Những chặng đường tác nghiệp

Mỗi chuyến tác nghiệp dù ở vùng miền nào,cánh phóng viên chúng tôi đều có những trải nghiệm, những kỷ niệm đặcbiệt thật khó quên. Tuy vất vả, thậm chí nguy hiểm, nhưng những điều đặc biệt ấy đã giúp cánh phóng viên chúng tôi giữ được ngọn lửa yêu nghề ngày càng cháy bỏng...

Đó là lời chia sẻ của Đại tá Trần Minh Công – nguyên Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh dành cho chúng tôi, những nữ phóng viên tham gia chuyến công tác vượt dãy Trường Sơn sang đất bạn Lào theo chương trình kết nghĩa giữa hai bản, hai bên biên giới Việt Nam – Lào vào tháng 5/2018.

Sau một ngày đường luồn rừng, vượt ba ngọn núi hiểm trở của dãy Trường Sơn, đoàn chúng tôi đặt chân đến Trạm gác biên phòng Nhọt Lợt đóng tại bản Nhọt Lợt, một bản giáp biên giới nước bạn Lào. Chúng tôi đã hành quân, bắt kịp nhịp độ cùng cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh, xua tan sự lo lắng trước đó khi chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh biết tham gia cùng đoàn là các nữ phóng viên. Các anh đã gọi điện cho chúng tôi nhiều lần, trao đổi và khuyên chúng tôi cân nhắc kỹ khả năng có theo được đoàn hay không. Chúng tôi, những nữ phóng viên, tuy đã đi cơ sở ở các huyện miền Tây của Nghệ An rất nhiều lần, nếm trải không ít thử thách khi tác nghiệp nơi vùng suối sâu đèo cao, nhưng so với cuộc hành quân cùng các chiến sỹ bộ đội biên phòng lần này là một thử thách không thể hình dung trước.

Sau bữa tối tại trạm gác, Đại tá Trần Minh Công phát biểu trước cán bộ, chiến sỹ tổ chốt: “Lần đầu tiên các nữ phóng viên Báo Nghệ An tham gia hành quân lên tổ chốt Nhọt Lợt, và có lẽ cũng chỉ có phóng viên Báo Nghệ An mới làm được điều này. Chúng tôi cảm ơn và khâm phục tinh thần làm việc của phóng viên báo Đảng, không chỉ hành quân cùng bộ đội, mà còn làm nhiệm vụ thu thập tư liệu, quay phim chụp ảnh để phản ánh một hoạt động quan trọng, ý nghĩa về công tác đối ngoại của tỉnh Nghệ An nói chung, của lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng.

Cũng trong chuyến hành quân sang bản Pung Vai cụm bản Phà Đéng huyện Mường Quắn tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào, đi cùng phóng viên trẻ Đinh Thị Mỹ Nga (phòng Thời sự Chính trị), cả đoàn công tác nhớ mãi kỷ niệm vui với cô phóng viên lần đầu tiên “đi rừng”. Đó là lúc đoàn hoàn thành nhiệm vụ và hành quân ngược núi từ tổ chốt Nhọt Lợt trở về bản Phá Kháo của xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Suốt chặng đường gần 4 tiếng đồng hồ luồn rừng, vượt núi, phóng viên Đinh Thị Mỹ Nga đã nai nịt cẩn thận nên không bị con vắt nào tấn công như lúc ngược núi trước đó. Vì thế, ngay khi đặt chân đến bản Phá Kháo, Mỹ Nga hí hửng vì không bị con vắt nào đu bám. Do chủ quan, trong lúc rửa ráy, những con vắt bám bên ngoài quần áo của đoàn công tác rơi xuống đã nhanh chóng “bí mật” bám trở lại người.

Và khi đoàn nghỉ ngơi trước khu vực gần điểm Trường Mầm non Mai Sơn, Đinh Thị Mỹ Nga phát hiện bị 3 con vắt bám lủng lẳng ở bắp chân, đã căng tròn vì no máu. Cô gái trẻ vừa nhảy dựng lên hoảng hốt vừa thét vừa khóc ầm ĩ khiến cả đoàn không nhịn được cười. Kỷ niệm vui đã khiến các thành viên đoàn công tác thêm gắn bó. Và với nữ phóng viên trẻ, chuyến công tác đã trở thành kỷ niệm đặc biệt khó quên, mỗi lần nhắc lại “vẫn thấy tim đập chân run, nhưng những trải nghiệm của chuyến công tác đã khiến em thêm hiểu, thêm yêu miền Tây, yêu nghề báo hơn nhiều” – Đinh Thị Mỹ Nga chia sẻ.

Một lần tác nghiệp cùng nhà báo Chu Thị Khánh Ly đến bản Buộc Mú 1 xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn. Trước khi mượn xe máy vào bản, chúng tôi đã liên lạc với chính quyền địa phương và nhân vật để hẹn gặp lúc 4 giờ chiều. Lắc lư đèo nhau hơn 2 tiếng đồng hồ mới vào được bản Buộc Mú 1. Thời điểm chúng tôi đi vào cuối Thu đầu Đông nên Na Ngoi đã dày đặc sương mù và giá rét căm căm.

Đúng giờ hẹn, cùng ban quản lý bản đi đến nhà nhân vật – một đảng viên phát triển kinh tế giỏi. Chúng tôi ngồi chờ từ 4 giờ đến gần 6 giờ tối mới thấy nhân vật thủng thẳng gùi bó cỏ to tướng về nhà, rồi từ từ cho bò ăn, sau đó đi tắm thay đồ áo đẹp rồi mới đến bắt tay tiếp chuyện cán bộ bản và nhà báo.

Sau khi tìm hiểu, phỏng vấn nhân vật, chúng tôi tạm biệt cán bộ bản ra về. Đường dốc, trơn trượt khiến cả hai ngã dúi dụi, quần áo lấm lem bùn đất, có nhiều đoạn phải xuống dắt bộ, đẩy xe lên dốc, rồi lại ghìm giữ để xe khỏi tuột xuống bởi đường đất trơn trượt. Dò dẫm đi giữa trời đêm, đường vắng ngắt.  Hơn 9 giờ đêm mới ra đến thị trấn Mường Xén, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau mỗi chuyến đi, hoàn thành chuyên đề, được ban biên tập và các cơ quan chuyên môn đánh giá cao là động lực để những phóng viên chúng tôi tiếp tục cống hiến, tiếp tục khám phá trên những chặng đường tiếp theo.

Hoài Thu

Sự kiện đã xảy ra khá lâu, nhưng mỗi khi nhớ về chiến dịch GPMB Quốc lộ 1A cảm xúc lại trào dâng. Bởi đó có lẽ là chiến dịch dài nhất từ trước tới nay tôi từng tham gia, cũng là chiến dịch cho chúng tôi nhiều vinh quang, lấy đi nhiều nước mắt và cả máu.

Bắt đầu từ tháng 2/2014, chúng tôi nhận được thông tin Thủ tướng Chính phủ có lệnh yêu cầu tất cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An phải gấp rút hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tuyến QL 1A từ TP Vinh đến thị xã Hoàng Mai với chiều dài 31,3 km. Với khối lượng chiều dài mặt bằng lớn nhưng tại thời điểm nhận được yêu cầu, tỉnh mới chỉ hoàn thành được 1/3 khối lượng mặt bằng sạch cần phải bàn giao. 2/3 diện tích chiều dài mặt bằng còn lại đa số nằm ở khu dân cư, ở những nơi khó thoả thuận; có những chiều dài mặt bằng cần bàn giao thuộc các địa bàn mà nhiều huyện, thị báo cáo “không biết làm cách nào để tháo gỡ”. Thế nhưng, bằng sự đồng thuận, bằng tính kỷ luật cao, những điểm vướng mắc tưởng như không thể gỡ được đã nhanh chóng tìm được nút thắt.

Khó có sự vào cuộc nào nhanh, quyết liệt, đồng thuận lớn từ tỉnh xuống tận các địa phương như cuộc bàn giao mặt bằng để cải tạo QL 1A. Hoà trong không khí đó, chúng tôi được giao tập trung tuyên truyền để người dân bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Gọi là “sứ mệnh” vì để có những bài báo, chúng tôi buộc phải tìm ra điểm mấu chốt vì sao dân tranh cãi, vì sao dân một mực cho rằng chính quyền sai khi thu hồi, vì sao giá mặt bằng chỉ chốt ở mức đó… Và điểm nào còn vướng, vướng chỗ nào, chúng tôi bằng mọi cách phải nói cho dân hiểu, hiểu việc dân đang thắc mắc và từng bước giải thích cho dân.

Bắt đầu thực hiện từ tháng 2, nhưng phải đến tháng 11 chúng tôi mới thở phào vì chiến dịch đã kết thúc. Nói là nhóm tham gia tuyên truyền GPMB nhưng hầu như chỉ có hai nữ, tôi và một bạn nữ mảnh dẻ nhưng có sức mạnh và sự dẻo dai phi thường. Mỗi ngày chúng tôi bắt đầu ra đi từ 6h sáng để tìm hiểu địa bàn, tìm hiểu nguyên nhân, tìm kiếm thông tin, lật giở hồ sơ từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Đến khoảng 4h chiều thì tìm chỗ ngồi gõ bài kịp chuyển về toà soạn. Thế nhưng, để bài báo đến được tay bạn đọc có khi phải đến tận 3h – 4h sáng chúng tôi mới được về nhà. Ấy là khi có điểm nào đó Tổng Biên tập thấy chưa dễ hiểu, chưa thuyết phục và chúng tôi buộc phải tìm cách “up date” lại kiến thức từ các vị tư lệnh ngành để hiểu rõ ngọn nguồn, rằng “vì sao nhà bên cạnh được đền bù với giá đó nhưng nhà mình lại không?”. Khi được giải thích bằng những kiến thức hình học về nguyên lý chiều dài, định lý tam giác vuông, những phóng viên không giỏi Toán như chúng tôi phải mày mò cả buổi đêm, chỉ một ý nhỏ nhưng có khi theo yêu cầu của TBT phải mời cả “chuyên gia ngành” lên tận toà soạn để giải thích thấu đáo. Và nhóm GPMB năm ấy bao gồm cả tư lệnh trưởng (TBT) và hai phóng viên nữ chúng tôi, cùng ê kíp phải thức đến tận 4h sáng hôm sau để có thể có được sản phẩm ưng ý.

Những chuyến tác nghiệp dài xuyên từ Xuân sang Hè, từ Hè sang Đông đã khiến chúng tôi thành những chuyên gia “tìm đường”; hai phóng viên nữ chỉ có chiếc xe máy cà tàng đi đến tận cùng các ngõ ngách, vào từng nhà dân, đóng vai cán bộ địa chính, cán bộ tài nguyên môi trường để cập nhật được thông tin chuẩn, và lắng nghe được những tâm tư của nhân dân dọc hai bên Quốc lộ 1A.

Cũng chính từ việc đi nhiều địa bàn cùng lúc cho đủ thông tin, có khi trong một buổi chúng tôi phải tranh thủ đến hai huyện để chiều kịp có bài. Sự khẩn trương đó khiến hai nữ phóng viên phải đi nhanh hơn thường ngày, và vì thế trong một phút không may, chúng tôi đã bị va quyệt với xe máy của một người dân trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Cú va quyệt khiến tôi bị gãy tay, bạn phóng viên nữ đi cùng bị tổn thương vùng xương chậu. Khi ngã xuống đường, chúng tôi còn nghe bà con xung quanh kháo nhau “hai đứa này còn trẻ, tội quá, không biết có thành tật không?”.

Loạt bài gỡ nút thắt điểm vướng còn lại tại Quỳnh Giang và Nghi Long vì bị tai nạn nên chúng tôi không thể tham gia, nhưng khi nằm viện đọc loạt bài đó trên báo chúng tôi thấy được mình trong đó, thấy cả nước mắt, mồ hôi và cả chiếc tay gãy, đôi chân không thể đi vững vì đau nhức. Đối với mỗi phóng viên chúng tôi dù có chút thương tích trên cơ thể, dù phải tạm dừng việc nhà cửa con cái trong vòng 10 tháng trời nhưng thật tự hào khi đã cùng góp được chút ít nhỏ bé cho sự thành công của tỉnh trong công tác bàn giao mặt bằng.

Đến bây giờ tôi vẫn tâm đắc với một ý kiến của một đồng nghiệp rằng: “Dù chúng tôi bình thường rất diện, rất điệu, và rất hay sống ảo, nhưng khi đã vào chiến dịch, khi đã đi bằng những đam mê; khi đã chọn cho mình nghiệp viết thì chúng tôi đã tự nguyện hy sinh rất nhiều.” Sự hy sinh đó là hạnh phúc, mà chỉ có nghề báo mới cho chúng tôi tận cùng những nếm trải.

Khôi Nguyên

Tháng 3/2014, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Minh Thuần – Bí thư Huyện đoàn Quế Phong (nay là Chánh Văn phòng Huyện uỷ), anh bảo: Sắp xếp lên nhanh, bọn anh đang lên kế hoạch mở đường vào bản Mông và tổ chức kết nạp Đảng cho 3 đồng chí ngay tại hiện trường!

Bố trí công việc gia đình, báo cáo với cơ quan, tôi vội vàng xách ba lô lên đường. Kỷ niệm trong những chuyến đi thì vô vàn, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là lần rong ruổi trên con đường độc đạo dẫn vào bản Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 (xã Tri Lễ).

Huồi Mới là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Nghe bảo nay đường vào Huồi Mới đã đỡ hơn nhiều, chứ vào năm 2014, nghe đến đường Huồi Mới là không ít “tay lái lụa” cũng phải rợn ngợp. Con đường ngoằn nghèo, một bên dốc cao, một bên vực thẳm, có những đoạn bề ngang chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1m! Giao thông trắc trở là thế, vậy nên, kế hoạch mở đường vào bản Mông của Đoàn Thanh niên huyện Quế Phong được chính quyền và nhân dân xã, bản rất hưởng ứng.

Tôi nhớ, ngày mở đường, hơn 400 đoàn viên thanh niên trong toàn huyện nô nức lên với Huồi Mới. Tôi cũng như “lây” cái không khí sôi nổi của tuổi trẻ ấy, vai đeo balo nặng trĩu, tay cầm máy ảnh hăm hở chụp, căn cơ bấm lấy từng khoảnh khắc, mong có được những hình ảnh đắt giá nhất về sự kiện ấy. Giữa tháng 3, thời tiết ở Huồi Mới thất thường lắm, sáng và tối lạnh tím tái, nhưng cữ trưa và đầu chiều thì nắng như mùa Hè đổ lửa. Thế mà lúc ấy dường như chẳng thấy mệt mỏi, tôi cứ thế mải miết trèo lên, chạy xuống, tìm những mỏm đồi cao, mô đất rộng để có góc chụp ấn tượng hơn

Mấy ngày đồng hành cùng hàng trăm thanh niên vùng biên mở đường vào bản Mông, tôi cũng “3 cùng” với mọi người. Ăn, nghỉ, làm việc với đồng bào Huồi Mới, tôi tích luỹ thêm được nhiều kinh nghiệm, vốn sống giá trị cho hành trang tác nghiệp.

Khép lại hành trình, ấn tượng nhất phải kể đến lễ kết nạp Đảng ngay tại công trình giao thông vừa hoàn thành. Còn nhớ, buổi lễ diễn ra vào cuối chiều, đồng chí Kha Văn Tám – bấy giờ là Phó Bí thư Huyện uỷ Quế Phong, nay là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cũng “cưỡi” xe máy, vượt dốc đèo cheo leo độc đạo vào dự. Đó là buổi lễ thiêng liêng nhất, xúc động nhất mà tôi may mắn được tham dự. Giữa núi rừng biên viễn, giữa nhấp nhô nóc nhà samu của đồng bào dân tộc Mông, không có sự xuất hiện của âm nhạc điện tử, tất cả mọi người đều cất vang “Quốc ca” trong tâm thế tự hào không kể xiết. Khi 3 đảng viên trẻ đọc lời tuyên thệ, tay cầm máy ảnh chớp nhanh lấy khoảnh khắc, tôi vẫn cảm thấy run run bởi bầu không khí nghiêm trang. Nay, nhìn lại những bức ảnh ấy, dường như vẫn vẹn nguyên xúc cảm bồi hồi, lắng đọng…/.

Phước Anh

Tôi không phải là con nhà nòi, học trường báo nhưng không hẳn là khoa báo chí. Vậy mà, cơ duyên, cho tôi được cộng tác với Báo Nghệ An từ những ngày còn sinh viên và sau này trở thành một thành viên trong mái nhà chung này. Hơn mười lăm năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc về những bài báo đầu tiên được đăng ở Báo Nghệ An vẫn còn nguyên vẹn…

Những năm 2000, mạng Internet chưa phổ biến, điện thoại di động chưa có, sinh viên “nghèo”, ở ký túc xá lại thiếu thốn hơn nên hầu như chúng tôi không có nhiều thông tin để cập nhật… Nơi duy nhất để tôi có thể được đọc báo hàng ngày chính là một phòng đọc báo nhỏ ở kề bên phòng đào tạo. Cũng từ căn phòng này, tôi đã biết đến Báo Nghệ An và hầu như tuần nào cũng lên đọc vì đây là mối liên hệ duy nhất của mình với thông tin ở quê nhà. Và rồi, tôi cũng bắt đầu làm cộng tác viên và không nghĩ rằng, ngay bài báo đầu tiên tôi đã được đăng. Tôi còn nhớ, nhuận bút cho bài báo ấy của tôi được 80 nghìn đồng, bằng ¼ số tiền chi tiêu của tôi mà bố mẹ cho mỗi tháng. Bài viết, khi đó cũng thật đơn giản với nhan đề “Sinh viên Nghệ ở Hà Nội”…Tôi gửi bài viết này, khi đang học năm thứ 3 và đọc được bài báo này sau hơn một tháng, ngay tại bảng tin của Báo Nghệ An ở số 27 đường Quang Trung trong một lần về quê. Lần đầu tiên, thấy tên, địa chỉ của mình được đăng ở một tờ báo, tôi dường như nín thở, cứ đọc đi đọc lại đến mòn cả tờ báo mà vẫn chưa tin vào mắt mình…

Có được bài báo đầu tiên, tôi “liều” hơn và suốt ngày mày mò để viết bài. Thế nhưng, không may mắn như bài báo đầu tiên, sau này nhiều bài báo của tôi gửi đi rồi bặt tin. Lần thứ hai, tôi được đăng là bài báo “Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú – một tâm hồn và nhân cách xứ Nghệ”, bài viết được đăng ở số Cuối tuần. Để hoàn thành bài viết này, tôi đã viết đi viết lại rất nhiều lần. Bài viết cuối cùng, tôi nắn nót viết tay, dài gần 4 trang A4 và tôi trực tiếp đến tòa soạn, gửi cho nhà báo Văn Quyền – khi đó là Trưởng phòng phóng viên Văn xã. Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất biết ơn nhà báo Văn Quyền vì khi ấy dù tôi là một sinh viên còn rụt rè, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn được bác đón nhận và tiếp tôi ở phòng làm việc. Bài viết, sau đó cũng được đăng gần như nguyên vẹn, không cắt xén một chữ nào… Sau lần gặp gỡ với nhà giáo Nguyễn Đình Chú, tôi cũng mạnh dạn hơn và đã tự tin khi hẹn phỏng vấn nhà giáo Văn Như Cương, phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Minh Sơn…và bắt đầu có ý thức tích lũy kiến thức, kỹ năng để viết tiếp ước mơ làm nghề báo của mình.

Những kinh nghiệm của những ngày đầu tiên ấy còn là hành trang, là động lực để tôi có thêm sự tự tin khi được thử việc, tập sự và trở thành phóng viên của Báo Nghệ An. Chặng đường sau này, tôi cũng đã được làm việc với rất nhiều các cô, các chú, các anh, các chị nhưng trong thời điểm nào, dù khó khăn, gian nan nhưng tôi cũng đã được mọi người tiếp sức, động viên và tạo cơ hội để làm việc, dấn thân với nghề…

Ở Báo Nghệ An, chúng tôi cũng đã được trải nghiệm những đêm làm việc đến một, hai giờ sáng để theo kịp một sự kiện “nóng”. Và, cũng ở đây, chúng tôi thấy mình trẻ, thấy mình vẫn như đang ở độ tuổi 20. Vui hơn, khi đã là phóng viên Báo Đảng, chúng tôi được trân trọng, được tin yêu và đó cũng chính là “thương hiệu” mà lớp lớp thế hệ phóng viên, nhân viên Báo Nghệ An 57 năm qua luôn có ý thức phát huy, giữ gìn!.

Mỹ Hà