Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước – Bài 2: Những khó khăn, thách thức

Tỉnh Nghệ An hiện có 11.891 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nhưng chỉ có 145 doanh nghiệp có tổ chức Đảng (trong đó, có 30 đảng bộ cơ sở gồm 120 chi bộ trực thuộc và 115 chi bộ cơ sở) với 3.092 đảng viên trên tổng số 196.433 đảng viên trong toàn tỉnh. Điều này cho thấy, công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều “khoảng trống”.

Tại huyện Thanh Chương, từ năm 2020-2022, công tác phát triển Đảng theo Đề án 5155 vẫn “giẫm chân tại chỗ”. 3 năm qua, huyện chưa kết nạp được đảng viên cũng như chưa có tổ chức Đảng nào trong doanh nghiệp tư nhân được thành lập. Lý giải về kết quả này, đồng chí Nguyễn Trọng Anh – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho biết, nguyên nhân là do các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, số lượng người lao động ít, chưa có đảng viên và chỉ một số ít có tổ chức chính trị, xã hội. Một số doanh nghiệp mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng chủ doanh nghiệp không mặn mà, hoặc không có nguyện vọng vào Đảng.

Trong năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương đã ban hành văn bản chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy và đảng ủy các xã, thị trấn có liên quan làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn về công tác thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhưng chưa đạt kết quả. Bởi sau khi làm việc, có doanh nghiệp phải giải thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ăn khó khăn; có doanh nghiệp lấy lý do đang phải tập trung xây dựng mặt bằng để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa có điều kiện quan tâm đến việc phát triển Đảng; có doanh nghiệp thì công ty chủ quản ở Hà Nội, giám đốc chi nhánh tại địa phương là quần chúng, không phải đảng viên, nhân sự cũng không cố định nên không mấy quan tâm tới việc thành lập tổ chức Đảng.

Một góc thị trấn Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Một góc thị trấn Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Tương tự, huyện Nam Đàn hiện có 140 doanh nghiệp, trong đó, có 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 4 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, còn lại là doanh nghiệp tư nhân nhỏ nên từ năm 2020 đến năm 2022 mới chỉ thành lập được 1 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tư nhân là Trường Mầm non Tuổi Thơ trực thuộc Đảng bộ thị trấn Nam Đàn.

Ngay tại thành phố Vinh – trung tâm kinh tế, chính trị của cả tỉnh, từ năm 2020 đến năm 2022, Đảng bộ thành phố cũng chỉ kết nạp được 23 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trong số đó chỉ có 1 đảng viên là chủ doanh nghiệp. Theo đánh giá chung, thì kết quả phát triển Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước hằng năm trên địa bàn thành phố chưa đạt chỉ tiêu đề ra; số doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn lớn, nhưng hầu hết có quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động hoặc lao động thời vụ, mang tính chất gia đình, ít quan tâm đến các nhiệm vụ mang tính chính trị.

Một số doanh nghiệp tuy đăng ký trên Giấy phép kinh doanh có số lượng lao động nhiều, nhưng trên thực tế có ít lao động làm việc tại trụ sở, lao động biến động thường xuyên. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp tư nhân chưa có tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, nên gặp khó khăn trong tạo nguồn, vướng mắc trong quy trình giới thiệu đoàn viên trong doanh nghiệp tham gia học đối tượng Đảng và thủ tục kết nạp vào Đảng. Một bộ phận công nhân, người lao động chưa giác ngộ lý tưởng cách mạng, chịu áp lực về công việc, kinh tế nên có tâm lý ngại tham gia các tổ chức chính trị – xã hội, ngại sinh hoạt Đảng, đóng Đảng phí, Đoàn phí. Bên cạnh đó, thời gian qua, một số chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố Vinh phải giải thể do công ty không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảng viên nghỉ hưu hoặc nghỉ việc chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trò chuyện với công nhân Công ty TNHH Frescol Tuna Việt Nam (Khu Công nghiệp Nam Cấm). Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trò chuyện với công nhân Công ty TNHH Frescol Tuna Việt Nam (Khu Công nghiệp Nam Cấm). Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Ông Vương An Nguyên – Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam cũng cho hay: Mặc dù Khu Kinh tế Đông Nam là khu vực tập trung chủ yếu các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của cả tỉnh, đồng thời, công tác phát triển Đảng cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của nhiều tổ chức, cơ quan, tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận các doanh nghiệp rất khó khăn. Nhất là hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều trực tiếp thuê đất, nhà xưởng từ đơn vị quản lý khu công nghiệp, nên mối quan hệ với các tổ chức Đảng, đoàn thể các cấp còn thiếu chặt chẽ.

Chưa kể, trong xu thế hội nhập, sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường ngày càng gay gắt. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh kéo dài… nên gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải đình chỉ hoạt động hoặc đang cố gắng bám trụ để tồn tại. Do đó, họ chưa quan tâm đến việc thành lập các tổ chức, đoàn thể, kết nạp đảng viên và thành lập tổ chức Đảng. Hơn nữa, do điều kiện làm việc nhiều áp lực, thời gian làm việc căng thẳng cũng chi phối và ảnh hưởng đến tâm lý, nhu cầu của người lao động. Sau thời gian làm việc hay tăng ca, người lao động chỉ muốn nghỉ ngơi, không mặn mà đến việc tham gia các hoạt động xã hội, các tổ chức chính trị.

Ngoài ra, do nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động theo tính chất mùa vụ, người lao động làm việc, cư trú phân tán nên việc tham gia các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp và việc vận động tổ chức học tập, bồi dưỡng để kết nạp Đảng gặp nhiều hạn chế.

Vì nhiều lý do, một bộ phận công nhân, người lao động chưa có điều kiện phấn đấu vào Đảng. Ảnh: Khánh Ly
Vì nhiều lý do, một bộ phận công nhân, người lao động chưa có điều kiện phấn đấu vào Đảng. Ảnh: Khánh Ly

Nhiều cấp ủy địa phương chia sẻ, hiện nay, các chủ doanh nghiệp đa phần không phải là đảng viên nên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức, do đó, chưa tạo điều kiện cho việc phát triển đảng viên và thành lập tổ chức Đảng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu: Các chủ doanh nghiệp tư nhân đa phần không phải là đảng viên, chỉ chú trọng tới lợi nhuận kinh doanh, nên chưa tạo điều kiện thành lập các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là tổ chức Đảng để công nhân, người lao động tham gia sinh hoạt. Thực tế, tại một số doanh nghiệp, nhiều công nhân là đảng viên, nhưng do không có chi bộ nên họ chỉ sinh hoạt ở nơi cư trú. Ông Lợi lấy dẫn chứng tại Công ty TNHH Viet Glory, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày, dép, có trụ sở tại xóm 8, xã Diễn Trường, có 7 công nhân là đảng viên, nhưng do chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, nên việc vận động thành lập chi bộ Đảng gặp nhiều khó khăn. Hiện 7 đảng viên này đang sinh hoạt ở nơi cư trú… Tại Công ty cổ phần Nam Thuận Nghệ An, hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có trụ sở đóng tại xã Diễn Mỹ, hiện có 6 công nhân là đảng viên, nhưng do chưa có chi bộ Đảng nên có 2 đảng viên phải về sinh hoạt tại nơi cư trú ở xã Diễn Phong và 4 đảng viên về sinh hoạt tại nơi cư trú ở xã Diễn Hoàng.

Đoàn công tác làm việc tại Công ty TNHH VietGlory (xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu). Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
Đoàn công tác làm việc tại Công ty TNHH VietGlory (xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu). Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Là đơn vị chuyên trách quản lý khối doanh nghiệp, tuy nhiên, từ năm 2020 đến tháng 5/2023, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh cũng chỉ mới thành lập được 6 tổ chức cơ sở Đảng, 13 tổ chức Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp tư nhân. Đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền – Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Nghệ An cho hay: Hiện nay, các doanh nghiệp có tổ chức Đảng trực thuộc Đảng ủy Khối phần lớn có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, số lượng lao động ít; một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, việc làm không ổn định, một số lao động không có việc làm phải tự tìm việc ngoài công ty, chế độ, chính sách cho người lao động không bảo đảm. Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp hoạt động phân tán tại nhiều tỉnh, thành trong nước và cả nước ngoài. Cơ cấu sở hữu vốn tại doanh nghiệp luôn có sự biến động dẫn đến sự thay đổi nhân sự lãnh đạo, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận chủ doanh nghiệp để vận động thành lập chi bộ vẫn gặp khó khăn. Do Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh không trực tiếp quản lý các doanh nghiệp, mà thời gian lao động trong doanh nghiệp lại khép kín, một số doanh nghiệp sản xuất 3 ca, công nhân, lao động không có thời gian tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, đảng viên mới, nên gây khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển Đảng.

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần chế tác đá Nhật Huy.
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần chế tác đá Nhật Huy.

Một số doanh nghiệp thậm chí còn chưa có tổ chức Công đoàn, có doanh nghiệp quy mô nhỏ nên chủ doanh nghiệp không quan tâm đến việc thành lập tổ chức Đảng hay tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Thậm chí, có tổ chức Đảng, đảng viên chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm, chưa tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động để xây dựng doanh nghiệp phát triển. Một số đơn vị chưa đổi mới nội dung, phương thức tổ chức sinh hoạt cho phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp… gây khó khăn không nhỏ cho sự phát triển của tổ chức Đảng cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Tại Báo cáo số 291-BC/TU ngày 13/4/2023 về công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, lao động trong các doanh nghiệp của một số cấp ủy còn hạn chế; hình thức, nội dung tuyên truyền chưa sáng tạo, đa dạng, chưa phù hợp với đặc thù của từng loại hình.

Các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong một số doanh nghiệp ngoài Nhà nước phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa có giải pháp phù hợp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức chính trị – xã hội trong tình hình mới.

Một lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 8 năm 2022 cho cán bộ, công nhân, người lao động các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Quốc Lợi
Một lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 8 năm 2022 cho cán bộ, công nhân, người lao động các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Quốc Lợi

Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên cơ sở tại các cấp ủy cơ sở chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay chưa ban hành được các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Công đoàn tại các doanh nghiệp.

Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên chậm được quan tâm, tháo gỡ như: Vấn đề thời gian dành cho việc tham gia các lớp bồi dưỡng, hội họp… với việc đảm bảo giờ giấc lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện tổ chức các hoạt động của các chi bộ, chi đoàn, chi hội trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn khó khăn; chưa chủ động được thời gian, nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động; chưa có các chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác đoàn thể trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước nên chưa kịp thời động viên, khích lệ được đội ngũ cán bộ hoạt động.

Mặt khác, theo ông Vương An Nguyên – Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam: hiện trong khu kinh tế có thực trạng là có những đơn vị chi bộ Đảng thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh quản lý, nhưng có đơn vị chi bộ lại thuộc huyện ủy nơi doanh nghiệp đứng chân, có chi bộ lại trực thuộc đảng bộ tổng công ty nên việc quản lý ít nhiều gặp khó khăn. Chưa kể có doanh nghiệp tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên thì sinh hoạt cùng với cấp huyện, nhưng chi bộ lại trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Ông Nguyên cũng cho biết thêm, đã từng có đề xuất thành lập đảng bộ trong Khu Kinh tế Đông Nam để tháo gỡ bất cập, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Một góc Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Một góc Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Từ thực tế đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từng bước gỡ “nút thắt” để các doanh nghiệp cởi mở hơn trong việc thành lập chi bộ Đảng và phát triển đảng viên tại đơn vị mình.