Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ lãnh đạo chủ chốt cơ sở – Kỳ cuối: Tăng cường gặp gỡ, mở rộng đối thoại

Nghệ An đang bước vào “quỹ đạo” phát triển mới với cơ hội và thời cơ hết sức thuận lợi. Cùng với nền tảng kinh tế – xã hội khá vững chắc thời gian qua, tỉnh có thêm các xung lực mới, đó là ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 39 – NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đây là cơ sở chính trị đặc biệt quan trọng để cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu đặt ra. Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thiện và trình Thủ tướng, khi được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, định hướng thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Ảnh: Thành Duy
Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Ảnh: Thành Duy

Tại Chương trình gặp mặt, đối thoại năm 2023 với đội ngũ bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã bổ sung nhận thức mới về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo của tỉnh theo Nghị quyết số 39 – NQ/TW của Bộ Chính trị và dự thảo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; gắn với đó là 3 quan điểm phát triển, 2 khu vực động lực tăng trưởng, 4 hành lang kinh tế và 6 trung tâm đô thị.

Trên tinh thần đó, Thường trực Tỉnh ủy mong muốn, hơn 1.100 lãnh đạo chủ chốt cấp xã trong toàn tỉnh, nêu cao tinh thần quyết tâm đổi mới, hoàn thiện kỹ năng, phương pháp, lề lối, tác phong lãnh đạo, quản lý; trau dồi năng lực dự báo, dự đoán, phân tích và nắm bắt các vấn đề nhạy cảm, phát sinh từ cơ sở để chủ động xử lý thuộc thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên; bám sát thực tiễn, sử dụng và huy động hiệu quả các nguồn lực để xây dựng, phát triển những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo để nhân rộng; kịp thời góp ý những chủ trương, quyết sách của Trung ương, tỉnh, huyện không phù hợp, không hợp lý để điều chỉnh; tăng cường vận động, đối thoại với nhân dân thực tâm, thực chất.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu tại Chương trình gặp mặt, đối thoại năm 2023. Clip: Lâm Tùng

Thường trực Tỉnh ủy cam kết luôn đồng hành và hết sức tạo điều kiện để các lãnh đạo chủ chốt cơ sở có cơ hội thể hiện, trưởng thành. “Rất mong các đồng chí nỗ lực, cố gắng, vượt lên, cùng với tỉnh để chúng ta vận dụng tốt, tranh thủ tốt, phát huy tốt thời điểm thuận lợi này để bứt tốc đi lên”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh tại Chương trình gặp mặt, đối thoại vừa qua.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An về cơ sở thăm hỏi, động viên người dân. Ảnh: T.D - T.L - P.B - T.C
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An về cơ sở thăm hỏi, động viên người dân. Ảnh: T.D - T.L - P.B - T.C

Tại Thông báo kết luận về Chương trình gặp mặt, đối thoại năm 2023, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu: Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng cho mình đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, gần gũi với nhân dân. Gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, đồng thời sâu sát cơ sở, nắm vững thực tiễn; tiên phong ứng dụng chuyển đổi số, cải cách hành chính. Chủ động tham mưu nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân. Có tinh thần đổi mới, sáng tạo, tận tâm, tận tụy trong công việc; tận tình, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của xã, phường, thị trấn.

Trò chuyện với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên) Lê Viết Hùng chia sẻ: “Tôi cảm nhận không khí chương trình gặp mặt, đối thoại hết sức chân tình, cởi mở. Thường trực Tỉnh ủy thẳng thắn, vừa trao đổi, vừa động viên để lãnh đạo chủ chốt cấp xã yên tâm công tác. Đặc biệt, qua trao đổi của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi nắm rõ hơn, vững tin hơn đường hướng phát triển của tỉnh để vừa phát triển nhanh, bền vững, vừa đảm bảo bản sắc, truyền thống của quê hương”.

Đồng chí Lê Viết Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) trao đổi với phóng viên. Clip: Thành Duy - Lâm Tùng

Để tiếp nhận, xử lý, tiếp thu ý kiến của nhân dân, lãnh đạo, cán bộ từ cơ sở, có nhiều kênh được Nghệ An thực hiện, trong đó đạt hiệu quả cao là kênh đối thoại, nổi bật là trong 5 năm qua đã tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với đội ngũ bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND cấp xã; và với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh; mỗi cuộc 2 lần.

Chính việc làm gương từ tập thể đứng đầu Đảng bộ tỉnh đã tạo thành nền nếp trong đổi mới lề lối làm việc ở các cấp. Mở rộng, tăng cường đối thoại, nhất là đối với các lĩnh vực, chủ đề nóng, còn vướng mắc, bất cập, để kịp thời nắm bắt, giải quyết… được tổ chức đều ở các từ tỉnh đến huyện, xã và trong các ngành. Từ đó, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tại huyện Nam Đàn, đồng chí Nguyễn Duy Thảo – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy chia sẻ: Sau khi đạt huyện nông thôn mới năm 2017 có tư tưởng thỏa mãn, bằng lòng nên triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu rất khó khăn, chuyển biến chậm. Trước tình hình đó, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo các xã, thị trấn đã tổ chức đối thoại với bí thư, xóm trưởng và người dân để đả thông tư tưởng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vì vậy đến nay, cấp huyện đã đạt 32/42 nội dung Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu, có 9/18 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu…

Thường trực Huyện ủy Nam Đàn tổ chức đối thoại với bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận; Lãnh đạo huyện Nam Đàn trao đổi với lãnh đạo xã Nam Nghĩa. Ảnh: Thanh Lê
Thường trực Huyện ủy Nam Đàn tổ chức đối thoại với bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận; Lãnh đạo huyện Nam Đàn trao đổi với lãnh đạo xã Nam Nghĩa. Ảnh: Thanh Lê

Sau khi sáp nhập xóm rộng, dân đông, cán bộ xóm làm việc vất vả, trong khi đó phụ cấp lại thấp… vì vậy, tư tưởng của cán bộ ở xóm, khối không yên tâm công tác, có nhiều trường hợp muốn xin nghỉ. Nắm bắt tình hình, năm 2022, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện Nam Đàn đã tổ chức hội nghị đối thoại với tất cả bí thư chi bộ; xóm, khối trưởng; trưởng ban công tác Mặt trận.

“Sau các cuộc đối thoại đã giải quyết, giải thích, làm rõ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhân dân, cán bộ khối, xóm; làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào lãnh đạo, giảm đơn thư, điểm nóng phức tạp; xã hội ổn định, hệ thống chính trị vững mạnh để phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh”, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn nói.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương và xã Thanh Lĩnh kiểm tra mô hình chuyển đổi cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo huyện Thanh Chương và xã Thanh Lĩnh kiểm tra mô hình chuyển đổi cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Thanh Lê

Đồng chí Phan Thanh Đoài – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 2.818 hội nghị tiếp xúc, đối thoại chuyên đề, định kỳ và đột xuất (cấp tỉnh 5 cuộc, cấp huyện 207 cuộc, cấp xã 2.606 cuộc), với tổng số 195.853 lượt người tham gia. Tổng số ý kiến được tập hợp là 23.345. Tổng số ý kiến được giải quyết tại hội nghị là 22.154 (đạt 94,9%), trong đó: Cấp tỉnh có 30 ý kiến (đạt 90%), 28 ý kiến sau hội nghị, đến nay, đã được giải quyết (còn 2 ý kiến đang từng bước được giải quyết, đó là: Hỗ trợ xây dựng nhà trọ, nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi cho công nhân); cấp huyện có 1.414 ý kiến được giải quyết tại hội nghị (đạt 95%), 74 ý kiến giải quyết sau hội nghị, còn 47 ý kiến chưa được giải quyết; cấp xã có 20.749 ý kiến được giải quyết tại hội nghị (đạt 95%), 589 ý kiến giải quyết sau hội nghị, còn 442 ý kiến, phản ánh chưa được giải quyết.

Tháng 8/2023, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy định về việc “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, do đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn khảo sát đã có cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An.

Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đoàn khảo sát đã ghi nhận, đánh giá cao Nghệ An kết quả cụ thể hóa Quyết định 218-QĐ/TW vào thực tiễn cuộc sống; đặc biệt là có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tiêu biểu như tổ chức đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo quản lý, chuyên viên cấp phòng Khối Các cơ quan tỉnh và với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã. Đây đều là những mô hình hay, có thể xem xét để đề xuất nhân rộng cả nước.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An ủng hộ việc tiếp tục ban hành quy định mới song cần phải có những thay đổi để theo kịp bối cảnh hiện nay; đặc biệt là Trung ương nên quy định một quy trình tiếp nhận, xử lý góp ý của người dân thống nhất trong toàn quốc, tránh mỗi tỉnh có một cách làm khác nhau, mỗi tổ chức chính trị – xã hội lại thực hiện theo ngành dọc từ Trung ương về dẫn đến không đồng bộ.

Đặc biệt, chỉ ra “3 cái khó” mà Nghệ An gặp phải từ thực tiễn thực 10 năm thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An kiến nghị Trung ương cần có giải pháp để khơi gợi được góp ý của nhân dân cho cá nhân, nhất là cho người đứng đầu các tổ chức, đơn vị và đảng viên; cũng như những ý kiến xác đáng, hiến kế, sáng kiến để xây dựng Đảng, chính quyền hiệu quả hơn; gắn với đó ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc tổng hợp, theo dõi và xử lý các ý kiến góp ý của người dân.

Có thể khẳng định, tại Nghệ An, cấp ủy, chính quyền đã rất chủ động trong tổ chức các cuộc đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nhiệm vụ chính trị lớn của tỉnh, hoặc nguy cơ tiềm ẩn phức tạp để đối thoại; từ đó đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo nhận thức chung, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân; để từ đó chung sức, đồng hành tháo gỡ khó khăn, không để phát sinh “điểm nóng”; làm nền tảng, tiền đề vững chắc cho sự phát triển.

Một góc thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường
Một góc thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường