Nhờ có Chương trình MTQG xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng cơ bản được đầu tư khang trang, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo NTM. Thế nhưng, quá trình thực hiện ở một số địa phương còn có phần nóng vội, cùng với bệnh thành tích dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; trong khi, nhiều giá trị văn hoá bị xem nhẹ, đã gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Xã Thái Sơn (Đô Lương) dù đã về đích NTM từ năm 2015, nhưng sau 2 năm người dân ở đây vẫn chưa trả hết số nợ làm đường giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Văn Bính – nông dân xóm 3, xã Thái Sơn cho biết, từ năm 2015 đến 2018, năm nào xã cũng thu 250.000 đồng/khẩu do nợ trong xây dựng cơ bản. Biết rằng đây là khoản nợ bắt buộc phải đóng để làm đường giao thông nông thôn, nhưng ông Bính vẫn lo lắng, nếu như thời gian tới đường bê tông nông thôn hư hỏng, người dân lại phải đóng góp tiếp. Bởi ông nghe nói tại nhiều địa phương đã có tình trạng đường NTM xuống cấp nhanh chóng.
Xã Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa) là một ví dụ. Về đích NTM cuối năm 2013, thời điểm đó, người dân Nghĩa Thuận tự hào là xã tốp đầu của tỉnh hoàn thành xây dựng NTM, có hệ thống giao thông nông thôn được cứng hóa, thành quả đó không thể thiếu sự đóng góp của người dân. Tuy nhiên, nay trở lại Nghĩa Thuận, nhiều người dân bức xúc, vì tuyến đường bê tông liên xã đang hư hỏng, xuống cấp. Một người dân nói: “Các con đường nội xóm do dân tự làm vẫn tốt, nhưng đường liên xã do doanh nghiệp làm đã hư hỏng rồi. Đề nghị xã làm lại cho dân đi lại, chứ không lâu nữa đường sẽ nát bét!”. Đó là tuyến đường liên xã chạy qua xóm 13, dài hơn 1 km; theo ghi nhận của phóng viên, trên đoạn đường này, dày đặc ổ gà, nhiều chỗ nứt toác, lở loét bê tông. Được biết, tuyến đường này xây dựng từ cuối năm 2013 với tổng vốn đầu tư 2,6 tỷ đồng được trích từ ngân sách xã và các nguồn vốn hợp pháp khác, do Công ty TNHH xây dựng Đại Việt thi công.
Thực trạng các địa phương về đích NTM nhưng đang nợ nần là khá phổ biến. Như xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu), đã về đích NTM cách đây 4 năm; là xã trung tâm của huyện với thế mạnh chân kiềng du lịch – dịch vụ – nông ngư nghiệp, Diễn Thành hôm nay tươi mới đời sống phố thị. Thế nhưng, sau khi chạy đua xây dựng nhiều công trình lớn trong khi nguồn lực khó khăn, hiện Diễn Thành dẫn đầu nợ đọng NTM ở Diễn Châu với số nợ lên tới 30 tỷ đồng. Trong đó chợ Phủ Diễn nợ 15 tỷ đồng; Hội trường UBND xã còn nợ gần 4 tỷ đồng; mương phục vụ đồng màu, trường mầm non của xã còn nợ gần 3 tỷ đồng. Trong khi đó, cả 2 cấp học mầm non, tiểu học đều thiếu phòng trầm trọng, và vì thế, trường tiểu học rớt chuẩn quốc gia sau khi thẩm định lại. Điều này thực sự ảnh hưởng rất lớn đến việc hưởng thụ các thành quả nông thôn mới của người dân. Bà Hồ Thị Tâm – Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho hay, xã đang chờ nguồn từ đấu giá giao đất ở, trong năm phấn đấu trả nợ 4 tỷ đồng. Hỏi khi nào thì xã có thể giải quyết xong nợ, bà Tâm chia sẻ: “Với tình hình ni thì chắc là còn lâu mới trả xong”.
Khi nhiều địa phương chú trọng xây dựng công trình hạ tầng, cổng làng đồ sộ cũng đồng nghĩa ở đó phai mờ nét quê. Từ bao đời, cây đa, giếng nước, sân đình là nét đặc trưng của mỗi làng quê nhưng hiện nay, nhiều người con xa quê đã hụt hẫng khi tìm về nơi chôn rau cắt rốn. Không còn bóng dáng của những ao làng, bờ cây xanh mát… mà đã được thay thế bằng những khối bê tông, gạch đá bao kín xóm thôn, mất dần không gian của cây xanh. Trong làng là vậy, ngoài đồng, nhiều địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến việc trồng cây lấy bóng mát làm nơi nghỉ ngơi cho nông dân.
Quá trình xây dựng NTM không ít nơi còn nặng về nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng, coi trọng các công trình, dự án đầu tư, mà xem nhẹ về nội dung văn hóa, xã hội. Một số địa phương có đình làng, cây đa giếng nước nhưng không phục dựng, đầu tư nâng cấp, mà lại chạy đi xây mới nhà văn hoá tốn kém tiền của. Khi hoàn thành xây dựng NTM thì cảnh quan, văn hóa làng quê không còn nét nông thôn mà cũng chẳng ra thành thị… NTM có hiện đại đến đâu vẫn cần giữ được cái hồn và cốt cách của nông thôn Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa và nét đặc thù của từng vùng, miền.
Trong khi kiến trúc nông thôn đang hết sức lộn xộn thì môi trường văn hoá, đạo đức lối sống có dấu hiệu “lai căng”. Đường vào xóm 3, xã Hoa Thành, Yên Thành nằm quanh co cách trung tâm trị trấn Yên Thành chỉ chừng 5 cây số, nhưng đường sá nhiều “ổ gà, ổ voi”.
Vào nhà chị Nguyễn Thị Hoá khi chị vừa xong việc phụ quán cơm ở ngay gần cổng bệnh viện huyện. Rót nước mời khách, chị Hoá cho hay làm nấu ăn cho quán cơm được hơn 1 năm nay, tiền công chủ trả mỗi tháng 4 triệu đồng nhưng không đủ chi phí cho cuộc sống 5 mẹ con. Gia đình chị Hóa có 4 người con; con lớn học xong cấp 2 thì nghỉ đi phụ việc cho một quán cơm ở Hà Nội, con gái thứ 2 cũng đã nghỉ học sau khi học xong lớp 9. Hai đứa sau, một lớp 4, một học mẫu giáo, tính sơ sơ chi tiêu ở nông thôn cũng mất 2 triệu đồng. Chồng chị sau thời gian làm đủ thứ nghề thợ hồ, thợ sửa chữa điện tử… nhưng không ăn thua nên vào Nam kiếm việc nhưng không tháng nào gửi tiền về nuôi con. Vợ chồng lục đục, con cái học hành dang dở, mấy đứa sau còn nhỏ nhưng vì kế sinh nhai, cũng buồn chuyện gia đình nên chị tính gửi con cho bà ngoại nay đã gần 70 tuổi để đi làm nghề giúp việc ở Đài Loan. Bà Vinh – mẹ chị Hoá băn khoăn: Nó gửi con thì tui thương mà nhận chứ tui ốm đau liên miên thực lòng sợ khó mà nuôi dạy được.
Đến xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành (huyện Yên Thành) giữa lúc địa phương chuẩn bị đón Tết Độc lập (2/9), nhưng không khí ở đây khá trầm lắng. Xóm trưởng – ông Nguyễn Thế Long cho hay: Có tới 80% thanh niên trong xóm đi làm ăn xa; trong đó có khoảng 1% có bằng cấp, còn lại 79% là lao động phổ thông; chưa kể hàng trăm lao động lứa tuổi trung niên đi làm nghề xây dựng ở các thành phố lớn và nước bạn Lào. Nhìn chung, thu nhập của các gia đình trong xóm chủ yếu đi làm ăn xa mà có. Hầu hết ở các gia đình bố mẹ đi làm ăn xa thì con cái để lại cho ông bà nuôi.
Ông Long chia sẻ thêm: Cha mẹ đi làm ăn xa mới có tiền xây dựng nhà cửa, đóng góp các khoản cho địa phương… thực chất là tình huống bất khả kháng, chứ hệ lụy là vấn đề đáng lo ngại. Đó là, con cái thiếu tính giáo dục của cha mẹ, học hành không đến nơi đến chốn; khi xóm có việc hiếu, hỷ… thiếu lực lượng để giải quyết công việc. Tình thế bắt buộc lực lượng lao động trẻ xa quê đi làm ăn xa là bởi, ở quê không có việc làm, toàn bộ chi tiêu nhìn vào mấy sào ruộng, trong khi đó hàng trăm khoản phải chi: Hiếu, hỷ, tân gia, thăm hỏi… các khoản đóng góp cho địa phương.
Cũng theo ông Long, hiện trong xóm Sơn Thành có tới 20 trường hợp cha mẹ đi làm để lại con cái cho ông bà nuôi. Ông Long cho rằng, trong quá trình xây dựng NTM chính quyền địa phương từ xã, huyện, trăn trở, quan tâm nhiều đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút đầu tư… tạo việc làm tại chỗ, thì vấn đề an sinh xã hội cho người dân nông thôn mới có cơ hội được giải quyết.
Ở nhiều địa phương, người đi xuất khẩu lao động không ít; tiền của người lao động gửi về để đầu tư nâng cấp nhà cửa, đường sá… cũng nhiều. Thế nhưng, đằng sau câu chuyện xuất khẩu lao động là bao nhiêu hệ lụy. Xóm làng vắng bóng phụ nữ, vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, hoặc cha; rồi tệ nạn xã hội vì thế cũng không ít.
Cuộc sống mưu sinh khiến đàn ông, thanh niên ở nông thôn đi xuất khẩu lao động, về các đô thị làm ăn, dẫn đến tình trạng “nữ hóa” lao động nông thôn, già hóa nông dân. Đây là thách thức không nhỏ trong tiến trình xây dựng NTM. Về nhiều làng quê chỉ còn người già, trẻ em; còn lao động chính là những thanh niên đều tha phương, ra đô thị kiếm sống. Cùng với việc “ly nông ly hương” dẫn tới văn hóa “lai căng” tác động xấu đến một bộ phận nông dân, dễ nảy sinh tệ nạn xã hội, tác động đến sự xuống cấp của đạo đức lối sống. Mâu thuẫn giữa các gia đình, mâu thuẫn trong nội bộ gia đình diễn biến phức tạp hơn…