Mẹ không còn gọi điện thoại cho tôi mỗi ngày nữa.
Suốt những năm tôi đi du học, mẹ tôi vẫn giữ thói quen gọi điện cho tôi hàng ngày dù hai nước chênh nhau hơn 6 tiếng đồng hồ. Cứ đến 8 – 9 giờ tối ở bên tôi, tức tầm 2 – 3 giờ sáng ở Việt Nam, mẹ lại gọi điện hỏi tình hình cuộc sống, học hành thế nào. Đôi khi cũng chẳng có gì nhiều nhặn để hỏi hay để kể, câu chuyện chỉ đơn giản là về thời tiết, hay thậm chí là chuyện tôi đi chợ mua được loại gà mái đã đẻ hết trứng (mà bọn Tây không ai thèm ăn vì quá dai), thế mà ăn vào lại rất giống thịt gà ta, ngon đáo để.
Bạn bè tôi vẫn hay nửa đùa, nửa thật gọi tôi là công chúa của mẹ, vì mẹ tôi “giữ con” kỹ quá. Mấy đứa bạn thân của tôi còn hùng hồn khẳng định: “Nếu mẹ mày với mẹ tao nhập lại làm một rồi chia đôi thì chuẩn luôn. Mẹ mày thì hay hỏi quá, còn mẹ tao thì chả bao giờ thèm hỏi. Tao chết mất xác ở đâu khéo mẹ tao còn chẳng biết nữa là”. Tôi chỉ nhún vai cười không nói gì. Thực ra, đôi lúc cũng thấy mẹ hơi phiền.
Sau này khi tôi đi lấy chồng, may mà ở gần nhà chứ nếu lỡ đi lấy chồng xa chắc mẹ tôi cũng vẫn khăng khăng giữ thói quen gọi điện thoại cho tôi mỗi ngày mất. Mà nếu như thế thì chắc là buồn cười lắm. Không còn gọi điện thoại nữa, mẹ chuyển sang nhắn tin và vẫn gọi tôi là “chó con” như thể tôi vẫn chỉ là đứa trẻ 15 tuổi lần đầu tiên sống xa gia đình. Tôi nhớ trước ngày cưới, bố vào phòng xem tôi dọn đồ. Tần ngần đi ra, đi vào không biết nói gì, cuối cùng có vẻ hơi ngượng nghịu mà nói một câu: “Chắc con cũng nhiều lần trách bố mẹ, nhưng giờ con sắp lập gia đình, sắp có con cái rồi, con sẽ hiểu nỗi lòng của bố mẹ”. Mãi đến sau này, sau nhiều biến cố xảy ra và một cuộc hôn nhân không mấy êm đềm, tôi mới láng máng hiểu lời bố nói.
Đó là khi thấy đứa em gái ngốc nghếch phạm sai lầm ngay khi vừa chập chững rời khỏi vòng tay bố mẹ để bước một chân vào đời. Tôi giận nó khủng khiếp và tránh mặt nó, vì mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại đau lòng đến phát khóc. Kỳ lạ ở chỗ, tôi biết rất rõ rằng những điều nó làm cũng chẳng phải quá ghê gớm hay to tát gì. Ai rồi cũng sẽ lớn lên và trải qua những điều ấy. Thế mà sao tôi vẫn thấy thương nó quá. Và rồi tôi nghĩ đến mẹ. Chắc mẹ còn phải đau lòng hơn tôi nhiều. Và rồi tôi nghĩ đến những sai lầm của chính bản thân mình. Tôi tự hỏi, đã bao nhiêu lần tôi khiến mẹ buồn phiền và rơi nước mắt – không phải vì giận mà vì đau lòng tôi đây?
Đó là khi cuộc sống của tôi rơi vào khủng hoảng. Bế tắc và mất niềm tin, tôi chọn cách tự đẩy mình đi xa khỏi cái môi trường mình quá quen đến mức thành ra một cái gì bức bí. Tôi tách mình khỏi mọi người, đến một nơi xa lạ không ai biết tôi là ai. Không hy vọng vui vẻ trở lại hay gây dựng lại một cuộc sống huy hoàng. Chỉ hy vọng gác ngày hôm qua ảm đạm lại và thức giấc ở một ngày mai tươi sáng hơn đôi chút. Chính đây là thời điểm mẹ không còn liên lạc với tôi thường xuyên nữa. Không phải vì mẹ không muốn mà vì tôi không muốn. Tôi không muốn mẹ cứ mãi nặng lòng và canh cánh với nỗi buồn phiền của tôi. Tôi phải học cách tự đối diện với những vấn đề của mình.
Những bậc cha mẹ thường có xu hướng giải quyết hộ con vấn đề chúng gặp phải. Đơn giản đó là bản năng bảo vệ mà tình mẫu tử, phụ tử thúc đẩy từ sâu bên trong tiềm thức của họ. Tôi đã hiểu ra điều ấy khi tìm ra những điều, những người mà tôi yêu quý. Chính vì họ quá quan trọng nên chúng ta luôn sợ mất họ, sợ cuộc đời này khiến họ tổn thương, sợ phải nhìn thấy họ vấp ngã và không bao giờ đứng lên được nữa. Nỗi sợ đó nhanh chóng chuyển thành sự ích kỷ khi ta cứ muốn giữ họ trong lồng kính cho riêng mình. Như một đoá hoa không bao giờ biết đến sương gió. Như một thứ đồ chơi bằng thuỷ tinh mong manh dễ vỡ. Ta khăng khăng che chắn họ khỏi những phiền não trong cuộc đời này mà quên mất một điều: Ta đâu thể ở mãi bên đời họ? Rồi đây khi ta ra đi, họ sẽ làm thế nào để sinh tồn?
Và như vậy, tôi đã tự tìm ra cho mình định nghĩa của tình yêu và điều kiện thiết yếu để có thể yêu một ai đó. Tình yêu không có gì khác ngoài sự dũng cảm. Dũng cảm để người mình yêu thương đi ra khỏi tầm mắt, tầm tay với lòng tin rằng họ sẽ lại trở về bên ta. Dũng cảm nhìn họ vấp ngã, tổn thương, đau khổ để họ học cách tự đứng dậy, mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn. Dũng cảm đón nhận họ bằng tình yêu vẹn nguyên như ban đầu – dù họ không còn lành lặn (về tâm hồn hay thể xác) sau những lần vấp ngã. Dũng cảm chấp nhận bị họ ghét bỏ, thậm chí là hận mình. Nếu bạn có đủ sự dũng cảm để làm những điều nói trên, thì bạn đã biết cách yêu rồi đấy.