Quặng đá bán lộ thiên không hình thành mỏ: Phương cách nào để quản lý?

Thời gian gần đây, địa bàn xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) thường phát sinh những vụ việc khai thác, tập kết, vận chuyển trái phép đá cổ thạch. Tìm hiểu biết địa phương này có đá cổ thạch nằm rải rác trên các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vậy nên, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Minh Khôi – Phó phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp để cùng thực hiện một chuyến khảo sát thực tế.

Chiều 24/3, đoàn cùng Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân, ông Hoàng Tiến Hạnh đi trên tuyến đường 48E, khi đến đoạn giữa các xóm Cốc Chát cùng xóm Tàu thì phát hiện trên một bãi đất trồng mía cách đường khoảng 500m có một loạt những khối đá màu ngà vàng khá lớn. Hỏi những người cùng đi: Hình như đó là một bãi đá được tập kết? Huyện Quỳ Hợp và xã Nghĩa Xuân đã vào kiểm tra điểm này hay chưa? Các ông Nguyễn Minh Khôi, Hoàng Tiến Hạnh xác nhận chưa từng thấy bãi đá này bao giờ.

Cùng vào để nắm tình hình, thấy bãi đá khá lớn, gồm những những khối đá từ 0,5 – 2 m³, xếp thành 2 dọc kéo dài khoảng 100m. Bởi đá có tạo hình tự nhiên đẹp, lại có những “nếp nhăn”, là dấu hiệu của thời gian nên Phó Phòng TN&MT Nguyễn Minh Khôi xác định đây là loại đá cổ thạch. “Loại đá cổ thạch này thường được các gia đình có kinh tế mua tạo cảnh ở sân vườn. Nhưng được ưa chuộng sử dụng nhất là tại các khu du lịch sinh thái. Những nơi ấy, đá cổ thạch dùng tạo hình núi non, sông suối, có được vẻ tự nhiên rất đẹp…” – ông Khôi nói. Đồng thời băn khoăn: Đoàn công tác của huyện cũng thường đi kiểm tra trên tuyến đường này, mọi ngày không thấy, tại sao hôm nay lại có?

Băn khoăn của ông Khôi được một người phụ nữ đang làm cỏ mía ở cánh đồng kề bên giải đáp ngay sau đó. Theo người phụ nữ này, đá cổ thạch được người ta chuyển về dịp cuối năm 2020 bằng ô tô trọng tải lớn. Việc tập kết đá thời điểm đó hầu như không ai biết vì khuất lấp trong cánh đồng mía ngút ngàn. “Chỉ những người dân sản xuất tại khu vực này mới biết thôi…” – chị phụ nữ cho biết. Hỏi: Chị có biết chủ của lô đá này là ai không? “Tôi không biết. Nhưng khu vực đổ đá này là đất trồng mía của gia đình Vân Lĩnh, ở xóm Bản Chát. Nghe nói họ hợp đồng với vợ chồng này để lô đá này…” – người phụ nữ đáp.

Huyện Quỳ Hợp sẽ xử lý như thế nào với bãi đá cổ thạch này? Ông Nguyễn Minh Khôi trả lời: “Tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo huyện để có chỉ đạo UBND xã Nghĩa Xuân làm rõ để xử lý đối tượng có liên quan…”. Còn với Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân, ông Hoàng Tiến Hạnh thì: “Từ thông tin này, xã sẽ xác minh xem chủ của bãi đá là ai để sớm có báo cáo UBND huyện xử lý…”.

Ngày 29/3, UBND xã Nghĩa Xuân có Báo cáo số 171/BC-UBND gửi UBND huyện Quỳ Hợp. Tại đây thông tin, đã làm việc với ông Nguyễn Hồng Lĩnh, chủ sử dụng đất nông nghiệp có lô đá cổ thạch nằm trên đó. Qua ông Lĩnh thì xác định lô đá là của ông Nguyễn Văn Trọng, trú tại xóm Đồng Thuận, xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp). Ông Trọng đã mượn đất của ông Lĩnh để tập kết đá dịp tháng 12/2020. Lúc đó, cây mía chưa thu hoạch nên không bị phát hiện. Từ thông tin ông Nguyễn Hồng Lĩnh cung cấp, ngày 29/3, UBND xã Nghĩa Xuân đã mời ông ông Nguyễn Văn Trọng lên để xác minh. Theo ông Nguyễn Văn Trọng trình bày thì tháng 12/2020, ông có mượn đất để tập kết đá. Tuy nhiên, đã chuyển đi. Còn lô đá hiện nay thì không phải của ông, và cũng không biết chủ nhân của lô đá đó. Vì vậy, UBND xã Nghĩa Xuân báo cáo UBND huyện Quỳ Hợp là không xác định được chủ của bãi đá là ai (?).

Trước chuyến thực tế, phát hiện bãi đá cổ thạch ở khu vực xóm Cốc Chát, xóm Tàu ngày 24/3, chúng tôi nhận được thông tin UBND huyện Quỳ Hợp mới thực hiện tạm giữ một lượng đá cổ thạch khá lớn.

Tiếp cận hồ sơ được biết, vào ngày 23/3, đoàn liên ngành huyện Quỳ Hợp kiểm tra đột xuất trên đất thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Quốc Cường, tại xóm Liên Xuân, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) thì phát hiện có khoảng 50 – 60 m³ đá cổ thạch; trong đó, có những khối đá lớn được đánh số thứ tự. Làm việc với đoàn liên ngành, ông Cường cho biết, ông không phải là chủ của lô đá cổ thạch; người sở hữu số đá là ông T.V.B, thường trú ở xã Minh Hợp. Từ thông tin của ông Cường, đoàn liên ngành đã làm việc với ông T.V.B, sau đó đã lập biên bản kiểm tra; ban hành quyết định tạm giữ tang vật. Trước đó, ngày 12/3, đoàn liên ngành huyện Quỳ Hợp cùng UBND xã Nghĩa Xuân kiểm tra, phát hiện trên vùng đất thuộc quyền quản lý của Công ty Nông trường Xuân Thành (đối diện cổng chính Nhà máy đường NASU) có hiện trạng tập kết một số lượng đá cổ thạch khá lớn. Đoàn đã lập biên bản, yêu cầu Nông trường Xuân Thành không cho các đối tượng vận chuyển đá đi khỏi bãi; phối hợp với UBND xã Nghĩa Xuân, các đơn vị liên quan làm rõ đối tượng đã tập kết đá, nguồn gốc đá để xử lý theo quy định.

Cũng thời điểm này, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, tại xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) đang có tình trạng khai thác trái phép đá cổ thạch trên đất sản xuất nông nghiệp. Ngày 25/3, vào hiện trường có phản ánh thì thấy đúng có hiện tượng khai thác đá. Ở đó, bên những miệng hố là la liệt những khối đá cổ thạch đã được đưa lên khỏi mặt đất; đồng thời, vẫn có phương tiện máy xúc và nhân lực đang chực chờ để tiếp tục khai thác đá. Nắm bắt thông tin từ UBND xã Nghĩa Hiếu thì khu vực có tình trạng khai thác đá thuộc Nông trường Tây Hiếu 2. Khu đất này được giao khoán cho hộ gia đình bà Lê Thị Phương. Dịp tháng 2/2021, bà Phương có nguyện vọng cải tạo đất (khoảng 1,2 ha) vì trên bề mặt diện tích đất có nhiều đá nổi lên gây khó khăn trong quá trình canh tác. Sau khi bà Phương có đơn, Nông trường Tây Hiếu 2 đã cho phép hộ gia đình bà Phương được cải tạo đất…

Từ câu chuyện “cải tạo đất” nhưng bản chất là khai thác trái phép quặng đá ở xã Nghĩa Hiếu, chúng tôi liên tưởng đến những vụ việc khai thác trái phép quặng đá thạch anh bán lộ thiên trên địa bàn xã biên giới Thanh Sơn (Thanh Chương) dịp tháng 6/2019 và địa bàn xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) năm 2020. Sở dĩ liên tưởng, vì đây đều là những vụ việc khai thác trái phép quặng đá có quy mô khai thác khá lớn. Như vụ việc ở xã Thanh Sơn, đã kéo dài trong thời gian khá dài, trên địa bàn biên giới, là nơi mà công tác an ninh, trật tự luôn phải được đặt lên hàng đầu. Việc khai thác không chỉ khiến thất thoát tài nguyên, mà còn gây hư hại công trình giao thông công cộng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh, trật tự trên địa bàn…, nên đã tạo ra những bức xúc trong cán bộ, đồng bào xã Thanh Sơn và dư luận xã hội. Thời điểm đó, để khai thác, các đối tượng cũng sử dụng chiêu trò “cải tạo vườn” để che đậy hành vi. Sau đó, đã sử dụng máy xúc chuyên dụng, ô tô có trọng tải lớn khai thác, chuyển đi rất nhiều quặng thạch anh…