Choáng quá chứ lỵ, những mảnh đất khắc nghiệt đến mức đào đâu cũng thấy đá bỗng nhiên trong tích tắc sản sinh ra chuỗi học sinh tài ba đến điếng người.
___________________
Có đến cả trăm cách để chúng ta vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai, trong đó tất nhiên không loại trừ những yếu tố về mặt tinh thần. Giữa những ngày Tây Bắc oằn mình trong lũ lụt, không biết bao nhiêu nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn trôi theo dòng nước, nhân dân cả nước nghiêng lòng về các tỉnh miền núi phía Bắc. Tiền, quần áo, sách vở, mì tôm… những tấm lòng nhân ái lại nối nhau dập dìu đến với đồng bào.
Và giữa những ngày gian nan mà thấm đẫm tình người ấy ít nhiều bà con cũng nhận được một sự an ủi, một sự kỳ vọng cho thế hệ tương lai khi hay tin có đến 5/6 thủ khoa của Học viện An ninh nhân dân là thí sinh thuộc hai tỉnh Lạng Sơn và Hòa Bình. Đặc biệt chỉ riêng 3 tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La đã có 47 em vinh dự trúng tuyển bằng những điểm số vượt xa cả sự hiên ngang. Hơn 4.000 thí sinh dự thi, chỉ vỏn vẹn 220 vì tinh túy vượt qua cửa ải thì 3 tỉnh trên đã chiếm tới 47 em, một tỷ lệ quá tốn thuốc an thần cho người yếu tim. Có lẽ ở góc độ đường đường chính chính đây là bảng thành tích sáng giá nhất mà các thí sinh góp phần tri ân làm vơi đi những tổn thất nặng nề vùng rốn lũ. Thì cứ mong là vậy. Thì cứ tin là vậy. Nói trộm vía, nếu không phát hiện ra vụ “ăn điểm” ở Hà Giang thì có lẽ kỷ lục đá tảng về đỗ đạt đã được áp đảo thiết lập và khi ấy biết đâu học viên của một trường danh giá nào đó năm nay sẽ có đến một nửa người là đồng hương “Qua miền Tây Bắc”!
Choáng quá chứ lỵ, những mảnh đất khắc nghiệt đến mức đào đâu cũng thấy đá bỗng nhiên trong tích tắc sản sinh ra chuỗi học sinh tài ba đến điếng người. Chỉ cách đó vài chục ngày, trong kỳ thi thử các em còn trì trà trì trật với mấy con điểm heo hút thế kia mà bỗng nhiên vụt sáng thành ngôi sao trên bầu trời khoa bảng… nước nhà! Thi thử được 1-2 mà thi thật đạt 9-8 tình đã ngay mà lý cũng rất ngay. Không thể nói xuất sắc, không thể nói là lội ngược dòng mà phải nói là những cú lật ngược chất xám ngoạn mục đến kinh hoàng. Choáng vã cả mồ hôi. Còn nhớ sáng 14/7, một ngày đẹp trời, ông Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, còn cao âm lượng “Thi thử được 1-2 thi thật đạt 9-8 là thông tin không chính thống, điểm thi thử thấp thì có liên quan gì đến điểm thi thật cơ chứ? Thi thử là việc của nhà trường”. Choáng chưa! Giờ thì nó liên quan hay không liên quan chắc ai cũng biết rồi. Chỉ có điều việc thuộc cấp của ông tra tay vào còng là “thi thật” chứ không có “thi thử” đâu!
Có lẽ hầu hết ai cũng biết, căn cứ điểm đầu vào nhiều năm qua thì Học viện An ninh là một trong những trường danh giá nhất của những trường danh giá. Với sự cạnh tranh có thể nói khốc liệt của các sĩ tử, nếu chỉ “mài đũng quần” mà thiếu vắng “bàn tay của Chúa” chắc không một sĩ tử nào đủ dại dột mà xách theo học lực trung bình đến cửa ngõ của trường này thi thố cả. Đã vào đây là giỏi, giỏi môn gì thì còn phải bàn tiếp, nhưng chắc chắn phải giỏi. Lịch sử khoa cử của trường tất nhiên gắn liền (à quên, phải nói là đã từng gắn liền) với lịch sử khoa cử của các vùng đất nổi tiếng hiếu học. Các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh hay Hà Nội bao giờ cũng là những dòng tên chạy dọc bảng thành tích thủ khoa của học viện. Vậy mà năm nay, năm hai ngàn không trăm mười tám, chỉ một phút lơ là cả mấy địa phương này đều bị các sĩ tử Lạng Sơn và Hòa Bình cho… “ngửi khói”!
Điều gì đang diễn ra vậy nhỉ? Tỉnh bạn có thành tích cao thì phải chia vui chứ! Nhất là các tỉnh miền núi mà vọt đứng được như vậy thì phải nhảy cẫng lên mà vỗ tay theo nhịp 2/4 để chúc mừng chứ! Hình như có cái gì đó sai sai? Liệu kết quả đó có làm cho dư luận “tâm phục khẩu phục”? Hay “khẩu” có thể bị khuất phục bởi sự kín kẽ của cái gọi là “quy trình” nhưng còn cái “tâm” thì vẫn lang thang tìm câu hỏi? Trên báo chí, ai đó đã nói đại ý “không rà soát lại”. À, té ra là vậy, luật là luật, nếu không tìm ra sự gian lận thì lấy cơ sở nào mà rà soát hả mấy anh chị đa nghi kia? Trong một trận bóng đá không bất cứ một thứ gì, quyền lực gì có thể cao hơn tiếng còi của trọng tài. Trọng tài không rút thẻ đỏ thì khán giả có gào mấy cũng chỉ khô nước bọt mà thôi. Hàng loạt câu hỏi đang giăng đầy về Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 trên các trang mạng. Khen thì ít mà không khen thì nhiều. Đánh giá về kết quả kỳ thi, người đứng đầu ngành Giáo dục đã nhận trách nhiệm về mình nhưng hình như cái mô hình “hai trong một” vẫn kiên định vững vàng trong ông lắm. Đã có những chuyên gia đặt câu hỏi về ý nghĩa của cái gọi là “kỳ thi” tốt nghiệp Trung học phổ thông là gì khi tỷ lệ đậu năm nào cũng gần như tuyệt đối. Thi mà không ai trượt nữa, hoặc vài phần trăm trượt mang tính chất họa tiết trang trí thì nó có còn là đường dẫn đi tới mục đích cũng như kỳ vọng ban đầu đặt ra hay không? Điều cao đẹp nào còn ẩn trú trong kỳ thi tốn kém khiến chúng ta phải một lòng một dạ như vậy? Việc rầm rộ tổ chức một kỳ thi chỉ để nhặt ra vài % “đau hơn hoạn” cho “về vườn” liệu có có trở thành động lực cho 98 % còn lại?
Công bằng mà nói vụ “ăn điểm” vừa qua hoàn toàn nằm ngoài mong muốn cũng như dự báo của Bộ chủ quản, khi có dấu hiệu nghi ngờ Bộ đã không sợ “vạch áo cho người xem lưng”, thậm chí chấp nhận “lấy đá ghè chân mình” chịu đau đớn ráo riết vào cuộc làm rõ trắng đen, phải trái. Nhưng nếu không có Hà Giang thì liệu cái quy trình chấm thi vẫn được người ta gửi gắm sự tin cậy của mình vào đó đến bao giờ? Vâng, người ta đã tin quy trình chặt chẽ, người ta vẫn tin kỳ thi “hai trong một” là một lựa chọn giàu ưu việt. Nhưng 5/6 thủ khoa Học viện An ninh là của Lạng Sơn và Hòa Bình thì người ta có tin nổi không? Xin lỗi, trừ người ta ra còn lại không ai tin cả. Riêng cá nhân tôi không tin có một sự thật khôi hài đến như vậy. À mà đừng hỏi “người ta” là ai nhé, người ta là người ta, thế thôi!