Quặng đá bán lộ thiên không hình thành mỏ: Phương cách nào để quản lý?

Trong quá trình nắm bắt thông tin về tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép khoáng sản bán lộ thiên, có một nội dung chúng tôi quan tâm tìm hiểu, đó là về nhu cầu thị trường và giá trị của đá cổ thạch. Một người quen đang công tác tại huyện Quỳ Hợp khi biết thì đã không ngần ngại cho xem loạt thông tin anh nhận được chưa lâu. Theo đó, anh được một người quen chuyên buôn bán đá cảnh mời đứng ra thu gom hộ để hưởng chênh lệch. “Nhu cầu lớn lắm. Anh thu gom được bao nhiêu tôi lấy hết. Giá mua ngang (không tuyển chọn – PV) hiện nay ở Quỳ Hợp là 600 nghìn đồng/tấn, tôi sẽ trả anh 800 nghìn đồng/tấn…”, người buôn đá đặt vấn đề qua tin nhắn, nêu rõ về “độ chênh” của giá thu gom hai chiều. Anh cán bộ này nói: “Với công việc tôi đang làm, để đặt quan hệ thực hiện thu gom thì không khó lắm. Lợi nhuận từ công việc này cũng kha khá, 100 tấn đá có 20 triệu đồng rồi. Nhưng tôi từ chối, làm cái này mang tiếng lắm…”.

Một người quen đang công tác tại TX. Thái Hòa thì cho chúng tôi hay, nơi đây có khá nhiều người “hành nghề” thu gom, buôn bán đá cảnh các loại. “Họ có đội hình riêng, có vài tụ điểm riêng ở bên kia sông Hiếu để gặp gỡ trao đổi công việc. Nếu anh muốn nghe, tôi có thể chỉ chỗ. Bản thân tôi vì có ít nhiều quan hệ nên cũng vài lần họ rủ cùng tham gia. Thực ra cách thức làm nghề này không khó gì. Chỉ cần chịu khó đi tìm vỉa đá đẹp. Cái này dễ vì đá cổ thạch nằm nổi trên bề mặt đất, có chút “kiến thức” là nhận biết được. Nếu không thì nhờ “cơ sở” giới thiệu. Sau đó kết nối với chủ đất. Họ thường là các hộ gia đình được các nông lâm trường giao khoán đất để bàn kế hoạch khai thác, tỷ lệ ăn chia. Thông thường thì tỷ lệ là 2/8. Người khai thác hưởng 8 phần do phải thực hiện toàn bộ các công đoạn, từ thiết bị máy móc, nhân lực khai thác, vận chuyển, tiêu thụ…  Chủ đất chỉ hưởng 2 phần, vì họ còn được làm đất hộ…” – người này trao đổi.

Thực tế, không cần đến những người cung cấp thông tin trên thì chúng tôi cũng tìm hiểu được thị trường đá cổ thạch sôi động cỡ nào. Vì rất đơn giản, chỉ cần vào google, gõ cụm từ “đá cổ thạch” đã ra đến trên 940.000 kết quả. Ở đó cho thấy, đá cổ thạch Nghệ An thuộc tốp có nhiều mẫu mã đẹp và “hot”. Rất nhiều những trang nói về đá cổ thạch Nghệ An. Nào “Đá cổ thạch Nghệ An sự lựa chọn cho cảnh quan sân vườn”; “Đá cổ thạch Nghệ An làm hòn non bộ, kè hồ cá Koi”; hay như trang “Sông Lam Stonne” công bố “chuyên cung cấp tất cả các loại đá tự nhiên được khai thác tại Quỳ Hợp – Nghệ An”. Hoặc đi trên tuyến Quốc lộ 48B, từ ngã ba Săng Lẻ lên đến thị trấn Quỳ Hợp, sẽ thấy có khá nhiều điểm chế tác đá mỹ nghệ. Trong đó, đá cổ thạch không ít… Hoặc như ở vụ việc cải tạo đất có dấu hiệu khai thác đá cổ thạch ở xã Nghĩa Hiếu, nguồn thông tin từ chính cán bộ chức năng xã Nghĩa Hiếu là để cung cấp nguồn đá cảnh cho một dự án đầu tư xây dựng đô thị sinh thái ở một huyện ven biển của tỉnh…

Trong nhiều lần nắm bắt các vụ việc khai thác trái phép khoáng sản, chúng tôi biết Sở TN&MT thường rất kịp thời trong việc phát văn bản gửi đến chính quyền cấp huyện để đôn đốc, nhắc nhở đúng với trách nhiệm được giao. Ở những vụ khai thác quặng đá bán lộ thiên trên địa bàn các huyện như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương… cũng không ngoại lệ. Không chỉ vậy, khi nhận được báo cáo, kiến nghị từ chính quyền cấp huyện, Sở TN&MT cũng đều có văn bản hồi đáp.

Cụ thể như tháng 7/2020, UBND huyện Nghĩa Đàn có Văn bản số 579/UBND-TNMT đề nghị giải đáp, hướng dẫn xử lý ý kiến của người dân về cải tạo đất nông nghiệp, xử lý đất đá dôi dư sau khi cải tạo. Ít ngày sau, Sở TN&MT có Văn bản số 3803/STNMT-KS, với hướng dẫn như sau: Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật không quy định về việc xử lý đất dôi dư không sử dụng hết đối với trường hợp cải tạo đất ở, đất nông nghiệp như ý kiến của UBND huyện Nghĩa Đàn.

Việc cải tạo đất vườn ở, đất nông nghiệp hay chỉnh trang đồng ruộng được thực hiện theo kế hoạch chuyển đổi ruộng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc cải tạo nương vườn ở đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế hiện trạng sử dụng đất. Giao UBND các xã, thị trấn lập kế hoạch cụ thể về phương án cải tạo (nêu rõ phạm vi, diện tích, khối lượng cải tạo, phương pháp thực hiện, thời hạn cải tạo) trình UBND huyện phê duyệt, để triển khai thực hiện. Trong quá trình cải tạo có khối lượng khoáng sản đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường được sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích thửa đất ở đó mà không bắt buộc phải xin giấy phép khai thác theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010.

Đối với phần khoáng sản đất, đá dôi dư trong quá trình cải tạo thì hiện nay pháp luật về khoáng sản hiện hành không có quy định được vận chuyển ra ngoài thửa đất cải tạo để sử dụng vào mục đích khác.

Đồng thời, tại Văn bản số 3803/STNMT-KS, Sở TN&MT không quên nhắc đến Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Nghệ An.

Qua đó nhấn mạnh: “Sở TN&MT đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép khoáng sản, lợi dụng việc cải tạo đất để vận chuyển tài nguyên đất ra khỏi thửa đất sử dụng mục đích khác theo trách nhiệm được UBND tỉnh phân công, phân nhiệm”.

Hoặc như với Văn bản số 146/UBND-TNMT ngày 3/3/2021 của UBND huyện Nghĩa Đàn, đến ngày 23/3/2021, Sở TN&MT có Văn bản số 1444/STNMT-KS trả lời. Tại đây, Sở TN&MT nhắc lại Văn bản số 3803/STNMT-KS để khẳng định nội dung cải tạo đất và sử dụng đất đá dôi dư sau cải tạo đã được hướng dẫn. Còn đối với nội dung khai thác đá cảnh trái phép, Sở TN&MT liệt kê thông tin báo chí và ý kiến người dân để khẳng định trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn tồn tại tình trạng lợi dụng cải tạo đất để vận chuyển khoáng sản trái phép ra ngoài bán trục lợi cá nhân, gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho ngân sách, bức xúc trong nhân dân… Qua đó, đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo các phòng, ban, Công an huyện, UBND các xã liên quan khẩn trương kiểm tra xử lý, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép; đồng thời thực hiện kiểm tra trách nhiệm UBND cấp xã và người đứng đầu UBND cấp xã theo quy định khi để xảy ra trên địa bàn tình trạng khai thác khoáng sản!

Nhiều năm sát với lĩnh vực khoáng sản, chúng tôi biết về Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Nghệ An của UBND tỉnh, cũng như Luật Khoáng sản năm 2010. Biết đủ để hiểu những hướng dẫn cải tạo đất và sử dụng đất đá dôi dư sau cải tạo của Sở TN&MT là sát đúng với quy định. Và việc Sở TN&MT nhắc chính quyền cấp huyện tập trung chỉ đạo khẩn trương kiểm tra xử lý, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời, kiểm tra trách nhiệm UBND cấp xã cùng người đứng đầu UBND cấp xã khi để xảy ra trên địa bàn tình trạng khai thác khoáng sản cũng là nội dung cần thực hiện. Bởi thực tế, có không ít vụ việc chính quyền cấp huyện trực tiếp kiểm tra xử lý được là nhờ đến thông tin của quần chúng nhân dân, của báo chí, chứ không phải từ báo cáo của cấp xã. Điều này phần nào minh chứng, tính “chủ động phát hiện” của chính quyền, đơn vị cấp xã còn có vấn đề.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận về những khó khăn có nguyên nhân từ khách quan đem lại trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản chưa khai thác của chính quyền cấp huyện, cấp xã có liên quan. Bên cạnh đó, đã xác định nhu cầu cải tạo đất vườn để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của một bộ phận người dân là chính đáng, được thực hiện theo quy trình, quy định thì đồng thời cần xét đến nhu cầu của thị trường đối với các loại quặng đá bán lộ thiên như đá cổ thạch, thạch anh… Để qua đó khẳng định, những loại khoáng sản đá này có giá trị kinh tế, cần tách ra khỏi loại đá xây dựng thông thường; có những khảo sát đánh giá về trữ lượng, có giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tăng nguồn thu cho ngân sách.

Vì rằng chỉ khi nhìn nhận sát thực tiễn những khó khăn của cơ sở thì các cơ quan tham mưu mới có thể đề ra được những giải pháp đúng, để kiến nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung được những quy định mới, hoặc sửa đổi những quy định không còn phù hợp, để áp dụng có hiệu quả, giúp địa phương cơ sở không gặp khó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì rằng nếu không có sự thay đổi, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản chưa khai thác sẽ tiếp tục gặp khó khăn, tài nguyên khoáng sản sẽ thất thoát, ngân sách Nhà nước thất thu, và có những hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự… Như một cán bộ huyện Nghĩa Đàn nói với chúng tôi trong ngày 13/4/2021: “Nhờ có tin báo kịp thời, 4h30 sáng ngày 27/3/2021, UBND xã Nghĩa Hiếu và Công an huyện Nghĩa Đàn đã phối hợp bắt quả tang được vụ vận chuyển đá cảnh trái phép từ khu vực đất Nông trường Tây Hiếu 2, nơi hộ gia đình bà Phương đang cải tạo đất ra bên ngoài. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải nói là công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại khu vực này sẽ vẫn còn phức tạp, khó xử lý được triệt để…”.