muốn của bản thân mình quan trọng đến mức độ nào. Trong khi nền giáo dục và tư duy giáo dục của chúng ta lại đang sử dụng một thước đo quá hạn chế, kiểu như đánh giá năng lực của một con cá bằng cách bắt nó trèo cây vậy.
Gần đây tôi được một người bạn giải thích về cái gọi là sinh trắc vân tay. Hiểu nôm na là hình dạng của dấu vân tay có liên quan trực tiếp đến tính cách cũng như năng lực của con người. Nhờ đó, người ta có thể dự đoán về thiên hướng và tiềm năng của một đứa trẻ, từ đó tạo điều kiện cho nó được tiếp nhận sự giáo dục sớm trong lĩnh vực mà nó có năng khiếu. Thay vì nhồi nhét cho nó học toán, lý, hoá – những thứ chúng chả hứng thú và cũng không giỏi giang, nó có thể trở thành một vũ công hay một nghệ sỹ xiếc xuất sắc nếu được rèn luyện những kỹ năng phù hợp. Trên thực tế, ở nhiều quốc gia trên thế giới, người ta thường cho đứa trẻ tự lựa chọn món đồ nó thích trong số hàng loạt lựa chọn để dự đoán thiên hướng của nó. Một đứa trẻ chọn bút hay quyển sách rất có thể sẽ có năng khiếu viết lách, một đứa trẻ thích máy móc điện tử hay những con số hẳn là thích những thứ thiên về khoa học cơ bản…kiểu như vậy. Tất nhiên, cách này cũng chỉ mang tính tương đối mà thôi nhưng nó nói lên sự quan tâm và đề cao của người lớn đối với sở thích, thiên hướng của đứa trẻ.
Đến đây, tôi hy vọng người đang đọc bài viết này không “chột dạ”. Tôi hy vọng rằng các bạn đã từng ít nhất một lần tìm hiểu – bằng cách này hay cách khác – điều con mình thích làm và làm tốt nhất là gì. Nếu câu hỏi đó quá hóc búa thì hãy thử trả lời câu hỏi này – tôi tin là dễ hơn: Điều con bạn không thích là gì? Nếu chẳng may câu trả lời lại trùng khớp với điều mà bạn muốn áp đặt lên chúng thì hẳn là bạn đang dạy một con cá trèo cây trong vô vọng rồi.