Nghệ An – “cứ điểm” sản xuất mới – Bài 4: Nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong các năm qua, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực, song các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) dù từng bước được cải thiện song chưa có sự đột phá. Chưa nhìn đâu xa, chỉ trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ với nhau, Chỉ số PAPI năm 2019, 2020 của Nghệ An lần lượt xếp nửa sau với vị trí thứ 4, 5 khu vực; Chỉ số PAR Index thấp thua hơn tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ là Thừa Thiên Huế tương đối xa với khoảng cách 15 bậc. Một số chỉ số thành phần chưa cải thiện, thậm chí còn có xu hướng chững lại và thụt lùi như: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng.

Chỉ số PCI của Nghệ An từ năm 2014 đến năm 2020.
Chỉ số PCI của Nghệ An từ năm 2014 đến năm 2020.

Công tác cải cách hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính dù đã triển khai nhiều giải pháp song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025 đã công bố số liệu khảo sát cho thấy, trong số các doanh nghiệp được khảo sát có 42% cho rằng, còn phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, các nhà đầu tư còn khó khăn trong tiếp cận đất đai, trung bình lên đến 18 tháng. Thời gian nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục để khởi công dự án trung bình mất khoảng 36 tháng, trong đó, riêng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư kéo dài 60 ngày so với quy định là 32 ngày.

UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận việc hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như xử lý các thủ tục đầu tư tại các sở, ngành, địa phương còn 3 “thiếu” là: “Quyết liệt – Chủ động – Linh hoạt” và không đeo bám đến cùng nhiệm vụ được giao để tham mưu giải quyết dứt điểm. Cùng với đó, việc hướng dẫn các nhà đầu tư, cũng như công tác thẩm định dự án có nhiều trường hợp còn chung chung, thiếu rõ ràng. Quan điểm các sở, ban, ngành trong nhiều trường hợp không cụ thể, thiếu nhất quán.

Tiếp nhận thủ tục của người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Tiếp nhận thủ tục của người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế – xã hội của tỉnh trong các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh nhiều lần khuyến nghị, gắn với sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh thì cần tiếp tục thúc đẩy bộ máy đi theo để công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tại phiên họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 12/2021, khi thảo luận về dự thảo Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh trong 5 năm tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã thẳng thắn nhìn nhận, môi trường đầu tư, kinh doanh dù có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhà đầu tư cần sự công khai, minh bạch, rõ ràng nên các sở, ngành cần hỗ trợ để thực hiện thủ tục nhanh, hiệu quả.

Từ thực tiễn trên, thúc đẩy bộ máy công vụ thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính giờ đây không chỉ là khẩu hiệu, mà đòi hỏi cần phải đi vào thực chất nếu không muốn tụt lại trong quá trình phát triển. Bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020 – 2025, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đã thể hiện tinh thần trên một cách mạnh mẽ, quyết liệt nhất.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 14/12/2021, về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2030. UBND tỉnh chọn chủ đề cải cách hành chính Nhà nước năm 2022 là “Chuyển đổi số”. Cũng tại phiên họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 12 vừa qua, với quan điểm quyết tâm cải thiện một cách thực chất hơn việc giải quyết các thủ tục đầu tư, kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủng hộ khi người đứng đầu chính quyền tỉnh kiến nghị xem xét, xử lý công tác cán bộ đối với người đứng đầu các sở, ngành nếu để xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất cao trước đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kiểm tra, khảo sát vị trí nhằm thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn KKT Đông Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kiểm tra, khảo sát vị trí nhằm thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn KKT Đông Nam.

Trên nhiều diễn đàn, đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh thường xuyên nhấn mạnh đến công tác cải cách hành chính, đặc biệt là phải đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là ở các khâu, bộ phận liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất để kịp thời phát hiện những vi phạm liên quan đến cải cách hành chính, nhất là đạo đức công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Gắn với đó, Nghệ An phải bắt tay thực hiện ngay công tác chuyển đổi số toàn diện hoạt động bộ máy hành chính, công vụ.

Để hiện thực hóa các quan điểm trên, với tinh thần “nói đi đôi với làm”, công tác lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được đổi mới theo hướng chủ động, quyết liệt, sâu sát, vừa toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; nhiệm vụ của từng tổ chức và cá nhân trong thực thi công vụ được cụ thể hóa; đề cao tính năng động, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; trong đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính và chất lượng tham mưu của các sở, ngành.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiểm tra tiến độ xây dựng Khu Liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiểm tra tiến độ xây dựng Khu Liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc).

Nghệ An cũng đặt ra yêu cầu thực hiện tốt phương châm “chính quyền phục vụ và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư”; xác định doanh nghiệp, nhà đầu tư là trung tâm, đối tác phục vụ. Từ quý II/2020, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành về thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh để rà soát, báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; từ đó chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành có hồ sơ chậm giải quyết; đồng thời đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ các nhà đầu tư; định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại với hiệp hội, các doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng sẽ thường xuyên tiến hành khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua Hệ thống tương tác giữa người dân – chính quyền – doanh nghiệp, có sự giám sát của HĐND tỉnh và MTTQ tỉnh, phấn đấu mức độ hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư đạt từ 80% trở lên, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính; triển khai phần mềm quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và phần mềm thực hiện thủ tục hành chính liên thông tới cấp xã đối với lĩnh vực đất đai.

Các cơ quan, đơn vị cũng được yêu cầu tiếp tục công khai số điện thoại của người có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính của dự án đầu tư để doanh nghiệp, nhà đầu tư được biết, liên hệ công tác và giám sát thực hiện; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện thủ tục hành chính của các sở, ngành; hàng tháng báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh phê bình các đơn vị có nhiều hồ sơ bị trả lại, bổ sung, xin rút, chậm thực hiện hoặc có ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nghệ An cũng sẽ tiếp tục triển khai đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh (DDCI).

Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Lê Thắng
Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Lê Thắng