Người “truyền lửa” dân ca

Không chỉ đam mê sưu tầm, truyền dạy dân ca ví, giặm, Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân Nguyễn Trọng Tâm còn trực tiếp soạn lời, vận dụng những làn điệu dân ca mượt mà dễ nghe, dễ thuộc, dễ nhớ lồng ghép trong công tác tuyên truyền và dân vận khéo ở địa phương. Nhờ vậy, các chủ trương, đường lối, chính sách khô cứng trở nên mềm hóa và đi vào cuộc sống dễ dàng hơn...

Về xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), nhắc đến giai đoạn thực hiện cách ly toàn xã hội phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người vẫn thuộc những giai điệu mộc mạc, dễ nhớ mang tính truyên truyền, cổ động do nguyên Chủ tịch MTTQ Nguyễn Trọng Tâm soạn lời.

“Nào ta hãy nhớ nhắc nhau/ Thực hiện cách ly trong toàn xã hội/ Chỉ ít ngày thôi có chi mà vội/ Nhớ ngồi yên khoan hãy ra đường/ Yêu đất nước yêu quê hương/ Mỗi người dân một pháo đài chống dịch/ Mệnh lệnh trái tim dành cho người yêu nước/ Nhất định thành công ơ… đất nước khải hoàn…”. Những làn điệu dễ nhớ, dễ thuộc này được phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã được người dân đón nhận một cách tự nhiên.

Ngoài những lời hiệu triệu đoàn kết chống dịch, Nguyễn Trọng Tâm còn có những sáng tác ca ngợi các chiến sỹ; đội ngũ y, bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch Covid -19: “Gian khó, hiểm nguy em vẫn âm thầm/ Quyết chí xung phong nơi tuyến đầu chống dịch/ Tổ quốc quê hương đang vang lên lời hịch/ Cuộc chiến này không ai bỏ lại phía sau..”.

Anh Nguyễn Trọng Tâm (trái) nhận giải Nhì tại cuộc thi “Sáng tác tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền phòng, chống dịch Covid -19”. Ảnh: NVCC
Anh Nguyễn Trọng Tâm (trái) nhận giải Nhì tại cuộc thi “Sáng tác tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền phòng, chống dịch Covid -19”. Ảnh: NVCC

Trong số đó tác phẩm “Việt Nam kết đoàn chống dịch” được Đoàn Nghệ thuật UNESCO dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội ghi hình phát sóng chương trình dân ca của Đài VTV1; tác phẩm dân ca Nghệ Tĩnh “Tình yêu người lính” do Tâm soạn lời đạt giải Nhì toàn quốc Cuộc thi “Sáng tác tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền phòng, chống dịch Covid -19” do Đài VTC tổ chức và được phát sóng trên Đài Truyền hình VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV.

Nói về ý tưởng vận dụng dân ca ví, giặm vào công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, chàng trai có nụ cười dễ mến Nguyễn Trọng Tâm cho hay: “Dân ca ví, giặm dễ nghe, dễ thuộc, dễ nhớ và có nhiều làn điệu mượt mà, mộc mạc dễ đi vào lòng người, có khi “hát như nói, nói như hát” nên ai cũng có thể hát, có thể nhẩm theo. Vì vậy, ứng dụng lồng ghép vào công tác tuyên truyền rất có hiệu quả. Các chủ trương, đường lối, chính sách thường khô cứng, khó đi vào tiềm thức quần chúng nhưng khi dùng dân ca để chuyển tải sẽ được mềm hóa, người dân dễ nghe, dễ nhớ hơn”.

Ý tưởng này cũng xuất phát từ niềm trăn trở của người cán bộ, đảng viên luôn trách nhiệm với công việc, bởi Nguyễn Trọng Tâm vốn trưởng thành từ Bí thư Đoàn xã, sau đó làm Chủ tịch MTTQ xã và hiện nay là Thường vụ trực Đảng và là Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân.

Từ năm 2015, khi được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, anh đã tham mưu thành lập 1 đội truyền thông lưu động do chính anh làm Đội trưởng, hàng tháng trực tiếp xuống tận các khu dân cư tuyên truyền chủ trương, nghị quyết bằng hình thức sân khấu hóa. Trong đó, vận dụng tối đa chất liệu dân ca ví, giặm để soạn lời lồng ghép tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội, dân số – KHHGĐ, phổ biến chính sách pháp luật; phòng chống dịch Covid-19…

Hiện nay, Đội truyền thông lưu động Hưng Tân đã trở thành mô hình tuyên truyền điểm của cả tỉnh.

Vào những ngày cao điểm, phòng chống dịch Covid-19, ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, Đội tuyên truyền lưu động đã đi khắp các khu vực công cộng, các khu dân cư để cung cấp cho người dân những thông tin mới nhất cũng như hướng dẫn bà con cách phòng dịch hiệu quả. Bản thân Đội trưởng Nguyễn Trọng Tâm còn livestream trực tiếp trên kênh facebook cá nhân và trang tin của xã. Cách tuyên truyền dí dỏm, vận dụng những làn điệu dân ca mộc mạc, đã được người dân trên địa bàn đón nhận và yêu thích.

Một buổi biểu diễn của CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân; Mỗi buổi biễu diễn luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Ảnh: NVCC
Một buổi biểu diễn của CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân; Mỗi buổi biễu diễn luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Ảnh: NVCC

Vốn tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế, lại chưa từng học qua trường lớp nào về văn hóa nhưng Nguyễn Trọng Tâm (SN 1979) lại có “duyên với” dân ca ví, giặm. Tuy nhiên, niềm đam mê với dân ca của Tâm không phải tự nhiên mà có, mà bắt nguồn từ truyền thống của gia đình, của quê hương. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phan, xã Hưng Tân, tuổi thơ của Nguyễn Trọng Tâm gắn liền với bờ tre ruộng lúa và câu đò đưa ví, giặm. Quê hương anh vốn nổi tiếng quanh vùng về những canh hát phường cấy, phường vải, phường đan… và bà nội anh – cụ cố Nhân được xem như nghệ nhân bẻ vè, bẻ giặm của làng. Ông bà nội anh cũng nên duyên từ những “đêm trăng phường vải”. Chính bởi vậy, những ngày thơ ấu Nguyễn Trọng Tâm gắn liền trong những lời ru ngọt ngào, nồng ấm của bà. Từ lúc 5 – 6 tuổi, anh đã bập bẹ hát theo bà những câu giặm như “Thập ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm”, “Buôn gạo chợ Vịnh”…

Những câu hát mộc mạc ấy cứ âm thầm nuôi dưỡng trong anh một niềm say mê kỳ lạ, biến anh từ một cậu bé nhút nhát trở nên mạnh dạn tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tại trường làng. Năm Tâm lên 10 tuổi, bà nội qua đời. Anh chia sẻ: “Chính sự mất mát ấy đã hun đúc trong tôi quyết tâm, khao khát được gìn giữ những câu ví, giặm, bởi lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản: yêu ví, giặm vì yêu và nhớ bà nội”. Ngoài bà nội thì trong gia đình bố Tâm cũng là người rất say mê văn hóa văn nghệ. Ông biết hát dân ca, biết thổi sáo, đánh đàn và lan truyền tình yêu ấy cho con.

Đến năm 2012, CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân ra đời. Với tư cách là Phó Chủ nhiệm CLB, anh đã cùng với 20 thành viên đầu tiên truyền lửa, kết nối đam mê đưa CLB đi vào hoạt động có hiệu quả. Đến nay, CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân có tới 45 thành viên, trong đó 2/3 tổng thành viên là người trẻ dưới 35 tuổi. Riêng gia đình Tâm, ngoài anh còn có chị gái con bác và cháu cũng là thành viên CLB. CLB có đầy đủ phục trang, đạo cụ biểu diễn với tổng giá trị hơn 60 triệu đồng và đảm nhận tất cả các chương trình tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Bên cạnh đó, CLB cũng đã tham gia 4 kỳ liên hoan cấp tỉnh và liên tỉnh, đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba toàn đoàn; 16 giải A, 8 giải B, 5 giải C các tiết mục và được ghi hình phát sóng VTV1, VTV3, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Đài PTTH Nghệ An.

Anh Nguyễn Trọng Tâm (áo trắng) chỉ đạo các thành viên CLB dân ca ví, giặm xã Hưng Tân tập luyện. Ảnh: Quỳnh An
Anh Nguyễn Trọng Tâm (áo trắng) chỉ đạo các thành viên CLB dân ca ví, giặm xã Hưng Tân tập luyện. Ảnh: Quỳnh An

Với tình yêu dân ca cháy bỏng, những lúc rảnh rỗi ngoài giờ làm việc, Nguyễn Trọng Tâm lại tìm đến các cụ già nghe và ghi chép, lưu giữ lại những câu hát mộc mạc, sâu sắc. Theo Tâm chia sẻ thì việc sưu tầm vốn cổ của dân ca ví, giặm không phải bây giờ mới bắt đầu mà được anh ấp ủ từ khi còn là cậu học sinh lớp 9, bằng cách góp nhặt, sưu tầm, ghi chép những bài ví, giặm mà mình yêu thích. Gần 30 năm qua, anh đã sưu tầm được hơn 20 bài vè, bài giặm, bài ví cổ từ các cụ già trong làng, trong xã. Một số bài tiêu biểu đã được anh sử dụng làm tài liệu cho CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân sinh hoạt, biểu diễn như: “Mẹ khuyên con giữ đạo làm du”; “Làm trai cho đáng nên trai”; “Vè 12 huyện Nghệ An”; “Nói chuyện với cha”; “Buôn gạo chợ Vịnh”; “Vợ khuyên chồng khi bầu Nghị viện”… Qua 4 kỳ tham gia Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, 2 bài cổ do Nguyễn Trọng Tâm sưu tầm được CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân biểu diễn đã giành 1 giải A, 01 giải B.

Ngoài việc học các làn điệu cổ từ bà nội và các cụ cao tuổi trong làng, trong xã. Từ khi tham gia CLB Dân ca ví, giặm, Nguyễn Trọng Tâm còn trau dồi thêm kỹ năng soạn lời mới cho dân ca ví, giặm. Đến nay, bản thân anh đã sáng tác, soạn lời hơn 100 tác phẩm thuộc các loại hình như: Diễn xướng, ca cảnh, hoạt cảnh, tổ khúc, đơn ca, đối ca, tốp ca… và đạt một số giải thưởng tiêu biểu, trong đó có 01 giải Nhì toàn quốc, 1 giải Nhì khu vực Bắc Trung Bộ; 6 giải A, 2 giải B Liên hoan cấp liên tỉnh và nhiều giải thưởng cấp huyện. Trong đó, màn diễn xướng “Duyên phường cấy” do Tâm biên soạn đã đạt giải A tại các kỳ liên hoan, được chọn biểu diễn ở chương trình “Du ca Việt” phát sóng VTV1.

Tôi biết Nguyễn Trọng Tâm khi anh còn là Bí thư Đoàn xã Hưng Tân, cũng là một trong những cán bộ Đoàn nòng cốt của Huyện đoàn Hưng Nguyên bấy giờ. Từ những năm 2000, khi chính thức tham gia công tác Đoàn tại địa phương, hàng năm Nguyễn Trọng Tâm đều tham mưu tổ chức các hội thi, hội diễn quần chúng, trong đó ưu tiên các tác phẩm thuộc thể loại dân ca ví, giặm.

Đến sau này là cán bộ Mặt trận rồi chuyển qua làm công tác Đảng, đồng thời là Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của xã Hưng Tân, bên cạnh việc sưu tầm vốn cổ, soạn lời mới cho dân ca ví, giặm, Nguyễn Trọng Tâm luôn trăn trở tìm giải pháp thắp lửa tình yêu dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Anh chia sẻ: “Thấy các bạn trẻ không còn mặn mà với dân ca, tôi đã cố gắng tìm tòi, soạn lời mới để ví, giặm mang hơi thở cuộc sống đương đại; cố gắng tham mưu tạo nhiều sân chơi để kéo các bạn trẻ về với ví, giặm”. Từ năm 2012 đến nay, định kỳ mỗi tháng 1 lần, anh cùng Ban Chủ nhiệm CLB truyền dạy dân ca ví, giặm cho thanh, thiếu nhi tại địa phương. Trong dịp hè, việc truyền dạy được tổ chức mỗi tuần vào tối thứ Bảy tại Nhà văn hóa các xóm. Ngoài ra khi rảnh rỗi, Nguyễn Trọng Tâm còn tổ chức truyền dạy, hướng dẫn tại nhà cho các bạn nhỏ. Nỗ lực ấy đã được đền đáp khi hơn một nửa số thành viên của CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân hiện nay là thanh niên. Các bạn đã đến với ví, giặm bằng niềm say mê và trách nhiệm”.

Anh Nguyễn Trọng Tâm tìm đến những người cao tuổi để sưu tầm các làn điệu dân ca ví, giặm cổ; tham gia chỉ đạo diễn xuất tại các buổi biểu diễn; truyền dạy dân ca và đặc biệt là anh vận dụng dân ca ví, giặm để làm công tác tuyên truyền trực tiếp trên mạng xã hội.
Anh Nguyễn Trọng Tâm tìm đến những người cao tuổi để sưu tầm các làn điệu dân ca ví, giặm cổ; tham gia chỉ đạo diễn xuất tại các buổi biểu diễn; truyền dạy dân ca và đặc biệt là anh vận dụng dân ca ví, giặm để làm công tác tuyên truyền trực tiếp trên mạng xã hội.

Đến nay, học trò do Nguyễn Trọng Tâm truyền dạy khoảng hơn 100 người. Trong đó có một số thành viên đã trở thành diễn viên nòng cốt của CLB, tham gia nhiều kỳ liên hoan dân ca và đạt giải cao như: Nguyễn Thị Cẩm Trà, Nguyễn Văn Hào, Phan Xuân Đại, Phan Kim Lượng, Nguyễn Quỳnh Trâm, Hồ Thị Yến Nhi…

Nói về người “truyền lửa” cho mình, em Phan Xuân Đại (SN 1989), ở làng Nam cho biết: “Khi anh Tâm động viên tham gia CLB em còn chưa biết ví, giặm là gì, chỉ thích hát nhạc trẻ. Nhưng sau thời gian tiếp xúc với dân ca ví, giặm và được anh Tâm dìu dắt em đã thấy rất say mê và trở thành diễn viên hát chính của CLB. Anh Tâm rất nhiệt tình, trách nhiệm, có đóng góp lớn cho CLB và quan tâm đến thế hệ trẻ, hiện trong CLB còn có cả các em ở độ tuổi thiếu nhi cũng say mê hát dân ca ví, giặm”.

Trao đổi về những việc mà mình đã và đang làm, Nguyễn Trọng Tâm cho biết: “Việc truyền dạy dân ca ví, giặm và vận dụng dân ca ví, giặm vào công tác tuyên truyền, công tác dân vận không chỉ giúp mềm hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân dễ nhớ, dễ tiếp thu mà còn dịp để đưa, dân ca ví, giặm đi vào cuộc sống đương đại một cách tự nhiên”.

Hiện Nguyễn Trọng Tâm đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” nhưng Tâm cho hay điều mà anh vui nhất là dân ca ví, giặm ở quê hương ngày càng được công chúng đón nhận và cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho CLB Dân ca ví, giặm của xã nhà phát triển, góp phần xây dựng quê hương Hưng Tân thành miền quê đáng sống – xã nông thôn mới kiểu mẫu nhưng không đánh mất bản sắc, cốt cách truyền thống.

Một góc xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Đào Tuấn
Một góc xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Đào Tuấn