Người dân làm nhà trên nền đất yếu hoặc hai bên khe, suối luôn tiềm ẩn lũ ống, lũ quét mỗi khi mùa mưa đến, nhất là khu vực hạ lưu các nhà máy thủy điện hay đập thủy lợi. Cuộc sống của người dân tại những điểm “nóng” trên được ví như sống bên “miệng hà bá”.
Địa bàn miền núi Nghệ An hiện có 13 công trình thủy điện. Việc xuất hiện các công trình thủy điện hay đập thủy lợi lớn góp phần điều tiết nước và cắt lũ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hàng nghìn hộ dân sinh sống dưới hạ lưu của các con đập thủy điện được ví như “túi nước khổng lồ” không khỏi lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về.
Thủy điện xả lũ là điều bắt buộc khi nước lũ ở thượng nguồn đổ về với lưu lượng quá lớn so với sức chứa của hồ, đập, đồng nghĩa với tính mạng, tài sản của một bộ phận người dân đối diện nguy cơ mất an toàn cao nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa thủy điện, chính quyền địa phương và người dân khi vận hành xả lũ.
Xã Xá Lượng (Tương Dương) có 2 nhà máy thủy điện được xây dựng trên sông Nậm Nơn, ngay trên địa bàn xã, là Nhà máy Thủy điện bản Ang và Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn. Khi 2 công trình thủy điện này tích nước, thì người dân xã Xá Lượng đều nơm nớp lo sợ.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh băn khoăn: Toàn xã có 6 bản nằm dưới lưu vực của 2 nhà máy thủy điện, đó là các bản: bản Ang, Khe Lở, Khe Ngậu, Xiêng Hương, Cửa Rào 1 và bản Cửa Rào 2. Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư kè đá một số đoạn của sông Nậm Nơn, nhưng nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt tại các địa bàn này vẫn cao khi các nhà máy thủy điện xả lũ.
Sự kiện Thủy điện Bản Vẽ phải xả mức nước kỷ lục cùng lúc với các thủy điện khác cũng khiến “lũ chồng lũ” vào mùa mưa của năm 2018 đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho vùng hạ du dưới đập. “Khi nhà máy thủy điện xả lũ, nước dâng lên nhanh khủng khiếp, nhiều gia đình trong bản bỏ nhà chạy lên sườn núi, ở nhờ nhà hàng xóm trên sườn đồi, mọi sinh hoạt bị đảo lộn” – ông Lô Văn Toàn ở bản Lả, xã Lượng Minh (Tương Dương) nhớ lại.
Hậu quả để lại sau những đợt thủy điện xả lũ là rất lớn, nhà cửa, tài sản, cây cối, hoa màu… các công trình phúc lợi của dân bị lũ tàn phá khủng khiếp, phải mất nhiều thời gian mới khôi phục được. Sau khi lũ rút, người dân nơi đây phải đối mặt với cảnh thiếu đói, bệnh tật…
Chính quyền các cấp tập trung khắc phục các tuyến đường bị sạt lở, ách tắc, đảm bảo việc đi lại và thông xe vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ; tập trung các nguồn lực, khẩn trương khôi phục các công trình điện, trường học, hạ tầng nông thôn; xử lý môi trường sau lũ, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trên thực tế, thời điểm Thủy điện Bản Vẽ hay hồ Vực Mấu phải xả lũ là bất khả kháng, nhưng cũng bộc lộ hạn chế; hệ thống Đài Thủy văn và năng lực quan trắc, dự báo lượng nước mưa về hồ, đập không sát thực tế. Cụ thể, qua tìm hiểu, thời điểm trước tháng 8/2018, mặc dù Thủy điện Bản Vẽ lấy nguồn nước 80% lưu vực bên nước bạn Lào và chỉ có 20% ở nước ta, nhưng ngoại trừ trạm đo nước mưa ở xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) thì lưu vực thủy điện phía nước bạn không có trạm nào nên rất ít thông tin về lượng nước đổ về đập chính. Trận lũ tháng 8/2018, khi nước mưa về đến Kỳ Sơn thì chỉ 4-5 tiếng là nước xuống đập chính Bản Vẽ nên quỹ thời gian xử lý, thông báo khá bị động.
Trước mùa mưa lũ năm 2020, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã tổ chức Hội nghị truyền thông về Thủy điện Bản Vẽ cho lãnh đạo huyện Tương Dương cùng chính quyền địa phương 2 xã Yên Na và Lượng Minh, các già làng, trưởng bản và hơn 600 người dân của 5 bản vùng hạ du. Nội dung là phân tích, làm rõ về hiệu lệnh thông báo xả lũ tại đập tràn; các vị trí đặt hệ thống trạm cảnh báo bằng loa; các tình huống cơ bản và giải pháp xử lý để phòng, tránh lũ; giới thiệu các vị trí sơ tán người và tài sản khi có tình huống ngập lũ xảy ra, các vùng bị ảnh hưởng khi công trình xả lũ với lưu lượng lớn…
Xã Mường Típ (Kỳ Sơn) là địa phương đang “nóng” nhất về vấn đề sạt lở đất. 138 hộ dân đang sinh sống tại 3 bản: Xốp Phe, Vàng Phao, Na Mỳ của xã Mường Típ và 20 hộ thuộc xã Mường Ải sinh sống dọc sông Mậm Mộ đang bị uy hiếp từng ngày, bởi nguy cơ sạt lở núi rất cao. Vào ngày mưa lũ, sông Nậm Mộ luôn dậy sóng đục ngầu, chảy xiết. Đáng chú ý là khu vực dân cư, nơi 158 hộ sinh sống trên các triền núi ở Mường Típ, Mường Ải đã bị nứt nẻ nhiều chỗ với nguy cơ sạt lở cao. Ông Moong Phò Hòa sinh sống ở bản Xốp Phe, xã Mường Típ không khỏi lo lắng: Gia đình có 10 người, cả người già và trẻ nhỏ, những lúc mưa to kéo dài, không ai dám ngủ, vì sợ núi lở.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Mường Típ, ông Hạ Bá Thá, thì theo kế hoạch của Nhà nước, sẽ di dời các hộ này tái định cư (TĐC) đến vị trí an toàn khác. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đến nay chưa có hộ nào được TĐC. Mong muốn của chính quyền địa phương là Nhà nước sớm triển khai xây dựng các điểm TĐC để di dời toàn bộ số hộ dân này đến nơi ở an toàn để ổn định cuộc sống. “Mỗi khi mùa mưa lũ về, chính quyền xã luôn trong tình trạng lo âu, dù cắt cử người theo dõi tình hình, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có sự cố nhưng chưa thể yên tâm” – ông Hạ Bá Thá trăn trở.
Theo thống kê của huyện Kỳ Sơn, trên địa bàn huyện rẻo cao này, ngoài 158 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp ở 2 xã Mường Típ và Mường Ải, hiện trên địa bàn huyện có 129 hộ nằm trong khu vực bị thiệt hại do lũ ống lũ quét, sạt lở đất thuộc các xã: Mỹ Lý, Keng Đu, Mường Típ, Tà Cạ, Mường Xén, Phà Đánh, Nậm Cắn, Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Na Ngoi và Hữu Lập. Huyện sẽ rà soát lại để xác định những hộ cần phải di dời đến khu TĐC an toàn, những hộ có nguy cơ thấp sẽ thực hiện di vén tại chỗ.
Tại huyện Tương Dương, ngoài điểm sạt lở khiến xã phải di dời trung tâm hành chính và trường học xã Lượng Minh cùng 37 hộ dân phải di dời về nơi ở mới, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã Xá Lượng còn xuất hiện thêm 1 điểm sạt lở tại bản Xiêng Hương. Nguyên do là đợt xả lũ Thủy điện Bản Vẽ và Thủy điện Nậm Nơn vào tháng 8/2018 đã ảnh hưởng đến 14 hộ dân ở bờ trái hạ lưu Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn trong đó 4 hộ bị cuối trôi nhà cửa và 10 hộ bị sạt mất đất ở và đất vườn.
Sau khi UBND tỉnh làm việc với Thủy điện Bản Vẽ và Tổng Công ty phát triển năng lượng Nghệ An, UBND huyện Tương Dương đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời và tái định cư cho 14 hộ dân với tổng kinh phí 6,58 tỷ đồng. Địa bàn Tương Dương hiện có 1.174 hộ thuộc diện nguy cơ ngập nước và lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa to kéo dài.
Huyện miền núi Quỳ Hợp có 2 điểm thường xuyên xảy ra lũ quét và lũ ống nên đã được Sở Nông nghiệp và PTNT đưa vào diện phải tái định cư khẩn cấp. Đến điểm tái định cư bản Pật, xã Châu Tiến (Quỳ Hợp), người dân vẫn chưa hết bàng hoàng vì trận lũ ống cách đây mấy năm đã cuốn trôi hàng chục nhà cửa và 1 em bé 5 tuổi.
Ông Vi Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho hay: Khe bản Pật là vị trí xung yếu nhất trong 3 điểm có nguy cơ lũ ống của xã. Trước đây, người dân chủ yếu sống ven suối nhưng từ khi bị ngập và lũ quét, xã và huyện đã vận động người dân di dời lên ở cao hơn. Hiện tại, huyện đang xây dựng khu tái định cư phía cuối bản.
Ông Hoàng Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Toàn huyện có 147 hộ dân ở dọc ven bờ sông, suối và gần 400 hộ có nguy cơ ngập lụt, trong đó khoảng 75 hộ sinh sống dọc sông suối có nguy cơ bị cuối trôi, lũ ống, lũ quét. Chính vì thế, mỗi mùa mưa bão, huyện đều cảnh báo và có các giải pháp hướng dẫn bà con nhân dân phòng tránh. Tuy nhiên, do thiên tai, mưa lũ bất thường, mỗi năm xảy ra một kiểu nên chưa thể nói trước điều gì.