Ông hàng xóm nhà tôi có bệnh “thích khoe con”. Gặp ai, ở đâu, lúc nào, ông cũng bô bô khoe khoang thành tích học tập của con mình. Đến nỗi đi dự đám ma ông cũng quen miệng khoe con mình vừa được giấy khen học sinh giỏi rồi cười ha hả. Nghe nói từ đó trở đi cả xóm cạch mặt không ai mời ông đến viếng đám tang nữa.
Một lần tôi đang dắt chó ra ngoài đi vệ sinh thì thấy con gái ông hàng xóm đứng thất thểu ngoài cổng. Tôi liền hỏi đầy thông cảm:
– Chó nhà cháu cũng bị táo bón hay sao mà chú thấy cháu đứng ngoài cổng cả chiều thế?
– Dạ không, không phải con chó mà là bố cháu. Bố cháu lỡ khoe với mấy chú cùng cơ quan là cháu được giải Nhất học sinh giỏi thành phố nhưng cháu chỉ được giải Nhì. Mấy chú cùng cơ quan bố cháu đến chơi, cháu không biết nên nói thật…
– Thế bố cháu đâu?
– Bố cháu đang làm thịt chó mời mấy chú ấy ăn để năn nỉ mấy chú không nói cho mọi người ở cơ quan biết chuyện cháu được giải Nhì ạ!
Nghe xong tôi vội vàng gọi con Milo đang ghếch chân đái vào cổng nhà ông hàng xóm về, để mặc con bé đứng thơ thẩn, rầu rĩ ở cổng. Nghĩ lại cũng thấy áy náy thật, nhưng biết làm sao được, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi con chó mà!
Lại một lần khác, ông hàng xóm nằng nặc mời tôi sang nhà ăn cơm, mang cả chai rượu ngâm nghe đâu hơn chục năm có lẻ ra chiêu đãi. Cứ tưởng có việc gì to tát, hóa ra con gái ông ta đang đi thi vẽ mà tôi lại là bảo vệ ở đơn vị tổ chức cuộc thi. Sau khi chai rượu quý đã vơi đi đáng kể, ông hàng xóm mới thủ thỉ nhờ vả tôi nghe ngóng thông tin về đề thi. Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Thi vẽ chứ có phải thi Toán, thi Văn đâu mà anh muốn biết trước đề thi để làm gì?
– Biết trước đề thi thì tôi thuê người ta vẽ hộ, rồi cho con bé nhà tôi tập vẽ lại y hệt, kiểu gì chả có giải!
– Như thế để làm gì?
– Ơ hay, để có giải chứ để làm gì, đi thi mà không có giải thì nhục lắm!
Tôi thì tôi chẳng thấy nhục nếu con gái tôi đi thi vẽ hay thi bất kỳ cuộc thi nào mà không có giải. Vì tôi nghĩ, điều quan trọng không phải là kết quả mà là sự nỗ lực của nó. Những tấm bằng khen rồi cũng chỉ để xếp xó cho bụi phủ đầy, chỉ có kinh nghiệm, trải nghiệm mới là hành trang đi theo mỗi người đến mãi về sau. Đó là chưa kể, cách giáo dục con như vậy sẽ khiến đứa trẻ chạy theo thành tích bằng mọi cách, thậm chí là mọi thủ đoạn. Thế nên đừng phàn nàn rằng xã hội ngày nay nhiều người sống giả dối, hình thức, mà trước tiên hãy nhìn lại xem có phải chính mình đang tiêm nhiễm vào đầu con trẻ mầm mống giả dối không?
Tôi nghĩ thay vì tôn sùng thành tích học tập, hãy giáo dục và cổ vũ con cái mình sống tử tế. Biết xếp hàng ở nơi công cộng, biết giúp đỡ người già và trẻ nhỏ, biết nói cảm ơn và xin lỗi… những điều tưởng chừng rất đơn giản ấy liệu có đang bị chúng ta lãng quên trong việc giáo dục con? Nếu có, tôi cho rằng đó mới là điều đáng xấu hổ nhất. Hơn cả một giải Nhì học sinh giỏi thành phố.