Tổ hợp tác Bình Minh là ngôi nhà chung cho các hộ kinh doanh ngành nghề chế biến thủy sản ở phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò). Tên gọi mới nhưng các thành viên tham gia tổ hợp tác và công việc mà họ đang triển khai lại vốn là nghề truyền thống của người dân vùng biển, đó là nghề chế biến nước mắm và các loại mắm ruốc. Sản phẩm hiện cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được đông đảo khách du lịch đón nhận.
Giữ vai trò chính trong tổ hợp tác là vợ chồng bà Bùi Thị Hằng và ông Dương Văn Hơn – chủ cơ sở sản xuất và chế biến hải sản Hằng Hơn. Ở tuổi ngoài 60 nhưng hiện cả hai ông bà vẫn là lao động chính, vừa sản xuất, vừa kinh doanh. Cả hai cũng là một trong những người tiên phong trong khối khi quyết tâm giữ nghề và làm giàu từ nghề. Hành trình xây dựng thương hiệu của gia đình, gắn với quá trình phát triển của thị xã Cửa Lò.
Nói về nghề chế biến hải sản, ông Dương Văn Hơn cho rằng, vợ mình là người thức thời và chọn nghề này để lập nghiệp mưu sinh cho gia đình. Bản thân ông Hơn, trước đó, trong những năm bao cấp, vốn làm nghề đi biển. Hơn thế, ông còn từng được làm thuyền trưởng của đội thuyền ở hợp tác xã Tân Tiến, với gần 40 lao động. Kể về điều này, ông Hơn nói thêm: Những năm 80, thuyền trưởng to lắm, uy lắm, bởi một hợp tác xã chỉ có 4 đội tàu, mỗi đội 2 chiếc. Tôi chỉ mới 25, 26 tuổi, nhưng vì là thuyền trưởng nên mọi người gọi là ông, rất quý. Đến năm 90, khi xóa bao cấp, hợp tác xã giải thể, chúng tôi vẫn gắn bó với nghề biển, nhưng quả thật để làm giàu với nghề này rất khó. Chưa kể, còn bao nhiêu hiểm nguy, rình rập từ sông nước.
Việc chuyển đổi nghề biển của gia đình ông Hơn cùng thời điểm với thành lập thị xã biển Cửa Lò, năm 1994. Sự trùng hợp này không phải ngẫu nhiên mà nằm trong dự kiến của hai vợ chồng khi “cảm nhận được một sự thay đổi đang đến gần”: Vợ chồng tôi có 4 người con trai. Ngày ấy, tôi đi tàu, vợ buôn bán nhỏ. Nếu chỉ trông chờ vào thu nhập bấp bênh này thì không có điều kiện cho con cái ăn học. Gia đình chúng tôi cũng không muốn các cháu đi theo nghề sông nước của bố vì sợ nguy hiểm. Chính vì lẽ đó, khi thị xã biển thành lập, chúng tôi bàn nhau, phải chuyển đổi nghề, chuyển sang nghề chế biến hải sản để phục vụ khách du lịch. Quá trình chuyển đổi thực tế không gặp nhiều khó khăn, vì nguyên liệu chế biến thì có sẵn rồi, kinh nghiệm làm nghề thì có từ thời ông bà để lại. Miễn là làm sao cho có uy tín là được – ông Hơn nhớ lại.
Để “nuôi nghề”, gần 10 năm đầu đi vào sản xuất, ông Hơn vẫn duy trì đi tàu biển. Sản vật đánh bắt được sau mỗi chuyến đi, được gia đình ông lựa chọn kỹ càng để chuyển sang chế biến nước mắm và mắm tôm, mắm tép. Thời gian đầu, hàng làm ra chủ yếu bán cho người dân địa phương. Sau này, qua các mối quen biết, bà Hằng kết nối được với một cửa hàng chuyên sản xuất, kinh doanh thịt chưng mắm tép nổi tiếng ở Hà Nội và được đặt hàng thường xuyên. Sản phẩm vì thế sau này cũng được vươn xa tới nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước… Từ thành công có được, cách đây 2 năm, khi phường Nghi Thủy có chủ trương xây dựng sản phẩm OCOP để làm sản phẩm du lịch, gia đình ông bà lại mạnh dạn đăng ký. Chia sẻ về điều này, bà Hằng kể lại: Nhiều người không muốn làm OCOP vì quy trình thực hiện rất phức tạp, từ thủ tục, giấy tờ và phải trải qua nhiều quá trình kiểm nghiệm, đánh giá sản phẩm. Nhưng gia đình tôi lại khác, tôi nghĩ, đây là cơ hội để nâng tầm giá trị sản phẩm cho thương hiệu kinh doanh của gia đình. Mình làm thật, sản phẩm thật, chất lượng thật thì không ngại gì cả.
Từ khi các sản phẩm của thương hiệu Hằng Hơn được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021, vợ chồng ông bà cũng nhận ra nhiều sự thay đổi. Về quy trình sản xuất, vẫn giữ nguyên công thức truyền thống, nhưng các công đoạn khác từ đóng gói, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng lại được chăm chút, đầu tư hơn. Trước đây, việc kinh doanh chủ yếu qua truyền miệng, qua các mối khách quen, thì nay trong mùa du lịch ông bà được chính quyền, được thị xã tạo cơ hội để mở một gian hàng ngay trên đường Bình Minh để giới thiệu sản phẩm.
Ngoài buôn bán trực tiếp, khách hàng còn có thể đặt mua qua kênh bán hàng online, được kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc qua mã QR. Vui nhất là dù nhà bà ở trong ngõ nhỏ, điều kiện đi lại không thuận lợi, nhưng từ khi làng chài Nghi Thủy, nơi bà sinh sống trở thành điểm du lịch, rất nhiều khách đã đến nhà bà xem quy trình sản xuất và đặt hàng mua tại chỗ, lượng tiêu thụ mỗi năm lên đến tiền tỷ… Việc chuyển đổi nghề nghiệp cũng được ông bà xem là hướng đi đúng đắn, bởi không chỉ giúp gia đình bà ổn định kinh tế, có điều kiện nuôi con cái ăn học. Hai người con khác của của ông bà hiện cũng theo nghề của gia đình và đã mở thêm được xưởng sản xuất…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Cửa Lò lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu đưa thị xã phát triển toàn diện, vững chắc, văn minh, hiện đại, cùng với thành phố Vinh trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Ngày 14/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo” với mục tiêu trọng tâm, đưa thị xã Cửa Lò phát triển nhanh, bền vững, cùng với thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới, sáng tạo của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ.
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, thị xã Cửa Lò xác định 4 mũi kinh tế trọng tâm. Ngoài phát triển kinh tế du lịch, đó còn là kinh tế cảng biển; kinh tế nghề cá và hậu cần nghề cá; kinh tế nông nghiệp… Để hoàn thành các nhiệm vụ này, Cửa Lò chỉ đạo phải nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt cho người dân vùng biển, khôi phục các nghề truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất sạch, hữu cơ có giá trị kinh tế cao phục vụ du lịch thông qua liên kết với các doanh nghiệp, hộ gia đình để sản xuất…
Là một thị xã biển, kinh tế biển Cửa Lò cũng có những màu sắc riêng. Trong đó, nhiều người dân đã xác định để phát triển kinh tế bền vững thì phải gắn bó với biển, phát triển kinh tế gắn với nghề biển. Mô hình nhà thùng nước mắm chế biến Hải Hòa vừa đi vào hoạt động của anh Lê Tuấn Quỳnh ở khối 3, phường Nghi Hòa là một trong số đó. Trước đó, mô hình sản xuất nước mắm trong thùng này đã phát triển và trở thành một nét văn hóa đặc sắc tại Phú Quốc.
Bản thân anh Lê Tuấn Quỳnh từng có 8 năm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và quá trình làm việc tại nước ngoài anh luôn mong muốn sau khi về nước sẽ ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học công nghiệp vào sản xuất ngành nghề truyền thống của quê hương. Sau này về quê, là đảng viên trẻ, được bầu làm xóm trưởng, làm Bí thư Đoàn và sau này là Trưởng ban Công tác Mặt trận khối, anh luôn xác định được nhiệm vụ quan trọng của mình trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con nhân dân, đồng thời, trực tiếp vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Cá nhân anh Quỳnh, để hiện thực hóa chủ trương này, anh tiên phong vào Phú Quốc học tập mô hình sản xuất nước mắm truyền thống trong thùng gỗ và sau đó về Nghi Hòa đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây dựng xưởng sản xuất riêng của mình. Sản phẩm nhà thùng nước mắm truyền thống của anh vừa kế thừa được phương thức riêng của Phú Quốc, vừa có ưu điểm khi sử dụng nguyên liệu là cá cơm tươi đánh bắt tại vùng biển Cửa Lò. Vì vậy, sau khi thành phẩm, nước mắm đảm bảo hoàn toàn tự nhiên, giữ được hàm lượng vitamin tự nhiên, axit amin có lợi cho sức khỏe…
Là người dân vùng biển, gắn bó với thị xã biển, gia đình ông Hồ Đình Hà – chủ cơ sở nhà hàng hải sản Ngọc Vinh ở phường Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) cũng luôn xác định mục tiêu của gia đình đó là “sống và kinh doanh vì du lịch và kiên trì với chủ trương phát triển của du lịch của Cửa Lò”. Người đàn ông đã ngoài 50 tuổi này cũng kể rằng, gia đình ông trước đây 4 anh em từng sống nhờ vào một gánh hàng bán đồ ăn của bố mẹ gần bãi biển. Quá trình 4 anh em lớn lên cũng chứng kiến sự phát triển đi lên của thị xã biển, từ một bãi biển còn thô sơ, hoang vắng thành một điểm du lịch có tiếng trong bản đồ du lịch của cả nước. Sống bám vào biển, ông bắt đầu từ nghề đi chụp ảnh dạo cho khách du lịch, đi làm thuê, sau này là mở một nhà hàng kinh doanh hải sản trên bãi biển Cửa Lò.
Trong quá trình hoạt động, khó khăn nhất có lẽ là khi thị xã Cửa Lò đưa ra chủ trương tháo dỡ hơn 200 ki-ốt kinh doanh bãi biển phía Đông đường Bình Minh, vốn đã gắn với người dân Cửa Lò trong gần 20 năm. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt được chủ trương, thấy được mục đích to lớn của quyết định này, ông là một trong những người đầu tiên ủng hộ và thực hiện tháo dỡ. Trong quá trình này, gia đình ông vừa tháo dỡ, vừa tiếp tục vay mượn đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà hàng Ngọc Vinh khang trang, hiện đại ở ngay sát bờ biển để kinh doanh. Cùng với ông, các anh, chị em trong gia đình cũng đầu tư chuỗi nhà hàng, khách sạn liền kề với quy mô và diện mạo khác hẳn so với hình ảnh tạm bợ, xập xệ trước đây.
Hiện với mô hình này, thay vì chỉ tiếp đãi được các đoàn khách lẻ, quy mô chỉ vài chục mâm như trước đây, nhà hàng của ông Vinh có thể tổ chức được nhiều sự kiện lớn, có hệ thống phòng VIP hiện đại. Khách đến với nhà hàng, ngoài khách quen truyền thống còn có nhiều đoàn khách đến từ nhiều tỉnh, thành khác thông qua sự liên kết các tua, tuyến du lịch. Nói về sự thay đổi này, ông Hồ Đình Hà cũng nói rằng: Với tôi, Cửa Lò không chỉ là nơi chúng tôi sinh ra, mà mảnh đất này còn nuôi sống gia đình tôi, giúp chúng tôi được thành công như ngày hôm nay. Chính vì thế, tôi tin vào Cửa Lò và tin vào chủ trương mà Cửa Lò đang thực hiện, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài, đưa Cửa Lò trở thành một trong những bãi biển đẹp của khu vực Bắc Trung Bộ và của cả nước.