Sáp nhập đơn vị hành chính – Bài 1: Bám sát thực tiễn

Ngày 12/2/2020, huyện Thanh Chương tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập xã Đại Đồng (diện tích 15,83 km2, dân số 13.300 người) trên cơ sở sáp nhập 3 xã Thanh Hưng, Thanh Văn và Thanh Tường. Ngay sau khi sáp nhập, xã đã bắt tay ngay vào việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân.

Trước hết, Đảng ủy, chính quyền xã mới Đại Đồng tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân, triển khai xây dựng một số công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp (xây dựng 450m đường bê tông, tu sửa trường mầm non với kinh phí trên 700 triệu đồng, xây dựng trạm biến áp 250kw…); chỉ đạo tổ chức thành công đại hội các chi bộ trực thuộc, bầu trưởng thôn nhiệm kỳ 2020-2022. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh tích cực làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, xã cũng chuẩn bị các phương án về cơ sở vật chất ở các trụ sở cũ chưa sử dụng sau sáp nhập để khi có tình huống xảy ra làm địa điểm cách ly cho người dân.

HĐND huyện Nghi Lộc triệu tập kỳ họp bất thường để tiến hành các bước sáp nhập xã Nghi Khánh và Nghi Hợp; Lễ công bố nghị quyết thành lập xã Đại Đồng, được sáp nhập từ 3 xã Thanh Hưng, Thanh Tường, Thanh Văn.
HĐND huyện Nghi Lộc triệu tập kỳ họp bất thường để tiến hành các bước sáp nhập xã Nghi Khánh và Nghi Hợp; Lễ công bố nghị quyết thành lập xã Đại Đồng, được sáp nhập từ 3 xã Thanh Hưng, Thanh Tường, Thanh Văn.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng – đồng chí Nguyễn Văn Thùy cho biết: Xác định rõ việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nên cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực thực hiện, đảm bảo việc sáp nhập xóm, xã đúng theo trình tự đề ra. Sau sáp nhập đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo khảo sát, quá trình sáp nhập 3 xã thành 1 xã Đại Đồng đã nhận được sự đồng tình cao của nhân dân địa phương. Có 97,8% người dân xã Thanh Tường, 96,7% người dân xã Thanh Văn và 99,4% người dân xã Thanh Hưng đồng ý phương án sáp nhập. Đặc biệt, tên đơn vị hành chính mới cũng là tên gọi cũ của tổng Đại Đồng trước đây. Trụ sở của xã Thanh Văn cũ được chọn làm trụ sở và trung tâm hành chính của xã Đại Đồng.

Nói về quá trình sáp nhập, hình thành xã Đại Đồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương – đồng chí Trình Văn Nhã cho biết: Xác định mấu chốt trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là cán bộ, đảng viên phải thông, người dân phải hiểu và đồng thuận. Vì vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ; tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập; hướng dẫn cụ thể các địa phương về tổ chức lấy ý kiến cử tri. Huyện cũng thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc tham gia lấy ý kiến đóng góp, đồng thời giám sát việc phát phiếu đảm bảo công khai, dân chủ, đúng luật định. Quá trình triển khai sáp nhập được thực hiện bài bản, chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân. Sau khi sáp nhập 3 xã thành xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương giảm từ 40 đơn vị hành chính cấp xã còn 38 (37 xã, 1 thị trấn).

Tại huyện Hưng Nguyên, nơi có 10 xã thuộc diện sáp nhập, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của nhiều cán bộ, công chức, người dân. Vì vậy, ngay từ khi triển khai huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thông qua nhiều hình thức như các hội nghị, qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở… cung cấp thông tin đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện.

Cán bộ xã Châu Nhân giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh tư liệu
Cán bộ xã Châu Nhân giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh tư liệu

Bí thư Đảng ủy xã mới Châu Nhân – đồng chí Trần Công Hoan chia sẻ: “Ban đầu tư tưởng của một số cán bộ và nhân dân còn mang tính cục bộ, ngại thay đổi vì hai xã Hưng Châu và Hưng Nhân trước khi sáp nhập, một xã nằm bên trong đê, một xã nằm bên ngoài đê, cách trở về địa giới hành chính. Để người dân đồng thuận, xã tổ chức các cuộc họp làm thông tư tưởng từ cán bộ đến nhân dân, phân công các đồng chí ủy viên ban chấp hành Đảng bộ xã, ủy viên ban thường vụ Đảng ủy phụ trách các xóm. Ngoài ra, lãnh đạo hai xã dự sinh hoạt chi bộ chéo để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, khó  khăn vướng mắc để có định hướng giải quyết. Sau khi xã phân tích mọi vấn đề một cách cụ thể về sự hiệu quả sau khi sáp nhập người dân đều vui vẻ ủng hộ và bày tỏ tin tưởng sau sáp nhập xã sẽ ổn định và ngày một phát triển”.

Tại huyện miền núi Tương Dương, ngay sau khi sáp nhập xã Thạch Giám vào thị trấn Hòa Bình, ngày 10/2/2020 thị trấn đã tổ chức kỳ họp HĐND lần thứ nhất để bầu các chức danh chủ chốt; tổ chức bàn giao, kiểm kê tài sản, cấp đổi con dấu của Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, thông báo trên các phương tiện thông tin về trụ sở làm việc cho người dân được biết. Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã bắt tay ngay thực hiện nhiệm vụ, không để chậm trễ trong quá trình giải quyết công việc cho người dân. “Quá trình triển khai sáp nhập, chúng tôi đã thành lập tổ lấy ý kiến cử tri, đến từng hộ gia đình vừa thu thập, lấy ý kiến, vừa tuyên truyền, giải thích những thắc mắc, băn khoăn về chính sách sau sáp nhập. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nên 183 hộ dân trong bản đều đồng ý với việc sáp nhập”, Bí thư Chi bộ bản Phòng – đồng chí Vi Thị Minh cho biết.

Lễ công bố thành lập thị trấn Thạch Giám (Tương Dương).
Lễ công bố thành lập thị trấn Thạch Giám (Tương Dương).

Việc sáp nhập xã Thạch Giám và thị trấn Hòa Bình được người dân ở đây ví như “con về với mẹ”, bởi thị trấn Hòa Bình cách đây 30 năm được chia tách từ một bản của xã Thạch Giám. Khi thực hiện sáp nhập, một số người dân thị trấn Hòa Bình băn khoăn muốn giữ lại tên là thị trấn Hòa Bình, nhưng sau khi được giải thích làm rõ nguồn gốc chia tách trước đây, và xã Thạch Giám lại là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang của huyện Tương Dương, là địa phương có truyền thống anh hùng, vì vậy sau khi sáp nhập đặt tên thị trấn là Thạch Giám đã được người dân đồng thuận. Còn một số người dân xã Thạch Giám cũ lại băn khoăn sau khi sáp nhập vào thị trấn sẽ không được hưởng chế độ của xã miền núi khó khăn như trước đây; cán bộ xã đã giải thích cho người dân hiểu rõ việc chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ có sự thay đổi, và chỉ dành cho các địa phương, vùng đặc biệt khó khăn, hơn nữa Thạch Giám là xã miền núi về đích nông thôn mới của tỉnh, nên người dân phải có ý thức vươn lên, không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, muốn dân đồng thuận trước hết cán bộ, đảng viên phải thông. Cùng với tuyên truyền trên loa truyền thanh, địa phương phân công cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy xã phụ trách các khối bản tổ chức họp dân; thành lập tổ lấy ý kiến cử tri đều được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ. Nhờ đó, việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định. Việc đồng thuận của người dân được thể hiện qua kết quả trên 93% cử tri được lấy ý kiến của thị trấn đồng ý sáp nhập và đặt tên mới là thị trấn Thạch Giám”- Bí thư Đảng ủy thị trấn Thạch Giám Nông Thị Kim Tuyến chia sẻ.

Cán bộ, công chức thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ, công chức thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Là huyện có nhiều xã thuộc diện sáp nhập nhất tỉnh, đến nay 10 đơn vị hành chính cấp xã ở huyện Hưng Nguyên đã được sáp nhập thành 5 xã và đi vào hoạt động ổn định, nền nếp. Để triển khai chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, ngoài việc phân công cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trực tiếp chỉ đạo các xã thì Hưng Nguyên thành lập 5 tổ công tác do 5 đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng và các phòng, ban liên quan về trực tiếp các địa phương để chỉ đạo ngay từ đầu. Cùng đó huyện thành lập 3 tiểu ban: Tiểu ban nhân sự, tổ chức bộ máy, do trưởng ban Tổ chức làm trưởng ban; Tiểu ban Địa giới hành chính và tài chính tài sản do đồng chí Trưởng phòng tài nguyên và môi trường làm trưởng ban và Tiểu ban Tài chính, tài sản do đồng chí Trưởng phòng Tài chính làm trưởng ban.

“Việc thành lập các tổ công tác và các tiểu ban để tránh tình trạng mỗi xã làm một kiểu, không có sự thống nhất. Để đảm bảo các xã mới thành lập đi vào hoạt động ổn định, trước đó huyện làm việc với các địa phương để xác định trụ sở làm việc, phương án nhân sự, bàn giao cơ sở vật chất, lưu trữ hồ sơ… Tất cả mọi việc hoàn tất mới tổ chức công bố sáp nhập. Nhờ cách làm khoa học, bài bản, dân chủ, công khai nên chủ trương sáp nhập được người dân và cán bộ đồng thuận cao” – Trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện Hưng Nguyên Hoàng Nghĩa An cho hay.

Một góc nông thôn mới ở Hưng Nguyên. Ảnh: S.N
Một góc nông thôn mới ở Hưng Nguyên. Ảnh: S.N

(Còn nữa)