Phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới: Bài 1: Những chuyển động từ kinh tế hợp tác

Nắm bắt cơ hội, nhạy bén với kinh tế thị trường, luôn hướng về lợi ích của người nông dân… không ít HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai thác được tiềm năng, lợi thế. Hoạt động của HTX có chiều sâu, tạo việc làm cho nhiều lao động, lợi nhuận hàng năm cao, nông dân gắn bó với HTX.

HTX Dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành là một trong những điểm sáng  của HTX đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Yên Thành hiện nay. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành trong lần đầu tiếp xúc là trụ sở làm việc được xây dựng khang trang, HTX được trang bị máy tính, phương tiện làm việc khá chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Công Bình – Phó Giám đốc HTX cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều khó khăn, nhưng HTX đã nhạy bén, đa dạng ngành nghề kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện nay HTX có 7 loại hình dịch vụ: Cung ứng đầu vào vật tư nông nghiệp, xây dựng, xử lý rác thải, làm đất sản xuất, nhận cấy mạ khay, dịch vụ thủy lợi và tín dụng nội bộ. Với 660 thành viên là nông dân trên địa bàn xã, mỗi thành viên đóng góp vốn 1 – 2 triệu đồng, cùng với vốn huy động từ người dân, đến nay HTX đã có trong tay 4 chiếc máy làm đất, 1 máy gặt lúa liên hoàn, 1 xe vận chuyển rác, 2 máy cấy… 1 tổ đúc cống và 1 tổ xây dựng, tổng trị giá trên 4 tỷ đồng, chưa kể hệ thống kho tàng, trụ sở, đặc biệt là HTX đã có số vốn tín dụng trên 31 tỷ đồng. Nhờ phương án sản xuất kinh doanh hàng năm khả thi, cách quản lý, điều hành chặt chẽ nên lợi nhuận của đơn vị đạt trên 850 triệu đồng/năm.

HTX Dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành sở hữu sản phẩm, dịch vụ có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Xuân Hoàng
HTX Dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành sở hữu sản phẩm, dịch vụ có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Xuân Hoàng

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Cát được đánh giá là một trong không nhiều HTX hoạt động hiệu quả hiện nay trên địa bàn huyện Nam Đàn. HTX hiện có 1.500 thành viên; hoạt động dịch vụ nông nghiệp như cung cấp giống vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ thuỷ lợi, bảo vệ đồng ruộng, thu gom rác thải. Từ vụ xuân 2014, HTX là đơn vị đầu tiên đưa máy cấy lúa vào làm thí điểm tại địa phương.

Ông Phan Văn Tuyền – Giám đốc HTX cho biết: Hiệu quả nhất hiện nay của chúng tôi là liên kết với Công ty giống cây trồng Trung ương sản xuất giống lúa. Nhờ liên kết này mà bà con không lo đầu ra sản phẩm vào mùa thu hoạch. Doanh nghiệp cung cấp giống lúa siêu nguyên chủng để xã viên sản xuất giống, sau đó bao tiêu giống lúa cho bà con. Hiện nay có 50% xã viên là những hộ có diện tích lúa đủ lớn tham gia liên kết. HTX cũng liên kết với Công ty chăn nuôi CP xây trang trại chăn nuôi gia cầm theo hình thức HTX xây trang trại, lo điện nước, công chăn nuôi; còn công ty CP đầu tư con giống, thức ăn, thuốc, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, các thành viên HTX được trả 6.000 đồng tiền công cho mỗi kg sản phẩm. Để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, HTX còn năng động tìm kiếm công trình xây dựng để nhận thầu công, vận chuyển thu gom rác thải… Hoạt động của HTX góp phần giúp xã nhà về đích NTM vào năm 2014.

HTX Nam cát liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa, bao tiêu sản phẩm giúp xã viên yên tâm sản xuất. Ảnh: Thu Huyền
HTX Nam cát liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa, bao tiêu sản phẩm giúp xã viên yên tâm sản xuất. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ An là địa phương đã có 48 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao OCOP, đây là điều kiện để các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bà Phan Thị Nhung – Giám đốc HTX rau mùi tàu Diễn Thái (Diễn Châu) cho rằng, để sản phẩm rau mùi tàu Diễn Thái có uy tín trên thị trường, đầu năm 2020, HTX rau mùi tàu Diễn Thái được thành lập. Ngay sau đó, sản phẩm rau mùi tàu Diễn Thái đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Với 25 thành viên tham gia vào HTX, chuyên sản xuất rau mùi tàu trên diện tích 25 ha đã được công nhận VietGAP, sản phẩm của HTX ngày càng có uy tín trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm rau mùi tàu Diễn Thái đã được đặt lên kệ của các siêu thị, ki-ốt rau sạch từ Nghệ An vào Đà Nẵng. Đặc biệt từ tháng 5/2021 đến nay, sản phẩm rau mùi tàu của HTX đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, hiện đang xúc tiến xuất khẩu sang Nhật Bản.

Rau mùi tàu Diễn Thái (Diễn Châu) đạt 3 sao OCOP, thuận lợi hơn khi xuất bán ra thị trường. Ảnh: Xuân Hoàng
Rau mùi tàu Diễn Thái (Diễn Châu) đạt 3 sao OCOP, thuận lợi hơn khi xuất bán ra thị trường. Ảnh: Xuân Hoàng

Nghị quyết 13-NQ/TW đã được tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện nghiêm túc, từ học tập, quán triệt, thể chế hóa Nghị quyết, đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra. Qua đánh giá cho thấy, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tập thể vào GRDP của tỉnh ngày càng tăng: Năm 2001, đóng góp 4,8% GRDP của tỉnh; năm 2020 đạt 6,8%. Số lượng HTX tăng theo từng năm, từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 196 HTX (chiếm 32%) có các dịch vụ kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, hộ nông dân; hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Nhiều mô hình HTX kiểu mới, có cách làm sáng tạo, đặc biệt các HTX khởi nghiệp của cán bộ trẻ đã gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX đảm nhận dịch vụ đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân; sản phẩm do HTX sản xuất có bao bì đẹp, gắn tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Điển hình như: HTX Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông); HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến Chanh Nam Kim; HTX nông nghiệp Sen quê Bác (huyện Nam Đàn)…

Nhiều người dân ở Tân Kỳ tham gia tổ hợp tác sản xuất mía. (Ảnh: Nhập mía về nhà máy mía đường Sông Lam, huyện Anh Sơn. Ảnh: Thu Huyền)
Nhiều người dân ở Tân Kỳ tham gia tổ hợp tác sản xuất mía. (Ảnh: Nhập mía về nhà máy mía đường Sông Lam, huyện Anh Sơn. Ảnh: Thu Huyền)

Cùng với HTX, số lượng tổ hợp tác thành lập mới tăng lên qua các năm. Dự kiến đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 3.037 tổ hợp tác, tăng 1.557 tổ so với thời điểm 31/12/2001 (tăng 2,05 lần). Các tổ hợp tác được hình thành từ nhu cầu hợp tác thực tế của một nhóm các cá nhân để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một lĩnh vực nhất định. Các tổ hợp tác tổ chức sản xuất kinh doanh tốt là tiền đề để vươn lên thành lập HTX kiểu mới, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện nay, bà con đang có xu hướng co cụm lại thành lập các tổ hợp tác, HTX để liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ.

Nhiều HTX nông nghiệp nhận dịch vụ làm đất cho nông dân. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhiều HTX nông nghiệp nhận dịch vụ làm đất cho nông dân. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến tháng 6/2021, Nghệ An có 811 HTX, trong đó HTX hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi, tiêu thụ nông sản, đánh bắt, nuôi trồng hải sản là 626 HTX; hoạt động trên lĩnh vực CN-TTCN-dịch vụ môi trường là 78 HTX; hoạt động trên lĩnh vực xây dựng là 6 HTX; hoạt động trên lĩnh vực tín dụng 59; hoạt động trên lĩnh vực vận tải là 40 HTX và hoạt động trên lĩnh vực môi trường là 2 HTX. Có 245.450 thành viên và 60.530 lao động làm việc thường xuyên tại các HTX.

(Còn nữa)