Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được kỳ vọng là công trình sẽ làm thay đổi diện mạo quốc gia, là huyết mạch giao thông kết nối các vùng kinh tế – văn hóa – xã hội từ Bắc vào Nam, mở rộng “cửa ngõ” phát triển kinh tế thông qua những lợi thế về hạ tầng kỹ thuật trọng điểm và phụ trợ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và cải thiện một bước mạnh mẽ đời sống dân sinh. Tuy nhiên, “siêu” dự án này trong quá trình thực hiện đã tác động đến hàng vạn hộ dân. Hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp và đất ở dân cư cũng được thu hồi, giải phóng mặt bằng để nhường vị trí cho tuyến đường chiến lược đi qua. Và dự án chỉ thành công khi nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Chúng tôi gặp ông Lê Thạc Xoan (SN 1949) và vợ là Nguyễn Thị Nghiêm (SN 1950) khi hai ông bà đang lom khom thu gom, nhặt nhạnh những thứ còn có thể sử dụng được từ căn nhà gia đình ông đã tiên phong tự dỡ bỏ. Trong mái lều dựng tạm ngay bên hành lang Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua xóm 7, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai), hai vợ chồng già xếp ngay ngắn tấm bài vị, bát hương, câu đối được tháo xuống từ bàn thờ của ngôi nhà cũ vào cuối năm 2021.
Ở xóm 7, xã Quỳnh Vinh, gia đình ông Lê Thạc Xoan từng có nơi ở “sang” nhất xóm. Đó là ngôi nhà hai tầng khang trang được xây dựng vào năm 2010 với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Nhưng gia đình ông cũng là hộ dân đầu tiên ở xóm Quỳnh Vinh phá dỡ nhà, tài sản để nhường mặt bằng cho dự án đường cao tốc. Cả nhà, đất ở, đất vườn với gần 400m2 gia đình ông được Nhà nước đền bù khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó nhà ở được đền bù 900 triệu, đất được đền bù gần 600 triệu đồng. Ngay sau khi phá dỡ nhà, bàn giao mặt bằng, gia đình ông đã mua một thửa đất 200 m2 (80m2 đất ở, 120m2 đất vườn) để xây nhà mới. Thửa đất cách ngôi nhà cũ vài trăm mét, cùng xóm 7 được gia đình mua với giá 650 triệu đồng, cao hơn 2 lần so với giá đền bù của Nhà nước.
Hỏi về hành động tiên phong của gia đình trong việc tháo dỡ nhà để nhường mặt bằng cho dự án, ông Lê Thạc Xoan cho biết, đây là công trình trọng điểm của Quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, gia đình có chịu thiệt một chút cũng không sao. Cả gia đình ông gồm vợ và 5 người con đều thống nhất cho hành động “lĩnh xướng” dỡ nhà, bàn giao mặt bằng cho dự án. “Ban đầu bà con cũng lời ra tiếng vào, nói gia đình tôi không ra gì, nhưng tôi nghĩ việc gì mình làm có lợi cho quê hương thì vẫn phải làm gương” – ông Lê Thạc Xoan nói. Được biết, việc ông Xoan tiên phong di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án còn nhờ vào sự vận động, thuyết phục của người cháu rể là ông Vũ Lê Hùng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh (ông Xoan là cậu ruột của vợ ông Vũ Lê Hùng).
Hay như trường hợp gia đình ông Bùi Văn Khính và vợ là Trần Thị Doan cũng ở xóm 7, xã Quỳnh Vinh. Bà Doan là em ruột liệt sỹ Trần Duân, lâu nay liệt sỹ đang được thờ trong gia đình ông bà. Khi dự án triển khai, chỉ sau 3 ngày được vận động, ông bà đã tự tháo dỡ nhà, chấp nhận lập bàn thờ tạm để hương khói cho liệt sỹ với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Một số trường hợp khác như gia đình ông Trần Huy Danh, khi dự án triển khai chưa lâu thì mẹ mất. Vượt qua những quan niệm tâm linh truyền thống, gia đình ông cũng đã đập nhà, di dời, lập bàn thờ tạm để hương khói cho người thân. Câu chuyện cảm động tương tự cũng đến từ xã Nghi Phương (Nghi Lộc), khi có một gia đình tại đây chủ động chuyển trước bàn thờ người thân vừa mất ra nơi ở tạm sau đó mới phá dỡ nhà ở để nhường mặt bằng thực hiện dự án.
Sự đồng thuận của người dân còn thể hiện qua việc chia sẻ khó khăn với tỉnh, với dự án trong việc bà con chấp nhận giá cả đền bù đất đai, nhà ở thấp hơn nhiều so với diễn biến thực tế của thị trường. Chẳng hạn như tại xã Diễn Đoài (Diễn Châu), đoạn cao tốc qua xã dài 3km, có 17 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp. Thời gian đầu các hộ này đều không đồng tình với phương án bồi thường GPMB, địa phương cũng đã lên phương án cưỡng chế. Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, thuyết phục người dân cũng đồng thuận với chủ trương.
Cùng với đó, có nhiều trường hợp, người dân khi chuyển đến các khu tái định cư phải mua đất diện tích nhỏ nhưng giá tiền lại cao hơn gấp 2, gấp 3 lần so với giá tiền đền bù tại nơi ở cũ nhưng phần lớn bà con đều chấp hành giải phóng mặt bằng.
Sự đồng thuận của người dân nhờ vào tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Như ở xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai), thời gian đầu, định kỳ một ngày trong tuần, xã gác lại việc giải quyết hành chính tại trụ sở để tất cả cán bộ, công chức, đoàn thể tỏa xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Cán bộ, công chức nào có người thân trong diện phải di dời thì đi vận động trước. Hộ dân nào nhận tiền đền bù sớm thì được ưu tiên lựa chọn vị trí tại khu tái định cư.
Hoặc như ở xã Hưng Trung (Hưng Nguyên), mỗi hộ dân khi di dời ra khu tái định cư, ngoài lô đất 300m2 theo quy hoạch để xây nhà ở mới thì được mua thêm các diện tích đất nếu trong gia đình có con trai cần ra ở riêng. Một cặp vợ chồng nếu có 2 người con trai chưa có đất thì được mua thêm 300m2/người. Ông Nguyễn Hữu Quyền, xóm Bùi Hạ, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) không giấu được phấn khởi cho biết: Đất cũ của gia đình hơn 1.000m2, rộng hơn tại khu tái định cư, nhưng nơi ở mới được quy hoạch tại vị trí thoáng, đẹp và khung giá đền bù đất ngang bằng với nơi ở cũ. Các hộ dân còn được đăng ký mua thêm diện tích đất ở cho con cái sau này, chính sách như thế rất được người dân đồng tình.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) cho biết thêm, được tỉnh và huyện quan tâm nên khu tái định cư cho các hộ bị thu hồi nhà và đất làm khá sớm, vị trí đẹp nên sau khi tỉnh và huyện làm thủ tục di dời, bố trí tái định cư xong, từ cuối năm 2021, người dân đã làm nhà mới, đồng thời từ sau Tết đã tháo dỡ nhà cửa để bàn giao cho dự án.
Còn tại huyện Yên Thành, dự án chỉ đi qua xã Đô Thành với chiều dài 3,76km, nhưng đã có tới hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, có những hộ xây dựng các công trình kiên cố vi phạm hành lang kênh Vách Bắc. Quan điểm ban đầu là những trường hợp này không được bồi thường. Tuy nhiên, theo như ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành thì khi người dân mua bán, chuyển nhượng đất đai đều có đóng dấu đỏ của chính quyền sở tại và nộp tiền thuế vào ngân sách địa phương nên phải được đền bù. Nói thêm về vấn đề này, ông Luyện Xuân Huệ – Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho rằng, các cơ quan chức năng đã xem xét, vận dụng cơ chế chính sách giúp đỡ cho người dân; việc đền bù cho bà con là hợp lý, thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đời sống dân sinh.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, ông Nguyễn Đức An – Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành đã có các chỉ đạo, những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn về chế độ chính sách cho các địa phương đầy đủ. Các địa phương vận dụng, hướng dẫn trên cơ sở các chế độ chính sách của tỉnh, Trung ương theo điều kiện của địa phương cụ thể.
Đại diện Ban quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải), ông Nguyễn Kim Cương – Phó Trưởng Phòng điều hành dự án 1 cho biết, khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB của các địa phương là việc đền bù giải phóng đất ở, di chuyển đường điện cao thế, đường thông tin tín hiệu, khu tái định cư. Trong quá trình triển khai Dự án đường bộ Cao tốc Bắc – Nam qua Nghệ An, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng các địa phương nơi dự án đi qua tập trung phối hợp với địa phương cùng Ban Quản lý dự án 6 đẩy nhanh đền bù đối với các hộ dân, đẩy nhanh công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng ra khỏi phạm vi dự án. Ngoài việc cử các cán bộ làm việc thường xuyên với các Hội đồng GPMB với địa phương, hàng tuần Ban QLDA 6 còn tổ chức họp với hội đồng địa phương để đánh giá kết quả đã thực hiện.
Nhờ tinh thần sẻ chia, đồng thuận của người dân, đến nay Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua Nghệ An với chiều dài 87,84km đã hoàn thành giải phóng mặt bằng với tỷ lệ hơn 99,6%. Hy vọng với sự đồng hành, hỗ trợ của người dân nơi tuyến đường đi qua, diện mạo của một công trình trọng điểm quốc gia sẽ góp phần thay đổi kinh tế – xã hội, đời sống của người dân ở tỉnh trung tâm Bắc miền Trung./.