Đến nay, hoạt động xúc tiến đầu tư của Nghệ An đã có những thay đổi căn bản, chuyển biến rõ nét về phương pháp theo hướng tiếp cận và nâng cao tính chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Thay vì chờ nhà đầu tư, tỉnh chủ động kết nối, gặp gỡ, vận động các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Cùng với đó, tỉnh kết hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), xem đây là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư. Chính vì vậy, tại các cuộc làm việc, xúc tiến đầu tư luôn có sự hiện diện của lãnh đạo các nhà đầu tư hạ tầng KCN như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt và các doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào tỉnh. Từ câu chuyện của “người thật, việc thật” là các nhà đầu tư hạ tầng KCN đến các nhà đầu tư thứ cấp giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài có cái nhìn rõ và toàn diện hơn về môi trường đầu tư của Nghệ An để cân nhắc, đưa quyết định “rót vốn” nhanh chóng hơn.
Hình thức của công tác xúc tiến đầu tư cũng được Nghệ An triển khai linh hoạt phù hợp tình hình. Nhất là từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nên không nhiều nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp có thể đến tìm hiểu, kéo theo cơ hội giới thiệu, tiếp thị các ngành nghề lợi thế, lĩnh vực cần thu hút đầu tư ra thị trường và các đối tác bị giảm thiểu. Trong bối cảnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư được chuyển hướng từ tổ chức tiếp xúc theo chiều rộng như tổ chức hội nghị, giới thiệu gặp mặt định kỳ sang tiếp xúc theo chiều sâu, có trọng tâm chuyên đề và đối tác cụ thể. Tỉnh cũng tận dụng tối đa ứng dụng công nghệ để thực hiện xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến.
Với cách tiếp cận như trên, Nghệ An đã thu hút thành công nhiều dự án FDI có số vốn đầu tư lớn thời gian qua bất chấp những trở ngại do dịch Covid -19. Dẫn chứng điển hình là dự án 200 triệu USD của Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan) tại KCN Hoàng Mai I. Phía sau số vốn đầu tư trên vào Nghệ An, là cả một quá trình với những cuộc làm việc, bàn thảo, mà chủ yếu là trực tuyến nối Nghệ An – Đài Loan với sự vào cuộc rốt ráo của lãnh đạo tỉnh cùng Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt – chủ đầu tư KCN Hoàng Mai I. Các hoạt động từ ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận đầu tư đến trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với Tập đoàn Ju Teng đều được thực hiện trực tuyến từ điểm cầu UBND tỉnh và điểm cầu trụ sở của tập đoàn này tại Đài Loan cho thấy nỗ lực rất lớn của tỉnh, nhà đầu tư hạ tầng KCN và cũng như sự tin tưởng của nhà đầu tư thứ cấp với các đối tác tại Nghệ An.
“Điều này khẳng định quyết tâm và nỗ lực của tỉnh Nghệ An trong việc thu hút các dự án đầu tư trọng điểm. Tỉnh Nghệ An cũng không ngừng đổi mới môi trường đầu tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để thu hút các dự án lớn, tạo sức lan tỏa, thu hút nhiều dự án vệ tinh hỗ trợ khác, hình thành môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hợp tác cùng các nhà đầu tư phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức trực tuyến với nhà đầu tư Đài Loan.
Về phần mình, từ điểm cầu Đài Loan, ngài Zheng Li Yu – Chủ tịch Quốc tế Ju Teng bày tỏ hài lòng và cảm ơn tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào tìm hiểu, triển khai dự án vì chỉ sau gần 12 tháng thực hiện các cam kết tại biên bản ghi nhớ, với sự nỗ lực của hai phía, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đã được cấp phép trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành cũng đã thường xuyên duy trì phối hợp với một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam và cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài thông qua việc trao đổi thông tin, tài liệu xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và vận động, kêu gọi thu hút đầu tư như: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA); Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc… Nghệ An cũng xây dựng chương trình làm việc trực tiếp với các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, nhà đầu tư tiềm năng, tập đoàn lớn có thực lực về tài chính và công nghệ; đồng thời nghiên cứu các giải pháp cụ thể để đón đầu, thu hút các nhà đầu tư, trong đó, đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ được xác định là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc).
Minh chứng như vừa qua, đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tới Singapore. Với lịch trình chung dày đặc, song Bí thư Tỉnh ủy đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp (Singapore) – 1 trong 2 bên liên doanh đầu tư KCN, dịch vụ và đô thị VSIP để thảo luận, thống nhất và khẳng định các cam kết đầu tư, định hướng hợp tác giữa Nghệ An và Tập đoàn. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và ngài Douglas Foo – Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore cũng đã trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư và thương mại giữa UBND tỉnh Nghệ An với Liên đoàn Sản xuất Singapore làm nền tảng để tổ chức xúc tiến, thu hút đầu tư từ đảo quốc sư tử vào Nghệ An thuận lợi hơn.
Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư FDI; tuy nhiên, khi đứng trước lựa chọn, Nghệ An kiên định con đường phát triển theo hướng bền vững; không nóng ruột rồi thu hút đầu tư bằng mọi giá theo kiểu “vơ bèo vạt tép”, không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội để lấy được sự tăng trưởng. Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng bộ và các văn bản của UBND tỉnh và trở thành “bờ rem” cứng khi chấp thuận, thẩm định, phê duyệt các dự án.
Tháng 12/2021 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Trong chiến lược vạch rõ tầm nhìn cho 10 năm tới, Nghệ An xác định ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao trở thành động lực đối với kinh tế – xã hội của tỉnh gồm: Công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo và lắp ráp; công nghiệp số; năng lượng tái tạo; công nghiệp hỗ trợ; đồng thời phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh để dẫn dắt các ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ như: Chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất dược liệu và tiếp tục phát triển, phân bố hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân.
Nghệ An kiên quyết hạn chế việc khai thác khoáng sản, chỉ xem xét chọn lọc các dự án đầu tư mới có khả năng khai thác gắn với chế biến quy mô công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại với các sản phẩm chế biến sâu. Khi kết luận về dự thảo Nghị quyết trên tại diễn đàn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã chỉ rõ, Nghị quyết cần thể hiện được định hướng phát triển rất quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định là ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dựa trên công nghệ mới, hiện đại.
Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 do UBND tỉnh ban hành cuối tháng 1 vừa qua cũng đã cụ thể quan điểm trên bằng việc xác định nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua lựa chọn dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa, thúc đẩy và tạo sự đột phá phát triển kinh tế – xã hội.