Đánh thức ‘người đẹp’ giữa đại ngàn xứ Nghệ

Với 1,3 triệu ha, Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây đang được ví như “Người đẹp ngủ trong rừng”, cần được “đánh thức” để phát triển du lịch.

Chắc hẳn, nhiều người biết đến vùng Môn Sơn – Mường Quạ (Con Cuông), nơi có đồng lúa mênh mông, dòng sông Giăng thơ mộng và đại ngàn Pù Mát chứa đựng bao điều bí ẩn. Nơi đây đã thành điểm đến cho những người ưa vẻ đẹp núi rừng và trải nghiệm đời sống văn hóa bản làng người Thái.

Để tạo thêm sức hút đối với khách du lịch, nhất là những người trẻ ở các thành phố và khách nước ngoài ưa thích sự mạo hiểm, Sở Du lịch Nghệ An đang xây dựng sản phẩm “Chèo thuyền kayak – đi bộ, leo núi (trekking) – đạp xe đạp địa hình leo núi (mountain biking) từ đập Phà Lài (Bản Xiềng) đi bản Cò Phạt (xã Môn Sơn)”.

Sản phẩm được xây dựng trên cơ sở địa hình đa dạng, vừa có đèo dốc cheo leo, vừa có đường bằng phẳng, có sông suối nên thơ, đồng ruộng bát ngát. Trục chính của tour du lịch mạo hiểm này dọc theo sông Giăng, điểm xuất phát ở đập Phà Lài và kết thúc tại bản Cò Phạt, nơi cư trú của đồng bào Đan Lai. Hành trình chinh phục khoảng 20 km, thời gian khoảng chừng 2 ngày, tùy thuộc vào độ bền sức khỏe và nhu cầu khám phá của mỗi người.

Tham gia tour này, du khách được đắm chìm giữa cảnh núi non hùng vĩ, sông Giăng thơ mộng và trải nghiệm đời sống văn hóa, ẩm thực của cư dân bản địa, qua đó thể hiện bản lĩnh chinh phục thử thách. Chèo thuyền kayak trên dòng sông Giăng, khi con nước hiền hòa là cơ hội để ngắm vẻ đẹp của đôi bờ với bãi đá nhấp nhô, những phiến đá phẳng lỳ gối chồng lên nhau do sự sắp đặt của bàn tay tạo hóa, nước sông trong vắt in bóng cây cổ thụ…

Khi gặp những đoạn nước sông chảy xiết, người lái thuyền phải tập trung cao độ, huy động sức lực và sự khéo léo của đôi bàn tay để vượt qua thử thách. Càng lên phía thượng nguồn con nước càng chảy xiết, ghềnh thác hiểm trở càng nhiều, các phượt thủ buộc thuyền kayak dưới gốc cây để lên bờ tiếp tục hành trình.

Con đường men theo bờ sông cheo leo, gập ghềnh, lắm đèo, nhiều dốc. Những đoạn độ dốc nhỏ có thể di chuyển bằng xe đạp địa hình, thử tài của các tay lái. Những đoạn đường có độ dốc lớn và cheo leo thì xuống xe dắt bộ, thử sức bền và bản lĩnh đường trường của mỗi phượt thủ. Dọc đường có thể dừng chân ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, nghe chim muông ca hót và check-in những bức ảnh “để đời”.

Đích đến là bản Cò Phạt, nơi cư trú của hàng chục hộ người Đan Lai. Đêm nghỉ lại nơi đầu nguồn sông Giăng nghe tiếng chim gọi bạn giữa đại ngàn và bản hòa âm của dòng sông, ngọn gió cùng âm thanh của muông thú. Mâm cơm thế nào cũng có món cá mát nướng (thứ đặc sản của sông Giăng), nhấp chén rượu nồng, khách lắng nghe câu chuyện về quá khứ đau thương, bị kẻ thù truy đuổi phải chạy trốn ở nơi sơn cùng thủy tận của tộc người Đan Lai. Theo truyền thuyết, khi đã chạy đến đầu nguồn sông Giăng, dù đã ở nơi hiểm trở nhưng tổ tiên của người Đan Lai vẫn phải ngủ ngồi để đề phòng kẻ thù tìm đến. Lâu dần trở thành phong tục truyền từ đời này qua đời khác…

Sáng dậy, hít thở không khí trong lành ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, dùng bữa sáng xong, các phượt thủ ngược ra đập Phà Lài bằng cách đi bộ, đi xe đạp địa hình và chèo thuyền kayak. Nếu có thêm thời gian, đạp xe quanh vùng Mường Quạ để cảm nhận vẻ đẹp vùng đất cổ, nơi cư trú lâu đời của người Thái, trải nghiệm thêm nét đẹp bình dị và phong tục của cư dân nơi đây.

Khi được hỏi ngọn núi nào cao nhất trên địa bàn, phần lớn người dân Nghệ An đều có thể trả lời: Puxailaileng! Quả vậy, với độ cao 2.720m, Puxailaileng giữ vị trí số một ở nơi đây và được ví là “nóc nhà của dãy Trường Sơn Bắc”. Có điều, số lượng người đến với xã Na Ngoi, huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn để trải nghiệm và khám phá Puxailaileng lại chưa nhiều, nếu không muốn nói là khá ít. Hay nói cách khác, Puxailaileng vẫn còn là bí ẩn đối với phần lớn người dân Nghệ An, chưa nói đến người dân cả nước. Vì vậy, chinh phục đỉnh núi này là khát vọng của những người ưa sự “xê dịch”.

Đỉnh Puxailaileng được các chuyên gia du lịch đánh giá sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo của Nghệ An. Sở Du lịch đã tiến hành khảo sát và xây dựng sản phẩm “Chinh phục đỉnh Puxailaileng”, tất cả gần như đã sẵn sàng cho sự khởi động, chỉ chờ đại dịch Covid-19 được khống chế.

Để đến Puxailaileng, nếu xuất phát từ TP. Vinh ngược lên trung tâm xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) khoảng chừng 250km rồi thuê xe bán tải vượt 17km đến Trạm Biên phòng Buộc Mú, nơi có độ cao khoảng 1.500m. Từ đây, các phượt thủ có thể chọn cách đi bộ leo núi, xe đạp địa hình hoặc xe máy thực hiện hành trình di chuyển gần 20km dọc tuyến đường tuần tra biên giới.

Hành trình dọc theo đường tuần tra biên giới thực sự rất gian nan với hàng trăm con dốc lớn nhỏ, xuyên qua màn sương mù dày đặc thực sự là thử thách không nhỏ. Nhưng bù lại được thưởng thức cảnh đẹp của chốn hoang vu, núi non trùng điệp, thảm thực vật đẹp đến mê ly và mây trời vờn bay tựa chốn Bồng Lai tiên cảnh.

Có người ví Puxailaileng như cô sơn nữ mộc mạc nhưng kiêu kỳ, mùa Hè khoác lên mình chiếc áo xanh mát rượi và tươi trẻ. Mùa Đông kiêu hãnh với chiếc áo màu vàng rơm và ẩn mình trong sương mù, băng tuyết như thách thức, mời gọi bước chân những khách lãng du.

Puxailaileng theo nghĩa tiếng Thái là dãy núi nhiều cát và rất lạnh. Nhiều cát là do quá trình biến đổi, phong hóa của các yếu tố địa chất trải qua thời gian hàng chục vạn năm. Còn lạnh thì ai cũng có thể hiểu là do yếu tố độ cao khiến nhiệt độ giảm mạnh. Lên đây vào mùa Hè sẽ cảm nhận được thời tiết 4 mùa trong một ngày, có heo may ban sáng, ấm áp lúc gần trưa, hơi nóng bức lúc chính Ngọ và lạnh giá về đêm.

“Đặc sản” của Puxailaileng trước tiên là mây mù. Những khối mây khổng lồ có lúc trùm lên cả dãy núi. Có lúc, khối mây được cơn gió dẫn đi chu du sang dãy núi khác, Puxailaileng bỗng nhiên bừng sáng ánh nắng mặt trời. Lúc này, dọc đường tha hồ ngắm cảnh dưới chân núi với bản làng yên vui, ruộng nương xanh mướt và những con đường ngoằn ngoèo như dải lụa vắt trên sườn núi. Gần hơn là những cánh rừng sa mu và pơ mu nguyên sinh bạt ngàn, cành lá đan cài vào nhau khiến ánh mặt trời ít khi lọt xuống. Phía dưới là thảm thực vật trong môi trường ẩm ướt, các loài rong rêu đủ sắc màu, có cảm giác như đang lạc vào “miền cổ tích”.

Đến km18 đường tuần tra biên giới, từ đây lên đỉnh Puxailaileng chỉ còn khoảng 2.000m nhưng chỉ có cách đi bộ leo núi. Vượt một ta-tuy cao, xuyên qua cánh rừng sa mu cổ thụ, lên cột mốc 422, tiếp tục băng qua một yên ngựa là lên đến đỉnh Puxailaileng, nơi được ví là “nóc nhà” của dãy Trường Sơn Bắc. Lên đây, trước tiên cảm nhận về độ cao với không khí buốt lạnh, xung quanh là những bụi cây thấp nhỏ, từng khối mây vờn quanh. Phía bên kia là nước bạn Lào vẫn cảnh núi non trùng điệp tưởng như chạy mãi không cùng.

Đặt chân lên đỉnh Puxailaileng sẽ thấy phấn khích lạ thường và tự hào, vui sướng khi được chinh phục đỉnh cao 2.720m. Rồi cùng lặng im như để lắng nghe tiếng vang vọng của núi rừng biên cương, nơi cuối trời đất nước. Một tình cảm thiêng liêng ùa về khiến con tim như bồi hồi, xúc động. Một lá cờ đỏ sao vàng được phất lên giữa màn sương bàng bạc, rồi tay nắm chặt tay nhau cùng cất lên bài hát “Quốc ca”. Giai điệu trầm hùng hòa cùng thanh âm của núi rừng biên cương khiến tiếng hát như vang xa giữa điệp trùng Puxailaileng hùng vĩ…

Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Du lịch Nghệ An đang xây dựng và hoàn thiện một số sản phẩm mới để thu hút du khách khi dịch Covid-19 được khống chế. Nổi bật là sản phẩm “Chèo thuyền kayak – đi bộ, leo núi (trekking) – đạp xe đạp địa hình leo núi (mountain biking) từ đập Phà Lài (bản Xiềng) đi bản Cò Phạt (xã Môn Sơn- Con Cuông)” và “Khám phá đỉnh Puxailaileng ở huyện Kỳ Sơn. Hai sản phẩm mới này sẽ góp phần đa dạng hóa các hoạt động du lịch, đánh thức tiềm năng của miền Tây Nghệ An”.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. thuanthangbqd

    Bài viết súc tích. Rút tit gọn đẹp kéo níu, Anh nào cũng mang đến nhưng ki quan đẹp, giàu có…