Xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang là một nhiệm vụ quan trọng khi đất nước đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều thành phần kinh tế cùng hoạt động.
Theo đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền – Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An: Để tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước hiện nay, thông qua sự đồng hành, vận động của cấp ủy cơ sở làm rõ hơn đối với chủ doanh nghiệp về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự cần thiết khách quan và tác dụng của việc thành lập các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền để người lao động thấy được quyền lợi chính trị của mình và có ý thức phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng; quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đảng viên để giới thiệu cho hội đồng quản trị, ban giám đốc xem xét, bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp; đặc biệt, chú trọng vai trò của chủ doanh nghiệp khi họ đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bởi công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước sẽ rất thuận lợi hơn nếu chủ doanh nghiệp là đảng viên, là “nòng cốt” để người lao động noi theo, học tập, nâng cao nhận thức, động cơ phấn đấu vào Đảng; từ đó, tạo chuyển động chung của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, cấp ủy cần chủ động, tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các chủ doanh nghiệp, để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị với tỉnh, các cấp, các ngành tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Củng cố, nâng cao năng lực của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, nhất là trong phối hợp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi số. Tổ chức các hoạt động, phong trào ý nghĩa, thiết thực đối với các doanh nghiệp như kết nối doanh nghiệp, doanh nhân, chuyển đổi số, văn hóa doanh nghiệp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, thể thao, chính sách cho người lao động… để cả chủ doanh nghiệp và người lao động thấy rõ vai trò, lợi ích của việc có tổ chức Đảng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, các cấp ủy Đảng cũng cần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, cải tiến nội dung, hình thức tổ chức các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, tổ chức học ngoài giờ hành chính, đối với các đơn vị doanh nghiệp để tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú có thể tham gia học tập và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Nhật Tuấn – Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cũng cho biết: Đảng ủy Khối đã tích cực đổi mới việc triển khai nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng bằng nhiều hình thức thích hợp (mời chuyên gia có kinh nghiệm từ Trung ương, tỉnh về triển khai cho cán bộ chủ chốt hoặc kết hợp hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến đến toàn thể đảng viên); tổ chức các lớp quán triệt nghị quyết, tập huấn nghiệp vụ xây dựng Đảng, bồi dưỡng đối tượng Đảng, đảng viên mới vào thứ Bảy, Chủ nhật để ít ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, căn cứ Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để mở các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng ngay tại doanh nghiệp tư nhân có số lượng lao động lớn; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ đương chức, dự nguồn của các doanh nghiệp học vào các ngày nghỉ cuối tuần…
Tại buổi làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào tháng 3/2023, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh cần đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng và phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong giai cấp công nhân; giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho công nhân, khuyến khích công nhân tham gia vào các hoạt động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.
Từ thực tế trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu cũng cho rằng, bên cạnh việc vận động để các chủ doanh nghiệp nhận thức về vai trò của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp để phát triển đảng viên, chi bộ trong các doanh nghiệp, thì các cấp ủy Đảng cần khảo sát, nắm chắc số lượng, tình trạng tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp, đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động.
Đồng thời, có các chủ trương tạo cơ chế tác động đến quyền lợi của doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động; gặp gỡ, đối thoại với chính quyền để tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh… Từ đó, khuyến khích và gắn trách nhiệm đồng hành của chủ doanh nghiệp và tập thể doanh nghiệp trong tiến hành xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên.
Trong thực hiện mục tiêu nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên ở khối doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng, vai trò của các đoàn thể là rất quan trọng. Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; trong đó nêu rõ: “Thành lập tổ chức Công đoàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn để tạo tiền đề thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể khác” tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Đây là định hướng mang tính đột phá, khẳng định rất rõ vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong xây dựng tổ chức Đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Theo đồng chí Kha Văn Tám – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nghệ An: Sau khi Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị được ban hành, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt, chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung đổi mới phương thức và tổ chức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm củng cố và phát triển các tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn tại các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong năm 2021, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Theo đó, 3 đơn vị cùng phối hợp tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật và các quy định của tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp trực thuộc; tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện, ủng hộ để thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Về phía các địa phương, theo đồng chí Nguyễn Trọng Anh – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương: Để nâng cao hiệu quả công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cấp ủy các cấp cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo môi trường thu hút các nhà máy, công ty, xí nghiệp về trên địa bàn để sử dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo việc làm cho lao động địa phương, nhằm tăng thêm nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động huyện, Huyện đoàn cũng cần tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân đóng chân trên địa bàn, chưa có tổ chức Đoàn Thanh niên để thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên ở các đơn vị này; xem đây là tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kết nạp đảng viên và thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân.
“Những nơi đã có tổ chức, đoàn thể thì tăng cường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các sân chơi, phong trào thi đua thiết thực cho công nhân, người lao động, để tạo sức hút đối với thanh niên, công nhân tham gia vào các tổ chức hội trong các doanh nghiệp, từ đó, phát hiện nhân tố bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới”, đồng chí Nguyễn Trọng Anh nói thêm.
Qua trao đổi, ý kiến một số cấp ủy cho rằng, “cán bộ nào, phong trào ấy”, do vậy, cần thiết phải xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, thực hiện chế độ phụ cấp công tác Đảng theo quy định; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên, làm cho chủ doanh nghiệp thấy được vai trò, sự cần thiết của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các hoạt động của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tại Báo cáo số 291-BC/TU ngày 13/4/2023 về công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, Tỉnh ủy Nghệ An cũng nhấn mạnh phải phát huy vai trò của các hội như Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp tiêu biểu, Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nghiệp nữ…; gắn trách nhiệm của giám đốc doanh nghiệp, đặc biệt giám đốc là đảng viên trong việc xây dựng, phát triển các tổ chức chính trị, xã hội và tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, các cấp, ngành phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, để từ đó thúc đẩy phát triển tổ chức Đảng, đảng viên. Tỉnh ủy Nghệ An cũng yêu cầu ban thường vụ cấp ủy các cấp phân công cấp ủy viên phụ trách cơ sở, lãnh đạo địa phương nơi doanh nghiệp đóng chân trực tiếp vận động chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức Đảng; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phát triển đảng viên của các đơn vị được phân công theo dõi.
Cũng tại Báo cáo nói trên, Tỉnh ủy Nghệ An đã kiến nghị Trung ương cần có nghị quyết chuyên đề về củng cố, phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhằm khẳng định ý nghĩa, vai trò tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên là công nhân và tỷ lệ giai cấp công nhân trong Đảng phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, có chế độ, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị, xã hội và đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, tổ chức chính trị, xã hội trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Về phía Thành ủy Vinh cũng kiến nghị ban hành văn bản chỉ đạo về thực hiện chế độ nghiệp vụ công tác Đảng đặc thù trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Và điều quan trọng nhất, như đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã phát biểu tại Hội thảo về công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tổ chức vào ngày 19/5/2023: “Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển, vấn đề của Đảng, Nhà nước các cấp là tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển, hòa chung vào dòng chảy của đất nước, của Đảng; và mỗi một công nhân phải thật sự thấy tự hào khi mình trở thành đảng viên, mỗi một doanh nghiệp thấy được lợi ích khi vào Đảng, có như vậy công tác phát triển Đảng mới mang lại hiệu quả thiết thực nhất”.