Tại Phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) có lưu một số văn bản của địa phương cấp huyện báo cáo kết quả kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép quặng đá bán lộ thiên. Hầu như trong những văn bản này, một phần không thể thiếu đó là nói về khó khăn trong công tác quản lý, mà nguyên do là từ khách quan.
Cụ thể như tại Văn bản số 146/UBND-TNMT ngày 3/3/2021 của UBND huyện Nghĩa Đàn với tiêu đề “Về việc đề nghị hướng dẫn việc cải tạo đất nông nghiệp và tận dụng lượng đá dôi dư sau khi cải tạo đất”. Văn bản này trình bày: “Tại huyện Nghĩa Đàn, vùng Giếng Đất và Dốc Dài thuộc địa bàn xã Nghĩa Hiếu và Nghĩa Đức nằm tại khu vực giáp ranh giữa xã Nghĩa Hiếu, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn; xã Tây Hiếu, TX. Thái Hòa và xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp có tổng diện tích khoảng 100 ha; do nhiều hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu ở các địa phương khác nhau canh tác, sản xuất mục đích nông nghiệp. Diện tích này chủ yếu là trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm cằn cỗi, có địa hình phức tạp; nằm dưới lớp đất mặt là lượng đá mồ côi manh mún, khiến cho việc canh tác sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Lượng đá mồ côi dưới lớp đất mặt nằm rải rác trong khu vực có diện tích rộng khoảng 100 ha, không đủ trữ lượng để quy hoạch mỏ khoáng sản.
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hộ dân đang canh tác tại khu vực trên đã thuê máy cày cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình cải tạo có tận thu được một lượng đá mồ côi nhất định và tập kết trong khuôn viên thửa đất nông nghiệp. Một số hộ dân đã tận dụng lượng đá thu được để bán cho người khác và vận chuyển ra ngoài thửa đất nhưng chưa được UBND tỉnh cho phép, gây thất thoát tài nguyên và mất an ninh trật tự trên địa bàn. UBND huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện, UBND xã Nghĩa Hiếu và UBND xã Nghĩa Đức thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đến nay, Công an huyện Nghĩa Đàn đã phát hiện và xử lý đối với 8 đối tượng khai thác, vận chuyển đá trái phép; tuy nhiên do nhu cầu cải tạo đất nông nghiệp của người dân lớn, địa bàn rộng nên hiện tượng khai thác, vận chuyển đá mồ côi tại khu vực Giếng Đất và Dốc Dài xã Nghĩa Hiếu và xã Nghĩa Đức vẫn tiếp diễn và rất khó kiểm soát được triệt để”.
Còn với UBND huyện Quỳ Hợp, ngày 21/1/2020, có Văn bản số 53/UBND-TN báo cáo chi tiết công tác kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép quặng đá bán lộ thiên; đồng thời, cũng nêu lên những khó khăn. Theo đó, ở huyện Quỳ Hợp, các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép quặng đá bán lộ thiên nổi lên từ năm 2019, và có tình trạng “một số hộ dân lợi dụng cải tạo vườn trồng cam để khai thác đá cảnh”. Về trách nhiệm của các xã liên quan, đã tổ chức đội mật phục phát hiện các hoạt động trái phép, kiểm tra xử phạt theo thẩm quyền; đồng thời báo cáo lên UBND huyện để kịp thời các vụ việc vượt thẩm quyền. Chính vì vậy, năm 2019, Đoàn liên ngành huyện Quỳ Hợp từng phối hợp với chính quyền cấp xã thực hiện tạm giữ phương tiện ô tô, máy xúc và ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 50 triệu đồng, thu giữ 13m³ đá cảnh của một nhóm đối tượng.
Tuy nhiên, do khoáng sản đá phân bổ ở những vùng núi cao hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; một số người dân khi phát hiện có đá cảnh thì lợi dụng việc cải tạo vườn tạp, đất rừng trồng cây lâm nghiệp để có hoạt động khai thác trái phép. Điều này cùng với việc thiếu kinh phí đã gây khó khăn cho chính quyền cấp huyện và chính quyền các xã có khoáng sản trong quá trình thanh, kiểm tra…
Đề nghị một cán bộ thuộc Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Quỳ Hợp làm rõ hơn về những khó khăn. Ông này cho biết, thành phần của đoàn đều là cán bộ thuộc các phòng chuyên môn của UBND huyện. Các phòng ít cán bộ, công việc kiêm nhiệm nhiều nên khó “toàn tâm toàn ý” cho công tác kiểm tra. Trong khi đó, đối tượng lợi dụng khai thác trái phép thì có nhiều phương thức, thủ đoạn để trốn tránh công tác thanh, kiểm tra. “Đá cổ thạch bán lộ thiên hầu như là loại đá mồ côi, nằm độc lập nên việc khai thác rất đơn giản, không như các loại đá trắng, đá ốp lát phải cưa, xẻ công phu. Ban ngày, đối tượng xác định, đánh dấu vị trí khai thác. Đêm khuya thì đưa máy xúc vào đào, bốc lên ô tô chuyển đi. Với các hộ dân có chủ ý lợi dụng cải tạo vườn thì họ gom đá vào một vị trí thuận lợi. Sau đó báo cho đối tượng đầu nậu để những người này lợi dụng đêm khuya đưa phương tiện đến bốc, vận chuyển đi nơi khác. Với những “chiêu” như vậy, Đoàn liên ngành chỉ có thể xử lý được khi có tin báo từ cơ sở. Nhưng địa bàn các xã có đá cổ thạch thì khá nhiều, địa hình địa thế phức tạp, rộng lại nhiều đường, lắm lối nên rất khó để xử lý triệt để…” – cán bộ này trao đổi.
Tại UBND xã Nghĩa Hiếu, khi được hỏi về trường hợp lợi dụng “cải tạo vườn” khai thác đá cảnh, cán bộ nơi đây đưa ra một bộ hồ sơ, trong đó thể hiện Nông trường Tây Hiếu 2 đồng ý cho hộ gia đình Lê Thị Phương được cải tạo đất để sản xuất. Cụ thể như tại Biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp được lập ngày 8/2/2021, xác nhận “Tổng diện tích nhận khoán của hộ ông bà Phương – Lý là 1,11 ha. Trên thửa đất hiện tại có nhiều đá mồ côi, triền đất dốc ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, chăm sóc vườn cây. Nông trường đồng ý cho hộ gia đình ông bà Phương – Lý được cải tạo đất để phục vụ công tác sản xuất lâu dài”. Liên quan đến khối lượng đá đào được trong quá trình cải tạo đất, thì có yêu cầu: “Nếu gia đình vận chuyển đá đào, múc tại lô ra khỏi địa bàn, gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước. Trong quá trình vận chuyển nếu hư hỏng đường giao thông thì gia đình phải đầu tư tu sửa, sửa chữa, đảm bảo giao thông cho CNLĐ và nhân dân trên địa bàn”. Một cán bộ UBND xã Nghĩa Hiếu trao đổi: “Đất thuộc quyền quản lý của nông trường. Việc giao khoán cho hộ gia đình, rồi đồng ý cho cải tạo đất là từ phía nông trường. Thế nên, ngay cả khi báo chí có phản ánh, UBND huyện có văn bản chỉ đạo nhưng việc đào bới đá, cải tạo đất vẫn tiếp diễn. Về phía UBND xã, thì chỉ đạo cán bộ và các lực lượng giám sát, không cho họ đưa đá ra khỏi lô đất đang cải tạo. Rất là mất thời gian và mệt mỏi, nhưng không còn cách nào khác vì sơ suất để họ vận chuyển đá thì bị kỷ luật…”.
Ở huyện Quỳ Hợp, sau khi tạm giữ đá cổ thạch thì đang lúng túng trong xử lý. Vì nếu vận chuyển về vị trí tạm giữ của huyện thì tốn kém, trong khi để tại hiện trường thì phải phân công lực lượng trông coi. Như với vụ việc phát hiện, tạm giữ đá cổ thạch ngày 23/3, Đoàn liên ngành huyện Quỳ Hợp chỉ thực hiện bốc, vận chuyển được 2 chuyến xe đưa về huyện, sau đó thì dừng lại. Như một cán bộ có trách nhiệm trao đổi: “Chi phí bốc và vận chuyển rất tốn kém, mỗi chuyến hết 5 triệu đồng. Không biết sau này xử phạt, hoặc đấu giá có đủ bù cho chi phí hay không?”. Trong khi đó, việc xử phạt (hoặc đấu giá) như thế nào cũng là một nội dung huyện Quỳ Hợp đang phải xin ý kiến sở, ngành liên quan. Lãnh đạo Phòng KH-TC của huyện này khi được hỏi đã nói: “Loại đá này được xếp là vật liệu xây dựng thông thường, nhưng có mục đích sử dụng để trang trí nên áp dụng khung giá theo đơn giá vật liệu xây dựng là không phù hợp. Trong khi đó, trên thị trường đá dùng làm cảnh hiện nay chưa có khung giá quy định cụ thể, giá cả biến động, tùy theo nhu cầu và thẩm mỹ của người mua. Vì vậy, UBND huyện đang xin ý kiến hai Sở TN&MT, Tài chính hướng dẫn, xác định giá trị tang vật, đồng thời xác định thẩm quyền xử phạt và xử lý tang vật…”.
Về phía huyện Nghĩa Đàn, tại Văn bản số 146/UBND-TNMT ngày 3/3/2021 có kiến nghị lên UBND tỉnh và Sở TN&MT: “Thực tiễn cho thấy việc cải tạo đất được thay đổi bằng độ cao mặt bằng, loại bỏ sỏi đá và tầng nghèo dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất là nhu cầu thiết thực của người dân. Để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu cải tạo đất để đầu tư phát triển nông nghiệp; đặc biệt là khai thác, sử dụng hiệu quả lượng đá dôi dư (đá mồ côi) sau khi cải tạo đất, UBND huyện kính đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT xem xét, có cơ chế hợp lý cho người dân có nhu cầu cải tạo đất; đồng thời hướng dẫn quản lý khai thác, sử dụng lượng đá dôi dư có hiệu quả, tránh thất thu ngân sách Nhà nước”.