Nâng cao năng lực hệ thống thủy lợi: Bài cuối: Ứng phó bền vững với biến đổi khí hậu

Nghệ An đã hình thành một hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi đồng bộ với nhiều công trình, dự án trọng điểm như hồ Sông Sào, Vực Mấu, cống Nam Đàn, đê biển, hồ Bản Mồng, hệ thống Thủy lợi Bắc… Tuy nhiên, để đáp ứng với nhu cầu hiện đại hoá ngành Nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, hệ thống thủy lợi Nghệ An cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, đến nay Nghệ An đã xây dựng được 2.447 công trình thủy lợi, thủy điện lớn, nhỏ trong đó: 19 công trình thủy điện, 1.061 hồ chứa, 9 công trình đầu mối; 423 đập dâng, 702 trạm bơm, 252 công trình khác. Tỉnh có 2 hệ thống thủy lợi lớn là: Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An và Hệ thống Thủy lợi Nam Nghệ An, phục vụ sản xuất tưới, tiêu, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn.

Nhờ vậy, diện tích tưới ngày càng tăng, đối tượng được tưới mở rộng (lúa, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày), diện tích tưới bấp bênh ngày càng thu hẹp. Nếu năm 2005 diện tích được tưới là 84.600 ha (lúa 76.700 ha, rau màu và cây công nghiệp 7.900 ha), đến nay diện tích được tưới đạt hơn 93.000 ha.

Công trình thủy lợi được kiên cố, mức độ an toàn ngày càng cao, tổn thất nước giảm, diện tích chiếm đất của công trình thủy lợi ngày càng nhỏ. Công tác phòng, chống lụt bão ngày càng chủ động, vì vậy thiệt hại do lũ lụt ngày càng thấp…

Bơm chuyền dã chiến lấy nước từ lòng hồ Đồn Húng xa Hùng Thành (Yên Thành) ra tưới lúa. Ảnh: Văn Trường
Bơm chuyền dã chiến lấy nước từ lòng hồ Đồn Húng xa Hùng Thành (Yên Thành) ra tưới lúa. Ảnh: Văn Trường

Những năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng thủy lợi lớn như hồ Sông Sào, cống Nam Đàn, đê biển, hồ Bản Mồng, hệ thống thuỷ nông Bắc… Tuy nhiên, do hiện nay xu hướng hạn hán, cạn kiệt, đặc biệt là vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc ngày càng tăng, các công trình thủy lợi hầu hết đã được xây dựng từ những năm 60-70, nhiều công trình chưa được đầu tư tu sửa, nâng cấp kịp thời nên còn tiềm ẩn nguy cơ sự cố trong mùa bão. Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương còn thấp (đạt 49%),  hiện các công trình thủy lợi chỉ mới tập trung cấp nước cho lúa, đối tượng tưới là rau màu và cây công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ thấp (chiếm 7%). Việc thực hiện phương châm “Toàn diện, đồng bộ, dứt điểm” trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình chưa đạt được mục tiêu đề ra, vì vậy hiệu quả công trình chưa cao. Về hồ chứa vẫn cần khẩn cấp sửa chữa 252 hồ.

Tại Yên Thành, trong tháng 8/2021 đã phải xử lý rò rỉ, sạt lở trên 20 hồ chứa nhỏ ở các xã Quang Thành, Kim Thành, Minh Thành… Chủ yếu xử lý bằng đóng cọc tre, kè đá, bao cát để gia cố thân đập. Ngày 15/9 vừa qua, thân đập Bàn Vàng xã Tiến Thành đã xảy ra sự cố. Lực lượng chức năng đã phải huy động kịp thời gần 200 người tham gia ứng cứu, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ xã đã đắp gia cố hàn khẩu trên 350 m3 đất, cát, đá đảm bảo an toàn cho hạ du.

Ở huyện Đô Lương, hiện nay trên địa bàn đang có khoảng 5 công trình thuỷ lợi ách yếu đang cần phải sửa chữa, nâng cấp. Trong đó, nặng nề nhất là công trình cống lấy nước đập Ba Phi (Hiến Sơn), đập Cây Vông (Bắc Sơn), đập Róm (Giang Sơn Đông), đập Nhà Đồ (Bài Sơn), đập Khe Quýt (Hồng Sơn). Những ngày qua, trên địa bàn huyện Đô Lương có mưa rất to, đã khiến cho đập Róm tại xã Giang Sơn Đông bị rò nước và có nguy cơ bị vỡ, buộc chính quyền địa phương phải huy động lực lượng lớn dùng bao tải cát gia cố thân đập.

Ảnh: Phạm Tâm
Ảnh: Phạm Tâm

Thực trạng các hồ, đập ách yếu trên địa bàn huyện Thanh Chương cũng còn khá nhiều. Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng thực tế để có hướng chỉ đạo. Các địa phương có hồ, đập hàng năm trước mùa mưa lũ đều phải xây dựng phương án bảo vệ hồ đập và phòng chống thiên tai, trong đó giao cho Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Trước mùa mưa lũ Thanh Chương đã đề xuất sửa chữa cho 4 công trình, gồm đê sông Gang (Thanh Khai), đập Mục Lục (Thanh Chi), cống cây Bùi (Thanh Đồng), đập Ghé (Thanh Lâm), với tổng chi phí 5 tỷ đồng…

Từ năm 2018 đến nay, bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Nghệ An đã triển khai thi công, nâng cấp 33 hồ, với tổng kinh phí là 517,24 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn của WB là hơn 490 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 27 tỷ đồng.

Đến nay, Ban Quản lý dự án thuộc Sở NN&PTNT đã bàn giao 15 hồ chứa đưa vào sử dụng phát huy đảm bảo tích nước và cắt lũ. Hiện còn 18 hồ chứa đã thi công xong các hạng mục quan trọng vượt lũ, theo kế hoạch cuối năm 2021 sẽ bàn giao đưa vào sử dụng. Tính riêng năm 2021 UBND tỉnh cũng đã bố trí 34,20 tỷ đồng để sửa chữa các hạng mục công trình hư hỏng trước mùa mưa lũ; đã khởi công và đang thi công 29 công trình hồ, đập ách yếu, bị hư hỏng. Nhiều hệ thống thủy lợi đã được nâng cấp, xây dựng, góp phần hình thành một hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi khá đồng bộ. Nhiều dự án đã được hoàn thành như cống Nam Đàn, kênh mương Sông Sào, khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc; nâng cấp sửa chữa hồ Khe Lại – Vực Mấu. Có 30 hồ chứa ách yếu trên địa bàn tỉnh được nâng cấp; 70 công trình vùng miền núi được sửa chữa…

Công nhân xử lý điểm sạt lở kênh dẫn nước đập Cầu Cau xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Tiến Đông
Công nhân xử lý điểm sạt lở kênh dẫn nước đập Cầu Cau xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Tiến Đông

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết biến đổi thất thường. Lũ bất thường, lũ lớn và diễn biến mực nước trên các sông gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng chống lũ. Hạn hán ngày càng khắc nghiệt, mực nước trên các sông giảm mạnh. Nhiều trạm bơm dọc sông Lam thuộc các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, các trạm bơm trên sông Hiếu thuộc huyện Tân Kỳ có những thời kỳ phải dừng hoạt động do mực nước xuống quá thấp.

Để tăng khả năng ứng phó với bất lợi của thời tiết, nhiều giải pháp kỹ thuật cấp nước tưới nâng cấp, cải tạo các hệ thống thuỷ lợi, nhất là giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được ngành nông nghiệp chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện khẩn trương hoàn thành các dự án đã bố trí vốn để có thể sớm nâng cấp, sửa chữa nhanh đưa vào sử dụng các công trình thuỷ lợi. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn hán, thiên tai. Thực hiện nạo vét kênh mương dẫn nước, bổ sung các tuyến ống dẫn nước thô, bơm chuyền cho các công trình cấp nước tập trung vùng Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành…

Đợt hạn hán kéo dài năm 2020 đã khiến nhiều cánh đồng tại huyện Hưng Nguyên, Đô Lương khô cằn, nứt toác, nhiều diện tích lúa hè thu khô héo, hồ, đập lớn, nhỏ thì đều cạn kiệt nước. Ảnh: Quang An – Văn Trường
Đợt hạn hán kéo dài năm 2020 đã khiến nhiều cánh đồng tại huyện Hưng Nguyên, Đô Lương khô cằn, nứt toác, nhiều diện tích lúa hè thu khô héo, hồ, đập lớn, nhỏ thì đều cạn kiệt nước. Ảnh: Quang An – Văn Trường

Những năm gần đây, hệ thống đê dọc sông Lam đã được đầu tư nâng cấp một cách chắc chắn, mặt đê được rải nhựa, đổ bê tông đã góp phần nâng cao đời sống dân sinh và tạo thuận lợi cho việc tuần tra, ứng cứu đê khi cấp bách. Bên cạnh đó, theo chương trình nâng cấp các tuyến đê biển của Chính phủ, các đoạn xung yếu thuộc tuyến đê, kè biển dọc theo các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai cũng đã được đầu tư nâng cấp bảo đảm chống được gió bão từ cấp 8 đến cấp 10, gặp triều cao trung bình tần suất 5%… Tại các tuyến đê còn được xây dựng các đoạn đường cứu hộ, cứu nạn góp phần đảm bảo phục vụ cho công tác ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Ông Nguyễn Trường Thành cho biết thêm: Nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão, Chi cục Thuỷ lợi đã yêu cầu đối với các hồ chứa vừa và lớn, nếu các địa phương không đủ năng lực quản lý vận hành, không đảm bảo thì phải chuyển giao cho các Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi để quản lý, để có điều kiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo an toàn trong công tác an toàn phòng chống thiên tai. Với các hồ đập nhỏ, địa phương có nhiều ẩn họa trong mùa mưa bão, rất cần có kinh phí để nâng cấp, để đảm bảo tích nước phục vụ tưới, và an toàn trong mùa mưa lũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kiểm tra công tác vận hành hồ chứa nước Sông Sào. Ảnh: Tiến Đông
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kiểm tra công tác vận hành hồ chứa nước Sông Sào. Ảnh: Tiến Đông

Nghệ An đang tính đến các giải pháp mang tính đột phá để ứng phó với biến đổi khí hậu như: Tập trung giải quyết chống úng, đảm bảo tiêu thoát nước cho 50.000 ha vùng lúa Diễn – Yên – Quỳnh, Nam – Hưng – Nghi; Giải quyết tiêu thoát nước cho thành phố Vinh và vùng phụ cận; Giải quyết tiêu úng cho vùng hữu ngạn Thanh Chương và các vùng khác. Về chống lũ, tỉnh đang nâng cao tần suất đảm bảo chống lũ đê tả Lam cấp III từ 1,5% lên 1%; Nâng cấp, khép kín hệ thống đê tả, hữu Lam cấp IV đảm bảo chống lũ tần suất 2%, đê nội đồng đảm bảo chống lũ hè thu tần suất 10%. Nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông đảm bảo chống triều cường tần suất 5% kết hợp gió bão cấp 10.  Xây dựng các hồ chứa trên dòng chính để tham gia cắt lũ, bổ sung nước vào mùa kiệt, tham gia đẩy mặn vùng cửa sông và cải tạo môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực chỉ huy phòng chống lụt bão, công tác cứu hộ, giảm nhẹ thiên tai, phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo chống lũ,…