Kỳ 2: Giải pháp để xe dù “tự triệt tiêu” tiến tới xóa bỏ

Cơ quan chức năng đều đưa ra rất nhiều lý do dẫn đến khó khăn trong xử lý vi phạm của xe dù, thậm chí kể cả khi qua kinh nghiệm nghiệp vụ đã biết chắc đó “100% là xe dù”. Vậy làm sao để dẹp được vấn nạn này ? Đó là câu hỏi mà rất cần được trả lời thỏa đáng với những giải pháp căn cơ, đủ mạnh.

Như Báo Nghệ An đã phản ánh ở kỳ trước, cánh lái xe dù đang sử dụng rất nhiều chiêu trò để đón, trả khách mà không bị lực lượng chức năng xử lý. Vậy những chiêu trò đó có qua mắt được cơ quan chức năng hay không? Phóng viên Báo Nghệ An đã có một chuyến thị sát tình trạng xe dù trên địa bàn TP Vinh cùng với lực lượng Thanh tra của Sở GTVT Nghệ An để tìm câu trả lời. Ngồi trên xe cùng phóng viên là 3 cán bộ thanh tra, trong đó có ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An.

Làm sao để nhận biết đó là xe dù nếu lái xe không đón khách? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ Thanh tra khẳng định: “Về chuyên môn chúng tôi nhìn được, biết được chắc chắn đó là xe dù. Các xe này chia nhau giờ chạy để không trùng lặp nhau. Khi chưa đến giờ chạy, các xe này thường đậu trong các ngõ ngách để tránh bị phạt lỗi đậu xe không đúng nơi quy định. Bây giờ nó hoạt động chủ yếu tập trung vào các sân bệnh viện, sân bay, nó đứng đó mời khách luôn. Tại đường Nguyễn Sỹ Sách, có một quán cà phê là nơi mà cánh lái xe dù thường tập trung trong thời gian đợi khách”. Chỉ tay 1 chiếc xe Ford Everet đang chạy phía trước, một cán bộ Thanh tra khẳng định chắc nịch: “Chiếc này 100% là xe dù. Nhưng để xử lý xe dù không đơn giản, phải bày binh bố trận, có đủ cơ sở chứng cớ thì mới xử lý được”.

Đối với xe có phù hiệu hợp đồng chạy như xe dù, thì như ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, loại hình này bắt nguồn từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một số người dân trong tỉnh mua xe ở các tỉnh, thành khác về để chạy, thậm chí là mua phù hiệu hợp đồng. “Có những tỉnh cấp phù hiệu hợp đồng đến 10 năm, nên khi đưa xe về Nghệ An chạy thì vẫn có hiệu lực. Thậm chí, có những nơi cấp theo đời xe luôn, ví dụ xe còn 7 năm thì cấp 7 năm, xe hết thời hạn sử dụng thì phù hiệu cũng hết hiệu lực luôn”, ông Lý vừa nói vừa chỉ tay về một chiếc xe 16 chỗ phía trước và cho biết, loại này trên xe có một tập hợp đồng. Trong hợp đồng ghi chung chung là đón khách ở TP. Vinh, trả khách ở huyện Yên Thành. Bắt được khách nào lên thì có lái xe chịu khó viết ra.

Trong hơn 1 giờ đồng hồ cùng các cán bộ Thanh tra Sở GTVT Nghệ An đi trên nhiều tuyến đường ở TP Vinh, rất nhiều xe ô tô được các cán bộ này khẳng định chắc chắn “100% là xe dù”. Nhiều lái xe đã trở nên quen mặt với cán bộ thanh tra giao thông, nhiều xe đã từng bị lập biên bản và nay vẫn tiếp tục hoạt động. “90% dòng xe Isuzu, Ford Everest 7 chỗ trên địa bàn tỉnh là xe dù, vì rất ít người dân mua xe này để sử dụng chở người thân trong gia đình. Hiện có 3 tuyến là Vinh – Hoàng Mai, Vinh – Đô Lương và Vinh – Anh Sơn đang có số lượng xe dù nhiều nhất. Bây giờ, những người đang chạy xe dù là những người có am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm chạy xe, có quan hệ và thuộc hệ “cứng đầu”, một cán bộ thanh tra sở khẳng định.

Đồng tình với việc, để nhận diện xe dù là không khó nhưng để xử lý thì không hề đơn giản, Trung tá Nguyễn Duy Hà – Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Vinh cho rằng, để xử lý được xe dù, lực lượng CSGT Công an TP Vinh phải hóa trang vào vai hành khách đi xe để có đủ chứng cứ khẳng định chủ xe đang kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, đội còn kết hợp chuyên đề về kiểm tra nồng độ cồn, từ đó kiểm tra hình ảnh từ camera trên các trục đường chính, hay như phía trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cho cán bộ cài cắm ghi lại hình ảnh những xe có quy luật hoạt động hàng ngày, nghi vấn là kinh doanh vận tải để trích xuất camera chứng minh cho lái xe, làm căn cứ xử phạt.

“Từ phổ thông thì hay gọi là xe dù, nhưng trong luật thì gọi là xe vận tải khách không có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Những xe có phù hiệu hợp đồng thì hoạt động như xe dù, chẳng qua xin phù hiệu để trá hình mà thôi”, ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An nói.

“Để xử lý xe dù là rất khó”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Công Lý – Phó chánh Thanh tra Sở GTVT trong buổi làm việc chính thức với phóng viên. “Dạo trước xe dù chạy vào thành phố Vinh, thường “nằm nghỉ” hai bên đường đợi đến giờ đón khách, nay lại chui vào các bãi đỗ xe của các bệnh viện, mời chào, tìm đến những người cùng địa phương mà lúc chở đi phát hiện qua giọng nói…”, ông Lý cho biết và nói thêm rằng, trước đây các xe này chạy vào các điểm chờ xe buýt để bắt khách, thì nay chủ yếu liên lạc qua điện thoại.

Về chuyên môn nghiệp vụ, chủ quan thì có thể kết luận đó là xe dù, nhưng để chứng minh được hành vi là khó. Nếu muốn xử lý xe dù thì thanh tra phải lên phương án, kế hoạch cụ thể, chứ không thể dừng xe tùy tiện được. Bên cạnh đó, thanh tra giao thông còn phải kiểm tra xử lý nhiều vấn đề khác như xe quá tải, quá khổ…, trong khi lực lượng mỏng nên không thể tập trung vào xử lý xe dù được.

Lực lượng thanh tra giao thông là vậy, còn theo Trung tá Nguyễn Duy Hà – Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Vinh, để xử lý được xe dù, lực lượng CSGT Công an TP Vinh đã sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt, từ nắm bắt thông tin, xử lý, tuyên truyền cho lái xe, người dân… nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Loại xe này phần lớn từ 7-9 chỗ hòa nhập vào dòng xe lưu thông trên đường, mà phần lớn là vào giờ cao điểm nên ngoài việc khó phát hiện thì còn khó khăn trong việc xử lý, bởi đây là thời điểm lực lượng phải tập trung cho việc chống ùn tắc. Chưa kể, phần lớn trường hợp kiểm tra xe thì khách đi xe đều không hợp tác với lực lượng chức năng, đều nhận lái xe là người nhà.

Nói về việc hóa trang để kiểm tra xử lý, Trung tá Hà cho rằng, “đội chuyên đề” tất cả 10 cán bộ, chiến sĩ và 1 chỉ huy, ngoài làm những nhiệm vụ chung, còn đồng thời phải triển khai nhiều chuyên đề, bởi vậy không thể đủ quân số để hóa trang, bám theo một chuyên đề (như xe dù – PV) trong một thời gian dài. Ngoài ra, việc hóa trang cũng chỉ trong một thời điểm triển khai chuyên đề khi được sự đồng ý của cấp trên, còn lực lượng đều phải công khai. Vì vậy, khi phóng viên  đề cập được đi cùng lực lượng cảnh sát giao thông để có được hình ảnh xử phạt với xe dù thì bị từ chối, bởi không có chuyên đề nên cảnh sát giao thông không có lý do để dừng xe dù kiểm tra…

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay một vấn đề khó nữa là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư 63 của Bộ GTVT đều chưa quy định chặt chẽ đối với loại hình này. “Trong Nghị định 86 thì chưa quy định những xe dưới 9 chỗ ngồi được tham gia vận tải khách, trừ xe taxi. Trong khi số lượng xe taxi trên địa bàn tỉnh đã đạt ngưỡng theo quy hoạch đến năm 2020. Hơn nữa, những chiếc xe dù này có thời gian sử dụng thường trên 20 năm nên sẽ không đủ điều kiện để được làm xe taxi. Còn nếu muốn xin phù hiệu hợp đồng thì ở địa bàn thành phố phải có 5 xe, ở huyện phải có 3 xe”, ông Lý cho biết.

Thực tế, trong công tác hạn chế tiến tới xóa bỏ xe dù lâu nay vẫn dồn vào 2 lực lượng chính là Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Theo Thượng tá Nguyễn Nam Hồng – Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An, việc xử lý xe dù, ngoài triển khai cụ thể theo chuyên đề, hàng tháng phòng đều đưa vào chỉ tiêu cho các đội. Tuy nhiên, phòng cùng một lúc cũng phải đảm bảo các chỉ tiêu về kiểm tra, xử lý các lỗi khác như nồng độ cồn, ma túy, quá tốc độ…, bởi vậy không thể tập trung vào riêng lĩnh vực xe dù.

Trong khi 2 lực lượng nói trên “than” khó xử lý xe dù,  thì “bóng dáng” của chính quyền địa phương các cấp hầu như không thấy. Thanh tra giao thông – Sở GTVT thẳng thắn đánh giá, sự ra quân của các cấp, ngành, chính quyền các địa phương không thường xuyên, liên tục, chưa quyết liệt. Loại xe này xuất phát từ địa phương, nhưng chính quyền địa phương nơi có xe dù hoạt động chưa vào cuộc để giải quyết.

Trước vấn nạn xe dù đang lộng hành, tạo vấn đề xã hội nhức nhối, ngày 26/10/2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 8234/UBND-CN về việc thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ xe ô tô chở người từ 5 đến dưới 12 chỗ tham gia vận tải khách trái quy định trên địa bàn. Công văn yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với xe ô tô chở người loại từ 5 chỗ đến dưới 12 chỗ tham gia kinh doanh vận tải trái phép. Đồng thời yêu cầu Công an tỉnh lập kế hoạch, mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các xe ô tô chở người từ 5 chỗ đến dưới 12 chỗ hoạt động vận tải khách trái quy định trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã phải chỉ đạo Ban ATGT cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã khảo sát, thống kê, lập danh sách các chủ xe cá nhân từ 5 đến 12 chỗ có dấu hiệu sử dụng loại xe này tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách. Tổ chức ký cam kết, chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định các vi phạm đối với loại xe này. Riêng UBND TP Vinh, tỉnh yêu cầu phải chỉ đạo Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô trên địa bàn, đặc biệt là đối với các xe ô tô chở người từ 5 chỗ đến dưới 12 chỗ.

Mặc dù UBND tỉnh không đặt ra thời hạn xóa bỏ xe dù cụ thể, nhưng qua ý kiến của các lực lượng chức năng có thể thấy, việc xóa bỏ được xe dù là rất gian nan. Nhiều ý kiến cũng công nhận rằng, xe dù đang trở thành  vấn nạn nhức nhối, nguy cơ phá vỡ trật tự vận tải và kéo theo các hệ lụy xã hội… Loại xe này không còn hoạt động chui lủi mà công khai dưới nhiều hình thức, trong khi nhà nước vẫn chưa thể định hình tên gọi, cách quản lý. Vì thế, để giải quyết vấn nạn này, có 4 giải pháp cần thiết là “định danh” cụ thể thế nào là loại hình xe dù; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; nâng cao chất lượng quy hoạch tuyến và bản thân nhà xe tuyến cố định phải đồng thời cải thiện chất lượng phục vụ…

Nhà nước cũng cần tăng mức xử phạt và có thể tạm giữ phương tiện, tạm giữ bằng lái xe dài hạn đối với những xe cố tình vi phạm nhiều lần. Đối với những xe hợp đồng trá hình, xe bỏ bến thì cương quyết thu hồi phù hiệu và tuyệt đối không cấp mới phù hiệu hợp đồng cho những doanh nghiệp có xe vi phạm nói trên. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm đối với những đơn vị vận tải có nhiều xe vi phạm, kéo dài, hệ thống. Cùng đó, bố trí điểm dừng đón trả khách phù hợp với thực tế, tăng cường mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt giữa địa phương với trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho xe trung chuyển kết nối tuyến cố định với hành khách. Khi những giải pháp này được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả, vấn nạn xe dù sẽ có thể từng bước “tự triệt tiêu” và thuận lợi cho việc xóa bỏ.

  • Từ tháng 10/2018 đến nay, phòng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An đã xử lý được 36 trường hợp xe dù, phạt chuyển Kho bạc Nhà nước 306 triệu đồng.
  • Từ tháng 11/2018 đến nay, Đội CSGT Công an TP Vinh xử lý 121 trường hợp xe dù, thu nộp Kho bạc Nhà nước 875 triệu đồng.
  • Thanh tra Sở GTVT năm 2018 đã xử lý 65 trường hợp xe dù. Từ đầu năm 2019 đến nay, lại mới chỉ xử phạt được 1 trường hợp.