Sáp nhập đơn vị hành chính – Bài 2: Linh hoạt trong cách làm

Xã Thượng Tân Lộc được sáp nhập từ các xã Nam Tân, Nam Lộc và Nam Thượng của huyện Nam Đàn, theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định về công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thì Thượng Tân Lộc là xã loại 1 được bố trí 23 cán bộ, công chức. Trong khi đó, sau khi sáp nhập 3 xã thành 1 Thượng Tân Lộc, xã mới có tới 59 cán bộ, công chức. Để bộ máy của Thượng Tân Lộc đi vào hoạt động ổn định, huyện Nam Đàn điều động đồng chí Trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, đồng thời điều chuyển 4 công chức xã sang công tác tại thị trấn Nam Đàn. Cùng với đó lãnh đạo xã và huyện trực tiếp vận động một số người nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ 108, nghỉ do không đảm bảo tiêu chí về bằng cấp. Hiện xã còn 50 cán bộ, công chức.

Cán bộ xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) giải quyết TTHC cho người dân.
Cán bộ xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) giải quyết TTHC cho người dân.

Để từng bước tinh giản bộ máy, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, xã chủ động xác định lộ trình, các phương án trong sắp xếp bố trí cán bộ. Trước mắt, xã thực hiện phân công bố trí công việc cho các cán bộ, công chức đảm nhận ở các vị trí công tác cụ thể, cùng với đó, để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, UBND xã phân công các trưởng các bộ phận để làm “đầu mối” chịu trách nhiệm chuyên môn ở từng lĩnh vực, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Bí thư Đảng ủy xã Thượng Tân Lộc – đồng chí Lê Sỹ Kiệt chia sẻ: “Trong suy nghĩ một số người cho rằng nghỉ hưu trước tuổi là do năng lực yếu kém. Để thông tư tưởng, trong quá trình thực hiện lãnh đạo huyện, xã gặp gỡ từng người trao đổi phân tích đối với từng cán bộ thuộc diện nghỉ theo chế độ Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (gọi tắt là Nghị định 108), để họ chia sẻ với tổ chức trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế. Việc tinh giản biên chế không thực hiện theo cơ học mà phải phù hợp với tình hình của địa phương. Xã vận dụng linh hoạt sáng tạo trong sắp xếp bố trí cán bộ phù hợp với tình hình địa phương”.

Đơn cử như trường hợp của công chức văn hóa xã Thượng Tân Lộc, theo quy định không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, nhưng cán bộ này là người có uy tín, có năng lực trong quá trình công tác được lãnh đạo xã và người dân đánh giá cao. Xã đã vận động, bố trí đồng chí này đảm nhiệm chức vụ bí thư chi bộ xóm đặc thù của xã, làm hạt nhân trong lãnh đạo chỉ đạo của xóm. Hay, trường hợp của đồng chí Trưởng Công an xã, sau sáp nhập đồng chí tự nguyện xin nghỉ thôi việc, tuy nhiên xét thấy đây là cán bộ có kinh nghiệm, có uy tín, năng lực công tác nên xã vận động đồng chí tiếp tục công tác phục vụ địa phương đến thời gian đủ tuổi nghỉ hưu.

Với 8 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập thành 3 đơn vị hành chính cấp xã, huyện Nam Đàn có 84 số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập xã. Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn – đồng chí Nguyễn Văn Quế cho biết: Quan điểm của huyện là sắp xếp, bố trí để tất cả cán bộ, công chức ở các xã sáp nhập đều có việc làm, không ai phải đứng ra ngoài tổ chức bộ máy. Thời gian tới, số cán bộ, công chức dôi dư sẽ được huyện điều động, luân chuyển về 19 đơn vị hành chính cấp xã và các cơ quan, đơn vị của huyện còn thiếu biên chế.

Cán bộ huyện Nam Đàn thăm mô hình sản xuất làng nghề miến gạo tại thị trấn Nam Đàn.
Cán bộ huyện Nam Đàn thăm mô hình sản xuất làng nghề miến gạo tại thị trấn Nam Đàn.

Huyện miền núi Tương Dương cũng đã chủ động ngay từ ban đầu trong công tác sắp xếp bố trí cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã trong quá trình thực hiện sáp nhập. Những năm gần đây, Tương Dương không tuyển dụng cán bộ các phòng, ban cấp huyện và cấp xã.

“Cách làm của Tương Dương là bố trí các đồng chí cấp phó các đoàn thể chính trị xã hội kiêm nhiệm giữ các chức danh, bí thư chi bộ, trưởng bản, để vừa tăng chế độ cho cán bộ vừa tăng nguồn cán bộ cho khối, bản. Đối với các công chức dôi dư, huyện sàng lọc những người đảm bảo các tiêu chuẩn tuyển dụng bổ sung cho các phòng, ban của huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy tính toán kỹ các phương án, chủ động trong công tác sắp xếp bố trí cán bộ đảm bảo dân chủ, minh bạch, hài hòa bộ khung cán bộ giữa hai địa phương sau khi sáp nhập. Nhờ đó tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân, không có đơn thư khiếu kiện liên quan đến công tác cán bộ sau sáp nhập”- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương Lữ Văn May cho biết.

Tại huyện Nghĩa Đàn, sau sáp nhập 3 xã thành xã Nghĩa Thành mới có 50 cán bộ, công chức. Theo quy định, Nghĩa Thành được bố trí 23 cán bộ, công chức, hiện xã đang dôi dư 27 cán bộ, công chức. Để từng bước giải quyết vấn đề dôi dư cán bộ, công chức sau sáp nhập, Nghĩa Đàn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Vận động nghỉ hưu trước tuổi, vận động nghỉ hưởng chính sách theo Nghị định 108, 113 của Chính phủ. Đồng thời huyện tổ chức tổng rà soát các phòng, ban của huyện, các xã, thị trấn để luân chuyển điều động cán bộ, công chức từ xã mới bố trí sang những đơn vị hành chính đang thiếu, đồng thời bố trí cán bộ kiêm nhiệm các chức danh.

Quang cảnh thị trấn Nghĩa Đàn.
Quang cảnh thị trấn Nghĩa Đàn.

Để giải quyết bài toán dôi dư cán bộ sau sáp nhập xã, các cấp ủy, chính quyền ở Nghệ An đã tăng cường vận động, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức khi nghỉ việc. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức đã hy sinh quyền lợi của mình để tạo điều kiện cho địa phương sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Đơn cử như trường hợp đồng chí Phạm Văn Khánh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Tân cũ, sau sáp nhập mặc dù còn đủ tuổi tái cử nhưng do dôi dư con người nên đồng chí Khánh đã tự nguyện xin nghỉ việc. “Bản thân tôi có hơn 30 năm công tác tại địa phương, sau sáp nhập xã cán bộ dôi dư nhiều, mặc dù còn 3 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu mình ở lại sẽ mất đi cơ hội của người khác, mà họ cũng được đào tạo bài bản có trình độ, năng lực và còn trẻ nên có điều kiện để cống hiến. Mình là cán bộ đảng viên, là người đứng đầu của xã lại cần phải tiên phong trong việc thực hiện chủ trương, vì tổ chức vì cái chung, nhường cơ hội cho người khác. Hơn nữa cán bộ, công chức nghỉ theo chế độ 108 được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên của Nhà nước” – đồng chí Phạm Văn Khánh chia sẻ.

Hay như trường hợp của đồng chí Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Hưng Long, mặc dù là cán bộ trẻ có đầy đủ tiêu chí về bằng cấp chuyên môn trình độ đại học, trung cấp lý luận chính trị, sau khi sáp nhập xã Hưng Long và Hưng Xá thành xã Long Xá, đồng chí Khánh chủ động tự nguyện xin viết đơn thôi việc. “Là người có tuổi đời còn trẻ, tôi nghĩ mình cần thoát khỏi tư tưởng “người nhà nước”, không tham gia trong bộ máy chính quyền thì mình vẫn có thể làm các công việc khác để góp phần xây dựng quê hương. Bản thân tôi hiện nay đang tập trung đầu tư phát triển mô hình kinh tế. Hiện gia đình đang có hai cơ sở sản xuất gia công bao bì, đại lý phân phối vật tư nông nghiệp. Tôi sẽ vẫn là một công dân gương mẫu trong phong trào xây dựng, phát triển kinh tế góp sức làm giàu quê hương. Bản thân mong muốn, Nhà nước có sự quan tâm, có chính sách hỗ trợ thoả đáng đối với cán bộ, công chức tự nguyện nghỉ thôi việc sau sáp nhập”- đồng chí Khánh bày tỏ.

Cơ sở may gia công bao bì của anh Nguyễn Quốc Khánh ở Long Xá (Hưng Nguyên).
Cơ sở may gia công bao bì của anh Nguyễn Quốc Khánh ở Long Xá (Hưng Nguyên).

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Nghệ An là kiện toàn bộ máy, sắp xếp, bố trí và giải quyết chính sách cho các cán bộ, công chức người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ; thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, chắc chắn; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của của Đảng; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Thống nhất cơ cấu khung, số lượng cấp ủy viên, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính cấp xã mới gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử HĐND xã, nhiệm kỳ 2021-2026.

Công an chính quy huyện Hưng Nguyên hỗ trợ công an xã Hưng Yên Nam rà soát cấp đổi hộ khẩu cho người dân.
Công an chính quy huyện Hưng Nguyên hỗ trợ công an xã Hưng Yên Nam rà soát cấp đổi hộ khẩu cho người dân.

“Quan điểm, chỉ đạo của các cấp chính quyền đã rõ ràng, tuy nhiên, xét thực tế có thể thấy, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là việc giải quyết vấn đề cán bộ, công chức dôi dư. Chủ trương của tỉnh trong sắp xếp bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã quyết liệt, nhưng phải có lộ trình, phải xem xét từng trường hợp cụ thể để đưa ra những quyết định đúng đắn. Hiện tại các địa phương bố trí cán bộ đảm nhận các vị trí công tác phù hợp năng lực, trình độ. Sau đại hội Đảng bộ các xã sẽ tiếp tục sắp xếp lại. Sở Nội vụ đã có văn bản đề nghị các huyện rà soát thống kê cán bộ, công chức dôi dư để có phương án sắp xếp. Chậm nhất sau 5 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định. Trong quá trình thực hiện phải giải quyết chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức và phải bảo đảm tính nhân văn trong công tác cán bộ”- Phó Giám đốc Sở Nội vụ – đồng chí Trần Quốc Chung nhấn mạnh.

Cán bộ Sở Nội vụ trao đổi việc giải quyết thủ tục hành chính với cán bộ, công chức phường Bến Thủy (TP Vinh).
Cán bộ Sở Nội vụ trao đổi việc giải quyết thủ tục hành chính với cán bộ, công chức phường Bến Thủy (TP Vinh).

(Còn nữa)