Ngày trở về

Trong thư ông cũng cho biết, năm 1968, ông bị bắt và đày ra nhà tù Phú Quốc.. . Khi Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh và ông được ra Bắc, đi điều dưỡng ở Quảng Ninh vì bị thương và đánh đập dã man trong tù. Lá thư được gửi cho con gái bởi ông sợ sau 10 năm ông đi xa, 5 năm nhận tin báo tử bà Minh đã lấy chồng. Do đó, gửi thư về gia đình điều cuối cùng ông chờ đợi chỉ là muốn biết thông tin về con gái, cô bé mà đã 10 năm rồi ông chưa từng gặp lại. Ngày đó, đọc thư ông, bà giận ông lắm nhưng lại thương ông nhiều hơn. Biên lại thư cho chồng, bà Minh chỉ viết ngắn gọn “Hơn mười năm nay tôi không đi đâu cả, tôi ở đây nuôi con thờ chồng. Nay anh “cải tử hoàn sinh”, tôi cất ảnh anh trên bàn thờ rồi”…

Có được lời nhắn nhủ, ông Minh như có thêm niềm tin để trở về làng. Vác chiếc ba lô quay lại quê hương, người ông gặp đầu tiên là bố vợ cùng với lũ trẻ đang chơi trên triền ruộng. Xúc động vô cùng, ông hỏi bố: “Cha có nhận ra con không?”. Nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu. Còn Tuyết Mai, cô bé lại càng thờ ơ vì người đàn ông đang đứng trước mặt và người cha mà Tuyết Mai vẫn thấy trên di ảnh hoàn toàn khác biệt… Lúc bấy giờ cũng không ai biết được, vì sao sau 10 năm đi bộ đội, ông Minh lại thay đổi nhường ấy. Nhưng chính những trận đòn roi, chính những tra tấn mà ông phải gánh chịu khi bị giam cầm trong chuồng cọp đã biến ông từ một thanh niên khỏe mạnh, cao lớn thành một người trung niên già cỗi, răng rụng, lưng còng…

Gặp lại chồng sau bấy nhiêu năm, bà Minh dường như cũng không kịp nhìn mà chỉ ôm chồng rồi khóc. Lúc bấy giờ cả hai cũng nghỉ đơn giản, về rồi thì gia đình có thể được đoàn tụ, sum vầy. Ấy nhưng, chuyện lại không đơn giản bởi “rào cản” lại đến từ chính con gái Tuyết Mai. Kể thêm về điều này, bà Minh xót xa: “Bữa cơm đầu tiên của gia đình, anh ấy gắp thịt cho bố, mẹ, cho vợ rồi gắp cho con gái của mình. Vậy nhưng, cháu bỏ xuống, nhất quyết không ăn. Lần thứ 2 gắp lại, Tuyết Mai vẫn từ chối. Đêm hôm ấy, Mai không ngủ với bố mẹ mà trốn về ông bà ngoại ngủ… ”.

Tròn một tháng ông Phước về nghỉ phép là một cuộc “giằng co” giữa ông và con gái. Lúc đầu, không ai giải thích được lý do nhưng với Tuyết Mai, cô bé có lý do của riêng mình. Nhớ về điều này, chị Tuyết Mai kể lại: “Nhiều năm nay, tôi chỉ quen nhìn ảnh cha trên bàn thờ nhưng đến khi ông về lại khác. Và tôi sợ, ông ấy là một chú bộ đội xa lạ sẽ cướp đi mẹ của mình”… Ở cái tuổi lên 10 khi đó, Tuyết Mai tin rằng hành động của mình là đúng. Thế nên, dù ông bà, cậu gì và mẹ giải thích bao nhiêu Mai đều không tin đó là sự thật. Ở nhà, bố lên nhà trước thì Mai xuống nhà sau. Thậm chí khi mẹ cố tình để hai bố con ngồi trên một ghế dài và ông lùi dần để gần con, Mai cũng không nhất định gọi ông Phước là cha… Đau đớn nhất là bà Minh, bởi bà không biết động viên thế nào khi nhìn một người bố ngoài 40, “vào sinh ra tử”, chịu được lao tù, chịu được đòn roi nhưng lại ôm mặt khóc tu tu vì “bất lực” trước con gái… Điều duy nhất bà có thể lý giải cho ông đó là “bởi chiến tranh”!