“Ôi vậy là con đã làm được, cảm ơn con trai của mẹ. Mẹ biết để vượt qua kỳ thi này con đã phải nỗ lực như thế nào. Việc con đạt số điểm gần như tuyệt đối thì đương nhiên con không chỉ là niềm tự hào của gia đình ta mà là của cả dòng họ. Mẹ yêu con nhiều lắm con trai. Còn cánh cửa vào trường chuyên nữa, mẹ kỳ vọng vào con, hãy là thủ khoa của mẹ”.
Thưa bạn đọc, đấy là một dòng trạng thái mà tôi đã tìm thấy trên mạng xã hội cách đây chưa lâu. Người đăng là một bà mẹ có con vừa xuất sắc vượt qua một kỳ thi quan trọng. Có thể phần đông bạn đọc đều cho đó là chuyện bình thường. Con người ta học giỏi, đỗ đạt thì người ta vui, người ta khoe với bạn bè, người ta động viên con, việc gì mà phải “xoắn”. Tất nhiên rồi, còn gì hạnh phúc hơn là con cái khỏe mạnh giỏi giang. Nhưng vấn đề lại không chỉ đơn giản như vậy. Phía dưới dòng trạng thái ấy là hàng trăm bình luận. Ngoài những lời chúc mừng có chút xã giao thì không ít những ông bố bà mẹ lại lấy đó làm “tư liệu” để ca thán con mình: “Úi giời ơi, chả bù cho con nhà tôi. Càng học càng ngu. Tốn cơm tốn tiền”; Rồi thì: “Con nhà chị giỏi thế này sau làm quan, con em chắc lại xin làm nhân viên tạp vụ cho con chị”. Lại còn có cả nhưng câu bình luận đầy chua chát: “Không biết họ đẻ con bằng bộ phận nào mà giỏi thế nhỉ?”. Điều đáng lưu ý hơn nữa là có rất nhiều phụ huynh chia sẻ về trang nhà hoặc gắn tên con cái vào bài viết với lời nhắn nhủ: “Thùy Trang ơi, nhìn bạn đây mà học tập nè con”. Tệ hơn nữa là đã gắn tên lại kèm nhắn nhủ điêu toa xúc phạm: “Rảnh thì xách dép cho nhà người ta các con ơi”.
Vẫn là “bình thường”, có lẽ sẽ có bạn đọc cho rằng điều ấy vẫn là bình thường. Vẫn cứ “việc gì phải xoắn”. Dạ thưa, không “xoắn” gì ở đây cả, mà nó (cái vấn nạn khoe thành tích học tập con cái trên mạng) đang là một trong những mối nguy hại đấy ạ. Nó không chỉ có cái vui cái hay đâu, nó là thứ tạo nên áp lực đấy chứ. Áp lực đầu tiên là với người đứng ra khoe, áp lực tiếp đến là những người được dùng để khoe và áp lực cuối cùng là những người không được khoe!
Việc khoe thành tích của con lên mạng diễn ra khá phổ biến, nghe chừng cũng khá nhiều ý kiến đồng thuận. Thiết nghĩ việc này vừa là không nên lại vừa là không được phép. Không nên bởi nó có thể để lại những hậu quả khôn lường từ việc vô tình tạo ra áp lực dư luận. Việc treo thành tích của con rồi gửi gắm công khai kỳ vọng kế tiếp như một “khế ước” trước ba quân thiên hạ mà con nhất thiết phải đạt được. Việc thi cử thất bại (nếu có) trước đây chỉ gia đình, cùng lắm thì thêm một nhóm nhỏ hữu hạn biết đến, còn sau khi đã trưng lên mạng thì rất có thể sẽ là cả cộng đồng thậm chí cả “thế giới” biết đến. Với tuổi trẻ thì đó là áp lực khủng khiếp. Nó có thể nằm ngoài sức chịu đựng của tụi nhỏ.
Không dưới một lần chúng ta chứng kiến những bài học đau xót nhãn tiền. Chỉ vì áp lực học tập mà mà không ít bạn trẻ đã vĩnh viễn ra đi. Cuối năm 2015, nữ sinh Thùy Tr (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự tử để lại 5 lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người đau xót. Trong thư, Tr viết: “Tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nổi nữa rồi… Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt…. Hết rồi, tất cả kết thúc rồi”.
Cách đây vài tháng một nam sinh nhảy lầu ở HN. Đầu năm nay một nam sinh viên cũng nhảy cầu ở sông SG. Tất cả cũng chỉ vì áp lực học hành thi cử, áp lực thành tích đến từ phía phụ huynh và gia đình. Có những ông bố ngồi canh con học đến 3 giờ sáng.
Theo chuyên gia về giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương thì: “Trong gia đình, tâm lý đánh giá con bằng học lực rất phổ biến và nặng nề. Nhiều cha mẹ gắn kết quả học tập của con với sự thành công của chính mình trong việc giáo dục. Điều đó gây áp lực và khiến cuộc sống của trẻ trở nên nghèo nàn, dễ mệt mỏi. Thực tế cho thấy, đánh giá một con người thành công hay không sẽ không đơn thuần ở thành tích học tập, mà ở chỗ họ đã cống hiến cho xã hội thế nào. Vì thế, cha mẹ cần xem lại cách giáo dục lý tưởng, mục tiêu sống của con trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.
Chúng ta thường dùng thành tích để làm thước đo năng lực, rồi khích lệ nó bằng những quyền lợi. Điều tệ nhất là thay vì phấn đấu bằng chính sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, thì lại tìm cách tạo nên những giá trị ảo. Khi cuộc chạy đua tới những giá trị ảo không có hồi kết ấy bắt đầu phổ biến và ngấm ngầm được chấp nhận thì nó đã là bệnh thành tích. Bệnh thành tích trong xã hội là một căn bệnh trầm kha, một căn bệnh mãn tính, thậm chí là một đại dịch, nhưng nguy hiểm hơn là nó có tính “di căn”. Ban đầu tưởng nó chỉ bén rễ trong ngành giáo dục, nay thì phụ huynh cũng tự “dính”.
Một phóng viên ở tờ báo vừa phản ánh, chỉ vì lo lắng cho con thi vào lớp 10 mà một bà mẹ ở TP. HCM căng thẳng đến mức rối loạn tâm lý, cần đến sự hỗ trợ của thuốc. Câu chuyện trên phần nào cho thấy áp lực khủng khiếp của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Thật ái ngại cho những đứa trẻ không đậu vào trường công. Các em sẽ tự thấy mình như tội đồ của gia đình. Các em sẽ tự ti, mặc cảm. Thay vì động viên các con vượt qua cú sốc thì không ít phụ huynh lại chì chiết, thậm chí xúc phạm con cái. Điều đó có thể đưa đến hậu quả khôn lường như những vụ việc đau lòng đã từng xảy ra. Nhẹ hơn thì cũng ảnh hưởng tâm lý, nó sẽ theo sẽ ám ảnh các em mãi mãi trong cuộc đời.
Ở góc độ pháp luật, đề cập đến quyền riêng tư của trẻ. Theo bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà bị lộ sẽ để lại những hậu quả. Chẳng hạn, cha mẹ làm lộ kết quả học tập của trẻ trên môi trường mạng, nhiều khi lại gây nên áp lực học tập cho chính các em”. Nghị định số 56 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quyền riêng tư: Đó là những thông tin như họ tên, địa chỉ nơi ở, bố mẹ và các thành viên trong gia đình, địa chỉ lớp học, hình ảnh của các em, tài sản, điện thoại, tình trạng sức khỏe, mối quan hệ bạn bè, dịch vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em mà các em đang được cung cấp… Khi sử dụng thông tin liên quan đến quyền riêng tư trẻ em phải xin ý kiến của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Riêng đối với trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên, phải được sự đồng ý của các em.
Luật thì là vậy, nhưng phụ huynh thì vẫn hồn nhiên… vi phạm. Có thể chúng ta vô tình, tất nhiên chúng ta không có ác ý gì. Đặt kỳ vọng vào con cái là điều hiển nhiên của những bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên không phải lúc nào thiện ý cũng mang lại điều tốt đẹp. Thiện ý phải gắn liền với khoa học, trách nhiệm và cả pháp luật nữa. Một mùa thi nữa lại về, hi vọng sẽ là một mùa thi thành công cả trong phòng thi và cả… trên mạng!
Ảnh minh họa: Tư liệu