Từ bản Vi, trung tâm xã Bắc Sơn, vượt 4km đường núi, qua 2 con khe và dốc Quác, 10h ngày 14/6, chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 324. Đây là địa chỉ mà như UBND xã Bắc Sơn đã công khai, từ năm 2020 đến nay thường xảy ra những vụ việc hủy hoại rừng. Đến một khu vực núi, có cả rừng tự nhiên xen lẫn rừng keo của dân, ông Lương Văn Ánh – cán bộ địa chính xã Bắc Sơn dừng xe nói: “Gần đây rồi. Nghỉ một chút ta lên xem thực địa”.
Rẽ vào một con đường đất khá lớn, đi thêm khoảng 100m, đến chân một quả núi chỉ thấy lúp xúp cỏ, ông Ánh ngước lên, hai tay khoanh một vòng: “Đấy là vùng rừng Nhà nước giao cho hộ bà Mạc Thị Hoàn, ông Vi Văn Hoàn ở bản Vi quản lý, bảo vệ…”. Dù núi khá cao, nhưng đã có sẵn một con đường đất rộng khoảng 3m nên đường lên thuận tiện. Nhìn những vệt đất, đá, gộc cây… hai bên mé đường, thấy rõ được mở một thời gian chưa lâu. Hỏi thì ông cán bộ địa chính xã Bắc Sơn xác nhận con đường mới được làm hồi đầu năm, do các đối tượng đưa phương tiện máy móc vào khai mở. Lên lưng chừng núi, trải rộng tầm mắt bao quát được hết vùng rừng Nhà nước giao cho hộ bà Mạc Thị Hoàn. Nhưng, đấy không còn là rừng. Mà là vùng trắng rừng. Cả một vùng rộng đến hơn 9ha, cây gỗ lưa thưa, nhưng xen trong đó có cả những cây đã chết khô vì bị ken gốc, bóc vỏ ngang thân. Còn lại trên bề mặt núi mênh mông là những thân cây bị đốn hạ; những gốc, rễ cây bị lật lên nằm lăn lóc; những đám thân cành cây bị đốt dở ruộm đen; là những chồi non mới nhô trên những gộc cây đã bị đốn sát đất; là những triền cỏ xanh, với nhiều những hốc, hố đã được dắm cây keo, cây quế non…
Khi được hỏi “trước đây, vùng rừng này có trạng thái như thế nào?”, chỉ vào những khu rừng kế bên, ông Lương Văn Ánh chua chát: “Anh cứ nhìn thì biết. Trước đây đều vậy cả…”. Vùng núi bao quanh, cũng thuộc Tiểu khu 324, còn khá nhiều rừng tự nhiên. Dù không có nhiều cây gỗ lớn, nhưng rừng dày đặc nhiều tầng cây, chung một màu xanh thẫm.
Cùng ngược núi với chúng tôi có anh Đặng Đình Nghĩa – cán bộ Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp. Anh Nghĩa cho biết, khi Nhà nước có chủ trương giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, hộ bà Mạc Thị Hoàn được huyện Quỳ Hợp giao rừng vào năm 2019. Anh Nghĩa cũng cho biết, trong quyết định thể hiện khi giao là loại rừng nghèo (TXN) nhưng có trữ lượng gỗ theo đánh giá ước khoảng 84,6m3 trên tổng diện tích trên 9,3ha.
Hỏi về những cây quế, cây keo non, phần đã dâm xuống hố, phần vứt lăn lóc trên đường. Ông Lương Văn Ánh cho hay, là do những người đã có hành vi hủy hoại rừng thực hiện. “Sau khi phát dọn cây leo, bụi rậm, các đối tượng đã mở đường, đào hố trồng cây. Những cây keo vứt trên đường cũng là của những đối tượng này. Lý do khi đang trồng thì bị xã phát hiện, lập biên bản. Thế nên họ vứt lại…”, ông Ánh nói.
Ở trên núi cao, chúng tôi đã nói với những người cùng đi: “Việc hủy hoại gần như sạch trắng 9,3 ha rừng, lại thuê nhân công, thiết bị máy móc mở đường, đào hố, trồng các loại cây quế, keo sẽ tốn kém không ít công sức, tiền của. Gia đình hộ bà Mạc Thị Hoàn như thế nào mà làm được như vậy?”. Câu trả lời nhận được từ ông Lương Văn Ánh là: “Của người khác đấy anh. Bà này là hộ khó khăn. Tiền nộp phạt vi phạm hành chính vì phá rừng người ta cũng đưa cho đấy. Hôm nay có quyết định xử phạt thì ngay hôm sau bà ấy đã lên xã nộp tiền. Nếu anh muốn gặp, tôi sẽ đưa đến nhà cho biết”.
Nhà của bà Mạc Thị Hoàn cách trụ sở xã Bắc Sơn chỉ chừng 500m. Đây thực sự là một gia đình nghèo, rất nghèo. Căn nhà nhỏ, thấp lè tè, thưng ván gỗ tạp, mái lợp ngói pro xi măng và tranh lúp xúp, cũ kỹ. Phía trong, trống hoách, chẳng có vật dụng gì đáng kể.
Hỏi bà Hoàn: “Tại sao lại phá rừng. Phá rừng từ bao giờ?”. Bà Hoàn trả lời: “Khi chồng em còn ở nhà thì đã lên chặt gỗ để trữ làm nhà. Năm 2013, chồng nói phải đi làm để kiếm tiền làm nhà, nhưng rồi chồng đi luôn không về. Chồng đi vắng, em không trông coi được nên có người lên phá rừng, chặt cây gỗ đốt lấy than. Sau đó, có chú Thái nói sẽ giúp đỡ, để làm chung với nhau. Thế là phát rừng. Đã phát hai lần…”.
Hỏi bà Hoàn: “Khi bị kiểm tra, bị xử phạt đến mấy chục triệu đồng. Gia cảnh thế này, chị lấy tiền đâu ra để nộp?”. “Thì cũng của chú Thái. Chú Thái sang, bỏ tiền ra, nói là chú bỏ vốn ra để sau này trừ lấy…”, bà Hoàn đáp. Bà Hoàn cũng nói rằng, các loại cây giống keo, cây quế cũng như việc thuê máy mở đường cũng là từ “tiền của chú Thái”. Riêng việc đào hố trồng quế, trồng keo thì nhờ anh em giúp cho. “Mình đi góp công với họ thì họ cũng góp công với mình. Cũng giúp nhau như thế…”, bà Hoàn nói. Về gia cảnh, theo bà Hoàn kể thì hết sức khó khăn. Con đầu lấy vợ ở bên ngoại; đứa thứ hai thì nghiện, đang đi cai, đi tù; còn chồng thì đi biền biệt, không có tin tức. Thế rồi bà thở dài: “Giờ thì xã phạt. Em biết sai, nhưng lỡ làm rồi… Cũng không biết làm sao nữa. Mong các bác xem xét, giúp đỡ nhà em với…”.
Ở UBND xã Bắc Sơn, có lưu hồ sơ do xã lập về các vụ việc vi phạm trên vùng đất rừng mà Nhà nước đã giao cho bà Mạc Thị Hoàn quản lý, bảo vệ. Trong đó, đáng lưu ý có Biên bản xác minh ngày 19/3/2021, về thông tin mua bán chuyển nhượng đất rừng, và những tác động trên vùng đất rừng này. Người được xác minh, không ai khác chính là bà Mạc Thị Hoàn. Theo biên bản, vào năm 2014, bà Mạc Thị Hoàn đã bán toàn bộ vùng đất rừng của mình cho ông Thái ở Diễn Châu (diện tích 9,38ha), là đất rừng tự nhiên được Nhà nước cấp theo Nghị định 163; có Giấy chứng nhận QSD đất do chồng bà là ông Vi Văn Hoàn đứng tên. Đổi lại, bà Hoàn được ông Thái trả cho 110 triệu đồng. Số tiền này, bà Hoàn lấy theo từng đợt, đến hiện tại đã nhận được 80 triệu đồng.
Sau khi bán, bà Mạc Thị Hoàn có vào rừng khai thác gỗ về sửa nhà và bán gỗ cốt pha để có tiền trang trải cuộc sống. Do chồng là ông Vi Văn Hoàn đi vắng lâu năm nên không nắm được thông tin bà Mạc Thị Hoàn bán đất. Đến khi biết được thì không cho bán và đòi lại đất. Đến lúc này, ông Thái yêu cầu trả lại tiền thì mới trả đất. Do không có tiền nên bà Mạc Thị Hoàn thỏa thuận với ông Thái là cùng phát dọn rừng để trồng cây lâu năm. Theo thỏa thuận, ông Thái sẽ trả tiền, còn bà Mạc Thị Hoàn đi tìm công nhân vào rừng phát dọn, làm rào và trồng cây quế trên diện tích đất 9,38ha. “Những công việc tôi và ông Thái làm trên thửa đất là tự thỏa thuận giữa hai bên, từ việc phát dọn cây bụi rậm cho tới đào hố trồng cây, làm rào bảo vệ. Còn việc cây gỗ to trong rừng bị chặt hạ thì tôi không nắm được” – lời của bà Mạc Thị Hoàn được ghi tại biên bản xác minh.
Nhờ hẹn trước, nên đã gần 12h trưa nhưng lãnh đạo xã Bắc Sơn gồm ông Đậu Ngọc Tuân – Bí thư Đảng ủy, ông Vi Văn Thoại – Chủ tịch UBND xã vẫn chờ chúng tôi ở trụ sở để làm việc. Theo những cán bộ này, với những hành vi vi phạm của hộ bà Mạc Thị Hoàn thì cần thiết phải thu hồi toàn bộ đất rừng Nhà nước đã giao. Vì chỉ có như vậy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai và bảo vệ rừng của xã mới đi vào nề nếp; người dân mới hết tư tưởng, dư luận, nghi ngờ cán bộ xã bao che và không làm theo.
Nói ra những gì tận thấy trên vùng đất lâm nghiệp đã mất trắng rừng cùng những lời bà Mạc Thị Hoàn đã trình bày, chúng tôi đặt vấn đề: “Liệu chính quyền xã Bắc Sơn có nhận thấy ở địa phương có tình trạng đầu nậu từ nơi khác đến thu gom đất lâm nghiệp, sau đó giật dây để người dân Bắc Sơn làm nghèo rừng, hủy hoại rừng?”. Cũng như cán bộ địa chính Lương Văn Ánh, các ông Đậu Ngọc Tuân, Vi Văn Thoại nhìn nhận là có tình trạng này, và cho hay trong nhiều lần xử lý vi phạm, thì từng đã có lần xử lý đối với người tên là Thái.
Xem trong tập hồ sơ của UBND xã Bắc Sơn thì ngày 27/2/2020, xã phát hiện tại vùng đất rừng của hộ bà Mạc Thị Hoàn có tình trạng phát luồng, dây leo, bụi rậm nên đã thực hiện lập biên bản. Một ngày sau đó (28/2/2021), UBND xã Bắc Sơn ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc đình chỉ phát, đốt dọn thực bì đối với ông Vũ Văn Thái (SN 1974, địa chỉ xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Đồng thời, buộc ông này cam kết thực hiện quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng tự nhiên.
Tại bản cam kết, ông Vũ Văn Thái đã cam kết: “Không chặt phá, khai thác cây gỗ, không làm nghèo rừng dưới mọi hình thức. Không đưa phương tiện, máy móc san ủi vào đào bới trong phần rừng tự nhiên đang nuôi dưỡng. Không trồng rừng trên diện tích đất trồng trong rừng tự nhiên đang nuôi dưỡng rừng…”.
Nói với các ông Đậu Ngọc Tuân, Vi Văn Thoại: “Qua hồ sơ tài liệu, cùng lời trình bày của bà Mạc Thị Hoàn thì mọi việc đã cơ bản rõ ràng. Thu hồi đất rừng là việc cần làm, nhưng chỉ như thế thì liệu ở Bắc Sơn có lặp lại tình trạng vi phạm như hộ bà Mạc Thị Hoàn hay không?”. Bí thư Đảng ủy xã Đậu Ngọc Tuân trao đổi: “Qua các cuộc họp chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn với nhau rồi. Chỉ mong UBND huyện làm rõ, để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định. Kể cả thi hành kỷ luật cán bộ xã nếu có vi phạm. Quan trọng là để công tác quản lý Nhà nước của xã được tốt lên, địa bàn xã Bắc Sơn được ổn định, người dân tin tưởng vào tổ chức Đảng, vào chính quyền…”.
Đã nhiều lần tìm hiểu về tình trạng đầu nậu thu gom đất rừng của bà con đồng bào miền núi được Nhà nước giao cho, cùng với những hành vi hủy hoại rừng tự nhiên của các đối tượng này, chúng tôi thấy vụ việc ở xã Bắc Sơn là một “điểm đen” nhức nhối. Đồng bào miền núi, vì cái nghèo đeo bám mà phải bán đi tư liệu sản xuất của mình. Những đồng tiền ít ỏi thu được khi hết đi, thì cam chịu cảnh làm thuê, kể cả vi phạm pháp luật. Như trường hợp hộ bà Mạc Thị Hoàn là một ví dụ. Dù xót xa, nhưng với những hành vi trực tiếp phá rừng và để vùng rừng được giao quản lý, bảo vệ nhiều lần bị hủy hoại, hộ bà Mạc Thị Hoàn bị thu hồi lại đất rừng là cần thiết, đúng với quy định của pháp luật. Nhưng chỉ vậy là chưa đủ. Phải điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng đứng đằng sau!