Phòng chống mua bán trẻ em – Kỳ 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước thực trạng mua bán trẻ em diễn ra nhiều năm nay, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Họ đã ở đâu trong câu chuyện mua bán trẻ em dường như chưa có hồi kết này?

Moong Thị T.M. (trú tại bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) năm nay lên 8 tuổi. Trong khi lũ trẻ con trong bản vẫn chạy nhảy nghịch ngợm từ nhà này sang nhà khác thì M. chỉ ngồi thu lu ở một góc nhà. Thấy chúng tôi hỏi chuyện, cô bé tỏ ra rụt rè, sợ hãi. “Nó sợ người lạ đấy!” – ông Moong Văn Nghệ, bố của M. giải thích. “Chứng bệnh” sợ người lạ này xuất hiện từ 3 năm trước, từ khi M. bị bọn buôn người bắt cóc, bán sang Trung Quốc.

Ông Moong Văn Nghệ vừa trở về từ các bãi vàng ở Quảng Nam cách đây không lâu. Căn nhà nhỏ dựng bên rìa bản, lợp lá cọ xiêu vẹo như túp lều canh rẫy nồng nặc mùi rượu. Người đàn ông này thậm chí còn không nhớ tuổi của mình, và phải cố gắng lắm mới mang máng nhớ ra là con gái của mình hiện vào khoảng “5, 6 hay 7, 8 tuổi gì đó”.

Ngôi nhà xiêu vẹo như túp lều của gia đình Moong Thị T.M.
Ngôi nhà xiêu vẹo như túp lều của gia đình Moong Thị T.M.

Đối chiếu với nhiều nguồn thông tin, chúng tôi biết được ngày bị bắt cóc, cô bé Moong Thị T.M. chỉ mới 5 tuổi. Thời điểm đó, mẹ đẻ của em đã bỏ đi nơi nào không rõ, bố em gá nghĩa với người phụ nữ khác cùng bản. Cuộc sống hàng ngày cùng bố và mẹ kế không mấy êm đềm. Thiếu ăn, thiếu mặc, bố của M. theo chân người quen vào làm việc ở bãi vàng Quảng Nam. Ở nhà, cô bé 5 tuổi đói quay quắt, tha thẩn từ nhà này sang nhà khác xin ăn.

Một ngày tháng 4/2016, khi cô bé đang lang thang trong bản thì có mấy người lớn lại gần hỏi chuyện, sau đó dùng xe máy chở em đi. Trong trí nhớ non nớt của đứa trẻ lên 5, cô bé T.M. không còn nhớ rõ nhiều chi tiết, chỉ duy nhất ấn tượng về nỗi sợ hãi khi bỗng nhiên rơi vào tay người lạ. Họ đưa em ra bắt xe ở những con đường lớn, rồi đưa em lên ô tô, đổi xe qua nhiều chặng. M. nhớ mình kêu khóc rất nhiều lần, nhưng tất thảy xung quanh đều là người xa lạ. Họ không quan tâm đến một đứa trẻ còi cọc, đen nhẻm ngồi thu lu ở một góc xe.

M. bị bán cho một người hiếm muộn ở Trung Quốc làm con nuôi. Cái giá ban đầu bọn buôn người đưa ra là 50 triệu đồng, sau đó nâng lên thành 70 triệu. 70 triệu đồng chia cho 5 đối tượng tham gia bắt cóc và liên lạc tìm mối, trực tiếp giao bán, vì một số tiền quá đỗi rẻ mạt và cay đắng mà đang tâm dứt một đứa trẻ thơ dại rời khỏi gia đình, người thân, đẩy vào tương lai mịt mờ lưu lạc bên xứ người, khiến bất kỳ ai có lương tri đều cảm thấy căm phẫn.

Cô bé Moong Thị T. M vẫn không nguôi nỗi ám ảnh, sợ hãi về người lạ sau khi bị bắt cóc vào năm 5 tuổi.
Cô bé Moong Thị T. M vẫn không nguôi nỗi ám ảnh, sợ hãi về người lạ sau khi bị bắt cóc vào năm 5 tuổi.

Moong Thị T.M. chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mâu thuẫn, bố mẹ ly hôn hoặc nghiện hút ma tuý, vào tù do vi phạm pháp luật… “rơi” vào tầm ngắm của tội phạm mua bán trẻ em. Đây là đối tượng ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên, chu đáo từ gia đình, cuộc sống nghèo khó, ít nhiều chịu tổn thương về mặt tâm lý. Có một thực tế đáng lưu tâm là lên vùng cao, dễ bắt gặp cảnh những đứa trẻ chỉ mới 7, 8 tuổi đã tự chăm lo cho cuộc sống một mình, hoặc thậm chí chăm sóc cho cả những đứa em trong suốt nhiều tuần lễ khi bố mẹ vào rừng lên rẫy. Chúng bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình.

Thực tế tiếp xúc với nhiều đứa trẻ tự bán mình và những ông bố, bà mẹ nhận tiền từ việc con đi theo đối tượng mua bán người, không khỏi chua xót trước sự dửng dưng, vô tâm của họ. Họ đã nghĩ gì khi nhận những đồng tiền ấy? Khi đứa con chưa đủ tuổi làm người lớn bước chân rời bỏ bản làng thân thuộc, đi làm vợ người trên đất nước xa lạ, những ông bố bà mẹ ấy liệu có giờ khắc nào lo lắng, ray rứt hay không? Chúng ta đề cập nhiều đến vấn đề nhận thức, nhận thức hạn chế dẫn đến hành vi lầm lạc, song dường như ở đây, lý do nhận thức không đủ và không thể dùng để bao biện. Phải là một sự chất vấn về lương tri, nhân phẩm!

Thực tế tìm hiểu về công tác phòng, chống nạn mua bán trẻ em, không khỏi “giật mình” bởi sự lỏng lẻo trong việc quản lý, cập nhật thông tin về trẻ em ở nhiều địa phương. Là một trong những huyện nhiều năm xảy ra tình trạng mua bán trẻ em dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng số liệu về trẻ em bị mua bán ở huyện Tương Dương lại khá mơ hồ. Hiện, số trẻ em trên địa bàn huyện này là 19.507 trẻ, chiếm tỷ lệ 25,73% dân số. Con số này vừa được cập nhật vào thời điểm tháng 5/2019, khi Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh triển khai cuộc khảo sát, thống kê về số liệu trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; còn trước đó, theo cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện, “số liệu nhiều khi cũng không khớp lắm, chỉ mang tính chất dự đoán!”.

Cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Tương Dương không tìm được số liệu về trẻ em bị mua bán trên Phần mềm quản lý thông tin trẻ em trong gia đình.
Cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Tương Dương không tìm được số liệu về trẻ em bị mua bán trên Phần mềm quản lý thông tin trẻ em trong gia đình.

Sự dự đoán ấy dường như cũng áp dụng cho các số liệu khác về trẻ em trên địa bàn huyện có diện tích rộng nhất Nghệ An này. Điển hình như thật khó tìm ra một con số thống kê cụ thể, chính xác về số lượng trẻ bị mua bán trong thời gian qua. Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm 2016, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã triển khai tập huấn, hướng dẫn các địa phương sử dụng Phần mềm quản lý thông tin trẻ em trong gia đình; trên phần mềm phân loại rõ từng đối tượng trẻ, trong đó, ở cột thứ 12 là đối tượng trẻ em bị mua bán, nhưng tại phần mềm của huyện Tương Dương “trắng” thông tin này.

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở huyện Tương Dương. Bình diện cả tỉnh, trên phần mềm cũng không cập nhật số liệu nào về trẻ em bị mua bán. Tìm hiểu nguyên nhân, được biết việc cập nhật thông tin trên phần mềm là yêu cầu bắt buộc, song các xã thường không chấp hành. Một cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện nói: “Nhiều xã không báo, hoặc có người còn báo số liệu năm ngoái, thậm chí nhiều năm trước cũng cho vào… Ngoài cập nhật phần mềm thì còn yêu cầu các xã phải gửi báo cáo 2 lần/ năm nhưng giục mãi họ mới làm”. Hiện, toàn tỉnh có 5.914 cộng tác viên trẻ em ở thôn bản, đây được xem là “cánh tay nối dài” hỗ trợ cho công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhưng hiệu quả hoạt động không được như mong muốn.

Một trăn trở khác trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ, đặc biệt là đối tượng trẻ em bị mua bán trở về là sự thiếu quan tâm đến đời sống, tâm lý; thiếu hoạt động để đưa trẻ tái hoà nhập cộng đồng, từng bước nâng cao nhận thức để trẻ không quay trở lại con đường lầm lỡ. Kỳ Sơn được xem là địa bàn trọng điểm về nạn mua bán trẻ em, song sự vào cuộc trong câu chuyện sau khi trở về của các em dường như chưa thật sâu sát. Anh Lỳ Bá Chò – Phó Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn cho biết, hiện số lượng đội viên thiếu niên, nhi đồng từ 6-15 tuổi trên địa bàn huyện là 13.782 em. Hàng năm, đoàn và đội tổ chức các chương trình hướng đến đối tượng trẻ em chung, chứ chưa có một chương trình nào dành riêng cho những đứa trẻ bị mua bán trở về. Ngoài ra, hoạt động thăm hỏi, động viên tinh thần những nạn nhân trẻ em bị mua bán trở về địa phương cũng chưa được tổ chức đoàn các cấp triển khai.

Một buổi tuyên truyền phòng chống mua bán người, mua bán trẻ em tại huyện Kỳ Sơn.
Một buổi tuyên truyền phòng chống mua bán người, mua bán trẻ em tại huyện Kỳ Sơn.

Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức – giải pháp được xem là “mũi nhọn” trong công tác phòng, chống mua bán trẻ em có lúc, có nơi vẫn còn chưa thật hiệu quả. Trao đổi với chính quyền một số địa phương và các cấp ngành chức năng, có thể thống kê các hình thức tuyên truyền hiện nay như: tuyên truyền qua băng rôn, áp phích; lồng ghép tuyên truyền qua các cuộc họp thôn bản…, nhưng chính những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền cũng thẳng thắn nói rằng, đối tượng trọng điểm cần tuyên truyền ít khi có mặt, chỉ có thể chờ đợi “mưa dầm thấm lâu”.

Đi tìm câu trả lời cho trăn trở làm thế nào để từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt nạn mua bán trẻ em, đặc biệt là nâng cao nhận thức để trẻ em không tự bán mình, gia đình người thân không nhận những đồng tiền đầy cay đắng từ việc bán con, chúng tôi đã nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Dẫu vậy, dường như giải pháp căn cơ, trọng tâm nhất vẫn là thực hiện hiệu quả các dự án phát triển kinh tế – xã hội, triển khai chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập… Cùng với đó, lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với việc thực hiện các đề án khác của chương trình phòng chống tội phạm mua bán người và các chương trình kinh tế – xã hội khác có liên quan.

Theo Luật Trẻ em 2016, Việt Nam hiện có 17 cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em. Trước thực trạng mua bán trẻ em tiềm ẩn nhiều phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, đã đến lúc cần gióng lên tiếng chuông báo động, thôi thúc mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, ban, ngành tự vấn về trách nhiệm của mình. Trách nhiệm không chỉ nằm trên những con số thống kê, những giấy tờ thủ tục hành chính, cũng không phải trách nhiệm chỉ nhìn nhận trong phạm vi quy định của các văn bản pháp luật, mà hơn cả, là sự ray rứt nhân văn với những đứa trẻ vô tội./.

Một góc bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương.
Một góc bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương.