Như những cánh én nhỏ…

Tối ngày 13/7/2021, bản Chăm Puông (Lượng Minh, Tương Dương) chính thức có tên trên bản đồ dịch Covid-19 của tỉnh, với 3 trường hợp dương tính. Vì vậy, 190 hộ, 900 khẩu người đồng bào Khơ Mú nơi đây phải thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Chăm Puông là vùng núi cao xa xôi, nhưng PV Thành Cường của Báo Nghệ An đã sớm có mặt để đưa tin phòng, chống dịch. Trong những tin, bài mà Cường chuyển về trong ngày 14/7, có chùm ảnh “Toàn cảnh bản Chăm Puông sau khi có ca nhiễm Covid đầu tiên”. Ở đó, Cường khắc họa đủ đầy những khó khăn của công tác phòng chống dịch, cũng như cái nghèo, cái khó của đồng bào. Cường nói qua điện thoại: “Em đang ở trong tâm dịch. Đồng bào rất cần được hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm…”.

Với cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An, không ai không thấu hiểu những khó khăn của đồng bào vùng núi cao. Đời sống kinh tế đang ở mức rất thấp, lại còn không ít những tập tục lạc hậu, vì vậy, nhận thức về phòng, chống dịch Covid-19 còn rất hạn chế. Như với Chăm Puông, công tác an sinh xã hội không được thực hiện tốt, rất khó đạt được hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, và dễ lây lan dịch sang các bản lân cận.

Nhận được thông tin của Cường, Báo Nghệ An đã khẩn trương kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm, kêu gọi ủng hộ giúp đỡ đồng bào Chăm Puông. Ngay sau đó, đã nhận được sự giúp đỡ của Nhóm Niềm Tin; các Công ty Thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn; Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, Công ty Thủy sản Nghệ An, DNTN Minh Hường. Chiều ngày 16/7, đã nhận được hơn 3 tấn gạo và 100kg lạc nhân (đã được đóng gói sẵn); 120 thùng mì tôm; 500 chai và 195 can nước mắm; 20 thùng sữa tươi Vinamilk; 100 hộp khẩu trang y tế; 100 tấm kính chống giọt bắn. Để rồi trưa ngày 17/7, với sự giúp đỡ của Công ty TNHH Văn Minh, 7 tấn hàng nhu yếu phẩm trị giá gần 100 triệu đồng này đã được vận chuyển, bàn giao đến đồng bào Chăm Puông.

Ngay sau khi rời Tương Dương, đoàn công tác của Báo Nghệ An lại nhận được tin ở bản La Ngan (Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) đã có người mắc Covid-19. Đến ngày 20/7, xã Chiêu Lưu có thêm bản Lưu Tiến phải thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16. Phóng viên Thành Cường thông tin từ tâm dịch La Ngan: “Cũng như Chăm Puông, đồng bào ở La Ngan và Lưu Tiến hết sức khó khăn, thiếu thốn. Có đến trên 80% hộ nghèo. Hết gạo, mấy ngày nay đồng bào phải ăn mỳ tôm rồi…”.

Làm sao có thể quay lưng trước thông tin từ tâm dịch. Ban Biên tập chỉ đạo phóng viên cập nhật thông tin số liệu dân cư của hai bản La Ngan và Lưu Tiến; mặt khác, tổ chức kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để kêu gọi sự giúp đỡ. May mắn thay, dù chịu nhiều những khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 nhưng xứ Nghệ đầy ăm ắp những tấm lòng vàng. Chỉ sau hơn một ngày, Tập đoàn TH, Công ty CP Đầu tư và quản lý BĐS Tâm Quê, Công ty CP Đầu tư và phát triển Hà Tiến, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Doanh nghiệp tư nhân Minh Hường, Công ty Vật tư y tế Hoàng Đức Anh; doanh nhân Nguyễn Giang Hoài (Quỳ Hợp), anh Đặng Văn Thìn (Công ty CP đầu tư và xây dựng Tràng An), chị Nguyễn Thị Phi Nga (TP. Hà Nội), và một số nhà hảo tâm ở TP. Vinh đã gửi tiền và hàng giúp đỡ.

9 tấn hàng hóa trị giá trên 130 triệu đồng  gồm: 2,625 tấn gạo thơm Hải Hậu, 1,55 tấn gạo nếp cái hoa vàng, nếp Thái (đã được đóng 5kg/bao); 310 kg lạc nhân (310 bao loại 1kg); 310 chai nước mắm Cửa Hội loại 650ml; 100 thùng sữa tươi TH; 310 hộp khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp… được xe của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chuyển đến đồng bào La Ngan, Lưu Tiến đầu chiều ngày 23/7…

Suốt chiều dài năm 2021, tập thể Báo Nghệ An đã tổ chức rất nhiều những hoạt động tương tự như đã đến với đồng bào vùng tâm dịch Chằm Puông, La Ngan, Lưu Tiến. Đó là các hoạt động quyên góp ủng hộ quỹ phòng chống Covid; vận động nguồn xã hội hóa tặng 10 tủ đông bảo quản thức ăn cho các chiến sỹ biên phòng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt vùng biên giới khó khăn trị giá 62 triệu đồng. Phối hợp với Công ty Hecatech và một số doanh nghiệp trao tặng vật tư y tế, cùng các nhu yếu phẩm, trị giá trên 260 triệu đồng, hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 tại các Bệnh viện dã chiến, trung tâm CDC… Kết nối với Doanh nghiệp sản xuất thiết bị Y tế tặng 200 bộ đồ bảo hộ và 35.000 khẩu trang kháng khuẩn phòng dịch cho Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Vận động cán bộ, phóng viên, nhân viên trong đơn vị đóng góp ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19 với số tiền gần 50 triệu đồng để chuyển vào quỹ hỗ trợ phòng chống Covid-19 của tỉnh…

Thực hiện chương trình mỗi đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ một xã vùng cao khó khăn,  Báo Nghệ An đã đồng hành, giúp đỡ xã nghèo Xiêng My – là địa phương vùng sâu của huyện 30a Tương Dương. Nhiều hoạt động thiết thực đã được thực  hiện như hỗ trợ Ngân hàng bò tạo sinh kế cho người nghèo, đến nay đàn bò đã phát triển gần 90 con; hỗ trợ xây dựng các điểm trường, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của xã. Riêng năm 2021, Báo Nghệ An đã trao tặng thêm 2 con bò giống sinh sản hỗ trợ nguồn sinh kế thoát nghèo cho bà con; vận động thêm các nguồn lực để xoá 4 ngôi nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo của xã…

Từ nhiều bài viết phản ánh về các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các mảnh đời thương tâm… đăng trên chuyên mục Xã hội – Từ thiện của ấn phẩm điện tử, Báo Nghệ An cũng đã kêu gọi được nhiều những sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Những dịp xuân mới cận kề, là những dịp Báo Nghệ An kêu gọi quyên góp trong CB,PV,NV và vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người hảo tâm trong và ngoài tỉnh tài trợ chương trình “Tết Vì người nghèo” để hỗ trợ người nghèo đón tết. Tết Tân Sửu 2021, Báo Nghệ An đã kêu gọi được tổng cộng 281 suất quà Tết người nghèo, trị giá 140 triệu 500 ngàn đồng tặng cho các hộ nghèo trên địa bàn các huyện Tương Dương, Yên Thành, Hưng Nguyên và TP. Vinh.

Ngay trong những ngày đầu năm 2022 (ngày 08, 09/1), ở Báo Nghệ An đã có thêm nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ vùng cao khó khăn. Đó là phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh tổ chức Lễ trao quà “Tết vì người nghèo năm 2022” cho những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Châu Lý của huyện Quỳ Hợp; phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam thực hiện chuỗi sự kiện thiện nguyện, tặng 1.000 “Áo ấm mùa đông” cho học sinh khó khăn vùng cao ở các xã Mỹ Lý, Lưu Kiền, Xá Lượng của hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương…

Việc tranh thủ những ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật, vượt gần 400 km đường núi để đến các bản làng vùng cao thực hiện hành trình trao tặng 1.000 áo ấm, 1.000 mũ len với bánh, kẹo, sữa cho học sinh tiểu học ở các xã Lưu Kiền, Xá Lượng (huyện Tương Dương) và xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) và phần quà trị giá 200 triệu đồng cho các điểm trường và Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã để lại những tình cảm sâu đậm trong cán bộ và nhân dân vùng cao; và là những kỷ niệm đẹp của mỗi cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam.

Em Lô Văn Hưng, học sinh lớp 5B – Trường Tiểu học Mỹ Lý (Kỳ Sơn) đã nói: “Em cùng các bạn vui lắm. Có áo ấm, có mũ len, chúng em được ấm hơn trong những ngày đông để nỗ lực học tập tốt hơn…”. Với thầy Nguyễn Đình Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lưu Kiền (Tương Dương), đây là những món quá ấm áp tình người. Thầy Hùng chia sẻ: “Những món quà thực sự ý nghĩa, giúp các em ấm áp hơn khi đến trường cũng như sinh hoạt hàng ngày. Thay mặt các thầy cô và học sinh nhà trường cảm ơn sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam và Báo Nghệ An, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện…”. Sau chuyến thiện nguyện này, anh Đặng Đình Đồng – Phó Giám đốc Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 (Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam) chia sẻ: “Tham gia trao gửi những tình cảm của cán bộ, công nhân Công ty đến trẻ em vùng cao, tôi đã có được một hành trình rất ý nghĩa. Cuộc sống của đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả. Hy vọng từ những giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẽ góp phần động viên đồng bào vươn lên…”.

“Kỳ Sơn mùa này nước sông Cả đỏ quạch phù sa. Bên kia cầu treo Khe Tang là bản làng đồng bào Khơ Mú. Đằng sau tấm biển lạnh lùng cảnh báo Covid kia là hàng trăm hộ đồng bào Khơ Mú đang bị phong tỏa vì Covid-19. Ai đem Covid-19 lên non, để cuộc sống bà con nơi núi rừng thâm u xa xôi vốn dĩ khó khăn lại càng thêm cùng cực. Họ thiếu tất cả các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Nhờ có phóng viên cắm bản kể từ hôm xẩy ra dịch, anh em Báo Nghệ An thấu rõ sự thiếu thốn và nhu cầu cần thiết của bà con trong vùng phong tỏa để rồi lên “thực đơn” và phương án kết nối vận động các nhà hảo tâm, để sớm đến với đồng bào La Ngan, Lưu Tiến. Đó là gạo, nếp, lạc, nước mắm, sữa, khẩu trang…, được đóng gói cẩn thận, chu đáo. Nhờ đó, dù trời mưa nhưng việc cấp phát cho hơn 310 hộ trong vùng phong tỏa đã diễn ra kịp thời, nhanh chóng. Trở về trong mưa ngàn gió núi, nhưng lòng mọi người ấm áp, bởi hàng hóa đã đến với bà con để họ yên tâm cách ly. Càng ấm áp hơn khi nhà hảo tâm gọi điện, khi tấm lòng của họ qua Báo Nghệ An đã đến được tay bà con đồng bào! Đêm nay mưa lũ lại ngút ngàn nơi vùng cao biên giới gây ngập lụt nơi cổng trời Mường Lống. Đâu đó một thủy điện chuẩn bị xả lũ…! Cuộc sống của bà con có quá nhiều thử thách. Mong Covid tiêu tan. Mong có thêm nhiều nhà hảo tâm đến những bản làng đang bị phong toả nơi núi rừng xa xôi đó. Bản làng ơi, ngóng đợi khách tri âm!”.

Dòng cảm xúc trên là của chị Hồ Thị Ngân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh viết ra trên Facebook cá nhân. Chị Hồ Thị Ngân tham gia chuyến ngược lên La Ngan, Lưu Tiến của đoàn công tác Báo Nghệ An. Dù thấm mệt bởi phải cùng tham gia đóng hàng, bốc hàng lên xe, hạ hàng xuống phương tiện chuyển tiếp, lại hơn 10 giờ liên tục phải ngồi ô tô nhưng chị rất vui. “Cảm ơn anh em Báo Nghệ An đã cho tớ tham gia một chuyến đi thật ý nghĩa…” – chị Hồ Thị Ngân xúc động lúc chia tay, và sau đó đã có những dòng viết ấy.

Ở Báo Nghệ An, song song cùng với các hoạt động chuyên môn thì luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Từ nhiều năm qua, Ban Biên tập Báo Nghệ An đã tổ chức nhân sự, thành lập Phòng Phát hành – Quảng cáo và hoạt động xã hội. Phòng này có trách nhiệm xây dựng tổng thể nội dung chương trình hoạt động xã hội; tìm hiểu, đề xuất các lĩnh vực hoạt động xã hội phù hợp với khả năng và điều kiện của Báo Nghệ An; tham mưu xây dựng các hoạt động từ thiện, tuyên truyền các hoạt động xã hội trên các ấn phẩm; kết nối với các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm để kêu gọi sự giúp đỡ, sẻ chia cho các hoàn cảnh khó khăn… Chính vì vậy, với đội ngũ phóng viên, cộng tác viên luôn bám sát cơ sở, chuyển tải kịp thời cụ thể về những địa phương gặp sự  cố như Chăm Puông, La Ngan, Lưu Tiến hay những cảnh đời khó khăn…, nên công tác hoạt động xã hội của Báo Nghệ An luôn có sự chủ động đạt hiệu quả, được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội; các tổ chức, doanh nghiệp và những cá nhân có tấm lòng hảo tâm tin tưởng. Đúng như Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hồ Thị Ngân đã viết ra “Nhờ có phóng viên cắm bản kể từ hôm xẩy ra dịch, anh em Báo Nghệ An thấu rõ sự thiếu thốn và nhu cầu cần thiết của bà con trong vùng phong tỏa để rồi lên “thực đơn” và phương án kết nối vận động các nhà hảo tâm, để sớm đến với đồng bào La Ngan, Lưu Tiến…”.

Chúng tôi – những người làm Báo Đảng Nghệ An – thường nói với nhau về nghĩa đồng bào, và rằng những hoạt động hướng về vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn, đến được với những cảnh đời khốn khó… luôn tiếp cho ta những năng lượng tích cực. Vâng, niềm vui của cán bộ, nhân dân Chăm Puông, La Ngan, Lưu Tiến; lời nói thốt ra từ trái tim của em Lô Văn Hưng, thầy Nguyễn Đình Hùng, anh Đặng Đình Đồng…, hay dòng cảm xúc của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hồ Thị Ngân chính là những nguồn năng lượng tích cực, động viên chúng tôi. Để người làm Báo Đảng Nghệ An tiếp tục lên đường, như những cánh én nhỏ, góp thêm niềm vui cuộc  sống…