Thời gian qua, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã được chấn chỉnh và góp phần đảm bảo cung ứng nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trước những tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như có cơ chế để gỡ “nút thắt”.
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 694 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong đó, 115 cửa hàng chưa có giấy phép xây dựng theo quy định tại Khoản 3, Điều 24, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định khác có liên quan; 45 cửa hàng chưa hoàn thành các thủ tục về PCCC; 66 cửa hàng thiếu hồ sơ về BVMT; 116 cửa hàng vi phạm hành lang an toàn giao thông; 12 cửa hàng còn vướng mắc về thủ tục đất đai (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ); 80 cửa hàng vi phạm QCVN01:2013 Quy chuẩn về thiết kế cửa hàng xăng dầu (một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu do xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp hoặc bản vẽ quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể được phê duyệt hoặc tự ý xâỵ dựng thêm các hạng mục khác, các công trình phụ trợ không đáp ứng quy chuẩn). 62 cửa hàng chưa được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (trong đó có 8 tàu kinh doanh dầu Diezel tại thị xã Hoàng Mai.
Cùng đó, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu do tự ý xây dựng hoặc thiếu hồ sơ về phòng cháy chữa cháy; cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh chưa được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, hồ sơ về bảo vệ môi trường, đất đai hoặc vi phạm hành lang an toàn giao thông,…
Theo Sở Công thương, các huyện Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai,… là những địa phương có nhiều cây xăng dầu và cũng có nhiều cửa hàng vi phạm nhất. Nổi cộm nhất là nhiều cửa hàng không có giấy phép xây dựng, trong đó Quỳnh Lưu có 41 cửa hàng, Tân Kỳ 16, TX. Hoàng Mai 14, và ngay ở TP. Vinh cũng có 4 cửa hàng không có Giấy phép xây dựng. Các địa phương này cũng có nhiều cửa hàng thiếu hồ sơ PCCC, vi phạm hành lang an toàn giao thông…
Trước thực trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, nhiều địa phương đã kiến nghị các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh tạo điều kiện cấp giấy phép xây dựng bổ sung cho các cửa hàng; tạo điều kiện để cho các cửa hàng tiếp tục cải tạo, nâng cấp tại chỗ để hoạt động kinh doanh xăng dầu đúng quy định.
Riêng đối với các cửa hàng vi phạm hành lang ATGT, các địa phương cũng đã kiến nghị tạo điều kiện cho các cửa hàng cải tạo nâng cấp để tiếp tục hoạt động. Đặc biệt đối với những cửa hàng trước đây không vi phạm hành lang ATGT, nhưng do các tuyến đường giao thông mới nâng cấp lên quốc lộ, tỉnh lộ, khiến cho các cửa hàng này nằm trong hành lang ATGT, thì cho phép tiếp tục tồn tại và nâng cấp dần.
Ở xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), do các cửa hàng xăng dầu chủ yếu bán dầu cho tàu thuyền của ngư dân nên hoạt động cũng có những đặc thù nhất định. Trước mỗi chuyến ra khơi, ngư dân sẽ liên hệ với các cửa hàng để bơm dầu, mỗi lần bơm cả hàng nghìn lít tuỳ vào công suất máy và thời gian mỗi chuyến đi. Hầu hết các chủ tàu đều phải mua nợ dầu ở các cửa hàng này, thường sau đi đánh bắt về nếu trúng đậm mẻ cá thì mới có tiền để trả nợ, còn không thì trả chậm hơn. Thường mỗi cửa hàng sẽ cho ngư dân nợ tối đa 500 triệu đồng tiền dầu, cùng với đó các cơ sở cung cấp dầu cũng sẽ cho cửa hàng bán lẻ chậm trả trong khoảng thời gian nhất định. Chính vì thế giữa 3 bên này có quan hệ tương đối mật thiết với nhau. Theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, nếu các cây dầu này bị buộc phải dừng hoạt động cũng rất khó cho ngư dân.
Theo ông Hoàng Ngọc Thuỷ, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng TX. Hoàng Mai thì, hiện nay toàn thị xã có hơn 1.000 tàu thuyền đi biển, trong đó có hơn 430 tàu có công suất từ 300-400CV. Tàu thuyền đi biển có nhu cầu sử dụng dầu diezen rất lớn, mỗi lần bơm cả nghìn lít dầu. Nếu như đình chỉ các cơ sở chưa hoàn thiện các thủ tục sẽ khiến cho hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Quan điểm của thị xã là luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa các cơ sở kinh doanh xăng dầu hoàn thiện cơ sở pháp lý, thủ tục nhằm hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục lại qua nhiều sở, không qua thị xã, thị xã không có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Trước những tồn tại trong kinh doanh xăng dầu, tại nhiều cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành đã có ý kiến tăng cường công tác chấn chỉnh. UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), UBND cấp huyện, thương nhân sở hữu cửa hàng bán lẻ xăng dầu tổ chức kiểm tra, xem xét các quy định có liên quan trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận về việc xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu, phù hợp với thời gian thành lập và hoạt động của cửa hàng.
Để tăng cường quản lý và xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, hạn chế tình trạng kinh doanh xăng dầu không rõ nguồn gốc, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trên cơ sở thực tế những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục hoạt động kinh doanh xăng dầu do lịch sử để lại, Sở Công Thương đã tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, sở ngành liên quan. Theo đó, đề nghị: Đối với cửa hàng xăng dầu đã xây dựng và hoạt động kinh doanh nhưng không có giấy phép xây dựng do xây dựng trước thời điểm quy định về giấy phép xây dụng hoặc cửa hàng xăng dầu do lịch sử để lại, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, không có đơn thư khiếu kiện theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Đối với cửa hàng xăng dầu đã xây dựng và hoạt động kinh doanh nhưng không có giấy phép xây dựng, không đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường,… thì yêu cầu thương nhân thực hiện cải tạo, xây dựng cửa hàng đảm bảo quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Không xem xét cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đối với những cửa hàng này nếu không thực hiện.
Đối với các cửa hàng vi phạm hành lang an toàn giao thông: Đối với cửa hàng bán lẻ xáng dầu nằm trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện xây dựng đúng giấy phép xây dựng đã được cấp nhưng sau khi Nhà nước quy hoạch lại tuyến đường thì bị vi phạm hành lang an toàn giao thông và tuyến đường chưa nâng cấp, mở rộng đường thì cho phép các cửa hàng xăng dầu đã được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu tiếp tục hoạt động. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp có cam kết tự tháo dỡ, di dời ra khỏi hành lang an toàn giao thông khi Nhà nước thực hiện đầu tư, xây dựng, mở rộng tuyến đường theo quy hoạch.
Đối với cửa hàng xăng dầu nằm trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện vi phạm hành lang an toàn giao thông do xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp hoặc bản vẽ quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể được phê duyệt thì yêu cầu thương nhân tiến hành di dời cửa hàng xăng dầu đưa ra khỏi hành lang an toàn giao thông đường bộ. Không xem xét cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu sau khi hết hạn đối với các cửa hàng không thực hiện di dời.
Đối với các cửa hàng chưa hoàn thành các thủ tục về PCCC, chưa hoàn thiện hồ sơ về bảo vệ môi trường: Trường hợp cửa hàng xăng dầu đã xây dựng và đang hoạt động,… yêu cầu các thương nhân hoàn thiện các thủ tục về PCCC, hồ sơ bảo vệ môi trường thời hạn trước ngày 30/6/2021. Đối với các cửa hàng vi phạm Quy chuẩn QCVN01:2013 Quy chuẩn về thiết kế cửa hàng xăng dầu, yêu cầu chủ cơ sở cải tạo cửa hàng theo Quy chuẩn kỹ thuật về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu hiện hành…
Có thể nói, thời gian qua, công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, nhiều vi phạm xảy ra ở không chỉ vấn đề chất lượng hàng hoá. Vì thế, những vi phạm đã được chỉ ra cần được chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh chân chính.