Con hãy gọi cha là “chú bộ đội”

Về phép được 1 tháng, ông Minh lại trở ra trại an dưỡng ở Quảng Ninh. Đó cũng là thời gian ông day dứt nhất khi phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, cho bản thân, cho gia đình. Lá thư ông gửi về cho vợ con dài đến 16 trang đã nói lên nỗi lòng đó. Ông viết: “Minh em yêu! Đến nay anh đã chiến đấu trong quân đội, vào sinh ra tử đã 21 năm 2 tháng. Sức khỏe hiện nay có phần yếu đi nhiều, tuổi đời cũng đã lớn mà tương lai con cái quá ít ỏi, đời sống vật chất gặp nhiều khó khăn… Anh đã đề đạt ý kiến với tổ chức xin được về hưu. Nhưng thực tế trước mắt là gì? Lúc đó anh sẽ ở nhà, còn em hàng ngày đến trường dạy học. Theo hướng một người đi lên, còn một người giẫm chân tại chỗ…”.

Ở đơn vị, ngồi với đồng đội, nỗi buồn của một người cha bị con từ chối lại đớn đau gấp bội: “Minh em! Mỗi lần ngồi chuyện trò với bầu bạn, họ kể chuyện tình cảm về con cái của họ. Em có biết anh nghĩ gì và làm gì lúc đó không? Anh đã quay mặt gạt nước mắt khi liên hệ đến con mình đối xử với mình trong những ngày qua, rồi lặng lẽ ra đi để khỏi phải chứng kiến cái bất công tự nhiên ấy”.

Nỗi nhớ mong con có khi cũng biến ông thành người ích kỷ. Đến nỗi “mỗi lần anh nhìn tấm ảnh của con chụp chung với các chú bộ đội mà lòng anh phải phát ghen lên vì tình cảm ấy”. Sự bất lực cũng khiến ông phải thốt lên: “Anh nghĩ rằng nếu Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha, thì anh sẽ vui lòng cho phép Tuyết Mai gọi anh bằng “chú bộ đội”. Để “chú bội đội” được gần bên “cháu Tuyết Mai” dăm ba phút cho đỡ tủi lòng”.

Có lẽ cũng bởi suy nghĩ ấy, bởi một ước mơ “được có một tấm ảnh có anh, em và con để làm kỷ niệm sau chuỗi ngày đau khổ” mà ông Minh đã trở về. Ông trời cũng thương cho ông bà nên về được một năm thì bà có thai  và sinh thêm một người con trai. Chỉ có điều, với Tuyết Mai, ông mãi mãi xa lạ… Nỗi đau cứ giằng xé mãi cho đến khi ông nhập viện và một năm sau ra đi vì vết thương tái phát. Đó là một ngày vào tháng 11/1975, vài tháng sau khi đất nước hòa bình. Sau này, lần đầu tiên Tuyết Mai gọi tiếng cha đó là khi tổ chức lễ an táng cho ông. Và rồi, tiếng “Cha” ấy vang vọng và mãi không có người đáp lại.

Tròn 45 năm, ông Nguyễn Trí Phước ra đi, đã rất nhiều lần chị Tuyết Mai tự vấn lòng mình và ăn năn về những điều dại dột khi còn nhỏ. Sau này, chị có dịp trở lại Phú Quốc, gặp được những đồng đội cũ cùng thời với ông mới biết hơn về người cha anh dũng của mình… Rằng, liệt sỹ Nguyễn Trí Phước từng là một người tù kiên trung, một người anh mẫu mực, được anh em bạn tù tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Người tù cách mạng đó, không ngại hiểm nguy, không sợ đòn roi đã đứng ra dạy chữ, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong lao tù. Người đó, cũng vì bảo vệ cách mạng mà bị nhốt xuống chuồng cọp, 4 tháng lao lực dưới sự tra tấn dã man của bọn cai tù…

Những lá thư của liệt sỹ Nguyễn Trí Phước gửi về cho vợ và con gái.
Những lá thư của liệt sỹ Nguyễn Trí Phước gửi về cho vợ và con gái.

Nhớ về cha, biết ơn cha, sau này, những người con của liệt sỹ Nguyễn Trí Phước đều trưởng thành và có những thành công nhất định trong công tác. Ký ức về những ngày xưa cũ cũng được gia đình nhắc lại thường xuyên bởi đó là một phần của quá khứ, một phần của chiến tranh và càng nuối tiếc về quá khứ, họ lại càng trân quý, yêu thương hơn những ngày hòa bình.

Tập thư của liệt sỹ Nguyễn Trí Phước và câu chuyện “Chiếc lược ngà” thứ hai hiện cũng đang được lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng Nghệ An. Đó cũng là những trang viết sinh động ghi lại một khía cạnh khác của cuộc chiến. Ở đó, không chỉ có máu, không chỉ có sự hy sinh mà còn có cả sự mất mát, thiệt thòi và có cả những nỗi đau mãi mãi không bao giờ bù đắp được!

Bà Lê Thị Minh (đứng ở giữa) cùng con gái Tuyết Mai (thứ hai bên phải sang) và con dâu tại cuộc triển lãm Ký ức thời hoa lửa.
Bà Lê Thị Minh (đứng ở giữa) cùng con gái Tuyết Mai (thứ hai bên phải sang) và con dâu tại cuộc triển lãm Ký ức thời hoa lửa.