Nghệ An – “cứ điểm” sản xuất mới – Bài 2: Chiến lược “lót ổ đón đại bàng”

Tháng 9/2015, trên cánh đồng lúa tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) và đối tác là Becamex IDC Corp (Việt Nam) tổ chức Lễ khởi công KCN, đô thị, dịch vụ VSIP Nghệ An với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, cùng nhiều quan chức cấp cao của hai nước và tỉnh Nghệ An. VSIP Nghệ An – dự án thứ 7 mà liên doanh này đầu tư tại Việt Nam – không chỉ là dự án thu hút đầu tư lớn lúc đó với số vốn lên đến gần 160 triệu USD (nay đã tăng vốn đầu tư lên 186,98 triệu USD) mà còn là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới trong chiến lược thu hút đầu tư của Nghệ An. Từ chỗ sử dụng nguồn vốn đầu tư công để xây dựng các KCN, tỉnh bắt đầu tìm đến các nhà đầu tư lớn, đủ tiềm lực để phát triển bất động sản công nghiệp trên địa bàn hay nói cách khác là huy động nguồn ngoại lực đầu tư để “làm tổ” đón các nhà đầu tư thứ cấp”.

Doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát tại KCN VSIP Nghệ An.
Doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát tại KCN VSIP Nghệ An.

Vì thực tế, trong một thời gian dài trước đó, mặc dù đã rất cố gắng song Nghệ An vẫn không thể đảm bảo nguồn lực đầu tư hạ tầng các KCN đồng bộ, hiện đại. Mặt khác, với sự hiện diện của các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản công nghiệp có nhiều kinh nghiệm, mối quan hệ khách hàng, đối tác trong và ngoài nước thì chính họ sẽ là cánh tay nối dài của tỉnh trong thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp về đầu tư để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Đây là chiến lược được đánh giá là phù hợp, mang lại lợi ích kép: vừa đẩy nhanh việc hình thành các KCN, vừa thu hút được nhà đầu tư.

Trở lại với dự án VSIP đầu tiên ở Nghệ An, đến nay sau 7 năm, 30 dự án, gồm 13 dự án FDI chọn KCN này để làm nơi đặt nhà máy với tổng mức đầu tư lên đến hơn 550 triệu USD. Trong đó, 21 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho hơn 13.700 lao động địa phương, 3 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 8 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng. Dự kiến đến quý III/2022, toàn bộ diện tích 367,6 ha của KCN này sẽ được lấp đầy.

VSIP Nghệ An là một trong những dự án bất động sản công nghiệp lớn đầu tiên mà Nghệ An thu hút để
VSIP Nghệ An là một trong những dự án bất động sản công nghiệp lớn đầu tiên mà Nghệ An thu hút để "lót ổ đón đại bàng".

Tiếp nối thành công tại dự án đầu tư ở Nghệ An, VSIP đang tiến hành các bước để mở thêm dự án đầu tư bất động sản công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mới đây, trong phiên tiếp làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý tại Singapore, ngài Kelvin Teo – Giám đốc điều hành Sembcorp Development, kiêm Chủ tịch Tập đoàn VSIP khẳng định cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư KCN VSIP Nghệ An II tại huyện Diễn Châu với diện tích lên đến 600 ha. Đây sẽ là KCN kiểu mẫu hội tụ 3 yếu tố theo định hướng của Tập đoàn là: “Xanh – Thông minh – Phát triển bền vững”.

Tiếp sau bước đi tiên phong của VSIP, Tập đoàn WHA – nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp tại Thái Lan cũng đã chọn Nghệ An để đầu tư bất động sản công nghiệp. Với chiến lược trở thành nơi lý tưởng cho các công ty muốn thành lập hoặc mở rộng kinh doanh không chỉ ở Thái Lan, mà còn ở Việt Nam, cốt lõi là cung cấp cơ sở vật chất tiêu chuẩn quốc tế, vị trí hạ tầng chiến lược và khả năng cung cấp giải pháp dịch vụ tổng hợp một cửa cho tất cả khách hàng, Tập đoàn WHA quyết định rót 1 tỷ USD vào Nghệ An để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, khu đô thị với tổng diện tích trên 3.200 ha. Giai đoạn 1 của dự án của KCN WHA Industrial Zone 1 có tổng mức đầu tư gần 93 triệu USD trên diện tích 498 ha triển khai tại huyện Nghi Lộc khởi công vào năm 2018 đã được xây dựng và trở thành nơi “lót ổ” cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp lớn trong quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao Quyết định đăng ký đầu tư điều chỉnh đầu tư cho nhà đầu tư KCN WHA (ảnh trên) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao Quyết định đăng ký đầu tư điều chỉnh đầu tư cho nhà đầu tư KCN WHA (ảnh trên) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt.

Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt, một ông lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở nước ta, là chủ sở hữu các KCN ở Thái Nguyên, Quảng Ngãi… cùng với các khách hàng thuê hạ tầng tên tuổi hàng đầu thế giới như Samsung cũng đã đầu tư vào Nghệ An. Năm 2021, doanh nghiệp này đã rót 750 tỷ đồng để hồi sinh KCN Hoàng Mai I với diện tích gần 265 ha tại thị xã Hoàng Mai sau 13 năm lâm vào cảnh đìu hiu. Tại Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án KCN Hoàng Mai I vào năm 2021, ông Hoàng Văn Dương – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt cho biết: Mục tiêu phấn đấu trong vòng 2 năm thu hút được nguồn vốn 1 tỷ USD đầu tư vào KCN này. Được biết, sau KCN Hoàng Mai I, Hoàng Thịnh Đạt sẽ tiếp tục đầu tư KCN Hoàng Mai II. Thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dự án KCN Hoàng Mai II đã hoàn thành lấy ý kiến các bộ liên quan. Ngày 7/1/2022, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt đã giải trình, bổ sung Hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cùng với thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng KCN, Nghệ An đã tiến hành điều chỉnh giá đất cho các KCN trong địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam theo hướng giảm để nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An tại Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 khẳng định rằng: Vào giai đoạn 2016 – 2020, việc thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt đã giải quyết được “điểm nghẽn” về mặt bằng sạch, tạo tiền đề thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn từ các công ty, tập đoàn kinh tế trên thế giới như: Luxshare – ICT, Goertek, Everwin Precision, JuTeng… Tiếp đà thành công đó, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN Hoàng Mai II, Thọ Lộc, KCN WHA giai đoạn 2.

Để tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, tỉnh cũng đã quyết định điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu Kinh tế Đông Nam lên 80.000 ha, bao gồm 70.000 ha đất liền và 10.000 ha mặt nước biển, trong đó diện tích để bố trí cho các KCN khoảng 15.000 ha. Vì hiện nay, Khu kinh tế này mới chỉ có tổng diện tích hơn 20.776 ha, trong đó diện tích bố trí để xây dựng KCN chỉ vỏn vẹn 4.461 ha. Khu Kinh tế Đông Nam sẽ mở rộng ranh giới về phía Tây theo trục đường N5 nối Hòa Sơn – Đô Lương, trục đường N2 nối Quốc lộ 7A, trục Quốc lộ 48D nối thị xã Hoàng Mai với huyện Nghĩa Đàn, tuyến Quốc lộ 1A (đoạn tránh thành phố Vinh) và khu vực ven biển để phát triển cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng. Mặt khác, Nghệ An sẽ quy hoạch phát triển thêm 10 đến 12 KCN ngoài địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam với diện tích tự nhiên khoảng 4.500 ha.

UBND tỉnh Nghệ An, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt và Tập đoàn Ju Teng ký kết Thỏa thuận nguyên tắc thuê lại đất.
UBND tỉnh Nghệ An, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt và Tập đoàn Ju Teng ký kết Thỏa thuận nguyên tắc thuê lại đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh, mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam để hình thành Khu Kinh tế Nghệ An, nhằm tạo quỹ đất cho thu hút đầu tư; vì nếu vẫn giữ nguyên ranh giới như hiện nay sẽ gặp khó khăn do các dự án hiện chủ yếu thực hiện ở 10 huyện, thị, thành phố phía Đông tỉnh, song phần diện tích này cơ bản đã được phân bổ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghệ An đã phê duyệt thông qua Đề án phát triển Khu Kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và ban hành kế hoạch thực hiện. Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và hiện đã lấy ý kiến 8/8 bộ liên quan, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Hạ tầng khu kinh tế Đông Nam đoạn qua dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An được đầu tư đồng bộ.
Hạ tầng khu kinh tế Đông Nam đoạn qua dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An được đầu tư đồng bộ.