“ATM gạo” ở Hà Nội bị “toang” – nói theo ngôn ngữ của cư dân mạng là thế. Khi nhìn những bức hình đồng bào đứng xô đẩy nhau đến mức phải bám vào cả ghế đá để không bị văng ra khỏi vị trí của mình, thấy xót xa vô kể. Cây “ATM gạo” ngay lập tức bị đóng lại, dĩ nhiên, vi phạm quy định về giãn cách trong mùa dịch Covid-19, không thể hình dung nếu có một F0 nào vô tình ở đó, sẽ bao hiểm nguy, hệ lụy kéo theo… Tôi nhớ bài học nhỏ của mẹ tôi, rằng nếu không ai chịu nhường ai thì chắc chắn sẽ chẳng người nào có phần cả. Bài học cũ, thời sự về cây “ATM gạo” thì mới nhưng không hề bất liên quan.
Chuyện không chỉ dừng ở đó. Trên các trang mạng xã hội, những bình luận trái chiều nổ ra. Nào là người tiếc rằng “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài” đã là một thời xa vắng. Không ít người đang sống tại Hà Nội bực mình thể hiện quan điểm khi bị mang tiếng xấu lây. Một nhà văn sống ở Hà Nội lâu năm mà tôi quen biết viết rằng, những người chen lấn nhau ấy, họ là dân ngoại tỉnh đấy. Dân tứ xứ đến Hà Nội làm ăn đấy. Người Hà Nội chẳng bao giờ lại chen nhau như đi cướp gạo thế cả.
Phản biện này càng khiến người các xứ khác nhớ đến những lần lễ hội hoa ở Hà Nội, người người chen nhau bê chậu, cướp hoa, lực lượng an ninh, bảo vệ trở nên bất lực. Và, hết thảy những lần ấy, cũng như lần xô bẹp nhau đi nhận gạo khi cả xã hội đang ra rả yêu cầu giãn cách 2 mét, thay vì một lời xin lỗi, một sự nghiêm khắc, khách quan nhìn lại những tồn tại, để thay đổi, không ít người Hà Nội đổ vấy cho “dân tứ xứ”, “dân ngoại tỉnh”.
Dù, thực ra, không ít dân tứ xứ ở Hà Nội, TP. HCM… trong thời gian này đã mất việc, tạm nghỉ, tìm cách về quê lánh nạn mùa Covid-19.
Trong khi ấy, ở TP. HCM nhiều cơ quan, nghệ sĩ, người dân vẫn “nhân giống” cây “ATM gạo”, thực phẩm ra nhiều nơi. Người đi đường luôn thấy ấm lòng khi bắt gặp những câu yêu cầu: “Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin hãy nhường cho người khác”. Người khó khăn xếp hàng đúng quy định chờ đến lượt mình. TP. HCM vẫn có những vấn đề trong việc đi nhận cứu trợ chứ. Ví dụ như có cả những người tham lam, vòng vàng, đá quý đeo đầy tay, đi xe tay ga vẫn chạy đi nhận hàng cứu trợ dành cho người nghèo. Bạn tôi tham gia chương trình thiện nguyện Chong chóng yêu thương, mang gạo, nhu yếu phẩm tặng người nghèo trong mùa dịch kể, sau khi phát hiện có sự việc đúng như báo chí phản ánh, nhóm của bạn dùng những thẻ thứ tự có đánh dấu riêng, thẻ này được chính thành viên của nhóm phát tới tay bà con nghèo, những người bán vé số, hàng rong… để hạn chế tối đa việc quà không tới đúng tay người cần chia sẻ.
Chị bạn tôi cũng là dân tứ xứ, như tôi, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê khác, lập nghiệp và sống ở Sài Gòn.
* * * * *
Ở Sài Gòn, không mấy ai nặng nề về chuyện gốc gác. Nếu ai đó nghe nói rằng tôi ở Nghệ An, sẽ à lên: “Ồ, quê Bác Hồ đấy, ồ, đất học đấy”… Nếu gặp ai đó người Quảng Nam, nhất định người ta sẽ nhắc nhau đầy đắc ý về những món ngon xứ Quảng, hoặc ai đó người Huế, sẽ được nghe rằng: “Các cô gái Huế đẹp lắm”… Ở Sài Gòn, tôi từng biết những người bạn nhà ngay khu đất vàng trung tâm quận 1, quận 3 nhưng ăn mặc giản dị đến mức thường xuyên bị kêu “hai lúa”. Người Sài Gòn không mắng nhau “đồ nhà quê”, họ thay nhà quê bằng “hai lúa”. Và đặc biệt, ai đó bị kêu “lúa” sẽ cười xòa, dễ chịu. Người nói cũng không bao giờ nghĩ đó là lời mắng, chỉ chọc ghẹo nhau cho vui mà thôi.
Tôi nhớ có lần về quê chồng Nam Định, đi qua những con phố hàng này hàng nọ, hỏi ra thì những con phố ấy còn có trước cả phố cổ Hà Nội. “Họ mang theo tên gốc tên làng trong mỗi chuyến di dân” như câu thơ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết trong trường ca “Mặt đường khát vọng”. Lịch sử nước mình bao cuộc di dân, mang theo bao khát vọng, chẳng ai có một chuẩn mực nào để chỉ ra bao nhiêu năm đủ để làm Hà Nội gốc, để xứng với lịch sử hàng nghìn năm “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An”. Và với một thành phố trẻ hơn ba trăm năm như TP. HCM, chuẩn mực gốc ấy càng không có gì làm cơ sở.
Tôi nhớ một kỷ niệm nhỏ với gia đình GS Phan Toàn Thắng (người Việt Nam đầu tiên thực hiện việc lấy tế bào gốc dây cuống rốn, hiện là GS của một đại học danh tiếng ở Singapore). Khi tôi gọi điện thoại ra nhà riêng ở Hà Nội để gặp ông nhân chuyến ông về Việt Nam, một giọng Bắc nhỏ nhẹ, lịch sự, từ tốn đáp lời. Trò chuyện với tôi khi ấy là bố của giáo sư, ông cụ ngoài 80 nhưng vô cùng nhã nhặn. Về sau, có dịp gặp cô bạn học cũ chung cấp 2 – bạn là cháu ruột của GS Phan Toàn Thắng, tình cờ nhắc chuyện ấy, tôi nhận xét: “Cụ ông kiểu dân Hà Nội gốc, lịch thiệp nhỉ?”. Bạn tôi cười xòa: “Ôi, ông tớ đấy, ông tớ gốc Nghệ, Hà Nội đâu mà Hà Nội”.
* * * * *
Tôi lại lan man nhớ về con phố nhà tôi ở Vinh. Một dãy phố nhỏ có từ rất lâu rồi. Nhà tôi là gia đình cuối cùng chuyển về, cũng đã ngót nghét 30 năm. Căn nhà lâu nhất ở đó cũng cả gần trăm năm. Mỗi người giữ nguyên một chất giọng: người Nghi Lộc, kẻ Huế, kẻ Diễn Châu, Đô Lương… Tôi nhớ đến những trận bão rớt, ngập lụt, hàng xóm xắn quần bắc thang lên lợp hộ nhau mái nhà. Những đêm mùa hè, mẹ tôi om ấm chè xanh cậu mự xách từ Đô Lương xuống, chú hàng xóm nướng mấy con cá khô chỉ vàng mang từ quê nội Quỳnh Lưu vào, lại có cả món khoai deo trứ danh Hà Tĩnh của cô hàng xóm cất dành mang ra. Mọi người xúm xít chuyện trò tận khuya, cho đến tận khi ríu mắt buồn ngủ. Có lần, đêm mùa Đông lạnh giá, nghe tiếng hô trộm, cả dãy bật đèn sáng trưng cùng vây bắt khiến tên trộm bỏ chạy thục mạng không lấy được thứ gì. Cả dãy phố có cô Hà, gốc Nam Đàn vẫn thường cầm cây chổi ra quét cả dãy mỗi sáng sớm cho gọn ghẽ… Là dân tứ xứ đấy. Tôi vẫn luôn yêu Vinh của tôi, vì rằng phố ấy, luôn thương yêu, gắn bó những người dân quê như nơi tôi lớn lên, phố ấy mang cả hồn quê vào phố, nâng niu, mến trọng.
Là dân tứ xứ đấy, là chợ Quảng Nam ở khu Bảy Hiền TP.HCM lan tỏa tình yêu ẩm thực xứ Quảng cho những người dân sinh sống ở Sài Phố. Là quán bún bò Huế ở Vinh mà không hiểu sao tôi thấy ngon hơn hết thảy những quán bún bò Huế nơi khác. Phải chăng vì ân tình mà cô chủ quán giọng Huế luôn biết rằng tôi thích ăn tiết để cho thêm miếng tiết nhỏ, bỏ miếng giò nạc khi tôi không thích mỡ và da. Và đặc biệt, khi cô hỏi han về mẹ tôi, một người chân quê mộc mạc giữa phố. Bao người họ trọng nhau vì nét quê giữa phố ấy.
Và bạn biết không, tôi một trong những câu thơ tôi thích là của nhà thơ Giáng Vân: “Ta là con gái nhà quê/ Bao năm rồi ở phố”…
Quê. Tứ xứ… Chẳng phải tất cả mọi phố thị đều bắt nguồn từ đấy hay sao?