Kỳ 1: “Bắt cóc bỏ đĩa”

Từ những tháng cuối năm 2018, các lực lượng chức năng đã tăng cường ra quân kiểm tra, xử phạt những trường hợp vận tải khách không có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (xe dù). Không thể phủ nhận những kết quả bước đầu từ các đợt ra quân này, nhưng nhìn vào thực tế đang diễn ra cho thấy, kết quả không như mong muốn, chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

8h sáng ngày đầu tháng 4/2019, bãi đậu xe ngoài hàng rào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chật ních, hầu như không còn chỗ trống. Sẽ không có gì bất thường,  nếu như trong hàng trăm chiếc xe đậu ở đây có gần 30 chiếc xe 7 chỗ các loại Isuzu, Ford Everest,…; mà theo một người hoạt động dịch vụ thường xuyên ở cổng bệnh viện này cho hay, đó là những chiếc xe dù đang chờ khách – những người đang đi khám bệnh.

“Những chiếc xe này sau khi chở khách từ nhà vào bệnh viện đi khám bệnh thì đậu ở bãi gửi xe của bệnh viện để chờ khách khám xong là chở về. Họ không đậu ngoài đường như trước vì như thế có thể bị “bắt”, họ sẵn sàng mất 10.000 đồng tiền gửi xe, như thế sẽ an toàn hơn”, người đàn ông này nói và cho biết thêm rằng, cứ xe này đi thì có xe khác đến nên bãi gửi xe không khi nào hết xe dù.

Khoảng 11h, một nhóm người trên tay còn cầm các phiếu xét nghiệm, phim chụp X-quang được một người đàn ông dẫn ra cổng bệnh viện, sau đó bước lên một chiếc xe BKS 37A-356… đang đậu sẵn. Khi mọi người đã yên vị, lái xe đảo mắt quan sát, khi cảm thấy an toàn thì cho chiếc xe từ từ lăn bánh. Sau khi chiếc xe ra đến Đại lộ Lê nin thì lái xe đạp ga chạy thẳng hướng Sân bay Vinh. Phóng viên bám theo, khi chiếc xe chạy đến cổng Bệnh viện 115, lái xe vội tấp vào lề, bước xuống và mở cửa cho một người đàn ông lên xe. Lúc này, ngoài tài xế thì trên xe có đến 8 người, vì không thể bắt thêm khách nữa nên chiếc xe cứ thế lao vun vút, không quan tâm những người đang đứng bên đường vẫy tay “xin xe” nữa.

Dạo một vòng các bệnh viện khác như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình… trong sân của bệnh viện xuất hiện nhan nhản những chiếc xe như trên. Thổ lộ từ một người đàn ông từng chạy xe dù tuyến Quỳnh Lưu – Vinh cho biết, sau khi cơ quan chức năng ra quân quyết liệt, cánh lái xe dù chọn cách an toàn hơn là đậu xe trong sân bệnh viện. Khi chở khách vào TP. Vinh, lái xe đã cho số điện thoại của mình nên khi hành khách khám xong, họ chỉ cần “a lô” là lái xe có mặt đến đón. Không chỉ có những khách “ruột”, lái xe dù còn nhanh nhạy “bắt khách” nhờ dựa vào nghe giọng nói từng địa phương.

Sau nhiều ngày theo dõi, phóng viên nhận thấy một thủ đoạn tinh vi của cánh lái xe dù là nhiều khi họ không trực tiếp bắt khách mà “thuê” đội quân xe ôm. Tại cổng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, phóng viên chứng kiến cảnh những người lái xe ôm chở kẹp 2, kẹp 3 khách từ trong cổng bệnh viện ra, sau đó chạy lại một chiếc xe ô tô đậu sẵn bên đường. Tìm hiểu được biết, những người xe ôm này phụ trách gom khách tại các điểm đón, trả của xe buýt, khi đủ khách liền liên hệ xe dù đến “bốc” đi. Mỗi khách đón lên xe, tài xế xe dù phải trả “tiền cò” cho xe ôm, từ 5.000 -10.000 đồng/khách.

Tiếp cận hỏi chuyện một người đang ngồi chờ xe dù – ông Tạ Văn Thắng (trú xã Bắc Thành, huyện Yên Thành), ông cho biết, mỗi lần đi vào Vinh để khám bệnh, ông chỉ cần gọi điện sẽ có xe đón tận nhà, khám xong ra cổng mất 5.000 -10.000 đồng xe ôm, họ sẽ chở đến chỗ đậu xe dù để về, tất cả chỉ hết khoảng 50.000 – 60.000 đồng/một chiều, nếu đi xe buýt thì 35.000 đồng. Biết thêm, ngoài việc gom khách, đưa, đón khách đến điểm dừng đỗ, những người lái xe ôm ở cổng bệnh viện còn kiêm luôn nhiệm vụ cảnh báo khi có người của cơ quan chức năng kiểm tra. Thậm chí, đối với những khách đón xe có biểu hiện “không bình thường”, họ cũng liệt vào diện cần cảnh giác và “giám sát” liên tục.

Tuy nhiên, không phải lái xe nào cũng chọn sân bệnh viện để đón khách. 8h30’ ngày 2/4, trong vai hành khách, phóng viên đứng đợi ở trạm chờ xe buýt trên đường Lê Lợi (TP. Vinh). Chỉ ít phút sau, chiếc xe BKS 37A-3935… chạy tới, áp sát vào trạm chờ dù lúc này bên trong vẫn còn 2 chiếc xe buýt đang đón khách. Một người phụ nữ ngồi ghế phụ ngoái cổ ra hỏi “Hoàng Mai không”?. Khi nhận được cái gật đầu của phóng viên, tài xế vội dừng xe, chạy xuống mở cửa để đón khách mà không hề quan tâm rằng, một chốt cảnh sát giao thông đang đứng gần đó. Lúc này, trên xe đã có 4 hành khách, phóng viên ngồi hàng ghế sau. Chiếc xe chạy ra đến đường Mai Hắc Đế thì tiếp tục dừng lại và đón thêm 2 hành khách khác.

Tài xế là người đàn ông chừng 55 tuổi, liên tục đảo mắt qua gương chiếu hậu để quan sát các hành khách như dè chừng. Khi đến cầu vượt Nghi Kim (xã Nghi Kim, TP. Vinh), lái xe không chạy lên cầu như thường lệ mà chạy sát dưới chân cầu, sau đó rẽ vào con ngõ 286, đường Thăng Long. Xe vòng vèo trong ngõ rồi ít phút sau chạy ra thẳng tuyến Quốc lộ 1A cũ bám sát đường tàu ở xóm 15, xã Nghi Kim. Một hành khách thắc mắc vì sao lại chạy vào đường ngõ này, thì lái xe cho biết,  để cho an toàn vì phía dưới chân cầu đối diện Bến xe Bắc Vinh có một chốt CSGT, nếu bị thổi dừng xe thì khắc sẽ bị phạt lỗi. Điều đặc biệt là trong quá trình chạy trên đường, chiếc điện thoại của lái xe không khi nào được nghỉ. Tài xế một tay lái xe, một tay cầm điện thoại và liên tục trao đổi “thông tin”: Có chốt không, xe nào chạy trước, có khách ở đoạn… không?…

9h30’ sáng 3/4, cũng trong vai một hành khách, phóng viên đứng đón xe tại điểm chờ xe buýt gần chợ Quán Bánh (phường Hà Huy Tập, TP. Vinh). Vờ bỏ lỡ các tuyến xe buýt, phóng viên cố đợi để được lên những chiếc xe dù. Trong gần 30 phút có tới 3 chiếc xe 7 chỗ có ý đi chậm lại, trong đó 2 xe, tài xế vươn sang hỏi “Hoàng Mai không”, “Yên Thành không” rồi vội chạy thẳng không kịp nghe trả lời, tiếp đó một xe tạt vào nhưng cũng nhanh chóng bẻ lái đi thẳng. Đang khá băn khoăn, nhìn sang phía ngã tư thì thấy lực lượng cảnh sát giao thông, mới vỡ lẽ, đó là lý do các lái xe không dám “dành thời gian” đón khách.

Chúng tôi tiếp tục đợi và khi lực lượng cảnh sát giao thông đã lui về bốt, ngay sau đó chừng 7 phút có một xe dù tiếp cận chúng tôi. Chiếc xe Fortuner 7 chỗ BKS 37A 425… chạy chậm ngay sát lề đường và tài xế dồn dập hỏi “Yên Thành không, trả tận nơi, tận sân…”. Sau khi chúng tôi đồng ý, tài xế nhanh nhảu xuống xe dàn xếp khách để bố trí chỗ ngồi cho chúng tôi ở phía sau cùng. Mặc dù vậy, dọc đường hễ thấy có người nào đứng bên đường cầm balô, túi xách, hành lý… là tài xế ngay lập tức tấp vào hỏi những câu dường như đã trở thành cửa miệng đối với họ như “Yên Thành không ? Đưa đón tận nơi…”.

Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, chiếc xe này đã có mặt tại thị trấn Yên Thành mà không hề gặp một trở ngại nào từ cơ quan chức năng. Lúc này, tài xế mới hỏi mọi người xuống đâu và chiếc xe dù lúc này luồn lách vào tận các ngõ xóm để trả khách đúng địa điểm yêu cầu. Lái xe không nhận tiền trên xe mà khi khách trả đều đi vòng ra đằng sau để nhận với một thái độ rất khẩn trương. Sau khi lấy tiền, với tinh thần cảnh giác cao, đặc biệt với khách lạ và “hỏi hơi nhiều” như chúng tôi, lái xe không “nháy” số điện thoại cho chúng tôi như trước, mà chỉ dặn “nếu vô Vinh thì một rưỡi (1h30’ – PV) đứng đó anh qua cho đi”.

So với các xe khách đăng ký chạy tuyến cố định, các xe dù trốn được 10% thuế VAT, trốn phí bến bãi, thuế thu nhập, không cần đóng bảo hiểm cho hành khách và bớt rất nhiều chi phí khác (chi phí duy trì chất lượng phương tiện, đào tạo nâng cao tay nghề và đóng các loại bảo hiểm cho lái xe, phụ xe…), nên lợi nhuận rất cao. “Nhiều lái xe sau một thời gian chạy xe thuê đã vay mượn tiền mua xe cũ rồi để hoạt động xe dù. Những chiếc xe được mua lại với giá khoảng đắt nhất khoảng 300 triệu đồng và rẻ nhất khoảng 70 triệu đồng tùy đời và chất lượng xe”, ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết.

Chính vì hoạt động xe dù mang lại lợi nhuận cao nên các tài xế xe dù đã dùng mọi thủ đoạn để tăng cường hoạt động trái phép. Đó là dùng xe hợp đồng, xe du lịch để chở khách như xe chạy tuyến cố định, nhiều xe còn làm hợp đồng “rởm” để đối phó khi bị kiểm tra. Đơn cử vào cuối tháng 3/2019, lực lượng Thanh tra giao thông Sở GTVT tiến hành dừng xe BKS 37B-01259 khi phát hiện dấu hiệu chiếc xe này đón khách không đúng nơi quy định. Lái xe vội trình bản hợp đồng vận chuyển nhưng trong bản hợp đồng này không hề có danh sách hành khách, thời gian, điểm đi cũng như điểm trả khách, nhưng lại có chữ ký, con dấu của một hợp tác xã vận tải. Lái xe đã giải trình rằng, có 5-6 khách ở địa phương thuê vào Bệnh viện Nội tiết khám bệnh nên chủ quan không làm hợp đồng.

Theo lãnh đạo Thanh tra giao thông, những xe có phù hiệu hợp đồng nhưng lại bắt khách như xe dù không chỉ mang biển kiểm soát của Nghệ An, mà còn mang biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành khác nhau. Nhiều xe chạy trên đường không dán phù hiệu hợp đồng, kính 2 bên cũng được dán màu đen kín mít. “Mục đích xin phù hiệu hợp đồng là được đi vào đường cấm và trốn được tiền phí bến bãi. Ví dụ, một xe tuyến cố định, đón khách tại Bến xe Bắc Vinh đi Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) thì một lệnh khoảng 550 ngàn đồng. Các xe hợp đồng này trốn được 2 đầu, tức là khoảng 1,1 triệu đồng. Một tháng như vậy, các xe này trốn được hơn 30 triệu đồng/xe. Có những nhà xe có đến 6 xe, thậm chí 10 xe thì 1 tháng trốn được tiền phí bến bãi là rất lớn, 1 năm có thể từ đó mua được thêm 1 chiếc xe. Tiền trốn phí bến bãi đó, mỗi xe  đủ trả lương cho 1 phụ và 1 lái xe”, ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết thêm.

Qua danh sách xe bị xử phạt phía Thanh tra Sở GTVT cung cấp, thì nhiều xe đã bị xử phạt 8,5 triệu đồng/lần vi phạm, có những xe bị xử phạt 2 – 3 lần. Nhưng vì lỡ đầu tư nên lái xe vẫn bất chấp để chạy với mục đích bù lại số tiền đã đầu tư. Nếu đi xe dù thì mỗi tháng có thể kiếm được 10 – 15 triệu đồng, người siêng thì có thể kiếm được 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hiện tại cả nước có hơn 7.000 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch, với tổng số lượng phương tiện khoảng 35.000 xe. Chỉ cần một phần nhỏ số xe này hoạt động như xe khách trá hình, thì ngân sách Nhà nước đã bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Một con số khổng lồ!.

“Từ phổ thông thì hay gọi là xe dù, nhưng trong luật thì gọi là xe vận tải khách không có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Những xe có phù hiệu hợp đồng thì hoạt động như xe dù, chẳng qua xin phù hiệu để trá hình mà thôi”, ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An nói.