Theo đánh giá, Nghệ An hiện nay có hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ gồm sân bay, cảng biển và hệ thống các quốc lộ. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu phát triển, hiện trạng những hạ tầng này đang dần bộc lộ hạn chế. Cảng Cửa Lò đang thiếu cảng biển nước sâu, đường băng sân bay Vinh chưa đáp ứng điều kiện để đón các máy bay cỡ lớn cho các đường bay quốc tế đã được định hướng mở ra trong thời gian tới.
Theo quy hoạch Cảng biển Việt Nam, Quy hoạch nhóm Cảng biển Bắc Trung Bộ và Quy hoạch chi tiết được phê duyệt, Cảng Cửa Lò là cảng tổng hợp quốc gia, container đầu mối khu vực (loại I), phục vụ vận tải hàng hóa đường biển cho tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận trong khu vực, cùng hàng hóa của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Cảng có 34 bến gồm: Khu bến cảng phía Nam Cửa Lò có 8 bến hàng hóa và 1 bến du lịch; Khu bến cảng phía Bắc Cửa Lò có 25 bến.
Thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, Khu bến phía Nam Cảng Cửa Lò có 5 bến đi vào hoạt động, 1 bến đang triển khai đầu tư xây dựng, 2 bến đang thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua đạt 4,287 triệu tấn, trong đó, hàng container 1,635 triệu tấn, hàng rời 2,652 triệu tấn. Khu bến phía Bắc Cảng Cửa Lò đã có Cảng biển Vissai của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam với sản lượng hàng hóa thông qua năm 2020 đạt 6,1 triệu tấn và bến cảng xăng dầu DKC của Công ty cổ phần Thiên Minh Đức với sản lượng hàng hóa thông qua năm 2020 đạt 180 ngàn tấn.
Tuy nhiên, có một “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua là chưa có cảng biển nước sâu, chi phí logistics quá cao. Hàng hóa xuất, nhập khẩu phải qua các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, hoặc hàng hóa từ Cảng Cửa Lò thì phải qua các cảng biển đầu mối của cả nước để ra quốc tế. Trong khi đó, dự báo lượng hàng tổng hợp và container thông qua Cảng Cửa Lò sau năm 2025 đạt trên 20 triệu tấn/năm, nhưng công suất tối đa thông qua 8 bến cảng phía Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 12 triệu tấn/năm.
Bà Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế – xã hội của tỉnh, trong nhiều cuộc làm việc phân tích hiện nay do chưa có cảng nước sâu nên doanh nghiệp trên địa bàn rất mất lợi thế, qua đó, đề nghị tỉnh sớm hình thành cảng nước sâu, vì đây là cơ hội cực kỳ quan trọng đối với tỉnh Nghệ An.
Theo Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26 – NQ/TW của Bộ Chính trị, thì Cảng Cửa Lò được nghiên cứu lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp xây dựng thành cảng tổng hợp theo quy hoạch, phục vụ trực tiếp Khu Kinh tế Đông Nam, tiếp chuyển hàng hóa quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan. Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò tại khu vực xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu tập trung thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2030 và các năm tiếp theo.
Cảng Hàng không quốc tế Vinh theo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là Cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo quy định ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế). Công suất thiết kế hành khách dự kiến đến năm 2030 là 8 triệu hành khách/năm. Hiện nay, Cảng Hàng không quốc tế Vinh có 1 đường cất, hạ cánh dài 2.400m, rộng 45m. Ga hành khách của Sân bay Vinh có tổng diện tích sàn 11.706 m2, gồm 4 cửa ra máy bay, đáp ứng 1.000 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm; có 7 đường bay, với khoảng 42 chuyến (cả đi và đến)/ngày; đã có đường bay quốc tế Vinh – Bangkok.
Cảng Hàng không quốc tế Vinh có vị trí hết sức quan trọng với sự phát triển của tỉnh Nghệ An và khu vực, đặc biệt là phục vụ đi lại, du lịch, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay Nhà ga Sân bay Vinh đã bắt đầu đầy tải và quá tải vào giờ cao điểm, đặc biệt là không đáp ứng được các đường bay quốc tế. Trong khi giai đoạn tới, Cảng Hàng không quốc tế Vinh dự kiến mở thêm các đường bay thẳng Vinh – Singapore, Vinh – Đài Loan, Vinh – Hàn Quốc, Vinh – Trung Quốc và một số nước Đông Bắc Á. Theo dự báo tới năm 2030 sản lượng vận chuyển hành khách của Cảng Hàng không quốc tế Vinh sẽ đạt 7-8 triệu hành khách/năm (công suất hiện nay theo thiết kế chỉ đạt 2 triệu hành khách/năm).
Tuy nhiên, với hệ thống đường cất, hạ cánh, đường lăn hiện trạng chỉ đáp ứng khai thác các loại máy bay A320/A321 (máy bay code C) hoặc tương đương do đường cất, hạ cánh của Cảng Hàng không quốc tế Vinh chỉ dài 2.400m. Trong khi đó, các hãng hàng không trong nước và quốc tế đang khai thác các dòng máy bay code E như A350, B777, B787 cho các đường bay dài cần đường cất, hạ cánh dài 3.000m. Việc không thể tiếp nhận được các dòng máy bay thân lớn là tồn tại lớn nhất trong việc đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai của Cảng Hàng không quốc tế Vinh.
Những nút thắt về hạ tầng cảng biển, sân bay là trăn trở lớn của Nghệ An trên con đường phát triển. Vừa qua, tỉnh đã có hai kiến nghị quan trọng liên quan đến vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ rõ quan điểm tháo gỡ khó khăn cho tỉnh. Nếu sớm hiện thực hóa, đặc biệt là đối với cảng Cửa Lò, đây sẽ thực sự là động lực rất quan trọng cho Nghệ An.
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX khẳng định, 1 trong 3 mũi đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: Tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo đó, cần hoàn thành tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò, đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền; tranh thủ sự ủng hộ các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thành xây dựng khu bến cảng biển Cửa Lò theo quy hoạch; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đường cao tốc Bắc – Nam, đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An), Nhà ga T2 – Cảng hàng không quốc tế Vinh và một số tuyến quốc lộ trên địa bàn. Một trong 9 chương trình, đề án trọng điểm được xác định trong nhiệm kỳ mới cũng là: “Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, tạo nền tảng đột phá phát triển kinh tế – xã hội, giai đoạn 2021 – 2025”.
Đây là định hướng hết sức rõ ràng của tỉnh trong giai đoạn tới để tháo gỡ một cách căn bản những nút thắt về hạ tầng đang hạn chế sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, đối với cảng biển nước sâu được xem là nút thắt lớn nhất hiện nay nhưng để giải quyết bài toán đầu tư đặt ra, không thể chỉ dựa vào nguồn vốn có hạn từ đầu tư công, mà đòi hỏi có cơ chế xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.
Với định hướng này, tại cuộc làm việc vào sáng 14/3 với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, tỉnh Nghệ An đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, thực hiện cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cảng nước sâu Cửa Lò tại khu vực Nghi Thiết, bao gồm cả 2 hạng mục thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước là: Đê chắn sóng cảng nước sâu Cửa Lò tại khu vực Nghi Thiết dài 1,6 km; nạo vét luồng cao trình từ -10m xuống -14m với kinh phí dự kiến 2.700 tỷ đồng; đồng thời nạo vét luồng khu bến cảng phía Nam Cảng Cửa Lò với cao trình -6,2m, chỉ thiết kế đến cao trình -7,2m, đảm bảo cho tàu 10.000 DWT ra vào, kinh phí dự kiến 500 tỷ đồng.
Để từng bước xây dựng Cảng hàng không Vinh theo quy mô cảng hàng không quốc tế đón các tàu lớn vào khai thác được phê duyệt tại Quyết định số 347/QĐ-BGTVT ngày 29/01/2015 của Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét sớm đầu tư Dự án kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu thêm 600m về phía Bắc với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tin tưởng Nghệ An có thể “xoay chuyển tình hình” nếu có chiến lược, cơ chế, xúc tiến đầu tư tốt gắn với quy hoạch rõ ràng. Liên quan đến Cảng Cửa Lò, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định ủng hộ đề xuất của Nghệ An; đồng thời mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư để thực hiện, trong đó Nhà nước bỏ một phần để đối ứng.
Liên quan đến Sân bay Vinh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kỹ phương án kéo dài đường băng hiện nay, nếu trường hợp không cho phép về an toàn bay thì dứt khoát làm đường băng thứ hai trong một thời gian ngắn sắp tới.
Bên cạnh sân bay và cảng biển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đã thống nhất hỗ trợ cho Nghệ An hai dự án rất lớn mang tính liên vùng, trong đó riêng đường ven biển của Nghệ An được bố trí khoảng 3.200 tỷ.
Tuyến đường ven biển qua địa bàn tỉnh Nghệ An, từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) có tổng chiều dài 83,5 km, quy mô đường cấp III đồng bằng; dự kiến có tổng mức đầu tư 5.172 tỷ đồng. Hiện nay, tuyến đường mới đầu tư hoàn thành đoạn từ Km0 – Km7 và đoạn từ điểm giao Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535 (Km 76 – Km 83+500). Đoạn còn lại của tuyến đường là 69 km, gồm 5 cầu lớn, 3 cầu trung và 1 cầu nhỏ, với tổng mức đầu tư dự kiến 4.651 tỷ đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An) với tổng mức đầu tư dự kiến 4.651 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 5 năm (2021 – 2025). Quy mô đầu tư có tổng chiều dài 69 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế là 80 km/h đi qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và điểm cuối giao với Quốc lộ 46 thuộc xã Khánh Hợp (Nghi Lộc). Nguồn vốn của dự án bao gồm từ ngân sách Trung ương và địa phương. HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII cũng thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án này.
Vì vậy, thông tin từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã “gỡ” cho Nghệ An thêm một “nút thắt” về hạ tầng giao thông đường bộ. Với nguồn vốn đầu tư công trên của Trung ương, kết hợp với ngân sách tỉnh, trong 5 năm tới, tuyến đường ven biển dọc bờ biển Nghệ An sẽ được hoàn thành toàn tuyến; qua đó đẩy mạnh liên kết vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ và Nam Nghệ – Bắc Hà, nhất là khi cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối Nghệ An và Hà Tĩnh đã thông xe, đồng thời tuyến đường được kỳ vọng sẽ đánh thức một dải “mặt tiền” ven biển của Nghệ An.
“Phải làm sao trở thành hành lang kinh tế bên cạnh hành lang giao thông”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý với Nghệ An để khai thác hiệu quả tuyến đường ven biển khi hoàn thành, thông qua mở rộng không gian phát triển mới toàn bộ vùng ven biển Nghệ An, có như vậy mới phát huy hiệu quả cao và trở thành động thực mới cho tỉnh.
Liên quan đến kiến nghị của Nghệ An, nhấn mạnh phát triển Cảng Cửa Lò thành cảng nước sâu quốc tế để tạo tiền đề thu hút các trung tâm công nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An vào ngày 14/3, lúc đó với cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương xã hội hóa kêu gọi đầu tư Cảng nước sâu Cửa Lò, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn đối ứng, đặc biệt, hỗ trợ việc đào luồng từ Tổng Công ty hàng hải Việt Nam; đồng thời giao Nghệ An chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư Cảng nước sâu Cửa Lò.
Bên cạnh đó giao Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Nghệ An thành lập tổ công tác khảo sát về việc dự án kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc tại Cảng hàng không quốc tế Vinh, báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.