Mặc dù còn không ít khó khăn, bất cập nhưng nhờ khả năng vượt khó và sáng tạo của người dân đã gợi mở những mô hình, cách làm hay về đánh bắt hiệu quả, nâng cao giá trị hải sản khi chế biến, bảo quản trên bờ. Theo đó, cùng với tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình đánh bắt, chế biến truyền thống, bà con đang nỗ lực đa dạng hóa các loại hình chế biến bảo quản, từng bước xây dựng các thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP và xuất khẩu.
Nghề cá truyền thống đang đối mặt với vô vàn khó khăn, hiệu quả đánh bắt kém khiến nhiều ngư dân bỏ tàu, chuyển nghề là điều không ai mong muốn. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu lại đội tàu đánh bắt một cách quyết liệt hơn.
Để làm rõ giải pháp này, chúng tôi xin dẫn ý kiến của ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và là chuyên gia về lĩnh vực thủy sản. Ông chia sẻ: Một thời gian dài, đội tàu đánh bắt của chúng ta tăng quá nhanh, cường lực khai thác quá mạnh khiến nguồn lợi thủy sản sụt giảm nhanh. Hiện Chính phủ đã phê duyệt Đề án quy hoạch thủy sản theo hướng giảm dần sản lượng khai thác, nên để nâng cao hiệu quả nghề cá, cần giảm cường lực đánh bắt. Theo đó, các địa phương cần giảm quy mô đội tàu đánh xa bờ ở mức hợp lý, cần có cơ chế giảm dần đội tàu đánh bắt gần bờ. Với trữ lượng hải sản hiện nay, Nghệ An có 3.400 tàu, trong đó, 1.200 tàu đánh bắt xa bờ, Nghệ An còn tới 2.000 tàu dưới 15m là quá nhiều.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả khai thác trên tàu xa bờ, cần có lộ trình động viên, cơ chế khuyến khích bà con ngư dân tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, chuyển đổi kỹ thuật đánh bắt theo hướng chú trọng đánh bắt những hải sản đặc trưng cho vùng biển và có giá trị kinh tế cao. Lấy ví dụ, bà con ngư dân ở tỉnh Phú Yên chỉ đánh bắt cá ngừ và nuôi tôm hùm xuất đi các nước. Khi nhận thấy chất lượng bảo quản cá chưa tốt, Nhật Bản đã cử chuyên gia sang để giới thiệu cách thức đánh bắt và bảo quản, chế biến cho bà con, nếu đạt yêu cầu sẽ nhập với giá trị cao nhất. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với cá tra, cá ba sa và một số hoa, quả khác khi xuất sang châu Âu, châu Mỹ cũng được các chuyên gia sang hướng dẫn.
Ông Nguyễn Chí Lương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cũng chia sẻ: Nghệ An đã từng có hải sản thế mạnh là cá thu, tôm biển, cá hố và mực do bà con đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ rất ngon đã trở thành thương hiệu riêng. Nay do khó khăn, nghề cá phải chấp nhận một khoảng lặng, khó khăn, giảm khai thác để phục hồi nguồn lợi thủy sản và không thể ra biển gặp gì bắt nấy mà phải biết lựa chọn con đánh bắt phù hợp với nghề của mình, ít nhưng được giá; không lạm dụng, đánh bắt tận diệt thì nghề cá Nghệ An mới mau chóng trở lại.
Ông Vũ Ngọc Chắt – Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) cho biết: Gần đây, trong khi tàu đi nghề vây của huyện Quỳnh Lưu gặp khó thì ngư dân Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) mua tàu vây về cải hoán đi đánh chụp hoặc pha xúc; tương tự ngư dân tỉnh Nam Định cũng đã mua lại tàu vây Nghệ An về cải tạo đi lưới rê bay, đánh cá thu, cá hố ở Vịnh Bắc Bộ. Để giữ nghề và tìm giải pháp cho nghề vây, Hội Nghề cá xã Quỳnh Long đang lập kế hoạch tổ chức cho đội ngũ thuyền trưởng tàu đi vây đi học tập công nghệ về quy trình kỹ thuật khai thác hải sản của tàu lưới vây đuôi nhưng chưa có kinh phí.
Ông Trần Xuân Nhuệ – Trưởng phòng Khai thác, Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng: Để hỗ trợ giảm chi phí cho ngư dân, nâng cao hiệu quả đánh bắt, từ năm 2020, Chi cục đã tham mưu cho tỉnh hỗ trợ thiết bị dò cá, máy tời thủy lực trên tàu đánh bắt xa bờ; hỗ trợ chuyển đổi bóng đèn sợi đốt sang đèn led, máy lọc nước biển sang nước ngọt, lắp đặt hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ PU…Tuy nhiên, mới chỉ chính sách hỗ trợ máy tời thủy lực được thông qua nên cần đề xuất bổ sung trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, về công nghệ bảo quản trên tàu cá và các kho đông trên bờ, mặc dù đã tuyên truyền, vận động nhưng chỉ có một số ít tàu cá đóng theo Nghị định 67 ứng dụng công nghệ PU làm hầm lạnh, còn lại do kinh phí lớn nên ngư dân chưa hào hứng. Về phía các cơ sở thu mua hải sản trên bờ, do giá cả bất bênh nên thay vì đầu tư kho đông lớn như trước đây, các chủ kho đông lựa chọn giải pháp linh hoạt, theo đó, nếu phải làm kho thì đầu tư công nghệ bảo quản đông lạnh hiện đại của Mỹ, Nhật để cấp đông hải sản có giá trị cao, bảo quản hải sản từ 3-6 tháng hoặc 12 tháng để xuất bán khi thị trường cần. Các hải sản nhỏ và tươi sống thì dùng xe đông lạnh chạy thẳng sang Lào, Trung Quốc… để giảm chi phí đầu tư kho bãi và tiền điện.
Mặc dù chưa thực sự đột phá nhưng hiệu quả của các làng nghề chế biến hải sản truyền thống là không thể phủ nhận. Nhờ các công ty và làng nghề sản xuất, chế biến nước mắm sản phẩm truyền thống mà mỗi năm có hàng chục ngàn tấn cá được tiêu thụ, giá trị tăng gấp đôi và gấp 3 so với ban đầu. Hơn nữa, hiện nay, trên cơ sở công nghệ chế biến truyền thống, nhiều cơ sở đã đầu tư máy hút chân không, kho tủ đông sau đó chế biến bảo quản thành cá, mực 1 nắng, đơn giản nhưng bảo quản lâu và giá trị tăng gấp 3 lần.
Bên cạnh đó, để phát triển nghề cá, cần mạnh dạn thu hút các dự án đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi hiện đại để sản xuất bột cá làm nguyên liệu cho thức ăn gia súc. Đây là lợi thế của ngành công nghiệp chăn nuôi, nhưng điều kiện là các nhà máy công nghệ mới, hiện đại, xa khu dân cư và không gây ô nhiễm môi trường… Hiện nay, ngoài 6 công ty chế biến hải sản và 4 cơ sở thu mua, chế biến bột cá tại các cửa lạch từ Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) cho đến Nghi Tân và Nghi Hải (TX. Cửa Lò), mỗi năm thu mua 22.000 tấn. Nghệ An cũng quy hoạch 14 cụm, trung tâm chế biến thủy, hải sản tập trung tại các cảng với diện tích gần 80 ha, trong đó, mới nhất là khu hậu cần nghề cá gần 35 ha tại Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận nhưng tiến độ triển khai khá chậm.
Song song với thực hiện các chính sách hỗ trợ để các sản phẩm thủy, hải sản đạt chuẩn OCOP hoặc chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tỉnh cũng cần tiếp tục hỗ trợ để các sản phẩm nông sản nói chung và hải sản nói riêng tham gia vào chuỗi giá trị, các siêu thị lớn. Hiện tại, tỉnh đã có các thương hiệu hải sản nổi tiếng như mực khô Quỳnh Lưu, nước mắm Quỳnh Dị; nước mắm Hải Giang 1 (TX. Cửa Lò), hải sản Biển Quỳnh… nhưng cần được hỗ trợ thêm để vào các siêu thị lớn.
Để ngành nghề chế biến hải sản phát triển, cần tìm ra lợi thế so sánh và lối đi riêng. Xin dẫn bài học của cơ sở chế biến chả cá Thành Giang ở xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Dù mới ra đời nhưng đã mở ra hướng mới trong chế biến hải sản vùng Tiến Thủy nói riêng và Quỳnh Lưu nói chung.
Mặc dù sản phẩm được thị trường ưa chuộng nhưng do chưa có thông tin sản phẩm và nhất là chưa được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất khó vươn xa. Ông Nguyễn Anh Hùng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có khá nhiều cơ sở chế biến chả cá, sản phẩm được thị trường ưa chuộng nhưng chưa có nhãn hiệu. Sau khi hỗ trợ làng nghề nước mắm Tân An xây dựng nhãn hiệu, hiện trung tâm đang được UBND huyện giao hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm nhãn hiệu chả cá và tư vấn các chính sách hỗ trợ.
Tương tự, ở vùng ven biển Diễn Châu lâu nay đã được người tiêu dùng biết đến với sản phẩm tôm nõn, bởi chính chất lượng, giá trị dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của sản phẩm.
Theo ông Lê Minh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh tôm nõn Diễn Châu cho biết: Nhìn nhận được những khó khăn trong phát triển thị trường cũng như tạo đầu ra ổn định cho nghề khai thác tôm của địa phương, năm 2016, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu được thành lập với 30 thành viên; các cơ sở sau khi sản xuất sẽ có người đứng ra thu mua đóng gói và tiêu thụ. Tháng 10/2017, sản phẩm tôm nõn Diễn Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và năm 2022 được UBND tỉnh công nhận 3 sao OCOP. Đến nay, toàn huyện Diễn Châu có gần 100 hộ chuyên sản xuất tôm nõn, tập trung ở 2 xã: Diễn Bích và Diễn Ngọc, theo phương pháp thủ công, truyền thống. Hàng năm sản lượng tôm nõn của địa phương khoảng trên 30 tấn tôm nõn, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 300 lao động vùng biển.
Nghề tôm nõn ở đây không chỉ tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng biển mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của Diễn Châu, đặc biệt là nâng cao giá trị hải sản sau đánh bắt.
Ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục Chế biến nông, lâm, thủy sản tỉnh cho biết: Trong khi chờ đợi làm hồ sơ để các thương hiệu hải sản Nghệ An được tham gia các chuỗi phân phối thì phát triển các hoạt động chế biến tại các làng nghề, bằng nghề thủ công nghiệp cũng là một giải pháp góp phần giải quyết đầu ra cho hải sản và giải quyết việc làm cho bà con. Khảo sát của ngành Nông nghiệp 5 năm lại đây cho thấy, trong số các làng nghề tiểu thủ công nghiệp thì làng nghề chế biến thực phẩm, hải sản tạo ra hiệu quả lớn nên cần khuyến khích phát triển.
Cùng với nguồn hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh, theo thông tin chúng tôi được biết, hiện có làng nghề nước mắm Tân An (An Hòa) và Hải Giang 1 (phường Nghi Hải) đang được Dự án khảo sát nâng cấp hạ tầng nông thông ven biển bền vững thuộc Chương trình JICA tài trợ trên 2 tỷ đồng để hỗ trợ làng nghề chuyển đổi hệ thống bể chượp nước mắm tại làng nghề bằng bê tông hoặc nhựa chuyển sang bể sành sứ. Ông Hoàng Đức Thương – Trưởng ban Quản lý làng nghề nước mắm Hải Giang 1 đánh giá: Đây là sự hỗ trợ vô cùng cần thiết giảm tiêu hao nguyên liệu và nâng chất lượng sản phẩm nước mắm. Hiện tại, gia đình ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua trên 50 chum sành sứ và máy lọc làm sạch nước mắm. Hiệu quả rất tốt, mỗi năm cơ sở gia đình sản xuất trên 300 ngàn lít. Ngoài sản phẩm, cơ sở còn là điểm dừng chân, thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm.