Lòng dân yên, biên giới vững Bài 2: Mô hình mới, cách làm hay

Là cơ quan thường trực, đóng vai trò “nòng cốt’’ trong thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”, BĐPB Nghệ An đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền. Qua đó “mềm hóa” các chính sách, pháp luật khô khan thông qua những mô hình cụ thể.

“A lô, a lô, đây là bản tin biên phòng… phát trên hệ thống phát thanh của phường, xã…”. Từ lâu, người dân tại các phường Nghi Thủy, Thu Thủy trên địa bàn thị xã Cửa Lò đã quen với những tín hiệu thân thuộc như thế phát trên hệ thống phát thanh cơ sở.

Dù đang ở trên bến, dưới thuyền hay làm bất cứ công việc gì họ cũng có thể vừa làm, vừa nghe để cập nhật các tin tức liên quan đến chủ trương, chính sách mới. Nhất là các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, Luật Thủy sản, Luật Biển, Luật Giao thông đường thủy và tình hình liên quan đến việc khai thác hải sản trên biển…

Ông Trịnh Xuân Tương – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thu Thủy cho biết: Đều đặn vào các buổi chiều thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, người dân trong phường lại được nghe những thông tin thiết thực từ bản tin của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò – Bến Thủy. Với địa bàn có đông người làm nghề biển, ít thời gian theo dõi các tin tức thời sự thì việc tiếp nhận thông tin qua bản tin biên phòng theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” trở nên rất hữu ích.

Chẳng hạn, những thông tin về sự nguy hiểm của việc sử dụng thuyền mủng mùa du lịch hay các quy định của pháp luật liên quan đến việc nghiêm cấm các hình thức khai thác hải sản theo kiểu tận diệt (mắt lưới dã cào, kích điện, sử dụng mìn, thuốc nổ)… “Có thể lần đầu bà con chưa để ý nhưng nghe đi, nghe lại đến lần thứ 2, thứ 3 bà con sẽ ghi nhớ và tự giác chấp hành…”, ông Trịnh Xuân Tương cho hay.

Nói về chương trình phát thanh “Bản tin biên phòng”, Thiếu tá Nguyễn Thành Long – Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò – Bến Thủy cho biết: Mô hình được duy trì từ năm 1996 đến nay với thời lượng 16 – 20 phút/lần. Để triển khai mô hình này, Đồn đã ký kết quy chế phối hợp với đảng ủy các xã, phường, đồng thời liên hệ với Đài TT-TH Cửa Lò để thực hiện hỗ trợ về kỹ thuật.

Cảng Cửa Lò – (Bến Thủy) (ảnh lớn); Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò - Bến Thủy) thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở ngư dân kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trước khi ra khơi.
Cảng Cửa Lò – (Bến Thủy) (ảnh lớn); Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò - Bến Thủy) thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở ngư dân kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trước khi ra khơi.

Nội dung do Đồn soạn trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn trên địa bàn và những chủ trương, chính sách mới với tiêu chí ngắn gọn để người dân dễ nhớ, dễ nắm bắt. Cùng với việc tuyên truyền tập trung, trực tiếp trong dân hoặc qua hệ thống pano, áp phích, thì việc thực hiện tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh khá hiệu quả lại tiết kiệm được thời gian, kinh phí.

Qua đó giúp bà con tiếp cận nhanh các chủ trương, chính sách mới, nắm chắc kiến thức pháp luật, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới biển.

Còn ở Đồn Biên phòng Nhôn Mai chịu trách nhiệm quản lý địa bàn 2 xã vùng sâu, vùng xa là xã Nhôn Mai (có đường biên giới dài 15 km tiếp giáp với nước bạn Lào, 3 bản giáp biên là Huồi Cọ, Huồi Măn và Phà Mựt) và xã Mai Sơn (có đường biên giới dài 9,5 km, với 2 bản giáp biên là Piêng Cọoc, Phà Kháo).

Địa bàn 2 xã có nhiều thành phần dân tộc (Thái, Mông, Khơ mú…) sinh sống. Vì vậy, bên cạnh thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào), để tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân tại các thôn bản, lồng ghép trong các hội nghị thôn, bản, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã triển khai chương trình “Bản tin vùng biên” qua hệ thống truyền thanh cơ sở tới các bản, bằng 4 thứ tiếng: Kinh, Thái, Mông, Khơ mú. Nhờ vậy, bà con có thể tiếp nhận các thông tin về tình hình trên địa bàn một cách nhanh chóng, kịp thời.

BĐBP Nghệ An tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng biên giới. Ảnh: Lê Thạch – P.V
BĐBP Nghệ An tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng biên giới. Ảnh: Lê Thạch – P.V

Thượng tá Nguyễn Xuân Phương – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết: “Thông qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn đã trở thành “tai mắt” của bộ đội biên phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia”.

Thực tế nhiều vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới như: xâm hại cột mốc; xâm canh; vượt biên trái phép; khai thác lâm, thổ sản… đều được nhân dân khu vực biên giới kịp thời phát hiện thông báo và phối hợp cùng các đồn biên phòng đấu tranh có hiệu quả.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã chủ động phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho bà con 21 thôn, bản ở 2 xã Mai Sơn và Nhôn Mai bằng tiếng của đồng bào (bản người Thái thì đọc bản tin bằng tiếng Thái, bản người Mông thì đọc bằng tiếng Mông, bản người Khơ mú thì dùng tiếng Khơ mú). Bản nào không có hệ thống loa truyền thanh hoặc có mà đã hư hỏng không sử dụng được thì cán bộ biên phòng dùng loa tay, nhờ vậy, người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, người dân còn chủ động phối hợp với bộ đội biên phòng phát hiện, cách ly kịp thời 7 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Lào qua lối mòn bản Huồi Cọ.

Thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc”, dịp này, một số đồn tuyến biên giới cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại Cửa khẩu chính Thanh Thủy và 3 Cửa khẩu phụ là Thông Thụ, Tam Hợp, Cao Vều từ 0h ngày 1/4/2020 trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào… bằng các chương trình bản tin phát thanh bằng tiếng đồng bào để bà con nắm bắt và thực hiện nghiêm.

Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) – quản lý địa bàn 2 xã Tà Cạ, Nậm Cắn với 29,752 km đường biên giới, 1 cửa khẩu quốc tế. Nắm bắt được đặc thù của các xã vùng biên nhiều thành phần dân tộc, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên thường xảy ra vi phạm quy chế biên giới, một số đối tượng thường trà trộn để vận chuyển các mặt hàng cấm và vượt biên trái phép. Do vậy, cùng với các hình thức tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp khác, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hoạt động kiểm điểm người vi phạm gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Nghị định 112 của Chính phủ về Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

Hoạt động kiểm điểm thường được tổ chức công khai tại nhà văn hóa cộng đồng với sự chứng kiến của đông đảo người dân. Vào đầu năm 2019, chúng tôi (PV) đã dự một cuộc kiểm điểm do Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với chính quyền xã Nậm Cắn tổ chức tại nhà cộng đồng bản Noọng Dẻ. Đối tượng bị kiểm điểm là ông Cụt Phò May (SN 1968) trú tại bản này. Trước đó, vì muốn tìm một cành đào về bán để có tiền mua sắm Tết, ông Cụt Phò May đã vượt biên sang Lào. Khi đi đến bản Đỉnh Đan thuộc huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) thì bị cán bộ biên phòng Lào bắt giữ và phải nhờ sự bảo lãnh của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ông May mới được phía bạn trao trả qua cửa khẩu.

Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên hệ thống loa phát thanh; Ông Cụt Phò May ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn kiểm điểm trước dân bản về hành vi vượt biên trái phép.
Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên hệ thống loa phát thanh; Ông Cụt Phò May ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn kiểm điểm trước dân bản về hành vi vượt biên trái phép.

Tại buổi kiểm điểm, trước mặt đông đảo dân bản, ông Cụt Phò May bày tỏ sự hối hận và hứa từ nay về sau sẽ không tái phạm nữa. Ông cũng mong bà con trong bản cũng như trên địa bàn xã lấy mình làm bài học kinh nghiệm để không vi phạm. Tham dự buổi kiểm điểm, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã trao đổi, phân tích cho bà con về những tác hại của việc vượt biên, du canh, du cư trái phép, vi phạm quy chế biên giới. Theo lời của già làng Cụt Mắn Noi – người có uy tín của bản Noọng Dẻ thì “Những hoạt động tuyên truyền “người thực, việc thực” ngay tại địa bàn hay xảy ra vi phạm như thế này sẽ giúp bà con dễ tiếp thu, dễ nhớ, từ đó chấp hành nghiêm quy định, không qua lại biên giới khi không có giấy tờ nữa”.

Ấy thế nhưng, theo các cán bộ biên phòng thì không phải lúc nào cũng có thể áp dụng hình thức kiểm điểm trước cộng đồng, vì đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào Mông thường có tính tự ái cao. Do vậy, trước hết phải làm “dân vận khéo” để người vi phạm tự nguyện, tự giác kiểm điểm và có sự nhất trí, đồng tình của cấp ủy, chính quyền địa phương, ban quản lý thôn, bản và người có uy tín trong cộng đồng thì mới triển khai. Hình thức này áp dụng cho những địa bàn thường xuyên xảy ra vi phạm hay các đợt cao điểm tuyên truyền. Hoạt động kiểm điểm cũng diễn ra trong không khí thân tình, ấm áp như một cuộc trao đổi, trò chuyện chân thành, không tạo cảm giác xấu hổ, tự ái cho người bị kiểm điểm.

Đối với Đồn Biên phòng Phúc Sơn, giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được nhắc tới nhiều nhất là mô hình “Tiết học vùng biên” với nhiều hoạt động trực quan sinh động, những tiết học này không gò bó trong phòng mà được các thầy giáo quân hàm xanh chuyển ra “hiện trường”.

Những tiết học vùng biên của Đồn Biên phòng Phúc Sơn luôn thu hút học sinh tham gia.
Những tiết học vùng biên của Đồn Biên phòng Phúc Sơn luôn thu hút học sinh tham gia.

Với không gian thoáng đãng của núi rừng, thầy trò xếp hàng vây quanh “thao trường” thu nhỏ để trực tiếp chứng kiến các tiết mục luyện tập của bộ đội. Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn sẽ trực tiếp giảng dạy và biểu diễn võ thuật, khí công.

Sau mỗi một tiết mục, học sinh lại ồ lên ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi thấy bộ đội vận khí công đẩy xe ô tô bằng mũi lao đâm vào cổ, đi xe máy ngang qua người, dùng tay không đánh vỡ gạch đá… Cùng với các tiết mục võ thuật, khí công, các thầy giáo quân hàm xanh lồng phần thuyết minh, giới thiệu về truyền thống của lực lượng bộ đội biên phòng, về các chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những kiến thức pháp luật cần thiết cho lứa tuổi học sinh lớp 9.

Từ năm 2019 đến nay, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã tổ chức được 20 tiết học cho hơn 1.000 lượt học sinh của 5 trường THCS, gồm 4 trường trên địa bàn huyện Anh Sơn và 1 trường ở xã Thanh Đức (Thanh Chương). Mô hình đã để lại nhiều dấu ấn cho tất cả học sinh, giáo viên và phụ huynh. Em Trần Thị Uyên – lớp 9B, Trường THCS Phúc Sơn cho biết: Thời gian nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, em không chỉ nhớ trường, nhớ bạn bè, thầy, cô giáo mà còn nhớ những tiết học vùng biên của các thầy giáo quân hàm xanh. “Đó là một trong những trải nghiệm ấn tượng và khó quên trong cuộc đời học sinh của em. Qua các tiết học đã giúp em hiểu thêm rất nhiều kiến thức pháp luật, về truyền thống của bộ đội biên phòng, của quê hương, đất nước”.

Ghi nhận hiệu quả của mô hình “Tiết học vùng biên”, thầy Phan Hùng Kỳ – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Hội Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Mô hình thực sự đã để lại ấn tượng rất sâu sắc và khơi dậy tình cảm tốt đẹp đối với giáo viên và học sinh của trường. Thông qua hoạt động ngoại khóa sống động và bổ ích này đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh, đồng thời khơi dậy ý thức, trách nhiệm công dân của các em đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới”.

Những mô hình mới, cách làm hay mà những người lính quân hàm xanh đã và đang triển khai đã góp phần đưa kiến thức, pháp luật đến gần hơn với cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Để từ đó, chính họ đã trở thành tuyên truyền viên “nòng cốt”, chung sức cùng bộ đội biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương giữ cho thôn, xóm bình yên, biên giới vững…


(còn nữa)