Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu nhưng khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX Nghệ An phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu; tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp GRDP còn thấp. Phần lớn HTX quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương và lĩnh vực. Năng lực nội tại và sức cạnh tranh còn yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích giữa HTX với các thành viên.
Phần lớn các HTX, nhất là HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 có quy mô nhỏ, công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu; tài chính thiếu minh bạch, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực, chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích giữa HTX với các thành viên. Hầu hết các HTX chỉ mới thực hiện ở một số dịch vụ đầu vào cho thành viên, hiệu quả hoạt động chưa cao; gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên, liên kết sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Phần lớn HTX (trừ Quỹ Tín dụng nhân dân) gặp nhiều khó khăn, không có trụ sở, không huy động được vốn góp, thu hút thành viên thấp; năng lực quản trị, kế toán, xây dựng báo cáo tài chính, phương án sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại của HTX còn hạn chế…
Ông Hoàng Đình Hùng cho biết thêm: Tình trạng này rơi vào một vài HTX trồng cây ăn quả lớn trên địa bàn. Về hiệu quả hoạt động, lãi từ sản phẩm rất ít, chủ yếu là thu dịch vụ nông nghiệp. Có những HTX báo cáo lãi trên 500 triệu đồng/năm nhưng khi bóc tách thì chủ yếu thu từ dịch vụ thủy nông tính trên đầu người, còn thu từ sản phẩm làm ra chỉ vài ba chục triệu đồng.
Do khu vực KTTT, HTX phát triển chưa cao, vì vậy, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là cạnh tranh gay gắt về thị trường tiêu thụ hàng hóa; nguồn nhân lực có trình độ trong HTX dễ bị dịch chuyển sang khu vực khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh gây khó khăn đến sản xuất, kinh doanh của khu vực KTTT, HTX.
Nhiều HTX, trong đó HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả do tác động của kinh tế thị trường. Do vốn ít, cùng đó là chưa nhạy bén trong kinh doanh, nên nhiều HTX cung ứng vật tư nông nghiệp với giá đầu vào cao, trong khi trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điểm bán hàng vật tư nông nghiệp của cá nhân với giá cạnh tranh; hơn thế nữa, số lượng hộ nông dân tham gia vào thành viên của HTX đang ít, nên hàng hóa của HTX khó tiêu thụ.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế của một số HTX. Ông Lê Hội Hưng – Giám đốc HTX Đoàn kết Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho rằng, từ khi dịch bệnh bùng phát trên thế giới và trong nước, khiến việc tiêu thụ hải sản của HTX gặp rất nhiều khó khăn, vì không mở rộng được thị trường. Hiện tại, việc đánh bắt khá thuận lợi, nhưng khâu tiêu thụ khó khăn nên HTX đang tồn kho hàng trăm tấn hải sản cấp đông đã ảnh hưởng đến nguồn thu của thành viên HTX.
Luật HTX năm 2012 ra đời là luồng gió mới cho HTX phát triển. Cùng với đó, trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí quan trọng bắt buộc. Sau 10 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã có 281 xã đạt chuẩn NTM, trong đó không thể phủ nhận sự đóng góp tích cực của các HTX qua việc đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động.
Tuy nhiên, trước thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ HTX rơi vào tình trạng “bình mới, rượu cũ”, thì tìm những giải pháp căn cơ, hiệu quả, tạo chuyển biến thiết thực vẫn đang là điều trăn trở. Thiết nghĩ, trước hết phải đến từ nỗ lực thay đổi của mỗi ban quản trị HTX.
Bên cạnh đó, các HTX cũng rất cần đến sự hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành liên quan. Ông Hà Xuân Niệm – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) cho rằng: Hàng năm, huyện cần tổ chức tổng kết lĩnh vực HTX để các HTX trên địa bàn có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động; cũng là diễn đàn để HTX đề xuất ý kiến lên các cấp, ngành tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. HTX cần có tài sản cố định, đó là cấp sổ đỏ diện tích đất xây dựng trụ sở để thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư kinh doanh, dịch vụ. Đối với các thành viên của HTX, chính quyền địa phương cần hỗ trợ những thành viên HTX có điều kiện xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Chính quyền địa phương cơ sở quan tâm nhiều hơn đến HTX về mặt pháp lý để thuận lợi trong việc thu hồi nợ; đồng thời tuyên truyền cho nông dân tham gia vào thành viên HTX nhiều hơn.
Dưới góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng: Đối với các HTX hoạt động chưa hiệu quả, cần hướng dẫn các HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn, trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang liên kết sản xuất theo chuỗi, bao tiêu đầu ra theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Tập trung chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý hợp tác xã và thành viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia hoạt động một số dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới nâng cao như: quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nước sinh hoạt nông thôn; bảo vệ môi trường; chợ nông thôn; ngành nghề nông thôn; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất để các HTX tăng thêm việc làm và thu nhập cho các thành viên.
Trên cơ sở đánh giá quy mô HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp quá nhỏ, đóng góp về mặt kinh tế quá thấp; HTX khối dịch vụ ít hơn nhưng tỷ trọng kinh tế cao hơn, ông Vũ Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, không nên tăng số lượng HTX nông nghiệp (chỉ đảm bảo mỗi xã 1 HTX để phục vụ sản xuất nông nghiệp) mà tập trung tăng khối thương mại dịch vụ, xây lắp. Ông Dũng nêu ví dụ, HTX Đoàn Kết (thị xã Hoàng Mai) làm dịch vụ đánh bắt rất tốt, quy mô vài trăm tỷ đồng, đời sống xã viên tốt; trong khi đó xã viên theo HTX nông nghiệp chỉ đạt 2,3 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2003 đến nay, hệ thống các chính sách của Trung ương tương đối đầy đủ để tạo môi trường thuận lợi cho các HTX phát triển. Cùng với đó, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung một số chính sách có liên quan đến hỗ trợ, phát triển HTX bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tiễn, khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian tới, cần quan tâm bổ sung chính sách cán bộ và nguồn nhân lực; chính sách đất đai; tài chính tín dụng; hỗ trợ về khoa học và công nghệ; hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai cho rằng, để các HTX phát triển mạnh hơn, cần bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; xây dựng các mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới, mô hình chuỗi liên kết; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; hỗ trợ kinh phí tham quan học tập kinh nghiệm.
Qua đó cho thấy, việc thành lập HTX để đủ tiêu chí giúp địa phương về đích NTM là điều không mấy khó khăn. Vấn đề đang được nhiều người quan tâm là sau khi thành lập thì HTX hoạt động như thế nào. “Xây dựng NTM có điểm xuất phát, nhưng không có điểm kết thúc”, do vậy, để không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân, một trong những vấn đề quan trọng là có sự đóng góp của các HTX.
Dự kiến đến ngày 31/12/2021, tổng số HTX hoạt động hiệu quả là 435 HTX (chiếm 55%), so với thời điểm 31/12/2001, tăng 353 HTX. Tổng số vốn hoạt động của HTX là 5.300 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản của HTX là 3.800 tỷ đồng; doanh thu bình quân hàng năm của 1 HTX là 2.100 triệu đồng; lãi bình quân hàng năm 1 HTX là 160 triệu đồng; thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong HTX là 4,5 triệu đồng/tháng.