Người ta nói nhiều về đề tài này thời gian gần đây. Người ta nói nhiều về thủ phạm. Người ta nói nhiều về nạn nhân. Vậy nên tôi sẽ không bàn về hai đối tượng này nữa mà sẽ nói về những ông bố, bà mẹ.
Họ ở đâu trong câu chuyện? Đa số các ông bố, bà mẹ không biết con mình phải trải qua những gì cho đến khi hậu quả trở nên quá nghiêm trọng. Trên thực tế, trong khi chúng ta ngồi đây bàn luận hăng say và hùng hồn về những đứa trẻ đáng thương ngoài kia, rất có thể chính con cái chúng ta đã hoặc đang là nạn nhân của yêu râu xanh. Vấn đề luôn nằm ở chỗ: Hoặc chúng ta không biết, hoặc chúng ta biết quá muộn. Giống như một người bệnh ung thư phát hiện ra khối u khi đã bước vào giai đoạn cuối.
Có con bị xâm hại là nỗi đau có thể theo ta suốt cuộc đời. Tôi từng có dịp nói chuyện với một người mẹ có con gái bị xâm hại và không thể nào quên được cảm giác tội lỗi khi gợi nhớ lại nỗi đau quá lớn ấy. Mới đây, một bộ ảnh lên án tội ác ấu dâm với hình ảnh những đứa trẻ mang bầu (dĩ nhiên chỉ là sắp đặt theo ý đồ của ê kíp thực hiện). Tôi thậm chí không dám click vào xem vì thấy phô phang quá. Giá như ê kíp khéo léo hơn trong cách thể hiện để giữ kín danh tính cho các diễn viên nhí thì ý nghĩa của chiến dịch mới thực sự trọn vẹn. Bởi dù vô tình hay cố ý, họ cũng đang đẩy các em vào cuộc tranh luận của cộng đồng, tổn thương các em, biến các em thành nạn nhân nhân danh một lý do mà họ cho là cao cả.
“Tất cả vì tương lai của con em chúng ta”. Tất cả ở đây nghĩa là làm tất cả vì con, kể cả khi việc chúng ta cần làm là ngừng làm một số việc, ví dụ như thói quen cho con đi vệ sinh ở nơi công cộng. Hành động đó không chỉ mất thẩm mỹ, mất vệ sinh, thiếu tôn trọng những người xung quanh mà còn xâm phạm quyền riêng tư về cơ thể của con. Bằng cách phơi bày thân thể, đặc biệt là các bộ phận nhạy cảm của con một cách vô tư ở nơi công cộng, chúng ta khiến con dễ trở thành nạn nhân của nạn xâm hại. Trên thực tế, nhiều đứa trẻ không nhận thức được mình bị xâm hại vì cho rằng việc người khác nhìn hay sờ mó là bình thường. Phân tích sâu xa hơn thì hành vi đó của các ông bố, bà mẹ phản ánh sự thiếu tôn trọng với con cái mình và trẻ em nói chung. Chúng ta biết xấu hổ khi bị “lộ hàng”, bị tung ảnh hay clip nhạy cảm lên mạng nhưng lại vô tư chia sẻ, cười đùa trước những hình ảnh để lộ toàn bộ cơ thể của con. Không những không giáo dục con nhận thức sớm về việc tự bảo vệ thân thể mình, chúng ta còn là những người đầu tiên xâm phạm quyền riêng tư về cơ thể của con.
Làm thế nào để bảo vệ con khỏi nạn xâm hại? Câu hỏi này có cùng câu trả lời với nhiều câu hỏi khác xuất hiện trong suốt quá trình giáo dục một đứa trẻ: Không có sự bảo vệ nào an toàn hơn việc con tự biết cách bảo vệ chính mình. Làm thế nào để con nhận thức được điều con gặp phải là tốt hay xấu và biết cách ứng phó: Đây không chỉ là kỹ năng giúp con không trở thành nạn nhân của nạn xâm hại mà còn giúp con không trở thành nạn nhân của cuộc đời.