Trước đây, mỗi lần gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang Vừ Chông Pao (1930 – 2015) – người được xem là vị “thủ lĩnh” của đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn, chúng tôi thường được nghe ông kể về cuộc sống của bản làng người Mông một thuở. Ngày đó, ở đâu có người Mông sinh sống là ở đó có cây anh túc (còn gọi là cây thuốc phiện), loài cây này là nguồn thu nhập chính của bà con. Những thung lũng rộng lớn ở Na Ngoi, Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn… đều bạt ngàn cây anh túc, sặc sỡ sắc hoa vào độ tháng 3 và tháng 4. Khi cây có nhựa là vào mùa thu hoạch, nhựa cây anh túc được nhập để chế biến dược liệu. Việc chăm sóc, thu hoạch vất vả, tốn nhiều thời gian nhưng thu nhập chẳng được nhiều, hầu như nhà nào cũng thiếu cái ăn và ở trong ngôi nhà tranh vách nứa. Chưa kể nó còn để lại hệ lụy khôn lường khi nhiều người không làm chủ được bản thân, sa đà vào nghiện ngập, trở thành gánh nặng cho gia đình.
Khoảng năm 1993, khi đang làm Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn, ông Vừ Chông Pao nhận nhiệm vụ về các bản làng người Mông vận động bà con phá bỏ cây anh túc. Bởi lúc này Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương xóa bỏ loại cây này để thay thế bằng các loại cây, con khác vừa có giá trị kinh tế, vừa an toàn cho đời sống nhân dân. Từng là “thủ lĩnh” đánh đuổi tay chân của phỉ Vàng Pao ở núi rừng biên giới, nay Vừ Chông Pao lại đi đầu trong cuộc chiến xóa bỏ cây anh túc. Cuộc chiến này không kém phần cam go, vì để bà con từ bỏ loại cây gắn bó từ nhiều đời, là nguồn thu nhập chính quả không hề dễ dàng.
Theo lời ông Pao, lúc ấy các đoàn công tác của huyện phối hợp với các xã và Đồn Biên phòng đến từng bản vận động bà con nhổ bỏ và không trồng cây anh túc. Đích thân ông đã đến các địa bàn được xem là “điểm nóng” ở Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ để vận động. Ban đầu, nhiều người không nghe, họ đưa ra “cái lý” là người Mông sinh sống trên các đỉnh núi cao, nơi đây không có cây gì phù hợp ngoài cây anh túc. Không trồng anh túc bà con sẽ không còn nguồn sống, có thể sẽ phải di cư đến vùng đất khác. Vừa kiên trì vận động, thuyết phục, vừa ra tận rẫy để nhổ bỏ cây anh túc, phải mất 2 – 3 năm mới cơ bản xóa bỏ được thứ cây này ở núi rừng Kỳ Sơn.
Ở các huyện khác có đồng bào Mông sinh sống như Quế Phong, Tương Dương cũng vào cuộc quyết liệt và đều đạt mục tiêu xóa bỏ cây anh túc, từng bước thay thế bằng các loại cây, con khác. Đến khoảng năm 2000, đồng bào Mông gần như không còn trồng cây anh túc, chỉ có một vài nơi còn trồng lác đác giữa rẫy rau cải nhưng số lượng không đáng kể và nhanh chóng bị phát hiện, nhổ bỏ. Nay thì những mùa hoa anh túc chỉ còn trong ký ức của những người ở lứa tuổi 50 trở lên.
Hành trình xóa bỏ cây anh túc thực sự gian nan, được ví là “cuộc cách mạng” trong nhận thức, tư duy, góp phần mang lại cuộc sống mới cho đồng bào dân tộc Mông ở miền Tây Nghệ An. Đứng ở điểm check-in cổng trời Mường Lống, Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn) Và Chá Xà nói: “Những thung lũng quanh đây xưa kia đều được người dân trồng cây thuốc phiện, nhà nào cũng trồng, thuốc phiện gắn bó với người Mường Lống đời này qua đời khác. Nay thì những mùa hoa thuốc phiện đã đi vào dĩ vãng, người Mường Lống đã có nguồn thu từ chăn nuôi trâu, bò”.
Chủ tịch Và Chá Xà cho hay, thời điểm huyện Kỳ Sơn phát động xóa bỏ cây anh túc, ông mới làm cán bộ giao thông của xã và tham gia đoàn công tác đến từng bản, từng hộ để vận động. Công việc này thực sự rất khó khăn, vì hầu hết bà con đều khăng khăng bảo rằng chỉ có cây thuốc phiện mới đứng được trên những dãy núi mù sương, không có loài cây, loài vật nào thích hợp để thay thế. Đoàn công tác tìm gặp, vận động các vị già làng cùng vào cuộc, giúp sức để nói cho bà con dân bản hiểu rõ rằng đây là chủ trương tốt đẹp, Đảng, Nhà nước mong muốn bà con đoạn tuyệt với thứ cây nhiều tác hại, tìm các loài cây, con khác để từng bước thay đổi cuộc sống bản làng.
Cán bộ xã, cán bộ bản và giáo viên là những người đi đầu, làm gương trong thực hiện xóa bỏ cây anh túc, chuyển sang trồng cây mận tam hoa và phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản phẩm hàng hóa. Bà con dần dần nghe và làm theo, đến năm 1998 vẫn còn lẻ tẻ một vài rẫy anh túc, khoảng năm 2000 cây anh túc gần như không hiện diện trên đất Mường Lống. Giờ thì vùng đất này đã thực sự đổi thay, cùng với cây mận, cây đào, bà con người Mông đã tập trung phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có những hộ nuôi tới 40 con trâu, bò, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, hộ nào ít cũng từ 3 – 5 con, giúp đời sống gia đình luôn ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Cũng như ở Mường Lống, khi thực hiện xóa bỏ cây anh túc, bà con người Mông ở Nghệ An được hướng dẫn, hỗ trợ trồng các loại cây và phát triển chăn nuôi để thay thế cây. Trải qua những khó khăn ban đầu, giờ đây mọi thứ đang dần ổn định, cộng đồng người Mông đã xuất hiện những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), mô hình chăn nuôi trâu, bò của Xồng Bá Dênh (bản Buộc Mú 1), một thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm đang được nhiều người học tập. Dênh đã vay vốn mua trâu, bò, khoanh gần 2 ha đồi để chăn thả, trồng 1,6 ha cỏ voi làm thức ăn cho vật nuôi. Hiện số lượng đàn trâu, bò của anh xấp xỉ 20 con, trị giá khoảng 500 triệu đồng, gia đình Dênh còn trồng 2 ha gừng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Xồng Bá Dênh thực sự trở thành điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của đồng bào người Mông ở Nghệ An. Xã Na Ngoi còn có không ít gia đình có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi như Xồng Dua Tồng (Buộc Mú 1), Mùa Pà Danh (Kẹo Bắc) trên 30 con trâu, bò; thu nhập từ trồng gừng Xồng Rả Lầu (Buộc Mú 1); Mùa Nỏ Nanh (Pù Khả 2)…
Ông Mùa Bá Giờ – Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết: “Nhờ phát triển chăn nuôi và trồng gừng, đời sống của bà con người Mông ở đây đã được nâng lên đáng kể. Mức thu nhập hiện tại gần 2 triệu đồng/người/tháng, đàn trâu, bò toàn xã có gần 2.000 con, diện tích trồng gừng hơn 200 ha”.
Không chỉ Na Ngoi, các xã có người Mông sinh sống ở Nghệ An đều có những bước tiến về sản xuất và đời sống với những mô hình tiêu biểu như trồng chanh leo của Và Bá Ka; chăn nuôi và trồng lúa nước của Và Tổng Sử ở xã Nhôn Mai (Tương Dương); mô hình chăn nuôi trâu, bò của Lầu Xái Hờ, Lầu Nhia Xồng ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) và Thò Giống Nù, Thò Bá Thông ở xã Tri Lễ (Quế Phong)…
Nhờ thực hiện chủ trương xóa bỏ cây anh túc, các cấp, các ngành đã nghiên cứu, áp dụng thay thế các loại giống cây thích hợp (gừng, chè, mận, đào, táo mèo, dược liệu) cho năng suất cao và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để bà con người Mông yên tâm sinh sống và sản xuất. Nhờ đó, đời sống kinh tế – xã hội vùng đồng bào Mông đang dần đi vào ổn định và phát triển, những mùa hoa anh túc chỉ còn trong dĩ vãng.