Tôi nhớ năm học lớp 3, lần đầu tiên tôi cùng đám bạn đến thăm cô Nhung nhân ngày 20/11. Những năm trước đó, vì còn quá nhỏ nên chúng tôi thường được bố mẹ đưa theo.
Mẹ của Hòa – một bạn trong nhóm đã bó sẵn một bó hoa lớn để chúng tôi cùng đến thăm cô. Đó là bó hoa được kết lại từ những bông hoa trong vườn nhà bạn: Thược dược, hồng bạch, hồng nhung, cúc trắng, lưu ly… Cái Hòa háo hức khoe đó là những bông hoa đẹp nhất mà nó đã chăm, đã lựa và cắt ra. Gai hoa hồng còn đâm nó chảy máu nhưng không hề đau. Hoa vừa cắt trên cành, còn ngái ngủ, ngậm sương đêm nên ngan ngát theo mỗi bước chân đi của lũ trò nhỏ.
Dọc đường đi, cả đám tò mò khoe nhau từng món quà. Quà tặng cô mà mẹ chuẩn bị cho tôi mang theo là chục trứng gà mới nở. Mẹ cái Hạnh chuẩn bị cho nó tấm vải trắng may áo. Mẹ Phi còi cho nó xách theo… con gà mới vặt lông… “Mẹ của Thụy không chuẩn bị cho Thụy gì cả vì mẹ đang nằm bệnh viện. Nhưng tối qua mình đã vẽ để tặng cô một bức chân dung” – cái Thụy tỏ ra hơi ngại ngần vì quà của mình có vẻ “yếu thế” nhất trong đám bạn. Nó chìa cho chúng tôi xem, một bức chân dung đẹp, chỉ hao hao giống cô Nhung cái cổ cao, tóc dài và cái áo có hình trái tim chi chít cô vẫn thường mặc.
Cô Nhung sau khi nhận quà của mỗi đứa cứ tủm tỉm cười rất vui. Hình như đầu những năm 90, các thầy, cô vẫn quen nhận những món quà “thiết thực” tới mức có thể vào bếp ngay sau đó, nên cô cũng không lấy gì làm lạ. Còn đám học sinh, ở tuổi đó cũng chưa lấy gì làm lạ. Mẹ nói đưa đi gì thì mang theo món đó đến nhà cô giáo.
Bức chân dung cái Thụy vẽ được cô cảm động lồng vào khung kính ngay sau đó và để trang trọng lên bục tủ. Vẻ ngại ngùng trên mặt nó tan biến, thay vào đó là nụ cười tươi rói. Cô giữ cả đám ở lại cùng cô rán bánh xèo. Sau khi cùng vào bếp, cùng đánh chén những chiếc bánh xèo giòn rụm, béo ngậy, uống một bụng căng nước, chúng tôi hỉ hả kéo nhau về.
* * * * *
Tôi vẫn nhớ những ngày 20/11 ở ngày xưa chưa xa lắm ấy. Hơn 20 năm chưa phải là quá dài. Tôi vẫn luôn thầm tiếc khi mọi việc lại đổi thay nhanh như thế. 20/11 hoa bán đầy các cổng trường. Phụ huynh vừa dừng xe ghé ngay vào mua một bông gói trong giấy bóng kiếng. Cả một chậu hoa hồng không hiểu sao vẫn không đủ thơm hương. Sau đó, phụ huynh xồng xộc kéo con lên cầu thang, tay cầm ba lô, bó hoa, tay kéo con. Cu con có khi còn dính rỉ nơi khóe mắt, khóe mũi vì quên chưa rửa mặt, mắt nhắm, mắt mở còn ngái ngủ.
Và chuyện phụ huynh dúi vào tay cô giáo tờ tiền polymer khô khốc ngay trước mặt con mình không còn lạ. Có phụ huynh còn giao luôn cho con trách nhiệm đưa cả hiện kim, hiện hoa cho cô vì mình đã vội quay xe đi làm cho kịp giờ công sở. Những đứa nhỏ ở tuổi ngây thơ chưa nhận thức được điều gì, nhưng mai này khi đã nhận thức được, các con sẽ nghĩ gì?
Chị bạn tôi nói, đôi khi phải gật đầu với sự tiện lợi chứ, khi mà mọi việc cuồng chân tất bật ngoài kia. Sự tiện lợi và cách để con cái, thậm chí cả chính mình ứng xử không văn minh với đồng tiền không phải là một. Và những đứa trẻ lớn lên chúng sẽ bị in vào tâm thức những bài học đầu tiên không văn minh như thế từ bố mẹ dạy cho.
Hàng năm tôi vẫn muốn dẫn con tới hàng hoa, hỏi con rằng con muốn tặng cô những bông hoa nào? Giải thích cho con rằng mình sẽ tặng cô một món quà nhưng để cô thích món quà ấy thì mình cần biết cô thích màu gì… Con bé đã đồng ý làm “điệp viên” để thăm dò cô, rồi cùng đi với mẹ chọn túi xách đúng màu cô yêu thích. Cách tặng quà ấy thực ra không có gì mới hay độc đáo nhưng cả mẹ, con và cô đều rất vui khi mình cùng được quan tâm, sẻ chia trong đó.
Đã có một thời bố mẹ không tặng phong bì cho cô giáo mà cả cô cả trò đều rất háo hức trong ngày lễ hiến chương ý nghĩa này… Xin đừng đổ lỗi về phía các thầy, cô!